Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16 đến ngày 22-01-2017)
TCCSĐT - Ngày 18-01-2017, tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington (Mỹ), Tổng thống Barack Obama đã có cuộc họp báo cuối cùng, khép lại hai nhiệm kỳ làm người đứng đầu nước Mỹ. Cuộc họp báo cuối cùng của vị Tổng thống Mỹ thứ 44 đã thể hiện niềm tin mãnh liệt vào năng lực của người dân Mỹ trong việc mang lại sự thay đổi lớn lao cho đất nước.
Tổng thống Barack Obama bày tỏ lạc quan vào tương lai nước Mỹ
Tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN
Phát biểu trước đông đảo phóng viên và nhà báo Mỹ trong cuộc họp báo lần thứ 165 và cũng là cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã bày tỏ niềm tin và hy vọng vào tương lai của nước Mỹ.
Tổng thống B. Obama bắt đầu cuộc họp báo với những lời tri ân dành cho vợ chồng cựu Tổng thống George H. W. Bush, trước khi điểm lại những dấu mốc trong 8 năm cầm quyền. Tổng thống B. Obama nhấn mạnh: “Từ sâu thẳm trái tim, tôi tin tưởng người dân Mỹ và nước Mỹ sẽ tốt đẹp”. Tổng thống B. Obama ngỏ lời cảm ơn các phóng viên và nhà báo của nước Mỹ, những người mà ông cho là nền dân chủ Mỹ thật sự cần.
Tổng thống B. Obama tái khẳng định cam kết bảo đảm một quá trình chuyển giao quyền lực êm thấm với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Như một thông điệp gửi tới nhà lãnh đạo kế nhiệm, Tổng thống B. Obama nhấn mạnh điều quan trọng đối với ông D. Trump là phải có một đội ngũ cố vấn giỏi ở bên cạnh và “tổng thống Mỹ không phải là một công việc mà bạn có thể làm một mình”. Theo ông B. Obama, “xã hội Mỹ đã thay đổi” và một ngày nào đó “nước Mỹ có thể sẽ có một tổng thống gốc Latinh, một nữ tổng thống hay một tổng thống gốc Do Thái”.
Trong cuộc họp báo, Tổng thống B. Obama đã dành khá nhiều thời gian cho các vấn đề đối ngoại. Tổng thống B. Obama đề cập tới việc Mỹ áp đặt trừng phạt Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sự xuất hiện trở lại của thế đối đầu như thời Chiến tranh Lạnh đã khiến quan hệ song phương Mỹ - Nga gặp nhiều trắc trở. Ông khẳng định Washington sẵn sàng hợp tác hạt nhân với Moscow, song cho rằng “Moscow không sẵn lòng đàm phán”. Khi được hỏi về việc Tổng thống đắc cử Donald Trump có xu hướng cải thiện quan hệ với Nga, Tổng thống B. Obama không chỉ trích người kế nhiệm nhưng kêu gọi Tổng thống đắc cử D. Trump cần tách bạch vấn đề trừng phạt kinh tế với vấn đề đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân bởi ông D. Trump đã từng để ngỏ khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga nếu Moscow chấp thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông B. Obama cho rằng, thế giới sẽ được hưởng lợi nếu quan hệ Mỹ - Nga trở nên tốt đẹp.
Về quan hệ với Cuba, Tổng thống B. Obama tuyên bố ông đã quyết định xóa bỏ chính sách “chân ướt, chân ráo” áp dụng đối với người nhập cư Cuba bởi vì chính sách này không còn ý nghĩa nữa khi quan hệ Washington - La Habana ngày càng phát triển và hai bên nối lại các hoạt động ngoại giao.
Liên quan tới tiến trình hòa bình Trung Đông, Tổng thống B. Obama đã bày tỏ quan ngại trước triển vọng đạt được một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine. Tổng thống B. Obama cho rằng, ý tưởng của Tổng thống đắc cử D. Trump chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thủ đô Tel Aviv của Israel đến Jerusalem có thể là “thùng thuốc nổ” và phá vỡ chính sách lâu nay của Washington. Tổng thống B. Obama một lần nữa khẳng định các hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái của Israel tại khu vực Bờ Tây và Đông Jerusalem chiếm đóng là một rào cản đối với triển vọng hai nhà nước, giải pháp mà Mỹ coi là tốt nhất cho cuộc xung đột kéo dài này.
Kết thúc cuộc họp báo cuối cùng, Tổng thống B. Obama đã kêu gọi người dân Mỹ tin tưởng ở khả năng thay đổi của mỗi người để khiến nước Mỹ mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn. Tổng thống mãn nhiệm B. Obama rời Nhà Trắng với tỷ lệ ủng hộ cao tương đương lúc ông lên nắm quyền cách đây 8 năm. Theo kết quả thăm dò dư luận do CNN/ORC thực hiện và công bố ngay trong ngày 18-01, tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ cách thức ông B. Obama điều hành nước Mỹ lên tới 60%, mức cao nhất kể từ tháng 6-2009. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống B. Obama ở thời điểm cuối nhiệm kỳ là khá cao nếu so với các tổng thống sắp mãn nhiệm trước đây của Mỹ, chỉ sau cựu Tổng thống Bill Clinton - với tỷ lệ ủng hộ 66% ở thời điểm tháng 01-2001, và cựu Tổng thống Ronald Reagan với 64% vào tháng 01-1989. Cũng theo khảo sát, có 65% người dân Mỹ đánh giá ông B. Obama đã có hai nhiệm kỳ tổng thống thành công.
Quỹ Tiền tệ quốc tế giữ nguyên mức dự báo đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2017 đạt mức tăng trưởng 3,4% và sẽ đạt 3,6% trong năm 2018. Ảnh: imf.org
Ngày 16-01, trong Báo cáo “Triển vọng Kinh tế toàn cầu”, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2017 đạt mức tăng trưởng 3,4% và sẽ đạt 3,6% trong năm 2018, không thay đổi so với dự báo được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 10-2016.
IMF nhận định trong những năm tới, các nền kinh tế phát triển lại có triển vọng tăng trưởng khả quan hơn, với nền kinh tế Nhật Bản đạt tăng trưởng 0,8% trong năm 2017, tăng 0,2% so với báo cáo trước đó, và đạt 0,5% trong năm 2018.
Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới, cũng được nâng dự báo tăng trưởng lên lần lượt 2,3% và 2,5% trong năm nay và năm tới. Tuy nhiên, IMF cảnh báo việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng cường các hạn chế đối với thương mại toàn cầu và người nhập cư có thể gây tổn hại đến năng suất lao động và thu nhập, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường.
Đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu, IMF dự báo mức tăng trưởng 1,6% trong năm nay và năm tới, tăng 0,1% so với dự báo trước.Báo cáo của IMF cũng nhận định việc các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ đã khiến giá dầu phục hồi, qua đó tác động tích cực đến các nước xuất khẩu hàng hóa, trong đó có Nga. Tuy nhiên, IMF vẫn giữ nguyên dự báo đối với nền kinh tế “Xứ sở bạch dương” với mức tăng trưởng lần lượt đạt 1,1% và 1,2% trong năm 2017 và 2018. Trung Quốc cũng được dự báo là một điểm sáng trong số các nền kinh tế mới nổi khi IMF đã điều chỉnh nâng dự báo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm 2017 lên 6,5%, tăng 0,3% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 10-2016.
Hậu Brexit: Thủ tướng Anh Theresa May chọn hướng đi phức tạp nhất
Thủ tướng Anh Theresa May tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: TTXVN
Ngày 17-01, Thủ tướng Anh Theresa May đã có bài phát biểu quan trọng vạch ra hướng đi cho nghị trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Theo đó, kế hoạch này được cho là sẽ giúp Anh giữ vai trò là trung tâm thương mại quốc tế lớn. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, với quyết tâm đưa Anh ra khỏi thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan, bà T. May đã lựa chọn một hướng đi phức tạp nhất. Nếu mọi chuyện không theo kịch bản mong muốn, nền kinh tế và giới doanh nghiệp Anh có thể đứng trước nguy cơ gián đoạn lớn.
Tờ “Thời báo Tài chính” Anh cho rằng, Anh đang yêu cầu EU điều mà khối này chưa từng làm khi đặt mục tiêu đàm phán một thỏa thuận thương mại với EU trong giai đoạn hai năm Anh rời “mái nhà chung EU” trong kế hoạch được công bố hôm 17-01. Giới chức EU ngay lập tức phản đối ý định này. Ủy viên EU Michel Barnier phụ trách vấn đề đàm phán Brexit, nhấn mạnh London sẽ phải nhất trí các thỏa thuận rời EU theo đúng trình tự trước khi hai bên có thể bắt đầu đàm phán về tương lai hậu Brexit. Tuy nhiên, dù 27 nước thành viên còn lại của EU có nhất trí thương thảo một thỏa thuận thương mại trùng với thời điểm “chia ly”, thì thực tế, việc kết thúc một thỏa thuận thương mại trong hai năm là điều chưa từng xảy ra với liên minh này.
