Xây dựng nông thôn mới: Tập trung bảo đảm các tiêu chí “mềm”
TCCSĐT - Năm 2016 là năm đầu tiên cả nước thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của giai đoạn 2016 - 2020, cũng là năm đầu tiên mà Chính phủ, các cấp chính quyền của địa phương tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với những mục tiêu lớn hơn và các giải pháp cụ thể, sát thực tiễn hơn giai đoạn trước.
Nhận được nhiều quan tâm chỉ đạo
Trung tuần tháng 8-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu cả nước đạt 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (hiện nay là trên 26%). Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, xã hội mỗi vùng còn nhiều khó khăn nên Chính phủ không áp đặt “cào bằng” chỉ tiêu trên mà mỗi vùng có một chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới khác nhau, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội từng vùng, động viên chính quyền và nhân dân các địa phương này thực hiện thành công chương trình.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới cho giai đoạn này với nhiều tiêu chí được Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động quy định cụ thể nhằm tránh lãng phí, đầu tư dàn trải. Đặc biệt, Trung ương Đảng, Quốc hội tiếp tục thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thực hiện xây dựng nông thôn mới khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Quốc hội thông qua Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng ra Chỉ thị số 36/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho rằng: “Sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ các vướng mắc của hệ thống khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn (31 văn bản) của giai đoạn trước đã tạo thêm động lực, khích lệ các địa phương triển khai Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020”.
Cụ thể, đến hết năm 2016, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước có 2.358 xã (26,43%) đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 1,43% so với mục tiêu năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra ); còn 257 xã dưới 5 tiêu chí (chiếm 2,88% tổng số xã) giảm 69 xã so với cuối năm 2015. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,47 tiêu chí/xã (tăng 1,23 tiêu chí/xã). Cả nước có 30 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gấp 2 lần so với cuối năm 2015. Thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhiều địa phương đã quan tâm và chỉ đạo thành công các mô hình hiệu quả về liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng như nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, theo chuỗi liên kết (Hà Nam, Lâm Đồng); ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, hiệu quả cao (Đồng Nai, Tây Ninh); mô hình nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh; huyện Hoa Lư, Ninh Bình; huyện Phong Điền, Cần Thơ...); phong trào mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu phát huy hiệu quả, bước đầu thành công là kinh nghiệm tốt để các địa phương khác học tập, nhân rộng... Nhiều địa phương đã tìm tòi và hình thành những mô hình nông thôn mới mang tính đặc trưng riêng, như: Mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hậu Giang), mô hình “Làng đô thị xanh” gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị hoá của Đà Lạt (Lâm Đồng);m ột số địa phương đã chủ động ban hành kế hoạch và tiêu chí nâng chất đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Lâm Đồng là bước chuyển tiếp để lên nông thôn mới kiểu mẫu.
Các địa phương đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường khi nhiều tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục cụ thể, một số địa phương đã có các Đề án riêng về xử lý môi trường (huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh,thành phố Hồ Chí Minh...). Đời sống về văn hóa, tinh thần người dân nông thôn được cải thiện một bước. Như Hải Hậu, tỉnh Nam Định hiện nay gần 200 đội kèn đồng thành lập. Nếu như ở Thái Bình các chiếu đào được tái hồi trở lại thì ở đồng bằng sông Cửu Long, những mô hình và những hội đàn ca tài tử được thành lập ngày càng nhiều. Những lễ hội văn hoá lành mạnh như tam giác mạch được hình thành và phát triển. Đặc biệt, vấn đề dư luận bức súc trong xây dựng nông thôn mới là nợ đọng xây dựng cơ bản đã được các địa phương tập trung xử lý, kéo giảm tới hơn 36,8% so với cuối năm 2015. Hiện số nợ này còn khoảng 9.654 tỷ đồng.
Xây dựng nông thôn mới bền vững
Trong thời gian tới, xây dựng nông thôn mới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức khi những xã còn lại đều đa phần là những xã khó khăn, đặc biệt khó khăn trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước thì có hạn, diễn biến thời tiết, thiên tai khó lường,… sẽ tác động không nhỏ tới kết quả của Chương trình. Bên cạnh đó là việc duy trì, phát huy vai trò, vị trí của các địa phương đã được công nhận nông thôn mới tiếp tục trở thành “nông thôn mới kiểu mẫu” để các địa phương khác học tập, xây dựng mô hình phù hợp. Nhưng, dù nông thôn mới ở nhiều nơi, nhiều vùng có bộ mặt khác nhau thì bản chất của nông thôn mới vẫn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân vùng nông thôn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban C hỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia nhận định Nghị quyết số 26-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 7 khóa X xác định năm mục tiêu của nông thôn mới đều khẳng định các tiêu chí “mềm” liên quan tới đời sống tinh thần, vật chất của người dân là rất quan trọng.
Năm mục tiêu này là đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn nâng cao nhanh; phát triển theo quy hoạch có hệ thống hạ tầng đồng bộ và đáp ứng yêu cầu lâu dài; môi trường xanh sạch đẹp; bảo tồn phát huy được bản sắc văn hóa các vùng miền; hệ thống chính trị được nâng cao. “Từ đó thấy các tiêu chí mềm rất quan trọng từ đời sống, sinh kế, an ninh, văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị vững mạnh,... Nội dung “cứng” (cơ sở vật chất, hạ tầng,…) chỉ là nội hàm của phát triển thôi. Gần 10 năm qua thì năm mục tiêu này vẫn mang định hướng quan trọng”, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, để thực hiện năm mục tiêu này trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng cũng nêu lên ba vấn đề nổi lên là phải tính toán đặc điểm, đặc thù và mức độ phù hợp với từng vùng, miền và từng địa phương chứ không áp dụng chung cho tất cả các vùng. Thứ hai, nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài là rất quan trọng, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đi liền với đô thị văn minh. Thứ ba là lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo cũng như các chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Năm mục tiêu và ba vấn đề nổi lên khi thực hiện Chương trình đã được Chính phủ lồng ghép thể hiện trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới cho giai đoạn 2016 - 2020. Nhiệm vụ còn lại là các bộ, ngành liên quan đề cao trách nhiệm, hoàn thành xây dựng các văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới theo nhiệm vụ, chức năng của mình; kiện toàn ban chỉ đạo Chương trình ở địa phương để việc triển khai chương trình kịp thời, hiệu quả, đúng định hướng trong năm 2017./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 23 đến ngày 29-01-2017)  (30/01/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23 đến ngày 29-01-2017)  (30/01/2017)
Người nước ngoài chia sẻ những cảm nhận về Tết Việt Nam  (29/01/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển