TCCSĐT - Với mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá, ngày 27-3-2017, tại Ninh Bình, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng truyền thông cho phóng viên, báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Dự buổi tập huấn có các đồng chí: Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Tư vấn Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh và Thông tin điện tử Bộ Thông tin Truyền thông; Nguyễn Tuấn Lâm đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cùng phóng viên, biên tập viên của 28 cơ quan báo chí, truyền thông trung ương và địa phương.

Tại Hội nghị, bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã cập nhật tình hình thực hiện hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá và hoạt động báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá; đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam thông báo những quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá ở các nước trong khu vực và trên thế giới; chia sẻ chủ đề về “Ngày Thế giới không khói thuốc 31-5-2017” và đại diện Cục Phát thanh Truyền hình chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng viết bài về phòng chống tác hại của thuốc lá.

Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng nhấn mạnh: “Trong 3 năm qua, báo chí luôn đồng hành và ủng hộ chúng tôi trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thể hiện qua số lượng và sự phản ánh mang tích tích cực, xây dựng giúp công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ngày càng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Tuy nhiên, một số ít báo vẫn vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, đăng tải thông tin về hoạt động tài trợ của công ty thuốc lá qua các bài viết về các chương trình xóa đói giảm nghèo, các chương trình từ thiện… Chính vì vậy, thông qua đợt tập huấn này, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá rất mong nhận được sự ủng hộ lớn lao hơn từ phía cộng đồng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người cầm bút về cách tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá”.

Trên tinh thần đó, Hội nghị đã trung thảo luận các vấn đề
xung quanh việc xây dựng môi trường không khói thuốc thông qua việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của hút thuốc và hút thuốc lá thụ động cũng như các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; nâng cao ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng. Người không hút thuốc nhận thức được quyền được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc đã được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Bên cạnh đó, cổ vũ, nâng cao ý thức của người không hút thuốc về việc dám lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm. Tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm như thuốc lá điện tử, shisha, xì gà…

Ngoài ra, các chuyên gia y tế và truyền thông cũng chia sẻ nhiều thông tin về tác hại của việc hút thuốc lá và các phương thức truyền thông về tác hại của thuốc lá với mong muốn, thông qua lớp tập huấn, các phóng viên, biên tập viên báo, đài sẽ nâng cao sự hiểu biết cũng như nhận thức sâu sắc hơn vai trò của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống tác hại thuốc lá. Cùng với đó, các báo sẽ mở thêm chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, có giá trị truyền thông mạnh mẽ, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng để từng bước kiểm soát, giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra. Đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, góp phần xây dựng môi trườngtrong lành, không khói thuốc lá.

Có thể nói, sau 4 năm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá được thành lập, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không thuốc lá.
Đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành, 17 bộ, ngành, tổ chức xã hội đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được tăng cường. Trong 3 tháng cuối năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra 151 cơ sở tại 3 tỉnh, thành phố, xử phạt 16 cơ sở 136 triệu đồng. Tại Hải Phòng, đã kiểm tra 62 đơn vị, tổng số tiền xử phạt trong năm 2016 khoảng 200 triệu đồng.

Cùng với việc thiết lập, kiện toàn mạng lưới Ban Chỉ đạo phòng,chống tác hại của thuốc lá; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá… công tác tuyên truyền cũng đặc biệt được quan tâm, nhờ đó tỷ lệ hút thuốc lá thụ động đã giảm đáng kể ở hầu hết các địa điểm công cộng như: bệnh viện, trường học, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm cũng còn có hạn chế như việc một số cơ quan báo chí chưa quan tâm, chưa coi đây là nhiệm vụ của cơ quan báo chí mình; vi phạm pháp luật trong việc đăng tải các hoạt động tài trợ của doanh nghiệp thuốc lá; nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa có ý nghĩa giáo dục sâu…”.

Vì vậy mà việc đẩy mạnh và nâng cao công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là vai trò và việc làm rất cần thiết của giới truyền thông.

Chiều cùng ngày, các học viên đã tham gia buổi tập huấn thực tế ở các khách sạn, các cơ sở y tế tại Ninh Bình như đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi Ninh Bình, tổ chức thảo luận, giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá./.