Quốc hội thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Nhất, chiều 28-7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 và báo cáo thẩm tra phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 và thảo luận về nội dung này.
Còn tình trạng lập dự toán không đầy đủ
Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Tờ trình cho thấy dự toán thu ngân sách nhà nước 782.700 tỷ đồng, quyết toán 877.697 tỷ đồng; tăng 12,1% (94.997 tỷ đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ dầu thô và tăng thu tiền sử dụng đất, thuế nhập khẩu, và thu từ các khu vực kinh tế; trong đó ngân sách trung ương tăng 43.165 tỷ đồng; ngân sách địa phương tăng 51.832 tỷ đồng.
Dự toán chi ngân sách nhà nước 1.006.700 tỷ đồng, quyết toán 1.103.983 tỷ đồng, tăng 9,7% (97.283 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển (85.452 tỷ đồng) từ nguồn vốn ngoài nước, nguồn bổ sung từ dự phòng ngân sách theo chế độ và nguồn năm trước chuyển sang. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện điều hành chi ngân sách bám sát mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Quyết toán chi ngân sách trung ương là 496.679 tỷ đồng, tăng 1,7% (8.421 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do tăng tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi.
Quyết toán chi ngân sách địa phương là 607.304 tỷ đồng, tăng 17,1% (88.862 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do nguồn năm trước chuyển sang, nguồn tăng thu ngân sách đại phương theo quy định và nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và ý kiến chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội cho thấy về dự toán thu ngân sách nhà nước, số liệu ước thực hiện thu năm 2013 của một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương thấp so với khả năng thực hiện; lập dự toán không đầy đủ, không bao quát hết nguồn thu; một số địa phương được kiểm toán lập dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, tiền sử dụng đất) không đảm bảo mức phấn đấu tăng bình quân khoảng 12-13%, dự toán thu xuất nhập khẩu không đảm bảo tăng 8-9% so với ước thực hiện năm 2013.
Về dự toán chi đầu tư phát triển, còn tình trạng lập dự toán không đầy đủ, danh mục dự án đề xuất bố trí vốn không sát thực tế nên phải điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch vốn; giao dự toán không phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn; không phân bổ, phân khai chi tiết kế hoạch vốn ngay từ đầu năm; trong năm không phân bổ hoặc phân bổ vốn thấp hơn quy định; bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, không tuân thủ thứ tự ưu tiên, thiếu căn cứ, chưa đúng quy định hoặc không sát thực tế; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn khi chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.
Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.130.609 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2013 chuyển sang năm 2014, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2013, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước); tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.339.489 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015); bội chi ngân sách nhà nước là 249.362 tỷ đồng, bằng 6,33% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.482 tỷ đồng).
Kỷ luật tài chính phải được thực hiện nghiêm
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu đánh giá Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 của Chính phủ cơ bản đảm bảo yêu cầu, điều kiện để Quốc hội phê chuẩn. Nhiều ý kiến thống nhất cáo với Báo cáo của Kiểm toán nhà nước lần đầu tiên được trình bày trước Quốc hội cũng như các nội dung của Báo cáo thẩm tra phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.
Một số ý kiến đồng tình với đề xuất cho phép bổ sung 26.169 tỷ đồng do giải ngân vốn ODA tăng vào dự toán chi ngân sách nhà năm 2014, tuy nhiên cũng có ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này vì cho rằng nếu chấp thuận đề nghị này của Chính phủ tức là việc thực hiện pháp luật chưa nghiêm, yêu cầu Chính phủ cần phải giải trình rõ vấn đề này.
Một số ý kiến cho rằng mặc dù quản lý ngân sách nhà nước đã có nhiều tiến bộ song việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém xảy ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đó là việc quyết toán còn thiếu căn cứ, chưa sát thực tế, có tình trạng xây dự toán thu thấp so với thực tế, điều chỉnh bổ sung nhiều lần trong năm; việc chấp hành dự toán còn lỏng lẻo, kỷ luật tài chính không nghiêm kể cả thu, chi và quản lý nợ công, nổi lên nhất là quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thất thoát lãng phí nợ đọng, ứng trước và chuyển nguồn hiệu quả đầu tư thấp...
Nhiều ý kiến lo ngại khi bội chi tăng dẫn tới nợ công tăng nhanh, cho rằng nợ công chưa phản ánh đúng thực tế. Các đại biểu cũng yêu cầu kỷ luật tài chính phải được thực hiện nghiêm và cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường quản lý tài sản công và tài chính công.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cho tiến hành thanh tra, kiểm tra đơn vị, đối tượng vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp bị kiểm toán phát hiện vi phạm; tiếp tục xem xét bổ sung những vấn đề Luật ngân sách nhà nước về sự phân cấp, thời gian chuyển giao quyết toán ngân sách giữa 2 nhiệm kỳ...
Chủ trì thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 trình Quốc hội phê chuẩn tại phiên họp sáng mai (29-7).
Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, với 92,11% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập 2 Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016".
Ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.
Theo chương trình, chiều mai, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ họp phiên bế mạc.
Phiên họp quan trọng này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi./.
Lời Tuyên thệ - Điểm tựa niềm tin của nhân dân cả nước  (29/07/2016)
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất  (29/07/2016)
Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014  (29/07/2016)
Quyết định về ban hành Quy định chế độ chi hoạt động công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở  (29/07/2016)
Những thông điệp nóng và giải pháp “hạ nhiệt” bội chi ngân sách nhà nước  (29/07/2016)
Những thông điệp nóng và giải pháp “hạ nhiệt” bội chi ngân sách nhà nước  (29/07/2016)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên