Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18 đến 24-12-2017)
TCCSĐT - Ngày 21-12, Hội đồng Liên minh châu Âu đã quyết định kéo dài thời hạn thực hiện những biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực kinh tế đặc thù của Nga đến ngày 31-7-2018, liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine từ hơn 3 năm qua. Những biện pháp này được cho là không những gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga mà còn có tác động ngược trở lại với các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).
Thiệt hại lớn từ các lệnh trừng phạt
Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ). Ảnh: AP
Trước quyết định này của EU, phía Nga đã tuyên bố lấy làm tiếc về quyết định của các nhà lãnh đạo EU. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông D. Peskov khẳng định, Nga sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ với EU mặc dù lệnh trừng phạt vẫn tiếp diễn.
Mối quan hệ giữa Nga và EU trở nên sóng gió kể từ sau khi xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. EU bắt đầu áp đặt trừng phạt Nga sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014. Kể từ đó đến nay, cứ mỗi 6 tháng các nhà lãnh đạo EU lại xem xét gia hạn trừng phạt Nga. Với lý do các điều khoản trong Thỏa thuận ngừng bắn Minsk năm 2015 nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được thực thi.
Các biện pháp trừng phạt của EU với Nga nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng, theo đó, các công ty châu Âu không được phép kinh doanh hoặc đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga trong khi các mối quan hệ tài chính cũng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các công ty châu Âu không được mượn hoặc cho 5 ngân hàng nhà nước lớn của Nga vay tiền trong hơn 30 ngày. Việc xuất khẩu một số thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng sang Nga cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ các nước thuộc EU. Đáp trả lại, Nga cũng đã có các lệnh cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước thành viên EU. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn tương ứng động thái từ phía EU với thời gian là 6 tháng.
Trong hơn 3 năm qua, các biện pháp trừng phạt qua lại lẫn nhau này đều gây thiệt hại kinh tế cho cả Nga và các nước EU. Mới đây trong báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc về vấn đề tác động tiêu cực của những biện pháp cưỡng bức đơn phương đối với việc thực hiện các quyền của con người (công bố hồi tháng 9-2017), kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế EU mỗi tháng chịu thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là đến nay, số tiền này đã lên tới hơn 100 tỷ USD, trong khi đó, tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD. Ngành khai thác dầu của Nga cũng bị ảnh hưởng mạnh. Thống kê cho thấy, sự sụt giảm đối với ngành sản xuất dầu và khí đốt ở Nga do các lệnh trừng phạt của EU lên đến 30%.
Có một thực tế là, tuy áp đặt trừng phạt Nga, song chính các nước EU lại muốn “giữ chân” Nga, bởi Nga là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của EU trong nhiều năm qua, đồng thời giữ quan hệ với Nga cũng sẽ bảo đảm nguồn cung năng lượng cho thị trường châu Âu. Do đó, trong năm 2017, tuy mối quan hệ giữa Nga và EU được đánh giá là “ổn định ở mức độ thấp”, nhưng kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tăng 25%, bất chấp các lệnh cấm vận. Ngoài ra, mối quan hệ này còn mở rộng ra ngoài khuôn khổ về thương mại. Dự kiến trong tháng 02-2018, hai bên sẽ tiến hành tham vấn về vấn đề Bắc Cực.
Mong muốn tạo thay đổi tích cực cho Chile
Ông Sebastian Pinera tại buổi tranh cử ở Santiago (Chile) ngày 14-12. Ảnh: xinhuanet.com
Với sự ủng hộ và kỳ vọng lớn từ người dân, cựu Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã tái đắc cử trong vòng hai của cuộc bầu cử. Bằng những cam kết thiết thực, ông S. Pinera muốn tạo ra những thay đổi tích cực cho quốc gia Nam Mỹ này, song để hoàn thành những cam kết đó không phải là việc có thể dễ dàng thực hiện.
Phát biểu sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ngày 18-12, ông S. Pinera cam kết sẽ giữ nguyên mô hình kinh tế hiện nay của Chile, giảm mạnh thuế, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện nền giáo dục và y tế, cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Ông S. Pinera nhấn mạnh thêm sau khi nhậm chức tổng thống, ông sẽ không tham gia vào việc quản lý hay điều hành của bất kỳ tập đoàn nào, đồng thời sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để hoàn toàn tách biệt vai trò của mình với tư cách tổng thống.
Ông S. Pinera sẽ đảm nhận cương vị Tổng thống Chile trong 4 năm tới, kể từ tháng 3-2018 khi Tổng thống J. Bachelet mãn nhiệm. Khi được bầu làm Tổng thống Chile vào tháng 01-2010, ông S. Pinera đã cam kết sẽ trở thành một chính trị gia khác biệt. Trong suốt nhiệm kỳ 2010 - 2014, cùng với những nỗ lực của chính phủ, cả đất nước Chile đã mạnh mẽ đương đầu với nhiều thách thức, thảm họa nhằm khắc phục những tổn thất to lớn và đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, có thể kể đến việc 90% các trường học, bệnh viện, nhà ở, cảng biển, sân bay, đập chứa nước, đường quốc lộ, cầu cống bị tàn phá bởi động đất và sóng thần đã vận hành trở lại sau công cuộc xây dựng và tái thiết.
Trong giai đoạn ông S. Pinera nắm quyền lãnh đạo đất nước, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Chile đã tăng trưởng trung bình hằng năm là 5,8%, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó và vượt xa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình của khu vực Mỹ Latinh và thế giới. Năm 2010, Chile đã trở thành quốc gia Mỹ Latinh duy nhất gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - nhóm bao gồm 34 nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Chile cũng đã được cải thiện rõ rệt, từ mức 15.000 USD năm 2009 lên gần 20.000 USD vào năm 2010. 800.000 việc làm mới đã được tạo thêm, cao gần gấp đôi giai đoạn trước. Tiền lương thực tế của người lao động đã tăng 10%, tỷ lệ tăng cao nhất thuộc về tầng lớp có thu nhập thấp. Tiến trình hội nhập của đất nước cũng đạt được nhiều thành tựu, xuất khẩu của Chile đã tăng trên 40%, từ 55 tỷ USD lên gần 80 tỷ USD. Chính vì vậy, bước vào cuộc chạy đua ghế Tổng thống lần hai, ông S. Pinera có được lợi thế lớn nhờ những thành tựu mà chính phủ của ông đã đạt được. Có thể nói, kế hoạch điều hành đất nước của ông trong cương lĩnh tranh cử khá thấu đáo, tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa toàn bộ kế hoạch này phụ thuộc phần lớn vào khả năng điều hành đất nước của nhà lãnh đạo mới của Chile trong 4 năm tới.
Thắng lợi pháp lý quan trọng
Thượng Nghị sĩ Mitch McConnell cùng đảng Cộng hòa sau khi thông qua dự luật cải cách thuế. Ảnh: The New York Times
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ vừa thông qua dự luật cải cách thuế mang tên “Đạo luật việc làm và cắt giảm thuế” ngày 20-12. Đây được coi là một thắng lợi pháp lý quan trọng trong năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống D. Trump.
Theo dự luật cải cách thuế, đa số người Mỹ sẽ được giảm thuế, nhưng thành phần được hưởng lợi nhiều nhất là những người giàu có. Trung tâm Chính sách Thuế, một cơ quan nghiên cứu độc lập, hôm 18-12 kết luận, dự luật cải cách sẽ cắt giảm thuế cho 95% người Mỹ trong năm 2018, nhưng mức giảm thuế trung bình cho thành phần có thu nhập cao nhất vượt xa mức giảm thuế cho những người có thu nhập thấp. Trong khi đó, mức thuế đối với các doanh nghiệp giảm từ mức 35% xuống còn 20%. Dự luật này sẽ hủy bỏ một phần Đạo luật Chăm sóc Y tế giá rẻ (Obamacare) và tăng mức nợ liên bang lên gần 1.500 tỷ USD trong thập niên tới.
