Ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

Minh Hoàng (Tổng hợp từ TTXVN)
12:46, ngày 22-10-2016
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 21-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ.

Miễn thuế đất nông nghiệp tạo động lực thực hiện chính sách "tam nông"

Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp của Chính phủ nêu rõ theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 thì hầu hết các đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đều được miễn hoặc giảm 50% số thuế phải nộp. Do đó, chỉ còn một số ít đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Để khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đề nghị bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31-12-2020 như sau: Đối với diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân: đề nghị bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức, mà không phân biệt phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp hay phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Đối với diện tích đất nông nghiệp mà tổ chức đang trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp: đề nghị bổ sung miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp.

Đối với diện tích đất nông nghiệp mà tổ chức không trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp, theo Luật đất đai năm 2003 và Luật đất đai năm 2013 thì trường hợp này thuộc diện phải thu hồi đất, tuy nhiên trong thời gian chưa bị thu hồi đất vẫn phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 (Trước đây khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2010/QH12, Chính phủ đã đề nghị giảm 50% số thuế đối với trường hợp này, nhưng do đây là trường hợp vi phạm pháp luật đất đai về việc sử dụng đất, nên Quốc hội đã không đồng ý và quyết định thu 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp). Do đó, đề nghị tiếp tục thu 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 đối với trường hợp này.

Đối với đất được Nhà nước giao cho đơn vị vũ trang nhân dân quản lý, sử dụng, theo Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành thì không thu thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất.

Với việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo đề xuất như trên, số thu thuế sử dụng đất nông nghiệp ước tính còn khoảng 5,7 tỷ đồng. Tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp dự kiến được miễn là khoảng 53,5 tỷ đồng, diện tích đất nông nghiệp dự kiến được miễn là 93.917 ha, tổng số đối tượng dự kiến được miễn là 77.136 người nộp thuế.

Như vậy, với việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như trên, mức tác động giảm thu ngân sách nhà nước là không lớn nhưng đây lại là giải pháp để góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp người nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường.

Trong thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đa số đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Việc bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; giảm bớt khó khăn cho nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.

Nhiều ý kiến cho rằng việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách nhà nước.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành đề nghị của Chính phủ miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 55/2010/QH12 (“Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp”).

Các ý kiến cho rằng để khuyến khích các thành phần kinh tế trong xã hội đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần có chính sách ưu đãi mạnh hơn. Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán trong các quy định của Bộ Luật Hình sự

Nhằm kịp thời khắc phục những sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trong Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27-11-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-07-2016, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ Luật Hình sự năm 2015 cùng với 3 luật khác có liên quan đồng thời bổ sung dự án Bộ Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quan điểm của Chính phủ sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của Bộ luật Hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 cần tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần những quy định chung và 123 điều thuộc Phần các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ một điều.

Tuy nhiên cũng có những quan điểm khác cho rằng để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần rà soát kỹ lưỡng tổng thể Bộ luật, bất kỳ quy định nào chưa phù hợp, khó áp dụng đều phải tiến hành sửa đổi mà không giới hạn ở phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc bổ sung chất ma túy XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ) thuộc danh mục II và lá cây Khat (có chứa chất ma túy Cathinone) thuộc danh mục I của Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ vào Bộ luật Hình sự; bổ sung quy định các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành, vào Bộ luật hình sự.

Thực tiễn cho thấy tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp, khó lường; sẽ có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều loại cây, lá, hoa, quả... có chứa chất ma túy nên cần phải có quy định mang tính dự báo trong Bộ luật Hình sự năm 2015 để vừa bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, không thể lạm dụng.

Tuy nhiên, mức định lượng của “cây khác có chứa chất ma túy” làm cơ sở định tội, định khung hình phạt thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khoa học, hợp lý trong các quy định cụ thể của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100 ngay tại kỳ họp thứ 2 này, cần thận trọng trong nghiên cứu để đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật sau khi được Quốc hội thông qua.

Các đại biểu đề xuất tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận cho ý kiến và tại kỳ họp thứ 3 thông qua vì cho rằng dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 Điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhiều nội dung của dự thảo Luật liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan.

Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn thì mới có phương án sửa đổi khả thi./.