Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc liên quan đến việc thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab và Uber.

Văn bản nêu rõ, qua xem xét báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, sự phản ánh tích cực của các chuyên gia, của nhân dân và xu thế phát triển chung, Chính phủ đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Thời gian thí điểm 2 năm (từ tháng 01-2016).

Thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép áp dụng với tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ (hợp đồng điện tử) phối hợp với đơn vị vận tải.

Như vậy, việc thí điểm này không dành riêng cho Grab hay Uber mà được thực hiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi có sự phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử.

Việc thí điểm thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử là đúng với quy định của Luật giao dịch điện tử, qua đó đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về thời gian và chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đơn vị vận tải trong cung ứng dịch vụ vận chuyển của xe hợp đồng, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Việc thí điểm được ứng dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (mặc dù theo quy định hiện tại thì ngoài doanh nghiệp, hợp tác xã còn có các hộ kinh doanh vận tải theo hợp đồng, tuy nhiên trong thí điểm đã hạn chế chỉ áp dụng đến phạm vi đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đây là đề xuất phù hợp để đánh giá các hiệu quả và bảo đảm được mục tiêu quản lý trong quá trình thí điểm) và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ.

Việc quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được thực hiện trực tiếp tại cơ quan của tỉnh, thành phố (Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho phương tiện, cấp giấy phép kinh doanh cho đơn vị kinh doanh, phương tiện để được cấp phù hiệu phải đáp ứng đã lắp thiết bị giám sát hành trình) qua đó bảo đảm được sự giám sát, quản lý từ cơ sở.

Cho đến nay, không chỉ có Grab, Uber mà đã có 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của Grab và Uber, trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh; cụ thể là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty Cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh (M.car), Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch Linh Trang (Taxi Long Biên; LB.car).

Điều này cho thấy sự thay đổi tích cực trong các doanh nghiệp vận tải và công nghệ của Việt Nam khi Chính phủ cho phép thí điểm, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang không ngừng đổi mới, chủ động nghiên cứu tiếp cận và làm chủ các ứng dụng, cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài.

Qua việc đang triển khai thí điểm cho thấy, chúng ta đã chủ động và hoàn toàn có thể phát triển bằng chính nội lực của các đơn vị vận tải cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải trong nước.

Việc phát triển trong lĩnh vực vận tải đang được thực hiện bảo đảm sự ổn định, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực và làm chủ công nghệ, không lệ thuộc, trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đã được thành lập và kinh doanh vận tải theo quy định thông qua áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải.

Về vấn đề quy hoạch, các địa phương cùng các bộ, ngành cũng cần xem xét lại sự đáp ứng đồng bộ giữa quy hoạch và nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời cần đẩy mạnh việc tối ưu hóa trong tổ chức giao thông đô thị, qua đó ưu tiên tạo thuận lợi cho xe buýt, taxi, các phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay cho dùng phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện nội dung này theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan.

Với thực tiễn đang diễn ra, việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, đây là quy luật tất yếu nhưng mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn, bảo đảm thuận tiện an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao, việc thay đổi để ứng dụng quản lý và điều hành hoạt động vận tải đã được chú trọng hơn, công tác quản lý trong vận tải, lĩnh vực thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn…

Mỗi việc thí điểm đều có những tác động tích cực hoặc tiêu cực. Trong việc này, ngoài những kết quả tích cực đã nêu trên thì cũng cần nhìn nhận hạn chế cần điều chỉnh như phải có sự phối hợp sát sao hơn và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương; việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới; cần nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các quy định trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý công nghệ, thuế…

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó bổ sung quy định quản lý phù hợp đối với xe hợp đồng và xe taxi, quản lý và áp dụng hợp đồng điện tử, kết nối quản lý thuế...

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành và phát huy việc ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân./.