Do Thượng viện Mỹ ra phán quyết rằng, 3 điều khoản của dự luật này không phù hợp với các quy tắc về hòa giải ngân sách mà phe Cộng hòa đang sử dụng để vượt qua sự cản phá của phe Dân chủ, nên Hạ viện sẽ phải tiến hành bỏ phiếu lần 2 đối với dự luật này. Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng Hạ viện sẽ vẫn thông qua dự luật trên. Khi đó, dự luật sẽ được chuyển cho Tổng thống D. Trump để ký ban hành luật.
Ngay sau khi Thượng viện bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách thuế, trong một phát biểu đăng trên Twitter, Tổng thống D. Trump cho biết, hiện dự luật đã được đưa lại về Hạ viện. Nếu được Hạ viện thông qua như dự kiến, ông sẽ tiến hành họp báo tại Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ cũng đã hoan nghênh việc hai viện quốc hội thông qua dự luật cải cách thuế, coi đây là một “chiến thắng lịch sử” của người dân Mỹ. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện P. Ryan cho rằng, biện pháp này sẽ tạo ra sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của người dân Mỹ bình thường.
Giới chức Mỹ hy vọng dự thảo luật cải cách thuế sẽ là yếu tố thu hút các công ty đa quốc gia của Mỹ trở về nước đầu tư và hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Mỹ, thay vì hoạt động ở nước ngoài để tránh những khoản thuế lớn theo quy định thuế hiện hành của nước này. Nhờ đó mà thị trường lao động Mỹ sẽ tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập của người lao động cũng tăng theo. Tuy nhiên, cho đến nay, những người phản đối chính sách cải cách thuế cho rằng, sau khi thu được lợi nhuận cao, các công ty sẽ sử dụng nguồn lợi nhuận này vào các mục đích khác, thay vì đầu tư phát triển kinh tế. Dẫu còn nhiều hoài nghi, song với việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế, Tổng thống D. Trump đã có bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu cải tổ toàn diện hệ thống thuế của nước Mỹ.
Đảng ANC (Nam Phi) khẳng định uy tín và vị thế
Ông Cyril Ramaphosa được bầu làm Chủ tịch mới đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Ảnh: The Citizen
Đại hội lần thứ 54 đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền của Nam Phi (diễn ra tại Johanesburg) đã bầu ông Cyril Ramaphosa làm Chủ tịch mới của đảng. Nhà lãnh đạo mới của ANC sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng này trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2019 và nhiều khả năng sẽ thay thế vị trí hiện nay của Tổng thống J. Zuma.
ANC được thành lập ngày 08-01-1912, tại thành phố Bloemfontein, để đấu tranh cho quyền lợi của người da đen ở Nam Phi. Năm 1961, ANC bị chính quyền Apartheid cấm hoạt động, nhà lãnh đạo của ANC - ông Nelson Mandela bị bắt giam và nhận án tù chung thân vì những hoạt động vũ trang chống chính phủ. Đến tháng 02-1990, Chính phủ lâm thời đã hợp pháp hóa ANC và vị lãnh tụ của phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid của nhân dân Nam Phi, ông Nelson Mandela được trả tự do sau 27 năm bị cầm tù. Ngày 27-4-1994 đã diễn ra cuộc bầu cử đầu tiên đa sắc tộc tại đất nước này.
Hơn 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo của ANC, nhân dân Nam Phi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chế độ mới. Đời sống các tầng lớp nhân dân đã được cải thiện đáng kể và khoảng cách giàu nghèo đã được thu hẹp, đặc biệt, tất cả công dân Nam Phi đều bình đẳng trước pháp luật. Đảng ANC luôn nhận được sự tín nhiệm cao của nhân dân trong các cuộc tổng tuyển cử. Hầu hết cương lĩnh, các mục tiêu của Đảng đưa ra đã được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả khả quan. Nhiều chính sách kinh tế, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng nghèo, đã được quan tâm và hỗ trợ.
Có thể thấy, từ một đất nước chìm trong chế độ phân biệt chủng tộc, Nam Phi ngày nay dưới sự lãnh đạo của ANC trở thành một quốc gia phát triển hàng đầu tại châu Phi với uy tín và vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Nam Phi trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu lục này và gia nhập Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), là thành viên chính thức của tổ chức các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS). Với những thế mạnh trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng nền văn hóa giàu bản sắc, đất nước Nam Phi sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa, đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Các nước tiếp tục kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố về Jerusalem
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: UN
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố ngày 06-12-2017 về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tuy nhiên, bất chấp việc 14 thành viên của Hội đồng Bảo an ủng hộ, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ lời kêu gọi trên. Những quyết định này của Mỹ đang làm thổi bùng nguy cơ gây ra làn sóng phản ứng dữ dội chống lại Israel, đồng thời có khả năng kích động các hoạt động chống lại các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông.
Bản dự thảo nghị quyết vừa được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra bỏ phiếu ngày 18-12 do Ai Cập soạn thảo. Dự thảo này nhấn mạnh Jerusalem là vấn đề “phải được giải quyết thông qua đàm phán” và “lấy làm tiếc về các quyết định mới đây liên quan đến quy chế của Jerusalem”. Dự thảo khẳng định, “bất cứ quyết định và hành động nào nhằm làm thay đổi đặc điểm, quy chế hay thành phần nhân khẩu học của Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý, không có giá trị và phải bị hủy bỏ”. Bên cạnh đó, dự thảo cũng kêu gọi các nước không thiết lập các phái bộ ngoại giao tại Jerusalem, theo Nghị quyết 478 (năm 1980) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và không công nhận bất cứ hành động hay biện pháp nào trái với các nghị quyết về quy chế của thành phố này.
Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc này được xem là hành động đáp trả mạnh mẽ nhất đối với “quyết định Jerusalem” của chính quyền Tổng thống D. Trump. Mục đích của dự thảo được xem là nhằm củng cố những nguyên tắc đã có trong việc giải quyết vấn đề Palestine - Israel, theo đó, tình trạng Jerusalem sẽ được xác định trong các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước đã có phản ứng về việc Mỹ phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Jerusalem. Bộ Ngoại giao Ai Cập lấy làm tiếc trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Các nước Arab trong Liên hợp quốc dự kiến sẽ họp bàn để đánh giá tình hình và xác định các bước tiếp theo nhằm bảo vệ quy chế của Jerusalem. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố việc Mỹ bỏ phiếu phủ quyết, trong khi 14 thành viên còn lại của Liên hợp quốc đều bỏ phiếu ủng hộ, cho thấy Washington một lần nữa đã đánh “mất đi sự khách quan”. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bị “vô hiệu hóa” bởi kết quả bỏ phiếu là “không thể chấp nhận”. Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc M. Rycroft khẳng định, Anh không đồng ý với quyết định đơn phương của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán đến thành phố tranh chấp này.
Có thể thấy, việc xác định tình trạng của Jerusalem được xem là nút thắt quan trọng trong giải pháp “hai nhà nước” Palestine - Israel nói riêng và trong tiến trình hòa bình Trung Đông nói chung. Lâu nay, Israel luôn cho rằng, Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn và không bị chia cắt, muốn tất cả các quốc gia thiết lập đại sứ quán tại đây. Trong khi đó, Palestine lại luôn cho rằng, thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai sẽ là Đông Jerusalem - nơi bị Israel chiếm giữ từ năm 1967. Vào tháng 12-2016, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã từng thông qua một nghị quyết trong đó nhấn mạnh, “Liên hợp quốc sẽ không công nhận bất cứ thay đổi nào đối với các ranh giới được vạch ra ngày 04-6-1967, bao gồm cả Jerusalem, trừ khi chúng được nhất trí thông qua đàm phán”. Nghị quyết này cũng được 14 phiếu ủng hộ và 1 phiếu trống do Mỹ vắng mặt.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, tuy kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 18-12 vừa qua về việc kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel không có tác động ảnh hưởng tới địa vị pháp lý của Jerusalem, song thông qua cuộc bỏ phiếu lần này cũng đã cho thấy sự cô lập của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 18 đến ngày 24-12-2017)  (25/12/2017)
Chủ tịch nước: Không để phát sinh khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài  (25/12/2017)
Ngân sách của Liên hợp quốc tiếp tục bị cắt giảm giai đoạn 2018-2019  (25/12/2017)
Bức tranh toàn cảnh vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2017  (25/12/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên