TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, sáng 22-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Chuyển biến đúng hướng

Thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá năm 2016, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn khi các nền kinh tế lớn chưa thoát khỏi bất ổn, tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm.

Bên cạnh những khó khăn nội tại từ trước, kinh tế, xã hội và môi trường trong nước gặp phải những khó khăn, thách thức lớn nhưng nhìn tổng thể tình hình năm 2016 đã có chuyển biến đúng hướng, tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; thu ngân sách vượt dự toán kế hoạch, dự trữ ngoại hối tăng.

Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, phản ứng nhanh trước các vấn đề bức xúc của xã hội, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “cởi trói” cho doanh nghiệp; thu hút đầu tư FDI tăng cả về số dự án, vốn đăng ký và giải ngân; số doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ; khách du lịch quốc tế tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước...

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Cơ sở vật chất và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước cải thiện, ngành y tế tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế...

Cơ bản nhất trí với Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ trình Quốc hội, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng, sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng, quyết tâm và sự nỗ lực cao trong việc đổi mới điều hành, xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Qua báo cáo thấy được tình hình kinh tế - xã hội nước ta nhìn tổng thể đã có sự chuyển biến đúng hướng, tăng trưởng kinh tế tuy không đạt mục tiêu theo kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực đồng thời, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thu hút vốn đầu tư FDI tăng cả về số dự án và vốn giải ngân. Cùng với đó, kết quả trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, chúng ta nhìn nhận rất rõ là mặt hàng rau quả đã có một bước tiến vượt bậc.

Hiện nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 14 trên toàn thế giới; riêng xuất khẩu rau quả đứng thứ 2 trên thế giới. Đây là con số rất phấn khởi, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, khuyến khích khởi nghiệp, tích cực khắc phục những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đã được thực hiện.

Các chính sách về an sinh xã hội, quản lý tài nguyên môi trường, tài nguyên thiên nhiên đã được Chính phủ quan tâm. Các mục tiêu về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Chính phủ thể hiện quyết liệt hơn. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã đi thị sát trực tiếp ở các địa phương về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này cho thấy Chính phủ đã có sự hành động quyết liệt…

Tâm đắc với Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ và chia sẻ những khó khăn mà Chính phủ phải giải quyết trong những tháng qua, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thấy rằng Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện rõ sự thẳng thắn, quyết liệt, trách nhiệm cao của Chính phủ trong thực hiện nói và làm; thực sự là xây dựng một Chính phủ hành động, góp phần vào kiến tạo xã hội một cách có hiệu quả.

"Báo cáo đánh giá về các mặt được trong bối cảnh từ đầu năm đến nay của chúng ta rất khó khăn nhưng đã thể hiện tinh thần cao của các cấp, ngành trong thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ. Cho nên đã thấy được một không khí đổi mới hơn so với nhiều năm trước. Thủ tướng đã trực tiếp đi thị sát các chợ, lò mổ, vùng nông thôn để xem thực phẩm an toàn như thế nào. Đồng thời chỗ nào bức xúc là Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo đã có mặt kịp để chỉ đạo. Điều này đã thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng các cấp, các ngành đã và đang rất quyết liệt trong vấn đề bảo đảm trách nhiệm đối với nhiệm vụ của mình; thể hiện sự đổi mới trong vận hành hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của đất nước" - đại biểu Quốc Khánh nói.

Tán thành với nhiều giải pháp của Chính phủ

Đánh giá về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng ít có sự chuyển biến; tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm, trong đó có nguyên nhân là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của một số bộ, ngành, chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao...

Qua thảo luận, nhiều ý kiến thể hiện sự tán thành với những giải pháp được Chính phủ đề ra trong thực hiện nhiệm vụ năm 2017, trong đó nhấn mạnh tới ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân; Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên...

Giải quyết "nút thắt" cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, nhiều ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% lên 82,6%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống 17,4%. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện; tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ đang được triển khai từng bước. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ cần phải thảo luận, đánh giá việc tái cơ cấu kinh tế thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 đã đúng hướng hay chưa, đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu chất lượng của tái cơ cấu như thế nào, đấy là vấn đề đáng suy nghĩ trong đó có thực hiện 3 đột phá. Thứ nhất tái cơ cấu đầu tư công, theo Phó Chủ tịch Quốc hội vấn đề này có lẽ mới chỉ được một việc, đó là trước đây quyết định những dự án, công trình không theo quy hoạch hoặc chỉ dựa vào ý kiến chủ quan, chưa tính đến nguồn lực.

Hiện nay bắt đầu phải theo quy hoạch, theo định hướng rồi bố trí nguồn lực. Thứ hai về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Phó Chủ tịch đánh giá cổ phần hóa đang chậm và cần xác định rõ những cái gì cần giữ lại, những cái gì phải đẩy mạnh cổ phần hóa.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm có nguyên nhân do thị trường tài chính, thị trường chứng khoán ta chưa mạnh, còn ảm đạm nhưng rõ ràng cũng có nguyên nhân mục tiêu chưa được xác định rõ ràng, vì thế tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng còn hạn chế.

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ mô hình tăng trưởng từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới; cần nhấn mạnh quan điểm có tính xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu, đó là cần tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin-cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, các thành quả kinh tế-xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế...

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.

Trần nợ công dứt khoát phải khống chế không quá 65% GDP

"Để bảo đảm bền vững an toàn nợ công thì dứt khoát chúng ta phải khống chế trần nợ công không vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 55% cho đến tận năm 2020. Đây là quyết tâm của Chính phủ và đã được trình với Quốc hội," Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao đổi với báo chí như vậy bên hành lang Quốc hội ngày 22-10.

- Thưa Phó Thủ tướng, có ý kiến cho biết Chính phủ đề xuất nới trần nợ công để có dư địa mới cho đầu tư phát triển?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Vấn đề nới hay không nới trần nợ công đã được bàn thảo khá nhiều trong cả các nhà quản lý cũng như giới chuyên gia theo nguyên lý chung nhà đang nghèo, đất nước đang khó khăn chưa có của ăn của để phải đi vay để phát triển.

Nhiều người cũng nói rằng tại sao các nước phát triển nợ công hơn 100%, thậm chí 200% mà mình lại cứ chốt 65%. Cái này Chính phủ tính toán kỹ, đúng trần nợ công quan trọng nhưng không phải là tất cả. Khả năng trả nợ mới là quan trọng.
Theo thông lệ quốc tế, tỷ trọng nghĩa vụ của ngân sách Nhà nước trên thu ngân sách là trên 25% là rất khó khăn. Thực tế, năm 2015 nước ta đã là 27,4%, kể cả phần trực tiếp chi để trả nợ, phần vay để đảo nợ vì năm 2016 - 2017 là đỉnh của nợ.

Để bảo đảm bền vững an toàn nợ công thì dứt khoát chúng ta phải khống chế trần nợ công là không vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 55% cho đến tận năm 2020. Đây cũng là quyết tâm của Chính phủ và đã trình với Quốc hội như thế.

Để bảo đảm được đất nước phát triển thì phải có thể chế để huy động được cao độ nguồn lực. Mọi người đều nói, kiều hối về cũng nhiều, ngoại tệ trong dân cũng nhiều, vàng trong dân cũng còn lắm thì bây giời Chính phủ đang đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp thành lập nhiều lên thì đầu tư vào nhiều hơn, môi trường kinh doanh tốt hơn thì người dân sẵn sàng bỏ vốn ra để đầu tư, kinh doanh. Một đồng nhà nước bỏ ra đầu tư chỉ có tác dụng “mồi” thôi.

Tái cơ cấu đầu tư công thì phải nằm trong tái cơ cấu lại thu chi ngân sách và bảo đảm bền vững, an toàn nợ công. Ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư vào những cái thiết yếu, quan trọng, có tính chất làm “mồi” và phấn đấu làm sao tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư của toàn xã hội giảm xuống. Thứ hai là hiệu quả đầu tư phải tăng lên. Đó là hai mục tiêu đặt ra trong tái cơ cấu đầu tư công thời gian tới.

Muốn như thế, phải làm bài bản khoa học, phải siết chặt kỷ luật tài khóa. Đồng thời phải coi tiết kiệm là quốc sách và siết chặt kỷ luật kỷ cương, cố gắng tăng thu để tăng chi mà chi tiêu là phải trong khả năng của nền kinh tế chứ không để lại cho đời sau. Vay nợ là phải trong khả năng trả nợ chứ dứt khoát không nới trần nợ công.

- Vấn đề bội chi hiện dưới mức kế hoạch đặt ra như vậy thì nợ công sẽ tăng lên, việc này khắc phục bằng cách nào thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Thực tế, bội chi như năm nay Chính phủ đã đưa xuống mức rất thấp là 3,5% và như vậy tổng nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản không được như mong muốn của các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ quyết tâm kiểm soát tổng bội chi tuyệt đối theo đúng con số Quốc hội đã quyết định. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế không đạt, hiện đang dự báo là 4,6 triệu tỷ đồng thì trần nợ công sẽ tăng lên. Do đó, còn có nguyên tắc bổ sung là nếu như các địa phương mà giảm thu thì phải điều chỉnh, giảm những khoản chi không cần thiết.

Trong thời gian tới cũng phải phấn đấu tăng thu ngân sách kể cả thu nội địa và thu thuế quan. Đối với thuế quan nhập khẩu phải siết chặt giá tính thuế, còn thu nội địa thì mở rộng cơ sở thuế bằng cách nâng dần tỷ trọng kinh tế phi chính thức đưa lên thành chính thức. Các hộ kinh doanh cố gắng đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, đồng thời tăng cường chế độ chứng từ, hóa đơn trong lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh…

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng./.