Xây dựng nền hành chính năng động, trách nhiệm, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế
TCCS - Thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước, thời gian vừa qua Chính phủ đã ban hành chương trình tổng thể nhằm cải cách, đổi mới toàn diện nền hành chính nhà nước. Hiện nay Chính phủ đang tích cực, khẩn trương hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động và kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước,... để thiết lập một nền hành chính năng động, trách nhiệm, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Chủ trương của Đảng về cải cách hành chính
Trên phương diện lý luận, cải cách hành chính giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng một nền hành chính năng động, trách nhiệm và hiện đại. Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 1-8-2007, của Hội nghị Trung ương 5 khóa X về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước” xác định: Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực; hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 8-11-2011, về “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020” với mục tiêu: Xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 khẳng định cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ: Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó cải cách hành chính được xem là một giải pháp then chốt. Việc thực hiện tốt chức năng của nền hành chính nhà nước; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nền hành chính nhà nước với thị trường; xây dựng đồng bộ, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh kinh tế là những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, thể hiện quyết tâm xây dựng nền hành chính năng động và trách nhiệm, phục vụ cá nhân, doanh nghiệp và xã hội. Chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân là thông điệp quan trọng của Thủ tướng Chính phủ - người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp.
Những thành tựu đạt được về cải cách hành chính trong những năm vừa qua
Chủ trương của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X về cải cách hành chính, được Chính phủ thực hiện nghiêm túc, đáp ứng các mục tiêu cơ bản đề ra. Chính phủ đã ban hành các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính mang tính toàn diện, đồng bộ; chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nền hành chính có chuyển biến tích cực theo hướng phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm. Giai đoạn vừa qua, cải cách hành chính đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước, thể hiện ở những mặt sau đây:
Thứ nhất, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của Chính phủ. Hằng năm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng, như các nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 6-2-2017, về “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020”; Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016, “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”; các chỉ thị về tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính; các nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; các chỉ đạo về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, đầu tư, kinh doanh, thuế, kho bạc, hải quan, tiếp cận điện năng, bảo hiểm xã hội... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp thường xuyên đối thoại, lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Trong 2 năm liên tiếp 2016 và 2017, Thủ tướng Chính phủ chủ trì các hội nghị với doanh nghiệp; ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; và ra Chỉ thị về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn và hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn đã được triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian vừa qua.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước. Thể chế của nền hành chính được cải cách và từng bước được hoàn thiện cơ bản phù hợp với yêu cầu, chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới thông qua việc ban hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân được xây dựng, thực hiện và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thông qua những nội dung, như quy định lấy ý kiến của người dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng; giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước; xử lý các hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong giải quyết khiếu nại của người dân;...
Thứ ba, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao rõ rệt qua công tác kiểm soát thủ tục hành chính; mở rộng hình thức, phạm vi công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính và các thông tin quản lý nhà nước; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” tiếp tục được duy trì, mở rộng đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Trung tâm hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh, cấp huyện được triển khai ở nhiều địa phương đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng trong việc giải quyết thủ tục hành chính đối với cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức.
Thứ tư, kiện toàn cơ cấu, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2016, cơ cấu tổ chức của Chính phủ các nhiệm kỳ khóa XII và khóa XIII đã có nhiều cải cách mạnh mẽ theo hướng giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, hình thành bộ máy quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, từng bước khắc phục sự chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ. Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương bước đầu được phân định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu bên trong giữa cơ quan quản lý và đơn vị sự nghiệp có sự phân định rõ hơn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của hệ thống hành chính được nâng cao; tính thống nhất, công khai, minh bạch của nền hành chính được cải thiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giữa các cấp ở địa phương được đẩy mạnh, đặc biệt là phân cấp về quản lý tài chính, ngân sách, quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chính phủ đang tích cực tham gia Đề án xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Thứ năm, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học có nhiều đổi mới, việc phân công, phân cấp rõ ràng hơn; chính sách cải cách tiền lương được quan tâm và đạt được những kết quả nhất định.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài chính công. Công tác cải cách tài chính công đạt được kết quả tích cực; công tác quản lý tài chính, ngân sách có nhiều chuyển biến rõ nét; việc giám sát chi tiêu bằng quy chế chi tiêu nội bộ có nhiều chuyển biến tích cực, làm tăng tính hiệu quả của chi tiêu công, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, từng bước tăng tính minh bạch trong thực hiện ngân sách nhà nước.
Thứ bảy, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý, điều hành nền hành chính nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính được triển khai một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từng bước phấn đấu theo hướng “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử”, nổi bật là hệ thống “một cửa” hiện đại cấp quận/huyện, phường/xã, mô hình trung tâm hành chính công, hệ thống xác thực hồ sơ điện tử của công dân, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện các giao dịch hành chính. Mạng lưới kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị đang ngày càng được mở rộng, hình thành cơ sở dữ liệu chung trong nhiều lĩnh vực quản lý.
Những hạn chế cần khắc phục trong quá trình cải cách nền hành chính nhà nước
Tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tốc độ cải cách hành chính thời gian vừa qua diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và chưa đạt được mục tiêu đề ra, thể hiện ở những điểm như sau:
Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, chậm đổi mới; việc quán triệt, tuyên truyền và chỉ đạo thực hiện, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính còn hạn chế.
Hai là, cải cách hành chính chưa có sự đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp; thể chế, pháp luật còn chưa đồng bộ và thiếu nhất quán, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và dân chủ hóa đời sống xã hội trong điều kiện mới.
Ba là, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng,... Số lượng các thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông” còn ít.
