TCCSĐT - Ngày 23-3-2017, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước long trọng tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 Dự án Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền (Tà Thiết) và họp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2017) tại Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền (Tà Thiết).

Tới dự buổi lễ trên có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các tỉnh bạn và lãnh đạo tỉnh Sông Bé, Bình Phước qua các thời kỳ; đại diện các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trong, ngoài tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước chủ trì buổi lễ. Trước buổi lễ, các đại biểu cùng dự lễ dâng hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền.

Trong bài diễn văn kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Bình Phước, đồng chí Nguyễn Văn Lợi đã ôn lại lịch sử, truyền thống hào hùng của nhân dân Bình Phước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cho biết: “Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, trải qua 5 kỳ Đại hội, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, kế thừa kinh nghiệm và những thành tựu của tỉnh Sông Bé; phát huy tính chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay Bình Phước có 13 khu công nghiệp, với diện tích trên 5.000 ha, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động. Số doanh nghiệp tăng 13 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 39 lần; thu ngân sách tăng 20 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 16 lần so với lúc đầu năm tái lập tỉnh... Thành tựu trên tuy còn khiêm tốn nhưng là kết quả của sự đoàn kết, quyết tâm, đồng sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Bình Phước; sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, của lãnh đạo và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, các tỉnh, thành bạn đã luôn hỗ trợ, giúp đỡ Bình Phước trong thời gian vừa qua... Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đó, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong thời gian qua, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm 2017 và những năm tiếp theo. Xây dựng chính quyền gần gũi nhân dân, sâu sát doanh nghiệp. Tăng cường liên kết vùng để phát huy lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới. Quan tâm công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; giảm nghèo bền vững; chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục giữ vững an ninh quốc phòng, bảo đảm an ninh tuyến biên giới, trật tự an toàn xã hội”.

Nhằm tri ân, tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ Khu 10, các thế hệ lão thành cách mạng, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Sông Bé, Bình Dương, Bình Phước đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, sống, chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng và công nhận Căn cứ Bộ chỉ huy miền là di tích quốc gia đặc biệt. Đến năm 2016, được sự nhất trí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã triển khai đầu tư, tôn tạo, triển khai dự án trùng tu tôn tạo di tích. Đến nay, nhìn chung, Dự án giai đoạn 1 hoàn thành đúng tiến độ, kịp thời chào mừng đúng dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Bình Phước. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Trăm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo quá trình thực hiện đầu tư Dự án Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền, cho biết: “Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 gồm 7 công trình, hạng mục: Tượng đài chiến thắng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng được Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Viettel bảo trợ; Đền thờ chính thức, tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng do Binh đoàn 16 hỗ trợ; Nhà truyền thống, tổng mức đầu tư 6,5 tỷ đồng do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tài trợ; Nhà đón tiếp, tổng mức là 15 tỷ đồng do tỉnh Bình Dương hỗ trợ; Cổng chào, với tổng mức 5 tỷ đồng do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ; Khu quảng trường, có tổng mức đầu tư là 25 tỷ đồng do ngân sách tỉnh đảm nhận; Công trình xây dựng hàng rào bảo vệ được đầu tư chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 dài 7.000m do Bộ Quốc phòng hỗ trợ với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Tổng cộng đầu tư cho giai đoạn 1 là 97 tỷ đồng, trong đó các cơ quan tài trợ được 72 tỷ đồng, còn lại là 25 tỷ đồng do ngân sách tỉnh đảm nhiệm”.

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Minh Triết cho rằng, chỉ sau 1 năm, các di tích lịch sử tại Bình Phước đã được đầu tư khang trang, nhanh chóng. Đó là sự đóng góp những tình cảm của các địa phương, đơn vị đã góp sức, góp tình, góp công xây dựng nên Tà Thiết bước đầu như hôm nay. Chúng ta xây dựng để cho hôm nay và mai sau, để phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, truyền thống... đặc biệt là để giáo dục cho thế hệ trẻ uống nước nhớ nguồn để ra sức giữ gìn bảo vệ non sông, đất nước của mình mãi mãi trường tồn...

Cuối buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Lợi và đồng chí Nguyễn Văn Trăm đã trao bằng khen cho 22 đơn vị tài trợ, 25 cá nhân có đóng góp công sức tích cực trong xây dựng Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền. Sau đó, Ban tổ chức buổi lễ tiến hành nghi thức cắt băng khánh thành giai đoạn 1 của Di tích./.