Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến 18-12-2017)
TCCSĐT - Ngày 12-12, Hội nghị Thượng đỉnh “Một hành tinh” dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Pháp và Ngân hàng Thế giới (WB) đã diễn ra tại Paris (Pháp). Hội nghị được đánh giá khá thành công khi đưa ra được nhiều cam kết quan trọng của các nhà đầu tư, các ngân hàng, đặc biệt là trong việc rút vốn khỏi các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Nỗ lực chuyển sang “nền kinh tế sạch”
Hội nghị Thượng đỉnh “Một hành tinh” tổ chức tại Paris (Pháp). Ảnh: Gettyimages
Tại Hội nghị, 4.000 đại biểu và 800 tổ chức tham dự đã thảo luận về cách thức cấp vốn để khuyến khích các quốc gia hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm, cũng như cách thức hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu như siêu bão, nước biển dâng... Hội nghị đã nêu bật 3 mục tiêu gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, huy động tài chính công và tư.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Tổng thống Pháp E. Macron cảnh báo: “Chúng ta đang thua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”. Tổng thống Pháp nhận định, hai năm sau khi đặt ra mục tiêu về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, những gì đã làm được vẫn còn quá ít. Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres nhấn mạnh cần phải làm tất cả để các nước giàu tôn trọng cam kết của họ là tài trợ 100 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2020 cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến toàn cầu này. Trong khi đó, Chủ tịch WB Kim tuyên bố sẽ ngừng cấp vốn cho các dự án thăm dò, khai thác dầu khí kể từ năm 2019 nhằm khuyến khích nỗ lực toàn cầu chuyển sang “nền kinh tế sạch” và kiềm chế sự nóng lên của Trái Đất.
Kết thúc Hội nghị, 12 dự án tài trợ đã được công bố, tập trung vào những ưu tiên tiến tới chuyển đổi và phát triển carbon thấp; tăng cường thích ứng và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đoàn kết và nâng cao năng lực của các quốc gia, nhất là các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, một nhóm gồm 225 nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm Tập đoàn Ngân hàng HSBC và Tập đoàn Bảo hiểm Pháp AXA cũng đã khởi động sáng kiến “Hành động vì Khí hậu 100+”. Sáng kiến này sẽ kéo dài 5 năm nhằm giám sát hành động của 100 tập đoàn thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất.
Với hy vọng đạt được một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu mang tính lịch sử, đã nhiều lần các nhà đàm phán quốc tế gặp nhau tại các hội nghị về biến đổi khí hậu (COP) hàng năm của Liên hợp quốc, nhưng đã phải ra về trong thất vọng. Trong đó, thất bại của Hội nghị COP15 tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009, đã để lại vị đắng khó quên với các nhà đàm phán và phần nào làm giảm ý chí của những người luôn nỗ lực phấn đấu vì một môi trường sống bền vững. Tại Hội nghị COP17 ở Durban (Nam Phi) năm 2011, các nhà lãnh đạo thế giới thêm một lần nữa lại bỏ lỡ cơ hội, không thể đạt được một thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào cuối tháng 12-2012, trong khi những tác động của biến đổi khí hậu đã chạm ngưỡng đáng báo động. Với những nỗ lực không mệt mỏi, ngày 12-12-2015, 195 nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đạt nhất trí về Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, theo đó cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đặt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định sẽ cần phải đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào công nghệ năng lượng sạch mới có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris. Do vậy, việc công bố 12 dự án được tài trợ tại Hội nghị lần này được đánh giá là cơ hội để các nước đạt được những bước tiến cụ thể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu còn nhiều cam go và thách thức.
Chiến thắng của PSUV tạo nhiều thuận lợi cho Tổng thống Venezuela
Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền giành thắng lợi. Ảnh: telesurtv.net
Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra ngày 10-12. Đây có thể được xem là tiền đề quan trọng cho Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro bước vào cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào năm 2018.
Phát biểu tại một cuộc mít tinh ở thủ đô Caracas ngày 11-12, Tổng thống N. Maduro tuyên bố, PSUV cầm quyền đã giành được hơn 300 trên tổng số 335 ghế Thị trưởng tại nước này, tăng so với 242 ghế hiện nay.