Bốn là, việc đổi mới chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong một số lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các bộ, cơ quan nhà nước vẫn còn trùng lắp, chồng chéo, như quản lý nợ công, vệ sinh an toàn thực phẩm,... Tình trạng mệnh lệnh hành chính chưa được tuân thủ một cách nghiêm túc vẫn còn tồn tại; kỷ luật, kỷ cương hành chính còn lỏng lẻo, tùy tiện. Bộ máy hành chính vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Việc tinh giản biên chế chưa đạt được kết quả như những mục tiêu đề ra.
Năm là, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế, thậm chí một số cán bộ, công chức, viên chức còn yếu về khả năng chuyên môn, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân; có lúc, có nơi một số cán bộ, công chức, viên chức còn có các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập, có biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích gia đình, dòng họ.
Sáu là, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước còn hạn chế. Việc trích xuất, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương các cấp còn gặp nhiều vướng mắc. Sự phối hợp giữa các cơ quan theo ngành dọc với các cơ quan tại địa phương trong ứng dụng công nghệ thông tin chưa đạt hiệu quả cao.
Phương hướng cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế
Trước những yêu cầu khách quan của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, trên cơ sở những kết quả cải cách hành chính đạt được thời gian vừa qua, trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ cải cách hành chính trọng yếu sau đây:
Thứ nhất, đổi mới phương thức làm việc và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ và cơ quan hành chính địa phương các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 5-9-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp”. Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp tăng cường tập trung chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, chịu trách nhiệm chính về kết quả cải cách hành chính trước Đảng, trước toàn dân. Nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế về tổ chức, hoạt động của nền hành chính nhà nước phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản pháp luật theo hướng tạo môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, phù hợp với cuộc sống và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Tạo điều kiện cho từng địa phương chủ động, sáng tạo, khuyến khích phát triển kinh tế. Trong điều kiện kinh tế mở, có tính toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng đồng bộ hóa hệ thống thể chế kinh tế, thể chế hành chính phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, đổi mới tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức để có thể hội nhập với các nền hành chính hiện đại trong khu vực và quốc tế.
Thứ ba, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa tất cả các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; bãi bỏ các thủ tục hành chính đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Ban hành nghị định về thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước các cấp nhằm thiết lập hệ thống thông tin điện tử “một cửa” kết nối giữa các cấp chính quyền; nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức; tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh sự liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tạo lập hành lang pháp lý cho việc đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền, cho tổ chức và hoạt động của các trung tâm hành chính công, trong đó cần chú ý đến những yếu tố đặc thù của từng địa phương, bảo đảm tính khả thi và tạo chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.
Thứ tư, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, điều chỉnh chức năng của Chính phủ cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, tổ chức để bảo đảm không có sự chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng cấp nào sát việc nhất thì cấp đó thực hiện, tránh tình trạng thông qua nhiều cấp trung gian dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết công việc đối với cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng giảm cấp trung gian. Tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với đặc thù của nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Sáp nhập những cơ quan, tổ chức có cùng hoặc tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Quy định cụ thể các nguyên tắc trong thành lập tổ chức. Chính phủ xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, tập trung thực hiện ba vấn đề cơ bản: Hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong từng thời kỳ; đưa ra các tiêu chuẩn về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước; giám sát, kiểm tra chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cá nhân trong việc thực hiện các tiêu chuẩn do Chính phủ và bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành. Tiếp tục nghiên cứu chuyển thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến quyền con người, quyền công dân sang hệ thống tư pháp. Kiên quyết thực hiện việc chuyển giao mạnh các chức năng, nội dung công việc không thuộc chức năng của hệ thống hành chính cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công, tổ chức doanh nghiệp, tư nhân đảm nhiệm ngày càng nhiều hơn theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa. Tiếp tục cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ năm, xây dựng chế độ công vụ thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát song song với việc tạo dựng cơ chế, chính sách nhằm phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia một cách cụ thể nhằm tạo ra đội ngũ công chức vừa làm việc trên các lĩnh vực theo các nguyên tắc của thị trường, vừa phải biết quyết định các vấn đề theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường niềm tin và động lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thi hành công vụ với chế độ đãi ngộ xứng đáng. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” và Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 6-1-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế” với nội dung trọng tâm là: việc tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tiến hành thanh tra, kiểm tra tối thiểu là 30% số các đơn vị thuộc, trực thuộc trong năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4951/VPCP-TCCV, ngày 15-5-2017, của Văn phòng Chính phủ.
Thứ sáu, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14-10-2015, của Chính phủ. Đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Chính phủ và hệ thống hành chính các cấp, đồng thời bảo đảm tính hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trong giải quyết công việc cho cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức; bố trí vốn đầu tư, hoặc xã hội hóa hạ tầng mạng kết nối quốc gia.
Thứ bảy, kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết mới về chiến lược cải cách hành chính trong thời gian dài hạn, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trong đó cần xác định đúng mục tiêu, yêu cầu, phương pháp tiến hành,... để cải cách một cách căn bản nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, hiện đại phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Quỹ đầu tư Hoa Kỳ  (26/09/2017)
Đảng bộ thành phố Vĩnh Yên thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên  (26/09/2017)
Đảng bộ thành phố Vĩnh Yên thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên  (26/09/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 18 đến ngày 24-9-2017)  (26/09/2017)
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hungary còn nhiều dư địa phát triển  (25/09/2017)
Xác minh thông tin cảnh sát biển Philippines bắn chết 2 ngư dân Việt  (25/09/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên