Chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn

BTV (tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn)
10:16, ngày 04-08-2017
TCCSĐT - Đêm 02-8-2017, trên địa bàn một số huyện Mường La, Mù Căng Chải, tỉnh Sơn La có mưa rất to, lũ ống, lũ quét, gây nhiều thiệt hại về người, nhà cửa, đường giao thông, hoa màu của nhân dân. Người dân địa phương cho biết, đây là trận lũ lớn nhất từ trước đến nay ở khu vực này.
Ngay sau khi xảy ra sự cố thiên tai, lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng các cấp, các ngành của địa phương đã có mặt tại hiện trường kiểm tra tình hình, chỉ đạo và huy động các lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; hỗ trợ các hộ dân nạo vét bùn đất và tháo dỡ nhà dân có nguy cơ bị lũ cuốn trôi.

Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn cũng ngay lập tức có mặt tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) để kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ quét. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời thăm hỏi và chia buồn tới các gia đình có người thân bị chết, mất tích, bị thương sau thiên tai ở Mù Căng Chải và một số địa phương lân cận; hỗ trợ mỗi gia đình có người chết, mất tích 10 triệu đồng; hộ gia đình có người bị thương 5 triệu đồng...

Kịp thời hỗ trợ những gia đình bị nạn

Sau khi đi kiểm tra tình hình thiệt hại, thăm hỏi một số hộ dân tại thị trấn Mù Cang Chải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những cố gắng của chính quyền địa phương trong việc nhanh chóng khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trước dự báo về diễn biến thiên tai còn phức tạp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các lực lượng chức địa phương phải khẩn trương tìm kiếm những người mất tích, hỗ trợ người bị thương. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có người chết, mất tích, chăm sóc người bị thương, hỗ trợ các gia đình bị hư hại nhà cửa.

Địa phương với sự hỗ trợ của Quân khu 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, di dời ngay những hộ dân đang ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời cho người dân về chỗ ở, thuốc men, nước uống, thức ăn... đảm bảo không người dân nào bị đói, bệnh tật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương cần nhanh chóng sửa chữa các công trình giao thông, thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt; dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; sửa chữa nhà cửa, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng thiết yếu, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt bình thường của người dân. Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ cho khắc phục hậu quả thiên tai của Yên Bái nói riêng và các địa phương khu vực miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương sớm rà soát, lập các quy hoạch các điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Từ đó có kế hoạch di dời người dân, công trình nhằm chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Thống kê ban đầu, tại huyện Mù Cang Chải đã có 02 người chết, 13 người mất tích và 08 người bị thương do thiên tai. Mưa lũ cuốn trôi và làm sập 32 căn nhà; 14 căn nhà bị sạt; một căn nhà bị ngập nước; sáu công trình công cộng bị thiệt hại, toàn bộ hệ thống đường giao thông đến các xã bị sụt, sạt nghiêm trọng, gây chia cắt với trung tâm huyện. Nhiều hệ thống thủy lợi bị vùi lấp, sạt lở, hư hỏng hoàn toàn trên địa bàn bốn xã gồm Lao Chải, Kim Nọi, Chế Tạo, Khao Mang. Nhiều tài sản, hoa màu, vật nuôi bị cuốn trôi và vùi lấp.

Mưa lũ ở huyện Mường Ma cũng đã khiến 06 người chết; 10 người mất tích; ba người bị thương ở các xã Chiềng Công và Chiềng San; 188 ngôi nhà của người dân bị cuốn trôi, hư hại, trong đó 144 ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn và 44 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Nghiêm trọng nhất là xã Nặm Păm, mưa lũ đã cuốn trôi, đổ sập 93 ngôi nhà và bốn bản bị cô lập hoàn toàn. Còn tại thị trấn Ít Ong, mưa to, lũ ống, lũ quét đã cuốn trôi và làm sạt lở dọc suối Nặm Păm thuộc bản Chiềng Tè. Cầu Nặm Păm bị mưa lũ cuối trôi hai đầu cầu khiến người dân không thể đi lại được do đây là cây cầu quan trọng nối huyện Mường La đi các xã Pi Tong, Mường Trai, Hua Trai, Ngọc Chiến và Chiềng Lao đi huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Bên cạnh đó, mưa lũ ở Mường La đã cuốn trôi bốn ôtô tải loại đầu kéo, ba nhà kho chứa vật liệu xây dựng và làm ngập tuyến đường qua Tiểu khu 5 thị trấn Ít Ong. Mưa lũ ở Mường La đã làm thiệt hại 119ha lúa, 20ha ao cá, 121ha ngô, 23 con trâu bò, 8 lồng cá và khoảng 800 con gia cầm, 17 con lợn, 4 thuyền máy bị chìm...

Như vậy, tính đến thời điểm này, tổng giá trị thiệt hại ước tính ban đầu ở Yên Bái là khoảng 150 tỷ đồng, trong đó tài sản của nhân dân thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.

Nhanh chóng sơ tán người dân khỏi những nơi nguy hiểm


Ngay sau khi nhận được tin báo của địa phương, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các huyện Mường La, Mù Căng Chải khẩn trương thực hiện phương châm bốn tại chỗ, di dời các hộ dân trong vùng bị lũ quét ra khỏi khu vực nguy hiểm; di dời các hộ dân có nhà bị sập, cuốn trôi đến nơi an toàn, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ gồm quân đội, công an, dân quân, tự vệ và nhân dân địa phương... tìm kiếm người bị mất tích; tập trung xử lý, dọn dẹp khắc phục hậu quả. Tỉnh cũng chỉ đạo địa phương khẩn trương xây dựng phương án bố trí nơi ở mới cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa.

Trước mắt, tỉnh hỗ trợ các gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng; hỗ trợ người bị thương 2,5 triệu đồng/người; đối với các nhà bị sạt lở là 10 triệu đồng cho mỗi nhà; hỗ trợ các gia đình có bị trôi hoàn toàn 15kg gạo/khẩu/tháng trong sáu tháng. Mặt trận Tổ quốc tỉnh vận động cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.

Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng tại chỗ lên tới gần 1.000 người để tìm kiếm người bị nạn, khắc phục hậu quả; thành lập các tổ chỉ đạo xuống cơ sở để tìm kiếm người bị nạn, khắc phục hậu quả; xuống cơ sở để trực tiếp ứng phó, khắc phục thiệt hại và tìm kiếm người bị nạn dọc theo suối Nậm Kim từ vị trí xảy ra lũ quét đến khu vực lòng hồ thủy điện Khao Mang Thượng.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng tiếp tục rà soát các hộ ở gần các khe suối, các khu vực có nguy cơ sạt lở di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tỉnh đã yêu cầu theo dõi diễn biến thời tiết và có biện pháp tuyên truyền, cảnh báo nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra./.