Dù Anh rời EU, nhưng đối với nước này, EU sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất hậu Brexit, do các doanh nghiệp Anh được hưởng lợi một phần nhờ yếu tố địa lý. Theo chuyên gia Jacob Funk Kirkegaard thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), khoảng cách là vấn đề lớn trong thương mại. Dù có đàm phán với các cường quốc, nhưng cuối cùng mối quan hệ thương mại quan trọng nhất vẫn luôn là với các nước láng giềng. Chỉ riêng trong tháng 11-2016, xuất khẩu của Anh sang các nước EU chiếm tới 48% tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh, và trong 18 tháng trước đó, tỷ lệ này dao động trong khoảng 38% - 51%.
Cũng theo tờ “Thời báo Tài chính”, Anh sẽ phải mất nhiều năm để đàm phán và ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại mới với EU, thay vì được lợi từ hàng chục thỏa thuận thương mại hiện có. Các chuyên gia thương mại cho rằng, nếu mọi việc theo đúng kế hoạch, Anh cũng sẽ đạt được một vị thế đáng mơ ước và thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật, Anh chưa thể tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại như trên khi vẫn đang thuộc EU. Lựa chọn tốt nhất đối với Anh có lẽ là khởi động đàm phán một thỏa thuận mẫu với một nước như Canada, song điều này cũng khá phức tạp. Nhìn chung, nước này cần nhanh chóng đề ra các ưu tiên cũng như những yêu cầu cần có để có thể đạt được các thỏa thuận thương mại.
Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit cho rằng, trong trường hợp xấu nhất, Anh có thể tính đến phương án đàm phán lại các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tư cách thành viên của nước này. Tuy nhiên, tư cách thành viên của Anh trong WTO hiện bị ràng buộc bởi các điều khoản thuế quan của EU và các điều khoản thương mại khác. Do đó, nước này vẫn cần đàm phán danh mục thuế riêng với 163 quốc gia thành viên WTO. Một số tiến trình đàm phán có thể diễn ra tương đối nhanh chóng nếu Anh chọn cách sao y mức thuế quan của EU đối với hàng nghìn danh mục hàng hóa và dịch vụ mà WTO đã thông qua. Tuy nhiên, các đàm phán khác chẳng hạn như đàm phán liên quan đến hạn ngạch nông nghiệp sẽ phức tạp hơn.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 47 ở Davos (Thụy Sỹ) hôm 19-01, Thủ tướng T. May tuyên bố nước Anh sẽ thúc đẩy “vai trò lãnh đạo mới” của mình trong nền kinh tế thế giới khi Anh rời khỏi EU và việc Anh rời khỏi EU không có nghĩa là Anh ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, quay lưng lại toàn cầu hóa. Đây cũng là một phát biểu tái khẳng định của Thủ tướng Anh sau khi một số lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia, tổng giám đốc điều hành các ngân hàng lớn trên thế giới lên tiếng bày tỏ lo ngại trước tuyên bố Anh sẽ rút ra khỏi thị trường chung EU. Điều này sẽ cản trở khả năng điều hành kinh doanh trên toàn cầu của họ khi trụ sở đóng tại London. Do đó, trong bài phát biểu của mình, bà T. May đã kêu gọi các doanh nghiệp hãy có cách tiếp cận mới để bảo đảm họ hoạt động trên một sân chơi quốc tế bình đẳng, cách tiếp cận được bà T. May mô tả là theo mô hình “một xã hội mọi người chia sẻ với nhau”.
Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực giải quyết tình trạng bất ổn
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: TTXVN
Ngày 19-01, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn 7 điều khoản đầu tiên ở vòng bỏ phiếu thứ hai về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, theo đó sẽ mở rộng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Bảy điều khoản này bao gồm: tăng số nghị sĩ trong Quốc hội từ 550 lên 600 người; giảm tuổi tối thiểu để trở thành một nghị sĩ từ 25 xuống còn 18 tuổi; và cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống sẽ được tiến hành 5 năm một lần.
