Kiểm tra thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng: Việc chậm, chủ quan là chính
Như tin đã đưa, ngày 25-8, Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Tống Quốc Đạt, số lượng nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ là rất lớn, cao nhất và hơn nhiều so với các bộ, cơ quan, địa phương khác. Tuy nhiên, Bộ đã cơ bản hoàn thành.
Tại cuộc làm việc, Tổ công tác và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung trao đổi về 15 nhiệm vụ theo thống kê đã quá hạn nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thực hiện, làm rõ nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm.
Thủ tướng rất kỳ vọng
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt, lấy hiệu quả làm thước đo. Chính phủ kiến tạo phát triển dựa trên nền tảng thượng tôn pháp luật, đổi mới, sáng tạo, hướng tới mục tiêu vì dân, vì doanh nghiệp thay vì quản lý hành chính cứng nhắc, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là trong đầu tư, kinh doanh.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6, Chính phủ đã bàn về chủ đề tăng cường, siết chặt kỷ luật kỷ cương. Tại phiên họp tháng 7, Thủ tướng nói “chúng ta không thể bắn chỉ thiên, mà phải bắn có địa chỉ” và yêu cầu thành lập Tổ công tác, tiến hành kiểm tra ngay tại 2 Bộ kinh tế tổng hợp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 sắp diễn ra.
Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, như tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng ban hành các chính sách về đầu tư công trung hạn - qua đó bỏ cơ chế xin - cho, tăng chủ động cho các bộ ngành, địa phương; xây dựng các chương trình, đề án, dự án lớn, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ cần rà soát lại, quan tâm hơn tới một số lĩnh vực với sự chỉ đạo quyết liệt hơn, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, của Thủ tướng. Phải thực sự chuyển động mạnh mẽ về tư tưởng.
“Thay vì cơ chế xin cho thì phân cấp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết liệt rồi, nhưng Thủ tướng yêu cầu phải quyết liệt hơn nữa, phải thấm tới từng cán bộ, công chức. Nếu phân cấp tốt cộng với cơ chế giám sát, kiểm tra tốt thì sẽ huy động được các nguồn lực, bỏ cơ chế xin - cho, bỏ giấy phép con”, Bộ trưởng nói.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã rất đổi mới trong đề xuất các luật, nhưng thực tiễn cho thấy cần xem xét lại những bất cập, cần tiếp tục cải cách bằng một luật sửa nhiều luật về đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, gỡ bỏ hết những vướng mắc về điều kiện kinh doanh, để năm 2016 là năm khởi nghiệp. Cùng với đó, xử lý những vướng mắc trong giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2016…
Nhắc lại câu nói của Thủ tướng về “con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục cho biết Thủ tướng rất kỳ vọng vào những cuộc làm việc cụ thể như hôm nay, tạo chuyển biến từ lời nói đến hành động.
Đánh giá đây là cuộc làm việc rất quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói ông “rất sốt ruột” khi công việc chậm, vẫn có tình trạng “ôm bóng trong chân”.
“Việc này phải nhận lỗi ngay”
Về 15 nhiệm vụ quá hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các vụ, cục, viện báo cáo trung thực, cầu thị, nếu là lỗi chủ quan phải nghiêm túc nhận và rút kinh nghiệm, khắc phục, nếu do lỗi khách quan, do việc phối hợp của các bộ, ngành khác thì phải chứng minh bằng văn bản. “Toàn bộ 15 vấn đề mà không thấy có lỗi gì là không được”, Bộ trưởng tỏ thái độ nghiêm khắc.
Giải trình, nêu ra hướng giải quyết trong thời gian tới về từng vấn đề, các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết một số nhiệm vụ rất lớn, khó, liên quan tới nhiều lĩnh vực, dẫn tới chậm tiến độ. Chẳng hạn, nhiệm vụ nghiên cứu mô hình đầu tư, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công theo hướng nhượng quyền đầu tư, khai thác kinh doanh có điều kiện, hiện đã chậm 19 ngày. Hay như Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiện đã chậm tiến độ 49 ngày.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận “với những vấn đề lớn, mới, khó, liên quan đến nhiều bộ, ngành, không làm được thì phải báo cáo lại ngay, xin phép lùi thời hạn rõ ràng chứ không thể ngâm mãi như vậy. Phải rút kinh nghiệm”. Ông yêu cầu xin phép làm việc sớm với lãnh đạo Chính phủ để giải quyết.
Bên cạnh đó, có những việc chậm do sự phối hợp của các bộ, ngành, như việc bố trí vốn thực hiện các dự án thủy lợi, cấp nước sạch cấp bách ứng phó hạn mặn ở các tỉnh phía Nam. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, điều này khiến ông rất sốt ruột, “nay hạn mặn đã sắp sang chu kỳ mới rồi mà chưa tỉnh nào nhận được một đồng nào”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc này phải được xử lý cấp bách, “chứ cà phê, hồ tiêu gặp hạn thì chết ngay”. Đáp lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất được quan điểm, ngay đầu tuần tới Bộ sẽ trình Thủ tướng.
Một nhiệm vụ khác rất quan trọng là xây dựng Nghị định sửa nhiều nghị định để giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, hiện đã chậm tiến độ 18 ngày. Theo Vụ Pháp chế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Nghị định này không cần thiết nữa vì Chính phủ đang có chủ trương một luật sửa nhiều luật về đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không đồng tình và chỉ rõ, đây vẫn là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. “Có luật mới vẫn phải cần nghị định mới. Cần rà soát lại ngay. Thủ tướng đã chỉ đạo, kể cả có nghị định mới rồi, nếu vẫn còn giấy phép con bất hợp lý thì vẫn quyết tâm sửa. Không câu nệ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vì việc chung của đất nước, không ngại va chạm
Các ý kiến thành viên Tổ công tác cho rằng, ngay cả với các nhiệm vụ bị chậm do việc phối hợp từ các bộ ngành, địa phương, Bộ cũng cần báo cáo kịp thời để Chính phủ, Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo khẩn trương thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, phần mềm theo dõi của Văn phòng Chính phủ có chức năng cho phép các đơn vị thấy việc được giao mà không thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình thì nhấn nút báo lại. Nhiệm vụ không thể hoàn thành kịp cũng phải báo cáo lại lý do, để Văn phòng Chính phủ có cơ sở báo cáo, đôn đốc.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá qua làm việc đã chỉ ra được nguyên nhân các nhiệm vụ quá hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị đã nhận trách nhiệm rất rõ. Điều này cho thấy hiệu quả của Tổ công tác.
Bộ trưởng khẳng định có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng chủ quan vẫn là chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tới tất cả các cán bộ, công chức, là xóa bỏ mọi rào cản với doanh nghiệp, với người dân, hết sức đổi mới phương thức làm việc. Khắc phục triệt để các nguyên nhân chủ quan gây chậm trễ.
Đối với việc phối hợp giữa các bộ, ngành hiện còn không ít vướng mắc, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành quy chế làm việc mới, chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong phối hợp, với tinh thần là nhanh hơn, ít thời gian hơn, nếu không trả lời coi như đồng ý.
Mặt khác, Bộ trưởng cũng thẳng thắn, có những vấn đề Văn phòng Chính phủ cần nhận thiếu sót, rút kinh nghiệm, như việc tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ phải “ra đúng đầu bài”, giao đúng nhiệm vụ cho các cơ quan. Hay việc cụ thể như văn bản gửi ngày 23-8 nhưng tới 24-8 đã hết hạn trả lời, cũng cần phải chấn chỉnh.
“Chúng tôi sẽ cáo báo cáo đầy đủ tới Chính phủ, tới Thủ tướng. Đây là nhiệm vụ rất mới, rất va chạm, nhưng được Thủ tướng giao, giả sử có va chạm thì cũng là vì việc chung của Chính phủ, của đất nước. Phải nhận thức rõ như vậy”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Đáp lời Bộ trưởng, lãnh đạo Mai Tiến Dũng cho biết sẽ khẩn trương giao lại thời hạn cụ thể cho từng đơn vị thực hiện các nhiệm vụ quá hạn. Đồng thời, sửa lại ngay quy chế làm việc theo hướng tăng cường hơn trách nhiệm người đứng đầu - vấn đề vẫn còn nhẹ, còn yếu trong quy chế cũ.
Bên cạnh đó, các vụ, cục, đơn vị tổ chức quán triệt ngay tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ tới từng cán bộ, công chức. “Bản thân tôi nhận được thông báo của Văn phòng Chính phủ cũng thấy xấu hổ khi Bộ còn nợ nhiều văn bản, dù Bộ được giao nhiều nhiệm vụ”, Thứ trưởng Đào Quang Thu phát biểu tại cuộc họp./.
Sớm đưa vụ phá rừng khu vực thủy điện Đồng Nai 5 ra xét xử  (25/08/2016)
Thủ tướng tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam  (25/08/2016)
Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chia buồn về hậu quả động đất tại Italy  (25/08/2016)
Số người thiệt mạng do động đất mạnh tại Italy vượt con số 240  (25/08/2016)
Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng học tập 2 chuyên đề  (25/08/2016)
Kết quả kiểm nghiệm mẫu cá, ghẹ ở Hà Tĩnh  (25/08/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm