Sáu tháng đầu năm 2008, tình hình kinh tế - tài chính thế giới đã nổi lên một số biến động lớn: khủng hoảng tín dụng tiếp tục lan rộng đẩy kinh tế toàn cầu vào nguy cơ khủng hoảng; tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới giảm; các thị trường chứng khoán thế giới chao đảo; giá cả hàng hóa (đặc biệt là lương thực) và lạm phát gia tăng mạnh.

Từ cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ…

Nền kinh tế thế giới bắt đầu có những dấu hiệu tiêu cực từ tháng 8-2007, khi thị trường tín dụng bất động sản của Mỹ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nguyên nhân chính của sự đổ vỡ này là do chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong những năm đầu thập kỷ 2000 (lãi suất hạ xuống mức 1%) được duy trì quá lâu, dẫn đến thị trường tín dụng bất động sản phát triển nóng và các ngân hàng cũng đã hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay. Bởi vậy, khi FED tăng lãi suất từ năm 2005 để đối phó với lạm phát do giá dầu tăng cao từ sau cuộc chiến tranh I-rắc, nhiều người vay tiền để mua bất động sản đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Các ngân hàng, do vậy, cũng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, giảm lợi nhuận, thậm chí phá sản.

Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2008, sau khi Chính phủ Mỹ và FED áp dụng một loạt các biện pháp ổn định thị trường, nhiều chuyên gia đã đi đến nhận định rằng cuộc khủng hoảng đang gần đến hồi kết. Mặc dù vậy, năm 2008 sẽ vẫn là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu.

…đến sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các nước và khu vực

Bước sang quý I/2008, tình hình kinh tế Mỹ sáng sủa hơn một chút (với mức tăng trưởng đạt 0,8%) so với năm 2007. Song do tác động từ cuộc khủng hoảng tín dụng và việc giảm chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ nên nền kinh tế hàng đầu thế giới này vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó vấn đề nan giải nhất là tình trạng suy thoái của thị trường nhà đất. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, về dài hạn, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa có triển vọng khả quan. Dự báo trong năm 2008, mức tăng trưởng kinh tế cao nhất của Mỹ chỉ đạt được 1%. Cùng với sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng tăng mạnh: từ mức 5,1% trong tháng 3-2008, tăng lên mức 5,5% hiện nay; dự báo sẽ lên tới 6% trong thời gian tới.

Sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Mỹ đã lan sang các nước châu Âu, Nhật Bản và châu Á thông qua con đường xuất khẩu. Mặc dù tăng trưởng kinh tế của châu Âu, Nhật Bản chững lại song vẫn cao hơn so với Mỹ. Ước tính, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng ơ-rô là 1,4%, Nhật Bản: 1,4%. Các nước đang phát triển vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, tuy có giảm đi một chút. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao. Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 xuống mức 8% để chống lạm phát song dự báo mức tăng trưởng của quốc gia này là 9,3%; Nga: 6,8%; Ấn Độ: 7,9%; các nước Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Việt Nam: 5,8%. Tính chung, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 3,7%.

Các thị trường chứng khoán chao đảo

Do tác động từ triển vọng kinh tế ảm đạm, các thị trường chứng khoán trên thế giới đã liên tục chứng kiến các đợt sụt giảm mạnh. Sự sụt giảm này bắt đầu từ tháng 8 năm 2007 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh. Chỉ tính riêng trong vòng 1 năm trở lại đây, giá chứng khoán tại các thị trường chủ chốt đã giảm khoảng 15% tại Mỹ và châu Âu; 30% tại Nhật Bản. Tại các nền kinh tế mới nổi, sự sụt giảm xảy ra đặc biệt mạnh sau giai đoạn phát triển quá nóng trong thời gian trước đó. Với triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước chưa thể đạt mức cao trong khi lạm phát gia tăng, dự báo các thị trường chứng khoán sẽ chưa thể phục hồi vững chắc trong năm nay.