Trước đó, ngày 15-01, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu thông qua điều 17 và 18, hai điều khoản cuối cùng trong kế hoạch cải cách Hiến pháp trọn gói, theo đó sẽ mở rộng quyền lực cho Tổng thống T. Erdogan. Với việc thông qua hai điều khoản cuối cùng này, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc vòng bỏ phiếu đầu tiên đối với gói cải cách Hiến pháp sau một tuần bàn thảo và tranh luận căng thẳng.
Điều 17 mở đường cho Tổng thống trở thành thành viên của một đảng phái chính trị và biến chức danh Tổng thống - hiện chỉ là người đứng đầu nhà nước trên danh nghĩa, thành chức vụ sẽ điều hành chính phủ, đề xuất các khoản thu chi ngân sách. Tổng thống sẽ có quyền bổ nhiệm và sa thải các bộ trưởng, trong khi vị trí thủ tướng sẽ lần đầu tiên bị bãi bỏ trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Do Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7-2016, điều 17 cũng sẽ mở rộng phạm vi các điều kiện, theo đó, Tổng thống có thể ban bố tình trạng khẩn cấp.
Về điều 18, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền và đảng Dân tộc chủ nghĩa (MHP) cho rằng, dự thảo này sẽ đem lại sự lãnh đạo hành pháp mạnh mẽ cần thiết nhằm ngăn chặn sự trở lại của các chính phủ liên minh mong manh trong quá khứ. Trong khi đó, hai đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, điều 18 có thể cho phép Tổng thống T. Erdogan nắm quyền đến năm 2029 và sẽ tạo ra chủ nghĩa độc đoán ở quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Sau khi bỏ phiếu về 18 điều khoản trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các nghị sỹ tiến hành bỏ phiếu về toàn bộ dự thảo này. Và ngày 21-01, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Dự kiến, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4 tới để dự luật này chính thức có hiệu lực.
Có thể thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng sau khi liên tiếp xảy ra các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng khiến dư luận hết sức lo ngại và phẫn nộ. Các vụ tấn công khủng bố xảy ra trong bối cảnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch quân sự nhằm vào các mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Lực lượng vũ trang người Kurd (PKK) tại các tỉnh biên giới của Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm 2016, thành phố Istanbul, thủ đô Ankara và nhiều thành phố khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công do các tay súng thánh chiến và các nhóm vũ trang người Kurd thực hiện, làm hàng trăm binh sỹ và dân thường thiệt mạng.
Hồi đầu tháng 01, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của chính phủ kéo dài thêm ba tháng tình trạng khẩn cấp. Đây là lần thứ hai Ankara gia hạn tình trạng khẩn cấp vốn được áp đặt từ sau vụ đảo chính quân sự.
Tổng thống T. Erdogan đang tích cực thúc đẩy việc cải cách Hiến pháp, đồng thời khẳng định những cải cách này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ thịnh vượng hơn và giảm bớt các vấn đề bất ổn an ninh. Tổng thống T. Erdogan cũng cam kết tiêu diệt đến cùng chủ nghĩa khủng bố và thực hiện mọi biện pháp, từ quân sự, kinh tế, chính trị đến xã hội nhằm chống lại các tổ chức khủng bố và các quốc gia hỗ trợ khủng bố, để bảo đảm an ninh cho người dân và góp phần giữ gìn hòa bình trong khu vực.
Ngoài những bất ổn về an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với khó khăn về kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2016 tiếp tục giảm 4%. Ngành du lịch, vốn được coi là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cũng đang chịu thiệt hại nặng nề do tình trạng bất ổn. Các nhà phân tích cảnh báo, các chỉ số vẫn có khả năng đi theo chiều hướng tiêu cực bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang tồn tại quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn gặp bế tắc trong xử lý cuộc khủng hoảng di cư cùng với mối quan hệ không còn “mặn nồng” với Mỹ và EU sau cuộc đảo chính bất thành. Với hàng loạt rắc rối bủa vây, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành sửa đổi Hiến pháp đã cho thấy nỗ lực của chính quyền Ankara trong việc giải quyết khủng hoảng./.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài hân hoan đón Xuân Đinh Dậu  (23/01/2017)
Thủ tướng kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của tình báo quân đội  (23/01/2017)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay