TCCSĐT - Để đóng góp ý kiến cho Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo, ngày 19-7-2016, tại Hà Nội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở nước ta hiện nay”.

Tham dự Hội thảo có nhiều đại biểu, nhà nghiên cứu đến từ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Đại học Quốc gia Hà Nội… GS,TS. Phạm Hồng Thái, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS. Hà Công Long, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội chủ trì Hội thảo.

Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản để bảo đảm việc thực thi quyền này. Văn bản pháp lý đầu tiên về khiếu nại, tố cáo được ban hành là Sắc lệnh số 64/SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, ngày 23-11-1945. Sau khi Hiến pháp năm 1980 được ban hành, ngày 27-11-1981, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh quy định việc xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tháng 12-1998, Quốc hội thông qua Luật Khiếu nại, tố cáo. Sau đó Luật Khiếu nại, tố cáo được tách thành hai đạo luật là Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, đều được Quốc hội thông qua ngày 11-11-2011.

Với những văn bản đã ban hành, pháp luật về khiếu nại, tố cáo là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tình hình khiếu nại, tố cáo trong xã hội vẫn diễn ra rất phức tạp. Tại nhiều địa phương, mặc dù chính quyền đã hết sức cố gắng giải quyết những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân nhưng số lượng các vụ khiếu nại, tố cáo chưa giảm nhiều. Tính chất phức tạp của những vụ việc khiếu kiện được thể hiện qua số người tham gia khiếu kiện đông, cách thức khiếu nại, tố cáo không theo đúng với quy định của pháp luật. Khiếu nại, tố cáo tập trung nhiều vào các lĩnh vực như: đất đai, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, đòi lại đất cũ… Đặc biệt, có nhiều vụ việc người dân tiếp tục khiếu kiện sau khi các cơ quan chức năng đã giải quyết vụ việc theo đúng quy định của Luật Khiếu nại. Qua quá trình thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nhiều hạn chế, bất cập trong những văn bản quy định về khiếu nại, tố cáo đã xuất hiện. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân là một nhu cầu cấp thiết.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, sự bùng nổ về thông tin, nhận thức về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân cũng có sự thay đổi. Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân Việt Nam được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại Điều 30. So với những bản Hiến pháp trước đây, chủ thể của quyền khiếu nại, tố cáo đã được mở rộng hơn, cá nhân là một chủ thể quan trọng của quyền này. Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo được ban hành trước Hiến pháp năm 2013, cho nên còn tồn tại một số điểm chưa hoàn toàn phù hợp với tinh thần của đạo luật gốc này. Do đó, bảo đảm cho mọi chủ thể có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo là điều cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ những vấn đề như: quyền tố cáo của cá nhân và tổ chức; bảo vệ người tố cáo; chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo... Đối với vấn đề khiếu nại, hiện còn tồn tại nhiều quy định bất tương thích trong nội tại Luật Khiếu nại, liên quan đến quy định về doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, quyết định hành chính, hành vi hành chính… Luật Khiếu nại cũng cần phân định rõ ranh giới giữa quan hệ hành chính và quan hệ dân sự; về thời hiệu khiếu nại; về xử lý hành vi vi phạm trong giải quyết khiếu nại… Có ý kiến cho rằng, quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính chưa bảo đảm tính khách quan, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết khiếu nại.

Cùng với việc tập trung vào hai đạo luật trên, nhiều tham luận còn đề cập đến các văn bản luật về khiếu nại, tố cáo khác như: Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Luật Tiếp công dân năm 2013… Tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là một hoạt động liên quan trực tiếp đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Những vấn đề tồn tại trong hoạt động tiếp công dân được phản ánh khá nhiều trong dư luận xã hội. Công tác tiếp dân được xem như những bước đầu tiên trong việc giải quyết những thắc mắc liên quan đến quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Tuy nhiên, trong nhiều cơ quan nhà nước, công tác này chưa thực sự được coi trọng đúng mức, do đó nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không được tiếp nhận, xem xét thấu đáo. Vì vậy, khi sửa đổi, bổ sung luật về khiếu nại, tố cáo cần rà soát những quy định của Luật Tiếp công dân nhằm tạo sự thống nhất, phù hợp giữa các văn bản này.

Hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước khi quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt nam, cũng như tiến trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính… đang được thực hiện khẩn trương. Tuy nhiên, quyền khiếu nại, tố cáo là một quyền liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm hoàn thiện pháp luật khiếu nại, tố cáo chỉ thực sự bảo đảm giá trị, ý nghĩa, hiệu quả khi các ngành luật như: dân sự, hình sự, đất đai, kinh tế, hành chính… trong hệ thống pháp luật cũng được xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu khách quan và sự phát triển của xã hội.

Trên cơ sở phân tích những quy định về khiếu nại, tố cáo hiện hành, tiếp cận từ quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật khiếu nại, tố cáo đã được đưa ra tại Hội thảo. Đây là những quan điểm khoa học cần được tiếp tục nghiên cứu và tiếp nhận trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo./.