Đồng USD mất giá, giá vàng tăng mạnh

Sáu tháng đầu năm 2008 chứng kiến những thay đổi trong tương quan giữa các đồng tiền mạnh đô la Mỹ, ơ-rô và yên Nhật. Việc FED nới lỏng tiền tệ để cứu thị trường tín dụng bất động sản và kích thích nền kinh tế đã khiến đồng đô la Mỹ liên tục mất giá và trái lại, đồng ơ-rô và yên Nhật lại tăng giá kỷ lục. Trong vòng 1 năm qua, đồng USD đã giảm 14% so với đồng ơ-rô. Mức giảm giá so với đồng yên Nhật trong cùng thời kỳ cũng đạt mức 13%. Những biến động mạnh về tỷ giá khiến các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Dự báo trong thời gian tới, thị trường tiền tệ còn tiếp tục biến động.

Sự bất ổn của thị trường tiền tệ cũng tác động mạnh tới giá vàng khiến giá của mặt hàng chủ chốt này tăng đột biến. Trong một năm trở lại đây, giá vàng đã tăng hơn 40% và đạt tới mức 1033,9 USD/ounce vào ngày 17-3-2008. Tuy nhiên, kể từ đỉnh cao này, giá vàng đã bắt đầu có xu hướng giảm, đến nay, chỉ còn khoảng trên 900 USD/ounce. Nguyên nhân là do đồng USD đã có nhiều phiên tăng giá trở lại, đồng thời giá chứng khoán xuống thấp cũng đang thu hút một lượng vốn từ thị trường vàng. Việc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định bán ra 400 tấn vàng cũng có tác động khiến giá vàng hạ nhiệt.

Nếu 2 tháng trước đây, các chuyên gia cho rằng đến cuối năm 2008, vàng sẽ ổn định ở mức trên 1000 USD/ounce, thì đến nay, nhiều tổ chức đã hạ dự báo giá vàng xuống còn 850 USD/ounce. Mặc dù vậy, cũng có dự báo cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới chưa ổn định, ẩn chứa nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng và đạt những kỷ lục mới trong năm 2008.

Giá hàng hoá và lạm phát gia tăng

Những mâu thuẫn địa - chính trị ở một số khu vực trên thế giới cùng với tình trạng đầu cơ đã khiến giá dầu tăng mạnh trong 6 tháng qua (lên mức hơn 140 USD/thùng vào thời điểm hiện nay).

Hiện tại, có rất nhiều dự báo trái ngược nhau về giá dầu trong tương lai. Chuyên gia của tập đoàn Lehman Brothers cho rằng năm 2009, giá dầu sẽ giảm còn 83 USD/thùng. Còn theo chuyên gia Larry Chorn của công ty Mcgraw-Hill, nếu xét về chi phí sản xuất, giá dầu cao nhất hiện nay cũng chỉ ở mức 70-80 USD/thùng. Trong khi đó, tập đoàn Goldman Sach dự báo giá dầu sẽ lên tới 150-200 USD/thùng. Chủ tịch tập đoàn Cambridge Energy Reseach Associates cũng đưa ra dự báo giá dầu thô sẽ lên mức 150 USD/thùng trong năm 2008. Nguyên nhân chính dẫn đến các dự báo trái ngược nhau là do những dữ liệu về thị trường năng lượng hiện nay không minh bạch dẫn đến tình trạng đầu cơ. Thống kê của nhiều tổ chức nghiên cứu năng lượng, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới năm 2008 đã rớt mạnh, đặc biệt là nhu cầu dầu từ Trung Quốc, cho thấy giá dầu tăng phần nhiều do yếu tố tâm lý.

Nhu cầu về hàng nông sản gia tăng cùng với nguồn cung hạn chế (do thời tiết không thuận lợi) cũng như chi phí vận chuyển cao do giá dầu đã đẩy giá cả các hàng hoá trên thế giới tăng cao. Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán suy giảm hồi cuối năm 2007 đầu năm 2008 cũng khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang thị trường hàng hóa. Giữa tháng 3-2008, giá nhiều loại hàng hoá đã có xu hướng giảm song các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, giá hàng hóa chỉ có thể chững lại.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng thế giới giảm, giá hàng hoá tăng thời gian qua đã khiến lạm phát tăng nhanh, trở thành nguy cơ hàng đầu đối với các nền kinh tế. Tháng 5-2008, lạm phát tại Mỹ lên mức 4,2% so với cùng kỳ năm trước; ở châu Âu: khu vực đồng ơ-rô là 3,6% - cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%; Trung Quốc là 7,7%; Nhật Bản, một nước từ lâu vẫn diễn ra tình trạng giảm phát, tuy nhiên ước tính trong năm 2008, tỷ lệ lạm phát, tuy sẽ được kiềm chế, song vẫn ở mức cao.

Tác động đến kinh tế Việt Nam

1. Tác động đến xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế

Nhìn chung, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thế giới, giá hàng hoá gia tăng và việc đồng USD mất giá so với VND là những xu thế không thuận lợi đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các hàng hoá công nghiệp như dệt may, giày dép, hàng điện tử và linh kiện máy tính.

Việc đồng USD mất giá so với các đồng tiền khác trên thế giới cũng như với VND trong thời gian qua có thể cũng có tác động tiêu cực đến xuất khẩu, làm tăng nhập khẩu và thâm hụt thương mại.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc thực hiện chính sách thắt chặt tài chính, tiền tệ, cho phép đồng NDT lên giá so với đồng USD có thể giảm bớt phần nào những tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng tác động tiêu cực dễ nhận thấy nhất của việc VND tăng giá so với USD là lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm sút. Hiện nay có hiện tượng một số doanh nghiệp ngừng nhận đơn hàng do càng xuất nhiều càng lỗ.

2. Tác động đến giá cả và lạm phát

Mặc dù nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng cao của Việt Nam trong nửa năm trở lại đây xuất phát từ những yếu tố trong nước (hiệu quả đầu tư thấp, thâm hụt ngân sách cao, tăng trưởng tín dụng và cung tiền cao, thiên tai, dịch bệnh…), nhưng sự bùng nổ giá cả hàng hoá trên thế giới trong điều kiện tỷ giá hối đoái VND/USD ổn định khiến lạm phát tăng lên mức 2 con số. Một số nhà kinh tế cho rằng, nếu giá cả hàng hoá trên thế giới có xu hướng chững lại thì áp lực lạm phát tại Việt Nam sẽ được giảm bớt.

3. Tác động đến tỷ giá hối đoái, các dòng vốn và thị trường

Tỷ giá VND/USD ổn định trong điều kiện lạm phát và lãi suất VND cao khiến các dòng vốn nước ngoài đổ vào trái phiếu chính phủ có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Vốn FDI vào Việt Nam trong quý I/2008 đạt mức 5,4 tỉ USD. Tuy nhiên, việc biên độ dao động của tỷ giá VND/USD hẹp đang tạo nên tình trạng mất tính thanh khoản trên thị trường ngoại hối. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không bán được USD để quay vòng vốn.

