TCCSĐT- Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8), Quốc khánh 2-9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ (1969-2009), nhiều bộ, ngành, địa phương trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực.

1. Giáo dục truyền thống và lịch sử dân tộc

Ngày 13-8, thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm "Thanh niên Hà Nội trước và trong Cách mạng Tháng Tám" nhân kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2009) và 65 năm thành lập Ban Thanh vận Thành Hoàng Diệu (8-1944 - 8-2009). Tại buổi tọa đàm, các cựu thanh niên Cứu quốc Thành Hoàng Diệu năm xưa đã giải đáp nhiều băn khoăn của thế hệ trẻ hôm nay và trao đổi về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc. Theo đó, thanh niên ngày nay cần phải có lý tưởng, phải dám chiến đấu, hy sinh, nỗ lực đóng góp sức mình làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh... Tuổi trẻ Thủ đô nguyện tiếp bước truyền thống hào hùng của dân tộc, nỗ lực đóng góp công sức cho đất nước.

- Ngày 28-8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc "Triển lãm 40 năm ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" và tổ chức Lễ trao bằng 10 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng "Di tích quốc gia đặc biệt đợt I năm 2009".

Triển lãm nhằm giới thiệu những thành tựu tiêu biểu của ngành qua các thời kỳ giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đổi mới đất nước, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm và đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và đông đảo đồng bào ở Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: "Với những nỗ lực, khắc phục khó khăn gian khổ, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã và đang có những đóng góp và hoạt động hiệu quả để xây dựng đời sống tinh thần của xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được các tầng lớp nhân dân trong cả nước hưởng ứng và tham gia.

Triển lãm có quy mô trên 10.000 m2 với sự tham gia của 30 cơ quan quản lý chuyên ngành, các đơn vị nghệ thuật của Bộ, 41 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền trong cả nước; 300 tác phẩm mỹ thuật, 128 tác phẩm nhiếp ảnh chọn từ 727 tác phẩm mỹ thuật và gần 900 tác phẩm nhiếp ảnh của 525 tác giả trong cả nước đã được trưng bày trong triển lãm.

Tại Quảng Ngãi, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh đã tổ chức xây dựng các cụm pa-nô, triển lãm ảnh về thành tựu của cách mạng Việt Nam trong các cuộc kháng chiến và thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Ðặc biệt, các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà và Sơn Tây đẩy mạnh các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Khởi nghĩa Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi (28-8-1959- 28-8-2009). Tỉnh tổ chức nhiều hoạt động bổ ích liên quan đến sự kiện này nhằm ôn lại truyền thống kiên cường, bất khuất của đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nói chung và huyện Trà Bồng, các huyện miền tây Quảng Ngãi nói riêng, đã góp phần trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc... Nhân dịp này, Quảng Ngãi đã bổ sung hàng tỉ đồng để đầu tư xây dựng di tích Gò Rô và tổ chức duy tu bảo dưỡng các di tích lịch sử khác.

Sở Thông tin - Văn hóa tỉnh Xay-nha-bu-li (Bắc Lào) cùng Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào cũng vừa phối hợp tổ chức triển lãm ảnh và đêm giao lưu văn nghệ hữu nghị Lào - Việt Nam. Ðại diện cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Bắc Lào, lãnh đạo chính quyền và các ban, ngành tỉnh Xay-nha-bu-li cùng đông đảo người dân Lào và bà con Việt kiều đang sinh sống tại tỉnh đã tham dự.

