Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 07-7 theo giờ địa phương (tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Angela Markel, Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam bắt đầu tham dự các hoạt động của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg.

Hamburg được coi là thủ đô phía Bắc của Cộng hòa Liên bang Đức và là một trung tâm tài chính, kinh tế của châu Âu, quốc tế với sự phát triển mạnh mẽ của tự do thương mại và toàn cầu hóa.

Diễn ra trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có những biến chuyển sâu sắc, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017 thu hút sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20, các nước khách mời gồm: Việt Nam, Singapore, Tây Ban Nha, Na Uy, Hà Lan, Guinea (Chủ tịch Liên minh châu Phi), Senegal (Chủ tịch Tổ chức Đối tác mới cho phát triển châu Phi - NEPAD).

Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo các tổ chức quốc tế hàng đầu như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Do tầm quan trọng của các thành phần tham dự và các nội dung bàn thảo, Hội nghị thượng đỉnh G20 thu hút khoảng 4.800 nhà báo đến từ 65 quốc gia trên thế giới tới theo dõi và đưa tin.

Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, tài chính quốc tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, năng lượng, hỗ trợ châu Phi, di cư, y tế, việc làm, số hóa và phụ nữ...

Tại các phiên thảo luận trong ngày đầu tiên của G20, Hội nghị đánh giá phục hồi kinh tế thế giới đang tiến triển tích cực hơn, song tốc độ tăng trưởng vẫn chậm hơn kỳ vọng. Hội nghị khẳng định cam kết tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải cách cơ cấu, chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và bao trùm.

Hội nghị kêu gọi tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; cam kết lồng ghép việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong các hoạt động của G20; cam kết giảm khí thải thông qua tăng cường nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng...

Hội nghị đã ghi nhận việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; nhấn mạnh các nước thành viên khác trong G20 tiếp tục thực hiện các cam kết theo Hiệp định Paris, trong đó có cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Được mời phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành sớm 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG-2030) của Liên hợp quốc, trong đó ưu tiên các vấn đề giảm nghèo, bất bình đẳng, giáo dục, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã và đang lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào 2030 và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế...

Với vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã thúc đẩy những chủ đề ưu tiên trong Nghị sự APEC 2017 là phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng; đang phối hợp với các thành viên APEC thúc đẩy trao đổi sâu rộng về phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính.

Thủ tướng hoan nghênh G20 đã nhất trí cam kết nỗ lực bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả và trách nhiệm tài nguyên nước; đề nghị G20 và cộng đồng quốc tế nâng cao trách nhiệm, ý thức tự cường, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế và phối hợp hành động hiệu quả, tăng cường hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.

Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017 với tư cách là chủ nhà APEC 2017. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Năm 2010, Việt Nam đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Canada và Hàn Quốc trên cương vị Chủ tịch ASEAN.

Tại Hội nghị lần này, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận tại hầu hết các hội nghị quan trọng của G20, đóng góp nhiều ý kiến có trách nhiệm trong quá trình xây dựng tuyên bố chung và các văn kiện của G20./.