Các dòng vốn vào Việt Nam tăng mạnh đang là một thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước. Việc mua ngoại tệ nhiều để ổn định tỷ giá sẽ làm xói mòn công cuộc chống lạm phát. Nếu dùng các biện pháp trung hoà tiền tệ sẽ dẫn đến lãi suất tăng cũng như áp lực trả lãi sau này. Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước không mua ngoại tệ vào sẽ dẫn đến tình trạng tiếp tục mất thanh khoản trên thị trường, đồng thời VND vẫn tăng giá so với đồng USD trên thị trường “chợ đen”. Để chống lạm phát, đồng thời ổn định tỷ giá VND/USD, Ngân hàng Nhà nước chỉ còn cách hạn chế các dòng vốn vào và điều này sẽ lạm chậm tiến trình huy động vốn ngoại để phát triển kết cấu hạ tầng, thị trường bất động sản, thực hiện cổ phần hoá cũng như hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể phải đối mặt với việc đồng USD lên giá và các dòng vốn vào Việt Nam không còn tăng mạnh trong thời gian tới (có thể từ cuối năm 2008 hoặc đầu năm 2009) do nhập siêu đang tăng mạnh, kinh tế các nước, đặc biệt là Mỹ, ổn định trở lại sẽ hút các dòng vốn, lạm phát tại Việt Nam giảm dẫn đến lãi suất giảm và đầu cơ vào trái phiếu của Việt Nam không còn lãi nhiều, các nhà đầu tư sau một thời gian chuyển lợi nhuận về nước…

Một vài kiến nghị

Trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi như hiện nay, sẽ không có một giải pháp nào chỉ đem lại lợi ích mà không gây thiệt hại. Bởi vậy, điểm mấu chốt là phải phối hợp nhiều chính sách, dung hoà các mục tiêu kinh tế khác nhau, mỗi nhóm lợi ích phải gánh vác một phần trách nhiệm.

Chính sách tiền tệ cần được thắt chặt với mức độ vừa phải, chi tiêu và thâm hụt ngân sách được cắt giảm hợp lý, chính sách tỷ giá cần linh hoạt hơn, giá cả một số mặt hàng như dầu, than, điện cần khống chế; việc hạn chế các dòng vốn vào ở một mức độ nào đó là cần thiết đối với Việt Nam vào thời điểm hiện nay.

Việc nới lỏng biên độ tỷ giá VND/USD không những giúp giảm lạm phát mà còn hạn chế các dòng vốn nước ngoài đầu cơ vào trái phiếu chính phủ cũng như tăng tính thanh khoản trên thị trường ngoại hối. Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhưng họ cần phải làm quen với những biến động và rủi ro tỷ giá, nỗ lực hơn trong việc phát triển năng lực cạnh tranh dựa trên việc nâng cao chất lượng sản phẩm chứ không thể mãi dựa vào lợi thế giá rẻ nhờ chính sách tỷ giá ổn định của Ngân hàng Nhà nước.

Chính phủ cũng cần có chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giảm nhập siêu. Các chính sách thắt chặt tài chính, tiền tệ trong thời gian qua sẽ làm cho tổng cầu giảm và có thể có tác dụng hạn chế nhập khẩu. Việc đồng USD có khả năng tăng giá trong thời gian tới đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải có trong tay một lượng dự trữ ngoại tệ đủ lớn.

Việc cho phép các nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần bằng ngoại tệ là một giải pháp có thể giúp cầu về chứng khoán tăng, thúc đẩy cổ phần hoá, đồng thời giải toả được các áp lực lên tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên giải pháp này chỉ không gây lạm phát khi số tiền thu được không đưa ra thị trường, tức là phải đưa vào quỹ của Nhà nước làm dự trữ. Điều này dẫn tới 2 hiệu ứng. Thứ nhất: việc các doanh nghiệp không được giữ lại phần thặng dư vốn sẽ làm cho giá bán cổ phần giảm đi. Thứ hai: khoản tiền đưa vào quỹ sẽ không sinh lợi cao. Nếu dùng số tiền thu được để trả nợ nước ngoài thì sẽ mất đi hiệu ứng thứ hai.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư, giảm hệ số ICOR, từ đó tạo điều kiện cho chính sách tài khoá cân bằng, chính sách tiền tệ chặt chẽ để khống chế lạm phát. Khi đó mới có thể mở rộng thu hút các dòng vốn vào nhằm thúc đẩy cổ phần hoá, phát triển thị trường chứng khoán và bất động sản./.