TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ngày 05-4, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Không cần tách doanh nghiệp siêu nhỏ ra khỏi doanh nghiệp nhỏ

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại diện các cơ quan, các chuyên gia đã tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể của dự án luật này.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Ban Soạn thảo dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã cân nhắc tiếp thu ý kiến của cử tri. Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn băn khoăn về tính khả thi và tính cụ thể của luật này và cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp theo dự án luật này không cải thiện được bao nhiêu.

Qua nghiên cứu dự án Luật này, đại biểu cho rằng, một số nội dung trong dự án Luật cơ bản chưa thực hiện được do liên quan đến việc chờ Chính phủ hướng dẫn và vấn đề sửa Luật Thuế. Điều 16 quy định rõ về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo xác định rõ đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ tuy nhiên cách thức và nguồn lực hỗ trợ không thể hiện rõ. Điều 17 về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia liên ngành chuỗi giá trị cũng xác định rất rõ đối tượng, nội dung, điều kiện hỗ trợ nhưng cũng không làm rõ phần cách thức hỗ trợ và nguồn lực hỗ trợ.

Nhất trí cao với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung luật, đại biểu Trương Anh Tuấn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nhận định, nội dung dự án luật mang tính khung chính sách và để triển khai được phải có quyết tâm lớn, có quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thi hành, bước triển khai phù hợp với từng thời điểm, từng giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước.

Đại biểu nêu ý kiến, trong khoản 1 điều 4 về tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu nhất trí với các tiêu chí nêu trong dự án Luật là số lượng lao động, vốn và doanh thu. Dự án Luật đề cập đến khái niệm doanh nghiệp siêu nhỏ trong các doanh nghiệp nhỏ nhưng trong toàn bộ nội dung của dự án luật không có thêm một nội dung nào đề cập đến doanh nghiệp siêu nhỏ và không có chính sách riêng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ. Đại biểu đề nghị bổ sung những chính sách riêng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn trong khi tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ là không nhiều. Do đó, khi đưa vào dự án Luật không cần tách doanh nghiệp siêu nhỏ ra khỏi doanh nghiệp nhỏ.

Làm rõ cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh nâng lên doanh nghiệp

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong buổi sáng thảo luận, 25 đại biểu có ý kiến đóng góp. Các đại biểu cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; nhất trí Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là luật chung nhưng cũng phải có những điểm cụ thể được quy định để các doanh nghiệp vừa và nhỏ yên tâm phát triển. Các đại biểu có chung quan điểm, phải sửa một số luật để phù hợp với luật này gồm: Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng. Lộ trình sửa đổi các luật này là từ nay đến năm 2019.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu về tính cụ thể và đánh giá tác động của dự án Luật này. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát lại điều 5 về nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt là vấn đề trách nhiệm của Nhà nước. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Hiến pháp Nhà nước năm 2013 quy định: Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư đăng ký kinh doanh. Như vậy, Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, cần sửa lại khoản 1 điều 5 theo tinh thần của Hiến pháp là: Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nhưng bảo đảm không vi phạm nguyên tắc thị trường đồng thời, Ban Soạn thảo cần tính tới nghiên cứu để các doanh nghiệp sử dụng lao động nữ, cần bổ sung thêm lao động là thương binh, khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số…

Các đại biểu cũng cơ bản đồng tình với 3 tiêu chí đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là: lao động, vốn, doanh thu; tuy nhiên cần xác định nếu theo những tiêu chí này thì sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ và vừa trong số các doanh nghiệp đang hoạt động. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ cơ chế khuyến khích để hộ kinh doanh có thể nâng lên doanh nghiệp; về việc nhiều quyết định trong dự thảo luật còn chưa phù hợp với tinh thần của dự án Luật; về quy định có chính sách ưu đãi về thuế thấp hơn mức thuế phổ thông được quy định trong các luật khác và có thời hạn; các phương án tiếp cận hỗ trợ tín dụng trên cơ sở nguyên tắc của thị trường, có cơ chế bảo lãnh tín dụng, cơ chế bù lãi suất…

Bên cạnh đó, vấn đề hỗ trợ mặt bằng sản xuất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được rà soát lại tại Luật Đất đai, hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung các doanh nghiệp. Một số ý kiến đề nghị rà soát lại một số điều khoản trong dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó lưu ý các chính sách này liên quan nhiều đến các vấn đề tại địa phương và cần có những quy định về trách nhiệm của những đơn vị này.

** Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Tại hội nghị, để có cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba, các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại diện các cơ quan, các chuyên gia đã tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể gồm phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước; xác định cơ quan giải quyết bồi thường; bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên tắc bồi thường như luật hiện hành. Theo đó, bên cạnh cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời bổ sung quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu bồi thường.

Có ý kiến tán thành nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường như dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội, theo đó thống nhất một cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, không cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng.

Theo ý kiến đại biểu nêu ra tại hội nghị, muốn bồi thường nhanh chóng, minh bạch, phải xác định được trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong xác định thiệt hại, vì thời gian xác minh ảnh hưởng đến thời gian chi trả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn, giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự, sau này kết luận bị oan sai thì người đó phải được bồi thường.

Hiện nay, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính trái pháp luật được bồi thường, còn trong trường hợp giữ người khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự không được bồi thường. Bởi vậy, việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp về sau xác định là oan sai thì phải được bồi thường để phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Tổng hợp các vấn đề nêu trong hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, khi Quốc hội xem xét thông qua Luật này phải đáp ứng được yêu cầu: Quyền được bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật; nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương của cán bộ, công chức khi giải quyết công vụ và bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và hệ thống chính trị, hệ thống tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Tư pháp, cùng các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến tại hội nghị lần này, hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo tại phiên họp sắp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV./.