TCCSĐT - Ngày 04-10-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, 3 và quận 4.

Mở đầu buổi tiếp xúc, các cử tri Thành phố đã được nghe đồng chí Ngô Tuấn Nghĩa báo cáo về chương trình làm việc của Quốc hội trong kỳ họp tới. Tiếp đó, cử tri Thành phố đã nêu lên nhiều kiến nghị với Tổ đại biểu về các nội dung như: Tình hình nợ công và vai trò giám sát của Quốc hội; việc xử lý các vụ án tham nhũng, hoạt động đầu tư, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước; cùng nhiều lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội trong giới trẻ, bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự. Bên cạnh đó, cử tri còn quan tâm đến vai trò, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật.

Đáng chú ý, cử tri Đặng Thanh Bình trú tại quận 1 cho rằng, theo thông tin chúng tôi biết được, thì nợ công của Việt Nam đang cao gấp đôi các nước ASEAN, nếu đó là con số chính xác thì rất nguy hiểm. Để chứng minh cho nhận định của mình, cử tri Đặng Thanh Bình đã liệt kê các doanh nghiệp bị âm vốn dẫn đến việc Chính phủ phải bảo lãnh nợ và đề nghị Quốc hội có ý kiến để Chính phủ nên rà soát hiệu quả các dự án sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Còn cử tri Trần Đăng Tranh, trú tại quận 1 cho biết: Một sự việc gây cho dư luận vô cùng bức xúc, đó là vụ án ông Trịnh Xuân Thanh, làm thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng; báo chí nước ngoài cho rằng con số thiệt hại thực tế lên tới 5.700 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều cơ quan cùng quản lý, giám sát ông Trịnh Xuân Thanh, sau này còn có thêm các cơ quan điều tra, kiểm tra, thế nhưng khi ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn lúc nào cũng không biết. Theo đó, cử tri Trần Đăng Tranh đưa ra một loạt câu hỏi: Ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, các cơ quan chức năng làm sao xử lý sai phạm? Khoản tiền thua lỗ liệu có thu hồi được không?

Liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, cử tri Chu Văn Hải trú tại quận 4 cho rằng, do công tác bố trí và đề bạt cán bộ của các cơ quan chức năng của chúng ta còn hạn chế. Vì vậy, đề nghị quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước liên quan đến việc này, đồng thời Quốc hội cần thể hiện quyền lực cao nhất trong giám sát và kiểm tra để các cơ quan nhà nước trả lời cho cử tri biện pháp xử lý tình trạng thiệt hại thua lỗ nhiều ngàn tỷ trong thời gian qua.

Đề cập đến lĩnh vực giáo dục, cử tri Phan Anh Khoa (Quận 4) kiến nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo không nên liên tục cải cách giáo dục, gây xáo trộn giáo dục, mỗi lần đưa ra cách làm mới phải tính đến hiệu quả. Riêng phương thức thi cử Bộ đưa ra trong 2 năm qua đã liên tục thay đổi, tôi đề nghị mỗi lần đưa ra cách làm mới phải có hiệu quả. Không nên đem thầy cô, phụ huynh học sinh làm thí điểm.

Phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Thành phố trong thời gian qua, các cử tri đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát và cần xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức cá nhân để xảy ra sự cố liên quan đến môi trường.

Ghi nhận, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến tâm huyết với trách nhiệm cao của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: Đối với những vấn đề mà cử tri đưa ra, trên cương vị của mình, sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời. Đối với những vấn đề liên quan tới quận, huyện trên địa bàn Thành phố, Thành phố cần kịp thời xử lý theo thẩm quyền.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ, tính đến cuối năm 2015, nợ công Việt Nam đã lên hơn 62% và dự báo cuối năm nay có nguy cơ vượt trần, gây áp lực trả nợ lớn. Về vấn đề nợ công, đây là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch nước cho rằng, cần có chỉ tiêu về đánh giá an toàn nợ công trong giai đoạn 2016 - 2020 như: khả năng trả nợ bằng nguồn thu ngân sách; mức độ bội thu hoặc bội chi ngân sách hàng năm; tỷ lệ nợ công/GDP. Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, đánh giá của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Việt Nam không nằm trong danh sách các nước nguy hiểm, song chúng ta cũng phải thận trọng. Vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Kiểm toán Nhà nước rà soát các dự án vay vốn nước ngoài, kể cả vay vốn ODA để xem có hiệu quả không, làm rõ mục đích vay, trả bằng cách nào, lấy khoản nào để trả, ai sẽ trả... Dự kiến trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020.

Về sai phạm tại Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, các cơ quan đã làm rõ trách nhiệm, khởi tố vụ án, bắt 4 người liên quan và đang truy nã trong nước, quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Chủ tịch nước khẳng định, Trung ương kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc này. Các cơ quan đã vào cuộc một cách tích cực, dù lẩn trốn đi đâu chăng nữa, những đối tượng tham nhũng, vi phạm pháp luật sớm muộn cũng bị đưa ra ánh sáng và truy tố trước pháp luật. “Trước đây từng có một số trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài như Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, có trường hợp bỏ trốn 5 - 6 năm, cuối cùng cũng bị bắt, đưa về xét xử. Đối với vụ Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo điều tra xử lý đến nơi đến chốn, không có vùng cấm và không chịu áp lực của bất kỳ cá nhân nào”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chia sẻ với cử tri Thành phố về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là vấn đề cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ cũng đang chỉ đạo quyết liệt và Quốc hội cũng đã đưa vấn đề này vào chương trình giám sát tối cao. Bởi vậy, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi mọi người đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, nói không với thực phẩm bẩn nhằm bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng. Bên cạnh đó cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định trong các văn bản luật liên quan tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ; các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường điều tra, xử lý nghiêm minh các đơn vị vi phạm.

Về vấn đề tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch nước khẳng định: Tham nhũng, lãng phí ảnh hưởng tới sự tồn vong của đất nước, vì thế quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là kiên trì, kiên quyết và quyết liệt trong đấu tranh, xử lý nạn tham nhũng. Bởi thế, thời gian qua nhiều vụ án lớn đã được đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh, thu hồi tài sản cho quốc gia. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, việc thu hồi tài sản còn gặp những khó khăn nhất định, bởi đối tượng tham nhũng có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi do vậy toàn dân phải vào cuộc. Bên cạnh đó, chúng ta tăng cường công tác phòng ngừa để các đối tượng không có cơ hội tham nhũng, làm tốt công tác tuyên truyền rộng rãi trong toàn dân để người dân tham gia tố giác tội phạm, có cơ chế bảo vệ người cung cấp thông tin; song song đó cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí.

Cũng tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã trả lời nhiều vấn đề cử tri quan tâm như: việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự; Luật Công an xã và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; tội phạm công nghệ cao, về bảo đảm an toàn giao thông./.