Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Nghị quyết 64/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng với mục tiêu xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra.
Chương trình đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện, đó là:
1- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2- Xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
3- Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.
4- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
5- Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
6- Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020
Nghị quyết 63/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 xác định:
Ổn định kinh tế vĩ mô
Theo đó, một trong những nhiệm vụ chủ yếu là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tập trung chủ yếu vào cải cách toàn diện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các quy định quản lý chuyên ngành xuất khẩu và nhập khẩu, các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và môi trường. Nhiệm vụ tiếp theo là ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với nguyên tắc thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối phù hợp với mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế của Chính phủ. Xử lý giảm thiểu các khoản nợ xấu. Đổi mới chính sách quản lý để tăng cường kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ, cơ cấu lại các khoản nợ công, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và bảo lãnh Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách; bảo đảm các giới hạn an toàn về nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội. Thực hiện nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với giá các dịch vụ công quan trọng.
Nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung 3 trọng tâm: Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ và hiệu quả các ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội.
Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Xây dựng trình Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… Đẩy nhanh chương trình, kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước theo lộ trình tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước lớn. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, trong đó mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án đầu tư nước ngoài, bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế. Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm đối với từng ngành, lĩnh vực, khu vực và đối tác. Tăng cường đối thoại chính sách với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (xúc tiến đầu tư tại chỗ), đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư. Ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tiếp tục hoàn thiện chính sách và thể chế pháp lý về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa về môi trường, thể chế pháp lý, quy trình, thủ tục thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn này. Tăng cường công tác quản lý, kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, giám sát trong quá trình đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Nghị quyết cũng đề ra chương trình hành động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho các hộ cận nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền./.
Việt Nam thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương  (24/07/2016)
Phó Thủ tướng nhắn gửi tới các nhà khoa học tương lai  (24/07/2016)
Hoạt động của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao tại Lào  (24/07/2016)
Vụ xả súng kinh hoàng ở Munich  (24/07/2016)
Tuần tới, Quốc hội sẽ hoàn tất công tác bầu nhân sự Nhà nước cấp cao  (23/07/2016)
Tổng Cục Thủy sản: Chưa thể công bố 800 sản phẩm “kiểm nghiệm khống”  (23/07/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên