Quan hệ chiến lược mới Nga - EU
Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU trong hai ngày 26 và 27-6-2008 vừa qua tại Xi-bê-ri là Hội nghị đầu tiên giữa lãnh đạo EU với Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép. Đây là thời điểm thích hợp được những người lãnh đạo mới của Nga và EU tận dụng nhằm cải thiện quan hệ hai bên vốn chẳng mấy êm ả thời gian qua.
Bằng chứng rõ nhất chính là việc các nhà lãnh đạo Nga và EU đã đạt được thỏa thuận về việc khởi động tiến trình đàm phán Hiệp định hợp tác và đối tác chiến lược mới (PCA), vốn hết hiệu lực từ cuối năm 2007. Đây cũng là nội dung quan trọng nhất và thành công nhất của Hội nghị lần này. Vòng đàm phán đầu tiên về PCA được hai bên thống nhất tiến hành vào ngày 4-7. Điều này cho thấy quan hệ Nga - EU đang có những tín hiệu tích cực; và một PCA mới là mong muốn thực sự của cả hai bên, là chất kết dính quan hệ song phương sau những rạn nứt do bất đồng trong nhiều vấn đề như năng lượng, vấn đề Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập, tranh chấp thương mại, hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Đông Âu, châu Âu ủng hộ Gru-di-a giành lại quyền kiểm soát tại các vùng thân Nga… Tuy nhiên, con đường để hoàn tất hiệp định vẫn không hề dễ dàng.
Động lực từ hai phía
Vị thế của Nga trên thế giới gần đây ngày càng gia tăng, cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế. Quan hệ của quốc gia này với các đối tác quốc tế cũng đang thay đổi, trong đó đáng kể là quan hệ với EU. Đối với EU, Nga không chỉ là nguồn cung cấp 1/4 nhu cầu khí đốt cho EU mà còn là một đối tác quan trọng giúp EU cân bằng ảnh hưởng của mình tại các khu vực chiến lược. Sự coi trọng Nga của EU được thể hiện rõ nét khi Thủ tướng Đức A. Méc-ken là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp gỡ với Tổng thống đắc cử Nga Đ.Mét-vê-đép.
Đối lại, theo như tuyên bố của Tổng thống Mét-vê-đép hồi đầu tháng 6 tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế ở Xanh Pê-téc-bua, Nga coi trọng mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU nhằm đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới vào cuối năm nay, tham gia “tạo lập các nguyên tắc mới cho nền kinh tế thế giới” cũng như hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu. Hiện Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU. Về phương diện ngoại giao, hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Nga là Tổng thống Đ. Mét-vê-đép và Thủ tướng V. Pu-tin đều muốn chứng tỏ EU vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại cân bằng Đông - Tây của điện Krem-li. Tổng thống Mét-vê-đép đã tới Đức, đây là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới các nước phương Tây. Còn ông Pu-tin cũng chọn Pháp để thực hiện chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nga.
Giới quan sát nhận định, dưới thời Tổng thống Mét-vê-đép quan hệ Nga - EU sẽ có nhiều cải thiện. Và hội nghị lần này là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên mà ông Mét-vê-đép tham dự với tư cách là Tổng thống Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu M. Ba-rô-sô nhận xét về Tổng thống Mét-vê-đép: "Ông ấy có vẻ rất cởi mở. Ông là người có tính cách phóng khoáng". Một tín hiệu tốt đẹp để tạo dựng mối quan hệ nồng ấm.
PCA với EU, phải qua 27 nước
Quan hệ Nga - EU về hình thức là quan hệ song phương, song thực chất là quan hệ đa phương giữa Nga và các nước thành viên EU. Do đó, sự va chạm lợi ích là không thể tránh khỏi. Ngay trong nội bộ EU cũng khó đạt được thống nhất trong các vấn đề của khối với sự ràng buộc của cơ chế đồng thuận như hiện nay, huống hồ trong chính sách đối ngoại với một đối tác lớn như Nga. Cũng chính vì lý do đó mà không phải đến nay PCA Nga - EU mới được quan tâm. PCA đã liên tục bị cản trở bởi mối quan hệ giữa Nga với một số nước thành viên EU. Và khi bất đồng xảy ra, những nước này có quyền phủ quyết PCA với Nga trong nội bộ EU. Hơn nữa, từ trước tới nay, quan hệ Nga và các nước EU đã có không ít các bất đồng.
Giới quan sát cho rằng, hiện trở ngại đầu tiên của đàm phán PCA Nga - EU là cách thức xây dựng nội dung cốt lõi của bản PCA mới. Báo chí phương Tây bình luận: "Điều rõ ràng nhận thấy là Mát-xcơ-va và Brúc-xen có những cách nhìn khác nhau về bản hiệp ước song phương trong tương lai. EU muốn một văn bản chi tiết, trong đó chứa đựng không chỉ các nguyên tắc và phương hướng hợp tác, mà còn cả những chương trình cụ thể cho việc thực hiện PCA trên nhiều lĩnh vực khác nhau (như năng lượng, thương mại, quyền con người, việc bãi bỏ thị thực nhập cảnh cho du khách Nga vào EU...). Còn phía Nga chỉ coi đây như một hiệp ước khung, theo đó, ký kết các hiệp định trong từng lĩnh vực, mà không đưa ra những cam kết cụ thể”. Theo Đ. Đa-ni-lốp, chuyên gia thuộc Viện hàn lâm khoa học châu Âu, thì đã đến lúc phải thừa nhận rằng hai bên “không chỉ là đối tác ưu tiên, mà còn là đối thủ cạnh tranh của nhau”. Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi Nga không hề giấu giếm ý định khai thác các điểm yếu hiện nay của EU, khi Liên minh này một mặt còn đang lúng túng trước khả năng Hiệp ước Lixbon sẽ thất bại, mặt khác còn phải vượt qua những bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên cũ và các thành viên mới gia nhập Liên minh.
Lực đẩy mới
Ngay trước khi lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU, trả lời phỏng vấn hãng Roi-tơ, Tổng thống Nga Đ. Méc-vê-đép khẳng định: “Chính sách đối ngoại của Nga được xác định bởi các phương châm giá trị bên trong, có thể được sửa đổi nhưng bản chất vẫn không thay đổi. Chính sách này nhằm bảo vệ những lợi ích quốc gia của Nga, bảo vệ ở tất cả các cấp, trong mọi lĩnh vực của hợp tác quốc tế. Đó là các giá trị của tự do, dân chủ, bảo vệ quyền sở hữu. Nga sẽ bảo vệ các lợi ích này trong các quan hệ với các đối tác quốc tế”.
Có thể thấy đây là một thông điệp cho chính sách đối ngoại của Nga, trong đó EU là một đối tác lớn. Theo đó, một nước Nga mới sẽ có sự hợp tác mới với các đối tác quốc tế, phù hợp với bối cảnh và vị thế mới của Mát-xcơ-va. Những tiến triển trong quan hệ với EU, do đó cũng phải tuân theo khuôn khổ này. Điều đó lý giải việc ngay trong cuộc họp báo chung sau Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU lần thứ 21, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã chỉ trích gay gắt kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ tại châu Âu, cáo buộc dự án này sẽ hủy hoại an ninh châu Âu. Tổng thống Nga cho biết Mát-xcơ-va tỏ ra quan ngại sáng kiến này không đáp ứng được nhiệm vụ duy trì an ninh ở châu Âu cũng như toàn cầu. Ông Mét-vê-đép cho biết, ông đã đưa ra đề xuất với các lãnh đạo EU về việc tổ chức hội nghị an ninh châu Âu, và rằng vấn đề NMD cần được giải quyết bởi chính những người châu Âu. Với việc coi châu Âu là “ngôi nhà chung”, tất cả các nước châu Âu (trong đó có Nga) đều là chủ nhân của “ngôi nhà chung” đó.
Đến Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU, Tổng thống Đ. Mét-vê-đép cho biết ông đang tìm kiếm một "lực đẩy mới" cho mối quan hệ với EU. Xi-bê-ri - nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh - là trung tâm dầu lửa của Nga và nằm cách Brúc-xen hơn 4.000km. Năng lượng là thứ “vũ khí” của Nga trên bàn đàm phán và cũng là đề tài nóng của hội nghị lần này. Sự hợp tác và lợi ích qua lại lẫn nhau sẽ là lực đẩy mới của cả hai bên nhằm hướng tới một quan hệ chiến lược mới./.
Công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2007  (02/07/2008)
Công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2007  (02/07/2008)
Tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2008  (02/07/2008)
Thành phố Hồ Chí Minh: GDP 6 tháng đầu năm tăng 10,5%  (02/07/2008)
40 hiệu trưởng được đào tạo kỹ năng quản lý chuẩn châu Á  (02/07/2008)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên