Một tháng sau khi có đủ 20 nước phê chuẩn, ngày 3-5-2008, Công ước Liên hợp quốc về Quyền của người tàn tật bắt đầu có hiệu lực trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm quyền của 650 triệu người tàn tật trên thế giới.

Công ước Liên hợp quốc về quyền của người tàn tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí thông qua ngày 13-12-2006, nhằm thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm cho người tàn tật được hưởng thụ đầy đủ và công bằng tất cả các quyền con người và các quyền tự do, đồng thời chú trọng đề cao nhân phẩm của người tàn tật.

Nội dung Công ước về người tàn tật khẳng định quyền của người tàn tật được học hành, chăm sóc y tế, được lao động, được hưởng điều kiện sống thích hợp, được tự do đi lại, và được bình đẳng với mọi người trước pháp luật. Công ước cũng nhấn mạnh nhu cầu của người tàn tật được tham gia các phương tiện giao thông công cộng, được tạo thuận lợi cho việc di chuyển tại các khu nhà ở tập thể (nghĩa là phải có lối lên xuống riêng cho người đi xe lăn), và thừa nhận quyền của người tàn tật được tự đưa ra các quyết định.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, đến nay, có khoảng 10% dân số thế giới, tức 650 triệu người, bị tàn tật dưới hình thức này hay hình thức khác. 80% số người tàn tật sống tại các nước đang phát triển, trong đó, tỷ lệ người tàn tật ở phụ nữ cao hơn nam giới. Người tàn tật được coi là những người bị thiệt thòi nhất với 1/3 trong số họ sống dưới mức nghèo.

Liên hợp quốc đã ra tuyên bố về quyền của người tàn tật năm 1975 và từ năm 1982 đã quyết định lấy ngày 3-12 hằng năm là Ngày quốc tế Người tàn tật. Cho đến nay, Công ước Liên hợp quốc về quyền của người tàn tật, được coi là công ước đầu tiên của Thế kỷ XXI về quyền con người. Theo quy định, sau khi công ước được phê chuẩn, các nước thành viên phải ban hành những đạo luật và các biện pháp nhằm cải thiện quyền của người tàn tật, đồng thời bãi bỏ các điều luật, tập quán và thói quen phân biệt đối xử với người tàn tật.

Công ước về người tàn tật được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đánh giá là một "công cụ mạnh mẽ" nhằm loại bỏ những trở ngại mà người tàn tật đang gặp phải. A-ki-cô I-tô, chuyên gia Liên hợp quốc về vấn đề người tàn tật, khẳng định: Công ước này không tạo thêm quyền mới cho người tàn tật, nhưng nó nhằm mục tiêu bảo đảm các quyền đã được mọi người thừa nhận.

Công ước về người tàn tật đã bắt đầu được các nước ký kết và phê chuẩn từ ngày 30-3-2007. Ngày 22-10-2007, Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã ký Công ước. Gia-mai-ca là quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước này. Kể từ đó đến nay, Công ước đã được 127 nước, ký kết và 25 nước phê chuẩn. Ngày 3-4-2008, với việc Ê-cu-a-đo trở thành nước thứ 20 phê chuẩn, công ước đã hội đủ điều kiện để có hiệu lực một tháng sau đó - ngày 3-5-2008./.