Hồi trung tuần tháng 10 vừa qua, PSUV cũng đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử thành viên cơ quan Quốc hội lập hiến, cũng như bầu cử thống đốc bang, theo đó thành viên PSUV đã giành thắng lợi tại 18 bang, trong khi liên minh Bàn Đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập chỉ thắng tại 5 bang. Trước thắng lợi này, Tổng thống N. Maduro đã kêu gọi các chính trị gia vừa giành thắng lợi cùng góp sức đương đầu với cuộc chiến tranh kinh tế do các thế lực thù địch đang tiến hành chống phá chính phủ, thúc đẩy phát triển và củng cố lực lượng cách mạng. Ông N. Maduro cũng gửi lời chúc mừng thắng lợi của ứng cử viên PSUV Omar Prieto, người đã giành được chức thống đốc bang Zulia với 57% số phiếu ủng hộ. Vị trí này trước đó đã bị Quốc hội lập hiến Venezuela ra lệnh bỏ trống sau khi người chiến thắng thuộc phe đối lập Juan Pablo Guanipa từ chối tuyên thệ trước cơ quan Quốc hội lập hiến trong cuộc bầu cử thống đốc bang hôm 15-10 vừa qua.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, hơn 9 triệu cử tri, tương ứng hơn 47% số cử tri cả nước, đã đi bỏ phiếu bầu 335 thị trưởng trên cả nước và thống đốc bang Zulia. Hơn 16 tổ chức chính trị cùng hơn 1.500 ứng cử viên tham gia tranh cử lần này. Tuy nhiên, 3 đảng đối lập gồm Ý nguyện nhân dân (VP), Hành động Dân chủ (AD) và Công lý thứ nhất (PJ) không tham gia cuộc bầu cử này vì cho rằng Ủy ban bầu cử quốc gia thiên vị đảng cầm quyền. Sau khi thực hiện quyền cử tri trong cuộc bầu cử địa phương, Tổng thống N. Maduro tuyên bố, với việc tẩy chay không tham cuộc bầu cử lần này, những đảng đối lập đã tự tước đi của mình quyền được tham gia cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào năm 2018. Thắng lợi của Đảng PSUV cầm quyền là một kết quả không gây bất ngờ bởi liên minh đối lập đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết và chính điều này đã góp phần gia tăng lợi thế cho chính phủ và đảng cầm quyền. Kết quả cuộc bầu cử đã cho thấy, sau 6 tháng đất nước chìm trong tình trạng căng thẳng với các cuộc biểu tình chống và ủng hộ chính phủ diễn ra thường xuyên, Tổng thống N. Maduro dường như đã giành lại được quyền kiểm soát tình hình và tăng cường vai trò lãnh đạo tại Venezuela.
Theo các nhà phân tích, nếu cuộc bầu cử lần này là cơ hội để người dân thể hiện sự đồng tình hoặc không đồng tình với những gì đang diễn ra tại đất nước Nam Mỹ này, thì quá trình tái thiết và đưa Venezuela ra khỏi khủng hoảng sẽ đòi hỏi chính quyền của Tổng thống N. Maduro gạt bỏ những tranh đấu với phe đối lập và cùng nhau tìm giải pháp, nhằm khôi phục ánh hào quang một thời của quốc gia này. Và chiến thắng của PSUV trong cuộc bầu cử địa phương được kỳ vọng sẽ vực dậy một Venezuela đang khó khăn về mọi mặt.
Tây Phi đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố
Các đại biểu dự Hội nghị Thượng đỉnh giữa Pháp và các nước thành viên G5 tại thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: UN Photos
Nhằm mục đích tìm biện pháp giúp lực lượng quân sự 5 quốc gia khu vực Sahel thuộc Tây Phi hoạt động có hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, ngày 13-12 đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh giữa Pháp với các nước thành viên G5 tại thủ đô Paris (Pháp).
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các phiến quân Hồi giáo thời gian qua đã giành được những thắng lợi quân sự nhất định ở Tây Phi, trong khi lực lượng quân đội của các chính phủ trong khu vực đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tại Hội nghị, Tổng thống Pháp E. Macron và các nhà lãnh đạo G5 Sahel gồm Burkina Faso, Cộng hòa Chad, Mali, Mauritania và Niger, phái đoàn đại diện Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) cùng nhiều tổ chức quốc tế đã thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố và những khó khăn trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố tại khu vực Tây Phi. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống E. Macron cho biết sẽ duy trì sự hiện diện của quân đội Pháp trong vùng Sahel, đồng thời hợp tác với khu vực Sahel cho đến khi không còn mối đe dọa khủng bố ở đây. Tổng thống E. Macron cũng cho biết, việc tăng tốc chiến dịch quân sự, trợ giúp phát triển kinh tế vùng Sahel nghèo khó cũng tiếp tục nằm trong chiến lược của Pháp. Trong khi đó, Thủ tướng Đức A. Merkel nhấn mạnh việc thành lập một lực lượng quân sự chống khủng bố ở Sahel là vấn đề khẩn cấp. Thủ tướng A. Merkel cho rằng, các khoản viện trợ phát triển mà Đức và các nước khác dành cho Sahel là “vô ích nếu người dân không được sống trong hòa bình”. Về phần mình, các nước G5 Sahel và phái đoàn đại diện AU cho rằng, việc Pháp cam kết tăng cường chiến dịch chống các nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoành hành ở khu vực Sahel ở Tây Phi có ý nghĩa hết sức quan trọng, đồng thời cần phải đẩy nhanh các nỗ lực để bảo đảm an ninh cho toàn vùng Sahel. Kết thúc Hội nghị, Tổng thống E. Macron cho biết, Pháp sẽ tăng mức viện trợ phát triển cho khu vực Sahel châu Phi bao gồm cả khoản hỗ trợ cho lực lượng chống khủng bố G5 khoảng 200 triệu euro (tương đương 231 triệu USD), tức tăng thêm 1/3 mức viện trợ phát triển hiện nay cho khu vực này là 600 triệu euro, theo đúng cam kết hồi tháng 11 vừa qua.
Thực tế cho thấy, an ninh ở vùng Sahel luôn được Pháp đặt ưu tiên. Các nhà lãnh đạo Pháp từng tuyên bố, cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại khu vực Sahel cũng chính là cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại Pháp. Còn các nước châu Âu cũng lo ngại rằng, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, các tay súng thánh chiến ở khu vực Sahel sẽ mở rộng địa bàn hoạt động và đe dọa trực tiếp an ninh và lợi ích của các nước phương Tây. Cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Sahel đòi hỏi những giải pháp cần thiết và các nước châu Phi cần sự hỗ trợ từ châu Âu khi mối đe dọa an ninh đang là thách thức chung đối với cả hai châu lục. Chính vì vậy, hội nghị thượng đỉnh giữa Pháp với các nước G5 Sahel tiếp tục cho thấy vai trò quan trọng của Pháp nói riêng, châu Âu nói chung cũng như cả cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố tại châu Phi.
FED tiếp tục tăng lãi suất, nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2018
Sàn chứng khoán New York. Ảnh: michigansthumb.com
Ngày 13-12 (theo giờ Việt Nam), các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản trong bối cảnh kinh tế và thị trường lao động Mỹ đang có những dấu hiệu cải thiện, đồng thời tăng mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018. Đây là đợt nâng lãi suất lần thứ ba của FED từ đầu năm đến nay.
Theo đó, với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của FED quyết định nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25 điểm phần trăm, nằm trong khoảng từ 1,25% đến 1,5%. Mức lãi suất này sẽ được áp dụng cho một loạt các công cụ nợ, chẳng hạn như thẻ tín dụng hay cầm cố lãi suất có điều chỉnh (ARM). Ngoài ra, giới chức FED vẫn tiếp tục dự kiến sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2018. Các thành viên của FOMC cũng nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 lên 2,5%, so với mức 2,1% được đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 9.
Trong một động thái khác có thể siết chặt các điều kiện về tiền tệ, FED xác nhận sẽ đẩy mạnh tốc độ hàng tháng thu hẹp bảng cân đối theo kế hoạch từ 10 tỷ USD lên tới 20 tỷ USD (bắt đầu từ tháng 01-2018).
Bình luận về việc nâng triển vọng kinh tế Mỹ năm tới, Chủ tịch sắp mãn nhiệm của FED, bà J. Yellen nhận định: “Sự thay đổi này phản ánh kỳ vọng của FED về việc thị trường lao động tiếp tục vững mạnh, việc làm mới tiếp tục được tạo ra, có nhiều cơ hội cho người lao động và tiền lương cũng tăng lên”. Với quyết định tăng lãi suất lần thứ ba được đưa ra, FED đã cho thấy mức độ tự tin của cơ quan này đối với nền kinh tế Mỹ. Trong những tháng gần đây, mặc dù hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những cơn bão mạnh nhất trong vòng 50 năm qua gây ra, nhưng không làm thay đổi triển vọng tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế Mỹ. Theo số liệu thống kê do Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong quý III-2017, kinh tế nước này đạt nhịp độ tăng trưởng 3,3%, mức tăng cao nhất kể từ quý III-2014, đồng thời cao hơn mức dự đoán 3% trước đó và nhỉnh hơn mức tăng 3,1% của quý trước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2014, nền kinh tế số 1 thế giới tăng trưởng từ 3% trở lên trong hai quý liên tiếp. FED cũng dự báo tăng trưởng GDP quý IV ở mức tương tự. FED còn dự báo tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,9% trong các năm 2018 và 2019, thấp hơn 20% so với những con số trước đó. Mặc dù vậy, thách thức mà FED phải đối mặt trong quá trình tăng lãi suất hiện nay là cân bằng giữa một bên là tỷ lệ thất nghiệp thấp và một bên là mức lạm phát thấp. Thất nghiệp giảm tạo điều kiện cho FED đẩy nhanh việc tăng lãi suất, nhưng nếu việc nâng lãi suất diễn ra quá nhanh và quá mạnh, kinh tế Mỹ có thể rơi vào giảm phát.
Nhiều chuyên gia dự báo rằng, FED sẽ nâng lãi suất thêm bốn lần trong năm 2018 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và chương trình cải cách thuế. Trong khi đó, các ngân hàng gồm Bank of America Merrill Lynch, BNP Paribas, Citi, Morgan Stanley, Nomura và Societe Generale dự báo Fed sẽ nâng lãi suất ba lần trong năm 2018, với mức lãi suất mục tiêu có thể đạt 2,1% vào cuối năm.
Tăng cường hợp tác Nga - Ai Cập
Tổng thống Nga V. Putin và người đồng cấp nước chủ nhà Abdel Fattah al-Sisi. Ảnh: Gettyimages
Tổng thống Nga V. Putin đã thực hiện chuyến thăm chính thức lần thứ hai tới Ai Cập trong vòng 3 năm qua. Chuyến công du của Tổng thống V. Putin phản ánh mối quan hệ đang có xu hướng thắt chặt gần đây giữa Nga và Ai Cập, một đối tác chiến lược của Mỹ tại Trung Đông.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 11-12, Tổng thống V. Putin đã có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Abdel Fattah al-Sisi, thảo luận về hợp tác song phương như việc nối lại các chuyến bay từ Nga tới Ai Cập, dự án xây dựng nhà máy hạt nhân Dabaa của Ai Cập, hợp tác chống khủng bố… và tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi như tình hình tại Yemen, cuộc xung đột tại Syria, khủng hoảng chính trị tại Libya, căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh, những diễn biến mới trong tiến trình hòa bình Palestine - Israel cũng như những vấn đề quốc tế cùng quan tâm khác.
Trong cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống V. Putin và Tổng thống Ai Cập al-Sisi đã thống nhất tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan hai nước nhằm nỗ lực đương đầu với chủ nghĩa khủng bố. Liên quan tới tình hình khu vực, Tổng thống al-Sisi tái khẳng định lập trường của Ai Cập bác bỏ quyết định của Tổng thống Mỹ D. Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tới đây, mô tả động thái này là “leo thang nguy hiểm”. Về phần mình, Tổng thống V. Putin cho rằng cần giữ nguyên tư cách pháp lý của Jerusalem trong khuôn khổ các tài liệu tham khảo quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, tránh làm phức tạp tình hình trong khu vực.
Đối với tình hình Yemen, Tổng thống al-Sisi cho rằng, Ai Cập không có kế hoạch triển khai quân đội tới đây, khẳng định tình trạng giao tranh vũ trang phải chấm dứt và các bên phải giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, đồng thời cảnh báo tình hình hiện nay tại Yemen là “đáng lo ngại”. Tổng thống V. Putin cũng kêu gọi một giải pháp chính trị dựa trên nỗ lực của Liên hợp quốc và sáng kiến hòa bình vùng Vịnh nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người Yemen đang phải hứng chịu. Liên quan đến cuộc xung đột ở Syria, Tổng thống Ai Cập al-Sisi nhấn mạnh một thỏa thuận chính trị là cách duy nhất để chấm dứt khủng hoảng hiện nay, đồng thời cho rằng, việc tạo ra các khu vực giảm leo thang là một công cụ quan trọng để khuyến khích một giải pháp chính trị. Trong khi đó, Tổng thống V. Putin tuyên bố đồng ý với Tổng thống Ai Cập tăng cường phối hợp giữa hai nước giúp sớm giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Quan hệ hợp tác song phương giữa Nga và Ai Cập thời gian qua được triển khai khá toàn diện, từ quân sự, năng lượng, đến sản xuất công nghiệp, hợp tác giao thông vận tải, phát triển thương mại liên chính phủ và khoa học - kỹ thuật… Ai Cập - đất nước đông dân nhất thế giới Arab - là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm của Nga. Cairo cũng tăng cường xuất khẩu nông sản sang Moscow. Các nhà phân tích cho rằng, với vị thế là một quốc gia “có tiếng nói” trong khu vực, Ai Cập được đánh giá là cánh cửa giúp Nga khôi phục vị thế và mở rộng không gian ảnh hưởng tại Trung Đông và Bắc Phi. Chính vì vậy, chuyến thăm Ai Cập lần này của Tổng thống V. Putin sẽ góp phần vào việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực./.
Hội Nông dân Việt Nam với vai trò làm cầu nối giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới  (19/12/2017)
Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông  (19/12/2017)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào thăm hữu nghị chính thức Việt Nam  (19/12/2017)
Nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng  (19/12/2017)
Thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện cho phát triển công nghiệp  (19/12/2017)
Đưa điện lưới quốc gia về bản trắng điện  (19/12/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên