TCCSĐT - Hội thảo “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cơ hội và thách thức” do Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức, trong khuôn khổ chương trình hoạt động chính của Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2017, đã diễn ra tại thành phố Cần Thơ ngày 24-11-2017.

Tham dự Hội thảo có khoảng 120 đại biểu đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các nhà khoa học, doanh nhân, hợp tác xã nông nghiệp và nông dân các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam nhấn mạnh: Hội thảo nhằm tạo điều kiện cho các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và nông dân trao đổi, thảo luận, nhận diện những cơ hội, thách thức, những “điểm nghẽn” trong tiến trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Trên cơ sở đó, Hội thảo đề xuất một số định hướng, giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn”, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, hằng năm đóng góp khoảng 55% sản lượng lương thực, cung cấp hơn 95% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 65% sản lượng thủy sản nuôi và trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học trong vùng đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa, cây ăn trái, thủy sản, nhờ đó năng suất, chất lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi ngày càng được cải thiện, nâng cao. Trong số 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 2 khu nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Tuy nhiên, nhìn chung, tiến trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở đồng bằng sông Cửu Long đang vướng nhiều “điểm nghẽn”, việc triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

TS. Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nêu ra 4 “điểm nghẽn” là: Nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, nông dân về nông nghiệp công nghệ cao và thị trường khoa học - công nghệ còn nhiều bất cập, chưa đúng; quy hoạch không gian và yêu cầu tích hợp trong quy hoạch pháp triển các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao ở đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế; chưa có tiềm lực đầu tư đủ mạnh và chưa có không gian đủ lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thị trường tiêu thụ, hệ thống tiêu thụ còn yếu, thiếu tính ổn định, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho nông sản công nghệ cao chưa rõ ràng.

Theo ông Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua gặp khó khăn còn do các yếu tố: hiện trạng ruộng đất manh mún; nguồn vốn đầu tư đòi hỏi cao, trong khi khả năng của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân có hạn; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm kết nối với các cơ quan nghiên cứu khoa học để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; nhiều hộ nông dân thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản nên ngại đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

GS,TS. Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, khó khăn lớn nhất trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay là vốn đầu tư cho công nghệ cao không hề nhỏ nhưng thị trường đầu ra của sản phẩm lại không chắc chắn. Quỹ đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) cho sản xuất nông nghiệp và nghiên cứu thị trường còn rất hạn chế nên không tạo động lực liên kết giữa doanh nghiệp nông nghiệp với các nhà khoa học; không tạo được sự gắn kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp công nghệ cao từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Để tháo gỡ những khó khăn, “điểm nghẽn”, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và đồng bộ các văn bản pháp luật để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các chính sách về đất đai, tín dụng, ưu đãi đầu tư, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, bảo hiểm nông nghiệp,…

Hai là, quy hoạch lại sản xuất theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn kết với cung - cầu trên thị trường. Các địa phương tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp và nông dân, giữa nông dân với nông dân để hình thành mối liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản công nghệ cao.

Ba là, cơ cấu lại ngành nông nghiệp của vùng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao với không gian hợp lý, vượt thoát khỏi rào cản địa giới hành chính huyện, tỉnh; quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần bảo đảm tính hài hòa trong phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản, ưu tiên chuỗi nông sản chủ lực của vùng là lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra.

Bốn là, xây dựng thí điểm các khu nông nghiệp công nghệ cao dựa vào những tiến bộ khoa học - công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học. Đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, bảo quản, sản xuất vật tư nông nghiệp, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong các khâu của chuỗi sản xuất.

Năm là, quan tâm phát triển thị trường và nguồn nhân lực. Thị trường của nông nghiệp công nghệ cao bao gồm cả thị trường trong và ngoài nước, thị trường nông sản và thị trường khoa học - công nghệ. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và đầu tư mạnh hơn cho các cơ sở khoa học có tiềm lực mạnh về đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó cần đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế và tạo nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân đầu tư mạnh mẽ hơn trong nông nghiệp, nông thôn nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng./.