Sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long: Thách thức và giải pháp tương lai
TCCSĐT - Trong khuôn khổ “Thỏa thuận Đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước”, ngày 21-3-2017, tại thành phố Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Utrecht (Hà Lan) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Vấn đề sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long: Thách thức và giải pháp tương lai”.
Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu đại diện Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các nhà khoa học về tài nguyên, môi trường, địa chất, thủy văn của các viện, trường trong và ngoài nước, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn phòng công tác biến đổi khí hậu các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất về tài nguyên nước và khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan, nhấn mạnh: Hội thảo tập trung trao đổi về mối quan hệ giữa việc khai thác tài nguyên nước dưới đất và vấn đề sụt lún bề mặt đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây, đánh giá mức độ sụt lún bề mặt đất (theo không gian và thời gian). Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hệ quả bất lợi cho vùng liên quan đến tình trạng lũ lụt, giảm diện tích đất canh tác, các tác động khác ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng trong tương lai.
Hội thảo hướng đến việc gắn kết các nhà khoa học trong nước và quốc tế về lĩnh vực tài nguyên nước, địa kỹ thuật với chính quyền các địa phương nhằm thảo luận các chính sách, các chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu chia sẻ quan điểm, tầm nhìn, định hướng phát triển cho vùng, trao đổi kinh nghiệm phát triển tại các hệ thống đồng bằng khác trên thế giới, đề xuất các chiến lược liên quan đến vấn đề đô thị hóa, thay đổi mục đích sử dụng đất, hạn chế sụt lún bề mặt đất, sử dụng hợp lý nguồn nước dưới đất,… giúp đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, GS. Piet Hoekstra, Trường Đại học Utrecht đã giới thiệu kết quả bước đầu triển khai thực hiện Dự án nghiên cứu khoa học “Rise and Fall”: “Chiến lược thích ứng với sụt lún và đô thị hóa ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam nhằm ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn gia tăng”. Đây là dự án nghiên cứu được các viện, trường tại Hà Lan và Việt Nam kết hợp thực hiện từ năm 2015, nhằm nâng cao năng lực của các cá nhân và tổ chức trong việc xây dựng và phát triển các chính sách bền vững để giải quyết các vấn đề về gia tăng khai thác nước dưới đất, sụt lún bề mặt đất và xâm nhập mặn trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng gia tăng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các kết quả nghiên cứu bước đầu từ dự án “Rise and Fall” cho thấy: Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với hai nguy cơ lớn là suy giảm nguồn dự trữ nước nhạt và tình trạng sụt lún đất ngày càng gia tăng. Toàn vùng đang có những thay đổi nhanh chóng do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi sử dụng đất đai nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động trên ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều hệ lụy, đó là: Gia tăng khai thác tài nguyên nước dưới đất (nguồn nước nhạt) trên quy mô lớn làm gia tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước này; nước mặn ngày càng xâm nhập mạnh vào nguồn nước mặt và mặn hóa nguồn nước dưới đất; sụt lún đất ngày càng tăng do gia tăng khai thác nước dưới đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu đô thị, khu công nghiệp và tình trạng thoát nước ở tầng nông dưới mặt đất (kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy nhiều phần diện tích ở nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây có mức độ sụt lún khoảng 10 - 20 mm/năm; ở thành thị và các khu công nghiệp, mức độ sụt lún lên đến khoảng 25 mm/năm); gia tăng rủi ro do ngập lũ làm mất diện tích đất canh tác nông nghiệp và gây ra các tác động tiêu cực đến hệ thống các công trình và cơ sở hạ tầng.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học ở Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc,… đã giới thiệu một số kinh nghiệm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm, hạn chế tình trạng sụt lún đất để các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long tham khảo. Đó là: Cấp phép và đánh thuế sử dụng nước ngầm; quy hoạch và xác định những vùng cấm khai thác nước ngầm; mở rộng quyền hạn cho chính quyền địa phương để ngăn chặn việc khai thác và xử lý kịp thời những trường hợp khai thác nước dưới đất không phép, sai phép; tạo nguồn Quỹ đầu tư nước dưới dất để hỗ trợ các hoạt động khoa học trong lĩnh vực này; đầu tư hệ thống cấp nước, tái xử lý nước thải, bổ cập nguồn nước nhân tạo ở những khu vực phù hợp; thực hiện chương trình ngăn chặn sụt lún trên phạm vi quốc gia, vùng và kiểm soát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện chương trình này; xây dựng các đập, kênh, hồ chứa để trữ và cung cấp nguồn nước ngọt khi cần thiết; phổ biến rộng rãi các giải pháp tiết kiệm nước trong sinh hoạt, sản xuất;…
Hội thảo đã đề xuất một số vấn đề có tính chiến lược như: giải pháp kiểm soát lũ từ các tỉnh thượng nguồn sông Cửu Long; phát triển nông nghiệp bền vững ở các vùng cửa sông, vùng bán đảo; tăng cường nghiên cứu, xác định những tầng nước dưới đất bị khai thác quá mức để có phương cách hạn chế, ngăn chặn khai thác; bảo vệ các vùng biển ven bờ. Hội thảo cũng kiến nghị nên đưa các vấn đề về sự thay đổi của nguồn nước nhạt hiện có, tình trạng xâm nhập mặn và tình trạng sụt lún đất của đồng bằng sông Cửu Long vào các chương trình hành động của Chính phủ; tăng cường quan trắc chất lượng nước mặt và nước dưới đất cũng như công tác quan trắc việc khai thác và sử dụng nước dưới đất và tốc độ sụt lún; qua đó, từng bước hoàn thiện các mô hình toán dự báo và đề xuất các chủ trương về quản lý nguồn nước bền vững./.
Đưa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore lên tầm cao mới  (21/03/2017)
Đưa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore lên tầm cao mới  (21/03/2017)
Bế mạc Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (21/03/2017)
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Israel  (21/03/2017)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên