TCCSĐT - Ngày 24-11-2017, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo: “Phát triển và quản lý thương mại biên giới vùng Tây Bắc: Mô hình và giải pháp”.

Thương mại biên giới là một bộ phận cấu thành trong hệ thống thương mại của một quốc gia, không chỉ có vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng mà còn góp phần mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước có chung đường biên giới.

Trong dải biên giới nói chung của Việt Nam, có thể nói Tây Bắc là vùng khó khăn nhất. Đặc biệt, vùng này hội tụ cả 3 yếu tố: miền núi, vùng cao và biên giới. Thương mại biên giới vùng Tây Bắc có vai trò quan trọng bởi các tỉnh miền núi khu vực này chiếm một diện tích rộng lớn, giàu có về tiềm năng và lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Do vậy, Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, ngày 12-6-2017, của Quốc hội quy định rõ, cần sớm xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý thương mại biên giới, trong đó cần có những chính sách, ưu đãi riêng về mặt hàng để phát triển thương mại biên giới vùng Tây Bắc. Những mặt hàng này không phải đáp ứng đầy đủ những quy định hiện hành về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua bán gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

Với mục tiêu như vậy, Hội thảo đã tập trung vào các nội dung chính như: Thực trạng và tiềm năng phát triển hệ thống cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn Tây Bắc; An ninh biên giới và thực trạng buôn lậu ở khu vực biên giới Tây Bắc; Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển và quản lý thương mại (hàng hóa và dịch vụ) biên giới vùng Tây Bắc; Hợp tác thương mại biên giới 4 tỉnh biên giới Tây Bắc (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Những bổ sung liên quan đến những giải pháp cụ thể để làm tăng quy mô kim ngạch trong tương lai; Những giải pháp cụ thể chi tiết liên quan để hạn chế buôn lậu qua biên giới vùng Tây Bắc…

Bên cạnh những giải pháp cụ thể, như: Có chính sách mặt hàng riêng trong hoạt động thương mại biên giới vùng Tây Bắc; tiếp tục phát triển chủng loại hàng hóa trong hoạt động thương mại biên giới vùng Tây Bắc…, các đại biểu cho rằng, cần phải sớm đổi mới Chương trình xúc tiến thương mại biên giới theo hướng hỗ trợ thâm nhập và mở rộng thị trường. Điều 11 của Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ, về Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã quy định rõ nội dung Chương trình xúc tiến thương mại miền núi và hải đảo, tuy nhiên, các hình thức này mới chỉ dừng lại ở các hội chợ, phiên chợ hàng Việt. Vì vậy, hoạt động thương mại biên giới được quy định tại Quyết định này tác động chưa nhiều đến việc thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, nhất là hoạt động thương mại biên giới vùng Tây Bắc. Do vậy, cần phải đổi mới hoạt động của Chương trình này theo hướng: Xây dựng hệ thống phân phối những mặt hàng cụ thể từ vùng sản xuất đến khu vực cửa khẩu vùng Tây Bắc để xuất khẩu; tổ chức các hoạt động giao, nhận, vận chuyển và dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu Tây Bắc tại từng vùng cửa khẩu cụ thể; xây dựng chiến lược và kế hoạch xuất khẩu dài hạn, trung hạn, ngắn hạn cho từng mặt hàng cụ thể, từng mùa vụ cụ thể…, để thực chất đem lại hiệu quả cho hoạt động thương mại biên giới nói chung và thương mại biên giới vùng Tây Bắc nói riêng./.