TCCSĐT - Chiều 17-8-2017, tại cuộc họp báo của Bộ Giao thông Vận tải về trạm thu phí BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định việc đặt trạm ở vị trí hiện nay đã được nghiên cứu kỹ và được sự đồng tình của nhiều bộ, ngành cũng như địa phương.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, việc đặt trạm thu phí căn cứ vào việc khảo sát có cả một quá trình lâu dài và kỹ lưỡng, căn cứ vào phương án tài chính, phạm vi dự án. Tuy nhiên, trạm Cai Lậy đặt trên phạm vi của dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định, vị trí đặt trạm phí đã được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến các bên liên quan từ địa phương, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội… với mục tiêu là hài hòa lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư.

Liên quan đến việc tài xế phản đối vị trí đặt trạm phí BOT Cai Lậy và yêu cầu giảm mức thu phí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trạm phí Cai Lậy nằm trên phạm vi của dự án nên không tính đến chuyển trạm.

Đưa ra mức so sánh phí trạm Cai Lậy cao hơn đường cao tốc Trung Lương, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, hai phương án thu phí của dự án trên là khác nhau. Đường cao tốc Trung Lương thu phí kín, hiện đại, bảo đảm công bằng, không hạn chế thời gian hoàn vốn. Trạm Cai Lậy thu phí lượt, căn cứ vào phương án tài chính và có khả thi hay không để đưa ra mức phí và thời gian thu với đích đến cuối là hài hòa lợi ích của các bên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vừa qua người dân phản đối về việc thu phí cao thì Bộ đã có một số điều chỉnh giảm phí, như vậy sẽ kéo dài thời gian thu phí, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư kéo dài tiền lãi vay ngân hàng và sẽ đổ lên đầu dân? Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cái này phải tính toán không thể nói ra con số chốt được nhưng Bộ cũng đã con số sơ bộ là điều chỉnh mức giá và thời gian. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư cùng tổ chức tín dụng đã trao đổi lại để cân đối mức lãi suất. Nếu kéo dài thì thời gian bao nhiêu? Điều chỉnh như thế nào…

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm nay Bộ Giao thông Vận tải chỉ được phân bổ 39.000 tỷ đồng, đây là kênh hút vốn nhưng có bất cập, phát sinh thì phải cùng nhau xử lý. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm phí thì chắc không có bởi việc thu hút vốn bằng hình thức PPP đã có từ lâu ở Việt Nam. Thực tế, ở 1 số địa phương đã có những trạm phí chưa được sự đồng thuận của người sử dụng, người trả phí đã dược xử lý. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện chỉ dạo của Chính phủ rà soát tất các trạm BOT để điều chỉnh như mức phí, thời gian…

Đánh giá về việc giảm phí thì thời gian thu sẽ kéo dài, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói, thời gian thu phí phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố như lưu lượng xe, chỉ số CPI. Theo dự báo, trạm thu phí Cai Lậy có thể kéo dài 12-14 năm, tuy nhiên, con số cụ thể sẽ có trong thời gian tới.

Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng, các dự án BOT gần đây người dân không có lựa chọn, không có lối thoát, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, thực tế do nguồn ngân sách quá ít, Bộ Giao thông Vận tải cũng lo ngại trong tương lai với mức ngân sách này thì việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 sẽ khó khăn. Do đó, việc cải tạo, nhượng quyền khai thác trên tuyến đường cũ cũng là một giải pháp.

Trước đó, tạm thu phí BOT Cai Lậy trở thành tâm điểm mâu thuẫn lợi ích giữa chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy và giới tài xế, đồng thời phơi bày nhiều bất cập trong việc đầu tư dự án BOT.

Mâu thuẫn đỉnh điểm của việc người dân phản đối mức phí và vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy khi thời gian qua, hàng loạt cánh tài xế đã cố tình trả tiền lẻ gây ùn tắc giao thông kéo dài và buộc nhà đầu tư phải xả trạm./.