TCCSĐT - Ngày 26-7-2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức hội thảo nhằm ý kiến vào dự thảo đề cương chi tiết Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trước mắt. Đây là vấn đề rất khó, liên quan đến tổ chức và hoạt động của toàn hệ thống chính trị. Đồng chí Phạm Minh Chính cũng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và ở hai cuộc Hội thảo trước, Thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉnh sửa, bổ sung Dự thảo Đề án, tiếp tục gửi lấy ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương.

Để hoàn thiện Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đồng chí Phạm Minh Chính rằng: Ban Chỉ đạo mong muốn các đại biểu tích cực tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến dự trên cơ sở xuất phát từ kinh nghiệm, thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào những vấn đề đã nêu trong dự thảo Đề án. Trong đó, đặc biệt chú trọng một số vấn đề trọng tâm liên quan đến phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong thời gian tới, nhằm tạo sự thống nhất trước khi Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị.

Tiếp đó, các đại biểu đã thảo luận làm rõ thêm mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp của Dự thảo Đề án cũng như các nội dung đánh giá ưu điểm, hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những vấn đề cụ thể được nêu trong Dự thảo Đề án. Các ý kiến còn tập trung đánh giá, phân tích từng nội dung nhằm nêu bật về tính cấp thiết của Đề án, nhất là phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thông qua các tổ chức đảng, đảng viên và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay thời gian qua. Các đại biểu cho rằng, việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một việc làm tất yếu khách quan là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng./.