TCCSĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11-12%/năm, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 7.000-8.000 USD(1).

Để thực hiện mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định là tập trung huy động và sử dụng nguồn lực, bảo đảm nguyên tắc nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư các công trình động lực có sức lan toả và bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh; huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt là vận dụng có hiệu quả hình thức đối tác công tư; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, làm động lực để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tỉnh đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm giảm bớt khó khăn, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, hiệu quả của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã phát huy khối đại đoàn kết, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, có nhiều giải pháp đột phá để khai thác tiềm năng, thế mạnh, khắc phục khó khăn nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đưa tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Kinh tế Quảng Ninh phát triển với tốc độ cao là do tỉnh luôn xác định cộng đồng các doanh nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Với sự tập trung, chỉ đạo quyết liệt và sự hỗ trợ tích cực, trách nhiệm và hiệu quả của các bộ, ngành trung ương, môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã căn bản được đổi mới.

Hướng trọng tâm trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được tỉnh xác định là cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm thời gian và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Quảng Ninh là một trong những tỉnh tiên phong trong triển khai mô hình Trung tâm Hành chính công. Năm 2012, tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án chính quyền điện tử Quảng Ninh giai đoạn 2012-2014 (theo Quyết định số 2459/QĐ-UBND ngày 28-9-2012 của UBND tỉnh); thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chính quyền điện tử và Trung tâm Hành chính công do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban (Quyết định số 997-QĐ/TU ngày 06-3-2014 của Tỉnh uỷ Quảng Ninh); thành lập và thí điểm đưa mô hình của Trung tâm Hành chính công tỉnh và 5 Trung tâm Hành chính công cấp huyện (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả và Vân Đồn) đi vào hoạt động. Đây là bước đột phá về công tác cải cách hành chính và hiện đại hoá nền hành chính, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của doanh nghiệp và người dân.

Đến nay, Quảng Ninh đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công tỉnh và 14 trung tâm cấp huyện. Trong đó, Trung tâm Hành chính công tỉnh chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thành lập (theo Quyết định số 1831/2015/QĐ-TTg ngày 28-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ). Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm. Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Hành chính công và Quy chế phối hợp tổ chức hoạt động giữa Trung tâm Hành chính công với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trung tâm Hành chính công là đầu mối tập trung thực hiện việc hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức để giải quyết và nhận, trả kết quả cho cá nhân, tổ chức; tham gia đề xuất các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá nền hành chính và thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho doanh nghiệp và người dân.

Tỉnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính theo nguyên tắc thẩm định và phê duyệt tại chỗ, nhằm hạn chế tối đa tầng nấc trung gian trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận tiện cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân trong giải quyết thủ tục hành chính tại các Trung tâm... Các thủ tục hành chính trước khi đưa vào Trung tâm đều được rà soát, cắt giảm, đơn giản về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục và cắt giảm về thời gian giải quyết so với thời gian quy định của pháp luật nên đã tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, như giảm trung bình trên 70% thời gian so với quy định, trong đó, lĩnh vực chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư thời gian giải quyết đã giảm từ 40 ngày xuống còn 9 ngày làm việc; lĩnh vực cấp mới, thay đổi cấp giấy chứng nhận đầu tư đã được rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư từ 25 ngày xuống còn 7-10 ngày làm việc…

Mặc dù còn có những vướng mắc trong tổ chức và hoạt động do đây là một mô hình mới, chưa có tiền lệ, song các Trung tâm Hành chính công bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định trong tiếp nhận, thụ lý giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Cùng với việc triển khai, đưa vào hoạt động các Trung tâm Hành chính công của tỉnh và các địa phương là các giải pháp về kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp chính quyền, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ. Cải cách hành chính tập trung theo hướng phát huy vai trò tích cực của chính quyền điện tử gắn với hoạt động hiệu quả của các trung tâm hành chính công; lấy hiệu quả phục vụ, sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp làm thước đo; tạo môi trường thuận lợi thực sự để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, thái độ văn minh, lịch sự gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới chế độ công chức, công vụ.

Những nỗ lực đó đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh thời gian qua luôn nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước và đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Hồng; đặc biệt, năm 2015, chỉ số PCI của Quảng Ninh tăng 2 bậc so với năm 2014, đứng vị trí thứ 3 trong tổng số 63 tỉnh, thành cả nước. Hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh cũng từng bước được cải thiện, năm 2015 đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số trung bình cao, tăng 20 bậc so với năm 2014.

… Góp phần khởi sắc đầu tư, kinh doanh

Những nỗ lực đồng bộ, toàn diện trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định, hoạt động của doanh nghiệp khởi sắc. Trong những tháng đầu năm 2016, tỉnh đã đón tiếp và làm việc với 8 lượt đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công Hội nghị gặp mặt, tiếp xúc doanh nghiệp, doanh nhân nhằm lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hội nghị có sự tham gia của trên 400 doanh nghiệp, tổ chức đầu tư trong và ngoài nước với gần 150 ý kiến đóng góp, kiến nghị. Đa số các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành giải đáp hoặc nghiên cứu giải quyết. Tỉnh cũng đã tổ chức công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương năm 2015; đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực, chủ động, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư chiến lược đang triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh như dự án đầu tư của Tập đoàn Texhong Việt Nam, dự án tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc, dự án khu đô thị công nghiệp công nghệ cao (Tập đoàn Amata - Tuần Châu), dự án đô thị xanh phía Tây Hạ Long (Vingroup), dự án sân golf cột 3 - cột 8 (Tập đoàn FLC), Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đông Triều, dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống (Công ty TNHH Phú Lâm), dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao (Công ty CP thủy sản Việt Úc),… Một số dự án lớn mà Quảng Ninh đã thu hút được trong thời gian qua như Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như sân golf 18 lỗ, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, khách sạn 5 sao, khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp; Dự án nuôi bò thịt, bò giống tại xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái của Công ty TNHH Phú Lâm với tổng vốn đầu tư khoảng 2.258 tỷ đồng(2).

Trong quý 1-2016, tỉnh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm là 4.481 tỷ đồng, trong đó, cấp mới 04 dự án với vốn đầu tư trong nước 3.380 tỷ đồng; 03 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức vốn đăng ký 45,5 triệu USD; điều chỉnh tăng thêm 03 dự án với tổng vốn tăng thêm gần 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công như huy động, điều hành linh hoạt các nguồn lực để ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm của tỉnh và tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng để thúc đẩy các dự án vốn ngoài ngân sách; hạn chế khởi công các dự án mới; đẩy mạnh hình thức đối tác công tư (PPP) với các mô hình “Lãnh đạo công - Quản trị tư”, “Đầu tư công - Quản lý tư”, “Đầu tư tư - Sử dụng công” nhằm tái cơ cấu đầu tư, góp phần thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; tập trung đầu tư các dự án, công trình trọng điểm có tính đột phá, lan toả và đảm bảo an sinh xã hội…

Số lượng phát triển mới các doanh nghiệp sau nhiều năm giảm do suy thoái kinh tế nay đã tăng trở lại. Theo Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát triển. Toàn tỉnh có 527 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 3.130 tỷ đồng, tăng 19% về số doanh nghiệp. Tính đến ngày 31-5-2016, tổng số doanh nghiệp đăng ký trong tỉnh là 11.222 doanh nghiệp, vốn đăng ký là 129.118 tỷ đồng. Cơ cấu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế đã có sự thay đổi theo hướng giảm số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quý 1-2016 ước đạt 278 triệu USD, một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ như rau quả tăng 149%, các sản phẩm hóa chất tăng 19,1%, sợi tăng 14%, giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 138%. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp quý 1-2016 là 487 triệu USD, trong đó, một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: xăng dầu, sắt thép, lúa mì, hàng rau quả. Hoạt động tạm nhập, tái xuất trị giá qua kho ngoại quan khoảng 780 triệu USD(3).

Cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong những năm qua, trong đó có đóng góp rất quan trọng của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn, đã tạo ra thế và lực mới, đưa Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Tuy nhiên, trên con đường phát triển, Quảng Ninh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mô hình tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng; quy mô kinh tế còn nhỏ; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực còn yếu; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước xu thế hội nhập; môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn còn có mặt hạn chế; tư duy trong đổi mới sản xuất kinh doanh, áp dụng khoa học, công nghệ, quản trị doanh nghiệp còn chậm…

Nhận thức rõ khó khăn, thách thức trong phát triển của doanh nghiệp, Quảng Ninh luôn xác định phát triển doanh nghiệp là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do đó, tỉnh tập trung nỗ lực đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ phấn đấu xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm; hàng năm có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo…

Với tinh thần quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, UBND tỉnh cam kết cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Việc ký cam kết phối hợp trong hoạt động hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giúp tỉnh giải quyết các kiến nghị, khó khăn của các doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thấu đáo hơn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính một cách thuận lợi, đơn giản và hiệu quả nhất. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm “Hiệu quả của doanh nghiệp là sự thành công của tỉnh”, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp; chủ động xây dựng, điều chỉnh chính sách tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; phấn đấu duy trì và cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…

Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ, Quảng Ninh xây dựng Chương trình hành động cụ thể với các giải pháp phát triển về trước mắt và lâu dài. Mục tiêu đến năm 2020, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, toàn tỉnh có trên 9.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó, có 250 doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 50-55% GRDP, khoảng 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 35-40% GRDP. Năng suất lao động xã hội tăng 15-16%. Hằng năm có khoảng 35-40% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Để thực hiện cam kết, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; thực hiện đơn giản hoá thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa 02 ngày làm việc; giảm 50-60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua mạng, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định; phấn đấu đạt tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98% và nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 90%.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp ở các cấp khác nhau. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển theo hướng bền vững.

Quảng Ninh cũng cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cung ứng, phát triển các dịch vụ tư nhân như: thông tin tiếp cận thị trường, tư vấn pháp lý, khoa học công nghệ…./.

--------------------------------------------------

(1) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020

(2) Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1-2016 của tỉnh Quảng Ninh

(3) Báo cáo của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ và lễ ký cam kết giữa UBND tỉnh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Quảng Ninh ngày 07-6-2016