Triển lãm trưng bày gần 100 bức ảnh về quan hệ hữu nghị Lào - Việt Nam, về đất nước, con người Việt Nam và những thành tựu của nhân dân Việt Nam trong suốt 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều tiết mục văn nghệ phong phú, đặc sắc ca ngợi tình hữu nghị Lào - Việt Nam, về đất nước, con người của hai nước láng giềng anh em đã được các nghệ sĩ của Ðoàn Nghệ thuật tỉnh Xay-nha-bu-li và Hội Văn hóa - nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, cùng một số "hạt nhân văn nghệ" của bà con Việt kiều tại tỉnh trình diễn hết sức ấn tượng. Thông qua triển lãm ảnh và đêm giao lưu văn nghệ, ban tổ chức muốn giúp khán giả hình dung một cách toàn diện về những thành tựu to lớn mà đất nước và nhân dân Việt Nam đạt được trong những năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước.

Thiết thực kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, tỉnh Tuyên Quang đã dàn dựng, biểu diễn chương trình văn nghệ với chủ đề “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, tại Tân Trào và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao có ý nghĩa khác như: Hội trại của tuổi trẻ huyện Sơn Dương; Liên hoan văn hóa - thể thao với các môn thể thao dân tộc; Công an tỉnh, huyện Đoàn Sơn Dương phối hợp tổ chức đêm văn nghệ chào mừng kỷ niệm 54 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, phục vụ đồng bào vùng chiến khu cách mạng. Một triển lãm chuyên đề cũng được tổ chức tại Nhà trưng bày Ban quản lý Khu di tích, giới thiệu hình ảnh hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp tại Tuyên Quang.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh và Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều tại Bỉ, vừa có buổi giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với đông đảo kiều bào hiện đang về nước sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Quốc khánh 2-9 do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật người Việt ở nước ngoài tổ chức.

Bên cạnh cuộc giao lưu, chia sẻ kiến thức nói trên, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh còn phối hợp với Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Quốc khánh 2-9 như: “Giải tennis Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài - mở rộng lần thứ I-2009” (từ 29 đến 30-8 tại Khu du lịch sinh thái Làng Tôi); họp mặt kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2-9 cho bà con Việt kiều về nước.

Tại Bình Định, nhân dịp kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2-9, 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm Nguyến Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bình Định trước khi tiếp tục hành trình vào phía Nam và ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: lãnh đạo tỉnh tổ chức thăm, tặng quà các lão thành cách mạng; cán bộ chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ; Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; gia đình chính sách tiêu biểu và viếng nghĩa trang liệt sĩ. Các đoàn nghệ thuật của tỉnh chọn những tiết mục đặc sắc ca ngợi đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ để phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh; tổ chức đợt chiếu phim đặc biệt tại các rạp công cộng từ ngày 31-8 đến ngày 6-9 với các bộ phim chính: “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”, “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”, “Vài hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác” và “Miền Nam trong trái tim tôi”. Tại di tích lịch sử Chùa Linh Phòng cổ tự diễn ra lễ cầu nguyện "Quốc thái dân an" của trên 1.000 chức sắc, tăng ni phật tử trong và ngoài tỉnh Bình Định trong 2 ngày 27 và 28-8...

Sáng 28-8, tại thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc Khánh 2-9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 200 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hậu Giang, cán bộ, quân và dân thị xã Vị Thanh đã đến dự. Phát biểu tại Lễ mít tinh, đồng chí Nguyễn Văn Khiêm, Bí thư Thị ủy Vị Thanh, đã khẳng định vai trò lịch sử của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 64 năm qua, kể từ khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cùng với cả nước, tỉnh Hậu Giang nói chung, thị xã Vị Thanh nói riêng đã liên tục giành được nhiều thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay, Đảng bộ và nhân dân thị xã Vị Thanh đã giành được nhiều thành tựu to lớn, là địa phương dẫn đầu của tỉnh ở nhiều lĩnh vực, xứng đáng là trung tâm tỉnh lỵ của Hậu Giang.

Tại Đà Nẵng, ngày 28-8, Hội Tem thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bưu điện thành phố tổ chức triển lãm tem bưu chính với chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Triển lãm giới thiệu 70 khung tem 2 mặt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đảng quang vinh và dân tộc Việt Nam Anh hùng. Đây là bộ sưu tập đầy ý nghĩa của 35 nhà chơi tem thuộc 7 hội tem: thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai và Thừa Thiên Huế. Bên cạnh các bộ sưu tập tem được trưng bày, còn có triển lãm của các em thiếu nhi với 80 bức tranh về chủ đề Bác Hồ. Triển lãm tem bưu chính “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" kết thúc vào ngày 30-8.

Sáng 28-8, tại xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, Ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài chiến công Anh hùng Cù Chính Lan. Đặc biệt, đến dự buổi lễ khánh thành có ba người em ruột của Anh hùng Cù Chính Lan là Cù Chính Thao (75 tuổi), Cù Chính Huệ (73 tuổi) và Cù Chính Lài (69 tuổi). Công trình được khởi công vào ngày 15-3-2008, do Công ty Mỹ thuật Trung ương đảm nhận thi công với tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh Hoà Bình là 5.430 triệu đồng. Khuôn viên khu di tích lịch sử cấp quốc gia này có tổng diện tích là 3.638m2. Tượng và bệ tượng được chế tác từ nguồn nguyên liệu đá xanh Thanh Hoá, tổng chiều cao là 8,5m, thể tích là 160,4m3 và nặng 440 tấn. Tượng đài ghi lại hình ảnh Anh hùng Cù Chính Lan đang trong tư thế đánh xe tăng địch, người chiến sĩ dũng cảm đã bám đuổi và dùng lựu đạn ném vào thùng xe tăng Pháp trên quốc lộ 6 ngày 12-12-1952 trong chiến dịch Hòa Bình lịch sử.

Tại Hà Nam, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba và phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa xây dựng Đền liệt sĩ Núi Chùa.

Đọc diễn văn tại buổi Lễ, đồng chí Trịnh Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm đã ôn lại 40 năm Thanh Liêm làm theo Di chúc của Bác. Thực hiện Di chúc của Người, 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thanh Liêm vừa là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, vừa chiến đấu chống lại sự bắn phá ác liệt của kẻ thù, bảo vệ quê hương, lập nhiều chiến công, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi tỉnh Hà Nam được tái lập, Đảng bộ và nhân dân Thanh Liêm đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên đạt nhiều thành tích đáng tự hào trong xây dựng quê hương.

2. Tổ chức giao lưu, gặp mặt các điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tại Hưng Yên, với chủ đề “Nhớ lời Di chúc theo chân Bác” Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức buổi giao lưu với các tập thể, cá nhân đã từng được gặp Bác Hồ và những điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Buổi giao lưu mang diễn ra trong thời điểm Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đang tích cực thực hiện 40 năm Di chúc của Người và bước vào năm thứ ba, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong hơn 2 năm qua, cuộc vận động đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong mọi tầng lớp nhân dân và xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực lao động sản xuất, xây dựng nếp sống mới ở địa phương.

Tối 28-8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu cùng với Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thị xã Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu, gặp mặt gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh.

Cả 7 gương mặt tiêu biểu, đại diện cho nhiều lĩnh vực, vai trò khác nhau, từ các đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam tại Lai Châu, Phó Trưởng phòng PC14 (Công an tỉnh) đến em học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Tân Uyên đều có chung quan điểm khẳng định những bài học, những kinh nghiệm mà chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong suốt mấy chục năm qua vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

Tại Thừa Thiên Huế, chiều 27-8, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của Bác đối với Bộ đội Biên phòng tỉnh”.

Buổi gặp mặt nhằm biểu dương, tôn vinh 19 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ở các cấp cơ sở có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của Bác đối với Bộ đội Biên phòng”.

Ngày 25-8, tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh) Huyện ủy đã tổ chức gặp mặt, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Sau gần 3 năm thực hiện Cuộc vận động, đa số cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân huyện Yên Phong đã nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về những giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện luôn định hướng thực hành “làm theo” gương Bác, gắn với thực hiện nhiệm vụ của mỗi cá nhân, mỗi tập thể được Đảng và cơ quan phân công ở trong từng tổ chức cơ sở đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân; với việc vận động nhân dân và nhân rộng điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước.

Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Hơn hai năm qua, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ" đã được Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang quan tâm chỉ đạo. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ về ý thức tu dưỡng, tinh thần trách nhiệm trong công tác và ý thức phục vụ nhân dân, nâng cao đạo đức cách mạng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Sau hơn hai năm thực hiện Cuộc vận động, Công an tỉnh Bắc Giang đã có 368 lượt tập thể, 885 cá nhân được các cấp khen thưởng, biểu dương; đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, mưu trí dũng cảm tấn công, truy bắt tội phạm, tận tụy phục vụ nhân dân.

Tại Hải Phòng, kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác, Công an Thành phố Hải Phòng đã tổ chức tôn vinh những điển hình trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Qua 2 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, trong lực lượng công an Hải Phòng đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc được các cấp ghi nhận, biểu dương khen thưởng. Tại buổi lễ, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng và Công an thành phố Hải Phòng đã tổ chức giao lưu với 3 điển hình tiên tiến, đại diện cho 19 tập thể và 77 cá nhân thuộc lực lượng Công an thành phố được suy tôn là điển hình tiên tiến trong Cuộc vận động.

Ghi nhận tinh thần và hành động dũng cảm của các chiến sĩ công an, những tấm gương của quần chúng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố đã trao tặng Quỹ phòng, chống tội phạm của Công an thành phố số tiền 500 triệu đồng.

3. Các Hội thảo lớn

- Ngày 25-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về những giá trị vĩ đại trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh kết tinh trong Di chúc của Người.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử cùng đông đảo cán bộ của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã dự Hội thảo.

Hơn 30 tham luận được gửi tới và trình bày tại Hội thảo đã tập trung làm rõ tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn về lý luận, thực tiễn trong Di chúc của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; đồng thời nêu bật những kết quả đã làm được, những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam qua chặng đường 40 năm thực hiện Di chúc của Người. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng, cùng với thời gian, Đảng và nhân dân ta ngày càng nhận thức được Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử quý báu, một tài sản vô giá của Đảng và của dân tộc ta, bởi đó là sản phẩm kết tụ tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh. Di chúc thiêng liêng của Người trở thành nguồn động viên, cổ vũ hết sức to lớn, là sự chỉ dẫn quan trọng, để quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.

Ngày 28-8, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Những giá trị lịch sử và thời đại. Hội thảo thu hút hơn 70 bài nghiên cứu của các nhà khoa học, các giảng viên của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó đã nêu lên những giá trị to lớn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một văn kiện lịch sử quý báu, một tài sản vô giá, kết tụ tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Cùng với thời gian, những điều Bác mong muốn và căn dặn trong Di chúc dù rất giản dị, nhưng đã thể hiện trong đó những giá trị tư tưởng lớn của một trí tuệ mẫn tiệp có tầm nhìn xa trông rộng và thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn cao cả của Người.

Các bài nghiên cứu khác đã phân tích nhiều khía cạnh được đề cập trong bản Di chúc như: vấn đề phụ nữ; chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vấn đề bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; vấn đề giáo dục thanh niên... Bên cạnh đó, các bài tham luận cũng đều thể hiện sự quyết tâm tiếp tục thực hiện Di chúc Bác Hồ đầy đủ hơn nữa, sâu sắc và trọn vẹn hơn theo kỳ vọng, niềm tin và tấm lòng nhân ái, ý chí kiên cường của Người...

Nhân dịp này, nhiều đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo về học tập và tổng kết 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 27-8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố và Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc tọa đàm khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”. Tại đây thu hút hơn 90 bài tham luận của các nhà khoa học, các lãnh đạo Thành phố, nhằm đánh giá những thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong thực hiện Di chúc của Bác Hồ 40 năm qua./.