Một vài nét về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Lao động Triều Tiên
TCCSĐT - Sau 36 năm gián đoạn, từ ngày 06 đến 09-5-2016, tại Thủ đô Bình Nhưỡng, Đảng Lao động Triều Tiên đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Đại hội này được nhận định sẽ mở ra thời kỳ mới cho đất nước Triều Tiên. Đây cũng là một sự kiện được dư luận quốc tế quan tâm.
Đại hội VII Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước. Trong nước, tình trạng thiếu lương thực diễn biến trầm trọng. Bên ngoài, Triều Tiên bị cô lập và bị cấm vận nặng nề sau các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo. Quan hệ liên Triều rơi vào tình trạng xấu nhất trong nhiều năm qua...
Một số nội dung chính của Đại hội VII Đảng Lao động Triều Tiên
Thứ nhất, tổng kết và đánh giá những thành tựu nổi bật trong suốt 36 năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội VI (năm 1980) của Đảng.
Về tư tưởng chỉ đạo, Đảng Lao động Triều Tiên khẳng định tiếp tục xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong đó lấy “tư tưởng chủ thể”(1) làm kim chỉ nam, lãnh tụ làm trung tâm, nhân dân là lực lượng nòng cốt, quân đội là công cụ bảo vệ chế độ, nhân dân, kiên trì thực hiện “chính sách song tiến”(2) (chính sách byeongjin) với tinh thần tự lực, tự cường. Đại hội khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối; lấy lý tưởng của chủ nghĩa Kim Nhật Thành, Kim Châng In làm kim chỉ nam, quyết tâm theo đuổi vĩnh viễn lý tưởng Kim Nhật Thành và Kim Châng In.
Về thành tựu trong 36 năm qua: điểm lại những thành tựu đạt được Đại hội khẳng định Triều Tiên đã kiên trì và thực hiện thắng lợi tư tưởng “chủ thể” của Chủ tịch Kim Nhật Thành và chính sách “chính trị tiên quân”(3) của Tổng Bí thư Kim Châng In, áp dụng nguyên tắc “dùng siêu cứng rắn đối lại với cứng rắn” để bảo vệ thành công chủ nghĩa xã hội. Thực hiện được 10 mục tiêu chiến lược đã đề ra tại Đại hội VI của Đảng, như hàng năm sản xuất 100 tỷ KWh điện, 120 triệu tấn than, 15 triệu tấn thép, 1,5 triệu tấn kim loại màu, 20 triệu tấn xi măng, 7 triệu tấn phân hóa học, 1,5 tỷ mét vải, 5 triệu tấn hải sản, 15 triệu tấn ngũ cốc, khai hoang 30 vạn héc-ta ruộng nước mặn và 20 vạn héc-ta đất trồng trọt. Trong các lĩnh vực khác, khoa học - công nghệ được đánh giá là đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, đặc biệt là việc thử thành công hạt nhân dưới lòng đất, nhiệt hạch, phóng vệ tinh Quang Minh Tinh 4, đưa Triều Tiên vào hàng ngũ cường quốc hạt nhân. Bên cạnh đó, Đại hội cũng chỉ ra một số mặt tồn tại như tiềm lực kinh tế còn yếu, tình trạng thiếu năng lượng, điện, lương thực, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đất nước bị bao vây cấm vận, kinh tế đối ngoại hạn chế.
Thứ hai, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược và phương hướng phát triển trong thời gian tới.
Đại hội nhấn mạnh mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Kim Nhật Thành - Kim Châng In; xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thực hiện thắng lợi ba cuộc cách mạng về tư tưởng, khoa học - kỹ thuật và văn hóa; hoàn thành bốn nhiệm vụ chiến lược: 1- Đưa chủ nghĩa Kim Nhật Thành - Kim Châng In đi vào thực tiễn cuộc sống của toàn xã hội; khẳng định việc thực hiện mục tiêu hiện thực hóa chủ nghĩa Kim Nhật Thành - Kim Châng In, coi đây là cương lĩnh tối cao của Đảng; 2- Xây dựng cường quốc về khoa học - kỹ thuật, chính trị, quân sự, kinh tế, văn minh; 3- Nâng cao sức mạnh chính trị - quân sự; 4- Thống nhất hai miền Bắc - Nam.
Đại hội đề ra mục tiêu xây dựng Triều Tiên trở thành cường quốc về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, quân sự, chính trị, kinh tế, văn minh, nhưng không nêu rõ các mục tiêu cụ thể và thời gian hoàn thành.
Về xây dựng cường quốc kinh tế, Đại hội nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước Triều Tiên tập trung tổng lực cho xây dựng nền kinh tế quốc dân; đề ra Chiến lược phát triển đất nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đưa Triều Tiên trở thành “cường quốc kinh tế” tự lực, tự cường, lấy khoa học - công nghệ làm đòn bẩy…; đề ra các chính sách kinh tế lớn, như thúc đẩy phát triển cân bằng, bền vững các lĩnh vực kinh tế; giải quyết tình trạng thiếu điện và nâng cao mức sống của nhân dân (đây được coi là mục tiêu chính của Chiến lược phát triển kinh tế 5 năm tới và là nguyên tắc hoạt động tối cao của Đảng); đẩy mạnh phát triển công nghiệp và hiện đại hóa nông nghiệp; mở rộng kinh tế đối ngoại, xóa bỏ chính sách “nhất biên đảo” trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Đối với cơ chế quản lý kinh tế, nhấn mạnh việc tăng cường chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước, xác lập cơ chế quản lý kinh tế “chủ thể”; tăng tính thực tế, quyết liệt và giảm tính phong trào, hình thức, chống chủ nghĩa bi quan - thất bại; phát huy vai trò trung tâm của Chính phủ trong điều hành kinh tế; thực hiện đúng cơ chế quản lý doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa.
Về xây dựng cường quốc khoa học - công nghệ, Đại hội nhấn mạnh coi khoa học - kỹ thuật là sinh mệnh để phá thế bao vây cấm vận kinh tế, tăng cường sức mạnh tự cường, thúc đẩy phát triển nhanh các lĩnh vực; coi đây là đường lối tối cao, đồng thời khẳng định coi trọng phát triển khoa học và công nghệ cao là vũ khí cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.
Về xây dựng cường quốc quân sự, Đại hội nhấn mạnh, tăng cường sức mạnh chính trị, quân sự là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện bằng mọi cách; đẩy mạnh phát triển công nghệ quốc phòng; nghiên cứu phát triển các loại vũ khí, khí tài tiên tiến theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, thu nhỏ, tự động hóa và phát triển vũ khí thông minh; xây dựng hệ thống tổng động viên, chuẩn bị toàn dân kháng chiến trong tình huống khẩn cấp.
Về công tác xây dựng Đảng, Đại hội xác định Đảng Lao động Triều Tiên là đảng cách mạng của lãnh tụ Kim Nhật Thành - Kim Châng In; suy tôn Kim Nhật Thành - Kim Châng In là lãnh tụ vĩnh viễn của Đảng; tiếp tục kiện toàn tổ chức đảng tại các địa phương, gắn sinh hoạt Đảng với cuộc sống người dân, không đi ngược lại hay làm ngơ trước yêu cầu của người dân, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng tư tưởng, lý luận cho đảng viên, trang bị tư tưởng tuyệt đối trung thành, quyết tử bảo vệ Đảng và chủ nghĩa xã hội cho đảng viên và quần chúng nhân dân, chống mọi tư tưởng lệch lạc, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Về vấn đề liên Triều, Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng Un tuyên bố nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng Lao động Triều Tiên là thực hiện thống nhất đất nước; cho rằng vấn đề cấp bách nhất là phải cải thiện cơ bản quan hệ với Hàn Quốc; kêu gọi Hàn Quốc giảm tâm lý đối đầu và các rào cản pháp lý cũng như có các bước đi thiết thực để tạo thuận lợi cho các mối quan hệ phát triển; nhấn mạnh hai bên cần tôn trọng lẫn nhau, khuyến khích các cuộc đối thoại, gạt bỏ sự hiểu lầm để mở ra một chương mới cho việc cải thiện mối quan hệ liên Triều và chiến dịch thống nhất đất nước. Chủ tịch Kim Châng Un đề xuất tổ chức cuộc đàm phán quân sự giữa hai miền nhằm giảm căng thẳng dọc biên giới hai miền; tuy nhiên, kêu gọi đất nước sẵn sàng sử dụng vũ lực để thống nhất với Hàn Quốc nếu Triều Tiên bị xâm lược.
Về đối ngoại, tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, xứng tầm với vị thế và hình ảnh của một cường quốc hạt nhân; tích cực tham gia Phong trào Không liên kết, bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới; sẵn sàng quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước tiến bộ trên thế giới trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ của Triều Tiên; sẵn sàng cải thiện, bình thường hóa và đa dạng hóa quan hệ với tất cả các nước, kể cả nước từng có quan hệ thù địch với Triều Tiên. Khẳng định là quốc gia hạt nhân có trách nhiệm, Triều Tiên tuyên bố không sử dụng vũ khí hạt nhân trước nếu chủ quyền quốc gia không bị xâm phạm, thực hiện nghiêm nghĩa vụ chống phổ biến hạt nhân, nỗ lực thực hiện phi hạt nhân hóa trên thế giới…
Về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng: 1- Quy định chức Chủ tịch Đảng là vị trí lãnh đạo tối cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn xã hội; 2- Giải thể Ban Bí thư; thành lập mới Ban Chính vụ Trung ương Đảng; 3- Đổi tên chức danh Bí thư Trung ương Đảng thành Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các chức danh bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy, quận ủy đổi thành chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy, quận ủy.
Kết quả của Đại hội VII Đảng Lao động Triều Tiên
Với sự tham dự của 3.667 đại biểu chính thức, trong đó 3.467 đại biểu có quyền phát biểu và quyền biểu quyết, 200 đại biểu chỉ có quyền phát biểu và 1.387 đại biểu dự thính, đại diện cho 3,4 triệu đảng viên của Đảng Lao động Triều Tiên, không có khách mời quốc tế, Đại hội đã suy tôn Chủ tịch Kim Châng Un làm Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên; bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VII với 129 ủy viên chính thức và 106 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã bầu 19 ủy viên Bộ Chính trị, 05 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, 09 ủy viên dự khuyết; 09 phó chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội xóa bỏ Ban Bí thư, bỏ chức danh Bí thư Trung ương Đảng, lập mới Ban Chính vụ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương.
Đại hội cũng bầu ra Quân ủy Trung ương với 12 thành viên, trong đó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Châng Un là Chủ tịch; Ủy ban Kỷ luật Trung ương gồm 07 người; Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 15 người và bầu 13 chức danh trưởng các ban Trung ương.
Đại hội VII Đảng Lao động Triều Tiên được tổ chức sau 36 năm kể từ Đại hội VI của Đảng đến nay và trải qua ba thế hệ lãnh đạo là Kim Nhật Thành, Kim Châng In và Kim Châng Un. Có thể nói, Đại hội VII có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước Triều Tiên, nhất là đối với nhà lãnh đạo Kim Châng Un để đạt được các mục tiêu: 1- Mở ra giai đoạn phát triển mới, đưa Triều Tiên trở thành nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và hùng cường; 2- Tuyệt đối hóa, thể chế hóa vai trò lãnh đạo duy nhất của Kim Châng Un ngang với hai thế hệ lãnh đạo trước đây; 3- Củng cố sự đoàn kết và lòng tin của nhân dân Triều Tiên đối với Đảng Lao động do Chủ tịch Kim Châng Un đứng đầu; 4- Khẳng định tính độc lập, tự chủ của Triều Tiên trước sự bao vây và cô lập từ bên ngoài.
Đại hội VII Đảng Lao động Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định những điểm cốt yếu của nền tảng tư tưởng - chính trị của Triều Tiên trong giai đoạn mới. Một là, tiếp tục coi “tư tưởng chủ thể” là nền tảng tư tưởng - chính trị, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Hai là, khẳng định mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa theo kiểu Triều Tiên và “chính sách song tiến” là phát triển hạt nhân đồng thời với phát triển kinh tế trên tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ. Ba là, coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, coi “hệ thống lãnh đạo duy nhất của Đảng Lao động Triều Tiên” do Chủ tịch Kim Châng Un đứng đầu là cơ sở thực hiện các chính sách lớn.
Kết quả nổi bật của Đại hội VII này là nhà lãnh đạo Kim Châng Un được suy tôn làm Chủ tịch Đảng - chức danh cao nhất trong Đảng từ năm 1966 đến nay, khẳng định thời đại hiện nay là thời đại của Kim Châng Un, đồng thời xác định rõ vai trò lãnh đạo tối cao vĩnh viễn này trong các văn kiện của Đảng. Đường lối và chính sách được đề ra tại Đại hội lần này tuy không có nội dung hay quyết định mang tính đột phá lớn, mà về cơ bản là kế thừa những chủ trương lớn từ Đại hội VI của Đảng và tái xác nhận các đường lối, chính sách do Chủ tịch Kim Châng Un khởi xướng từ khi lên nắm quyền, song cũng có một số điều chỉnh mới, cụ thể là: 1- Điều chỉnh từ chính sách “chính trị tiên quân” sang thực hiện “chiến lược song tiến”, trong đó xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay; 2- Điều chỉnh chính sách đối ngoại hòa dịu hơn, tuyên bố sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước, kể cả các nước thù địch trước đây nếu tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên.
Đại hội đã hợp thức hóa những nhân sự được sắp đặt trước đó, đưa vào Ban lãnh đạo cấp cao khóa mới. Đại hội xóa bỏ Ban Bí thư và chức danh Bí thư Trung ương, thành lập Ban Chính vụ trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương do Chủ tịch Kim Châng Un nắm quyền và điều hành toàn bộ.
Trên cơ sở các phương hướng phát triển đề ra trong thời gian tới, có thể thấy: Thứ nhất, việc Triều Tiên khẳng định “chính sách song tiến” là chiến lược dài hạn cho thấy Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa, coi đây là phương tiện phục vụ duy trì quyền lực, bảo đảm sự ổn định của thể chế, đồng thời vừa dùng làm “con bài” mặc cả với Mỹ và các nước liên quan. Thứ hai, về kinh tế, việc Triều Tiên đưa ra Chiến lược phát triển kinh tế 5 năm cũng cho thấy đây là sự chuyển hướng quan trọng trên con đường phát triển, dự báo có khả năng Triều Tiên mặc dù vẫn tiếp tục mô hình kinh tế kế hoạch tập trung nhưng sẽ có điều chỉnh chính sách theo hướng cải cách hơn, cải thiện đời sống của nhân dân và tập trung ưu tiên trong các lĩnh vực năng lượng, lương thực, thủy sản, công nghiệp nhẹ. Thứ ba, về đối ngoại, việc Triều Tiên đề xuất sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với các nước “cựu thù’, nối lại đàm phán với Hàn Quốc và đặt ranh giới cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân cho thấy Triều Tiên hiện có nhu cầu lớn để phá thế bị bao vây, cô lập và tạo môi trường hòa bình, ổn định cho mục tiêu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh, tạo thế đối ngoại trong giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, dự đoán trong thời gian tới, Triều Tiên có thể điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng chủ động và linh hoạt hơn.
Cuối cùng, thời điểm tổ chức Đại hội cũng được Triều Tiên tính toán trên cơ sở các yếu tố. Một là, quyền lực và ảnh hưởng tuyệt đối của Kim Châng Un đã được xác lập và củng cố vững chắc hơn bốn năm qua. Hai là, tình hình kinh tế - xã hội Triều Tiên có những chuyển biến mặc dù còn hết sức khó khăn; mô hình quản lý kinh tế có những bước đi theo hướng đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện. Ba là, cục diện chính trị căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tác động từ cấm vận nặng nề của cộng đồng quốc tế có vai trò thúc đẩy tuyên truyền nội bộ và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Kim Châng Un./.
--------------------------------------------
(1) Tư tưởng chủ thể do Chủ tịch Kim Nhật Thành đưa ra ngày 28-12-1955 và chính thức đưa vào Hiến pháp Triều Tiên năm 1972 với nguyên tắc con người là chủ thể quyết định tất cả, đề cao vai trò của lãnh tụ
(2) Thực hiện chính sách phát triển vũ khí hạt nhân song song với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
(3) Tư tưởng “chính trị tiên quân” do Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Châng In đề ra năm 1997 với việc xây dựng nền chính trị mà vai trò của quân đội là lực lượng tiên phong, ưu tiên phát triển sức mạnh quân sự
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 25-7 đến ngày 31-7-2016)  (03/08/2016)
Cầu nối hữu nghị giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương của Lào  (03/08/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay