Khiếu nại, tố cáo giảm nhưng mức độ ngày càng phức tạp hơn
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, mặc dù tình hình khiếu kiện của công dân có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn ra rất phức tạp tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại các tỉnh Miền Trung.
Sáng 04-10, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết năm 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015, thể hiện trên các chỉ tiêu: Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 5,4%, số đoàn đông người giảm 9,6%; tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 10,6%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyêt của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết. Tình trạng công dân khiếu kiện đông người, chây ỳ, thường xuyên tập trung tại các khu vực trung tâm thành phố, nhà riêng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở các cơ quan Trung ương... căng băng rôn, khẩu hiệu nhằm gây áp lực với các cơ quan Trung ương, gây mất an ninh trật tự.
Năm 2016, các cơ quan hành chính đã tiếp nhận 228.068 đơn, thư các loại, trong đó có 80.725 đơn khiếu nại, tố cáo (63.492 đơn khiếu nại; 17.233 đơn tố cáo) với 37.039 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước (29.323 vụ việc khiếu nại, 7.716 vụ việc tố cáo). So với năm 2015, số đơn thư tiếp nhận giảm 7,7%; số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 10,6%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 8,6%.
Năm 2016, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 29.117/37.039 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 78,6%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân gần 486,8 tỷ đồng, 42 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 2.002 người; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 447 người (đã xử lý 329 người), chuyển cơ quan điều tra 8 vụ, 5 đối tượng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng khiếu nại, tố cáo hiện nay được Thanh tra Chính phủ nhận định do chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi để giải quyết được những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Mặt khác, việc sửa đổi chưa đồng bộ, quy hoạch đất đai chưa được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ, khoa học với các loại quy hoạch phát triển khác có liên quan, khó thực thi, thậm chí có phần mâu thuẫn với nhau giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
Một số vụ việc khiếu nại về đất đai, nhà cửa do lịch sử để lại, trong khi đó chính sách của Nhà nước đã thay đổi không còn phù hợp hoặc không có hồi tố nên công dân bức xúc khiếu nại kéo dài nhiều năm, rất khó xử lý khi áp dụng pháp luật để giải quyết.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, chính sách xã hội ở nông, lâm trường, vùng tái định cư.... Đáng chú ý, có dự án thu hồi đất của dân nhưng nhiều năm không sử dụng, để hoang hóa hoặc chuyển nhượng dự án thu lợi khiến công dân bức xúc, khiếu kiện gay gắt.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa các vấn đề như nguyên nhân của tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng; những tồn tại, yếu kém trong công tác tiếp công dân vẫn còn chậm được khắc phục, hiệu quả tiếp công dân chưa cao; làm rõ tình trạng đơn, thư tố cáo tăng hơn năm trước về số lượng; vì sao khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn phức tạp, chiếm số lượng lớn (65,8%);
Hiệu quả giải quyết chưa tiến bộ hơn so với các năm trước trong khi Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai 2013 và Nghị quyết 39/2012/QH13 ngày 23-11-2012 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Việc làm rõ nguyên nhân của các vấn đề còn tồn tại sẽ là cơ sở để đề ra các giải pháp đúng đắn, phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại đó. Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ cần được rà soát, chỉnh lý, bổ sung về số liệu (đến ngày 30-9-2016) nhằm bảo đảm tính chính xác, thống nhất số liệu với các ngành, báo cáo đầy đủ với Quốc hội về thực trạng tình hình khiếu nại, tố cáo để từ đó có những giải pháp sát hợp, đồng bộ; đồng thời đưa ra những kiến nghị xác đáng nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các năm tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu, theo đánh giá của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015, đó là dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên đáng ngại là tính phức tạp, quy mô lại tăng lên.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng này.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng khiếu nại, tố cáo năm 2016 được Chính phủ nêu ra đều giống như các năm trước đây, chủ yếu tập trung vào chính sách bất cập, thiếu đồng bộ, không đi vào cuộc sống; do quản lý nhà nước còn yếu kém; công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả còn thấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng còn hai nguyên nhân nữa gây tác động tới tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay. Đó là do mối quan hệ kinh tế - xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp, đan xen; do trách nhiệm của cơ quan xử lý chưa tốt, chưa đến nơi đến chốn, còn tình trạng "cậy" thế của mình, tiêu cực, dẫn tới xử lý vụ việc không tới nơi tới chốn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng này do chưa giải quyết triệt để từ cơ sở; đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ hơn về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo, còn tồn đọng bao nhiêu vụ việc, phát sinh bao nhiêu vụ việc... đặc biệt là đơn thư gửi trực tiếp gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cần có dự báo về tình hình này trong thời gian tới, trong đó đặc biệt làm rõ trách nhiệm của địa phương và cơ quan chức năng các cấp, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân của tình hình khiếu nại tố cáo hiện nay. Báo cáo cần đầu tư kỹ hơn đối với mảng khiếu nại hành chính và khiếu nại về tư pháp, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị.
Không đồng tình với đánh giá của Chính phủ cho rằng trong khiếu nại hành chính, đối với lĩnh vực đất đai, nguyên nhân do "chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi để giải quyết được những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất...", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng những đánh giá này đã được đề cập và là lý do để sửa đổi Luật Đất đai, nếu bây giờ lại tiếp tục đưa những lý do này là nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, tố cáo liệu có phù hợp.
Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, nguyên nhân quan trọng nữa đó là tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết các công việc của Nhà nước đối với dân.
Trong phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, giải pháp của mọi giải pháp là công khai minh bạch, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Tán thành với nhiệm vụ được Chính phủ xác định trong năm 2017 là "theo dõi, nắm chắc tình hình để giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội...", Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cho kiểm tra ngay các vụ việc cụ thể đang xảy ra hiện nay, gây bức xúc trong dư luận xã hội để xử lý các điểm nóng, không để việc nhỏ thành to.
Theo chương trình, chiều 04-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề: Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo./.
Nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945  (04/10/2016)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp Phó Chủ tịch Hạ viện Anh Eleanor Laing  (03/10/2016)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh  (03/10/2016)
Thủ tướng yêu cầu sớm làm rõ nguyên nhân cá chết bất thường ở Hồ Tây  (03/10/2016)
Việt Nam và Vương quốc Anh tăng cường hợp tác về lập pháp  (03/10/2016)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay