TCCSĐT - Ngày 13-01-2017, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị “Kế hoạch hành động thực hiện liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”.
Tham dự hội nghị có hơn 80 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành và một số doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Hội nghị này nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020. Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận nhằm đi đến thống nhất Kế hoạch hành động thực hiện liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020.

Kế hoạch này hướng đến khai thác hợp lý những tiềm năng, lợi thế của các địa phương, các tiêu vùng thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp với các sản phẩm chủ lực của vùng theo chuỗi giá trị; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng hỗ trợ phát triển nông thôn theo hướng bền vững, hiện đại; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế; nâng cao sinh kế, tạo việc làm mới, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 4 tiểu vùng thực hiện quy định thí điểm liên kết phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với các nông sản chủ lực. Cụ thể: Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (gồm các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang) với sản phẩm chủ lực là gạo; Tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu (Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre) với sản phẩm chủ lực là bưởi da xanh và dừa; Tiểu vùng bán đảo Cà Mau (Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang) với sản phẩm chủ lực là tôm thẻ chân trắng và tôm sú sinh thái; Tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên (Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang) với sản phẩm chủ lực là gạo và cá tra.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung về nguyên tắc liên kết, lĩnh vực liên kết, các hoạt động liên kết, thành lập Ban Điều phối sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về nguyên tắc liên kết, các địa phương, tiểu vùng sẽ tham gia thí điểm liên kết vùng theo nguyên tắc đồng thuận, thống nhất, bình đẳng, công khai, minh bạch trong thực hiện chủ trương liên kết; các chương trình, dự án phải phục vụ liên kết từng tiểu vùng, đảm bảo phù hợp với nguồn lực, điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội của vùng; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phát huy vai trò liên kết công tư.

Nội dung liên kết
tập trung vào 3 lĩnh vực. Một là, liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng mối liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi. Trong tiêu thụ, tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia các công sản chủ lực có thế mạnh của từng tiểu vùng và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: gạo, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, gạo, dừa, bưởi da xanh. Hai là, trên cơ sở các sản phẩm chủ lực đã được xác định, các địa phương đề xuất xây dựng các chương trình, dự án thủy lợi phục vụ tưới tiêu, phòng chống lũ, kiểm soát xâm nhập mặn, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sinh hoạt, cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, xây dựng và nâng cấp hệ thống đê biển, cống, đập, vành đai rừng ngập mặn và các dự án môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ba là, tổ chức lại sản xuất, tập trung chỉ đạo các mô hình sản xuất gồm nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ các nông sản chủ lực đạt hiệu quả.

Các hoạt động liên kết sẽ tập trung vào việc xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn từng tiểu vùng và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long; thống nhất liên kết phát triển các nông sản chủ lực giữa các địa phương trong từng tiểu vùng với nhau, liên kết giữa nông dân với nhau thông qua các tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã; liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp từ sản xuất đến chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản, tiêu thụ sản phẩm; liên kết trong đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết lập hệ thống thông tin vùng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; liên kết trong xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn vốn đầu tư;…

Hội nghị thống nhất với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ thành lập Ban Điều phối sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở kiện toàn, chuyển đổi Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Căn cứ vào kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ban Điều phối sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, từng địa phương cần xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch hành động cụ thể để khai thác tốt nhất những tiềm năng, lợi thế và tăng cường khả năng liên kết với các địa phương khác trong từng tiểu vùng nhằm phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất./.