TCCSĐT- Ngày 30-6, trước vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 28-6 tại sân bay Ataturk, Thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:

“Chúng tôi xin gửi tới gia đình những người bị nạn, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ lời chia buồn sâu sắc nhất. Việt Nam lên án vụ khủng bố và tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sớm bị trừng phạt thích đáng”.

Các vụ đánh bom liều chết tại sân bay Ataturk (sân bay lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ) ở thành phố Istanbul đã làm ít nhất 41 người thiệt mạng và 147 người khác bị thương. Trong số những người thiệt mạng có cả người nước ngoài, hiện đã xác minh được 2 nạn nhân gồm 1 người Iran và 1 người Ukraine.

Sau vụ khủng bố, nhiều nước đã tăng cường an ninh tại các sân bay và hải cảng.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Thủ đô Jakarta ngày 29-6-2016, Bộ trưởng Giao thông Indonesia Ignatius Jonan nói: “Chúng tôi sẽ nâng an ninh ở các sân bay lên mức vàng. Đây là mức báo động. An ninh của chúng tôi sẽ được đặt ở cấp độ cao hơn”. Bộ trưởng Ignatius Jonan cũng cho biết an ninh sẽ được tăng cường tại các cảng biển có điểm đón trả hành khách. Kế hoạch trên được đưa ra vào thời điểm người dân Indonesia chuẩn bị cho ngày Eid al-Fitr, ngày lễ quan trọng của người Hồi giáo đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan.

Cùng ngày, Chính phủ Thái Lan đã ra lệnh tăng cường kiểm soát an ninh ở mức cao nhất tại tất cả các sân bay, bến xe, nhà ga tàu hỏa trên toàn quốc sau vụ tấn công khủng bố ở Istanbul. Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết an ninh đặc biệt được thắt chặt tại các sân bay với việc triển khai một lực lượng lớn cảnh sát và binh lính mặc quân phục hoặc thường phục và tất cả các hoạt động giám sát an ninh này được điều phối bởi một bộ chỉ huy an ninh hỗn hợp các lực lượng. Cũng theo Bộ trưởng Arkhom, cơ quan an ninh đã tham gia chiến dịch này tuy nhiên từ chối cho biết thông tin cụ thể hơn vì “lý do bảo mật”.

Tại Australia, các chuyên gia thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cảnh báo các sân bay cần cân nhắc việc hạn chế những người không phải là hành khách tập trung ở các sảnh sân bay, sử dụng công nghệ nhận dạng mặt và tăng cường an ninh ở các cửa ra vào sân bay. Phó Giám đốc ASPI, Tiến sĩ Anthony Bergin cho rằng việc hạn chế người thân của các hành khách tới sân bay cũng có thể cần thiết vì tập trung đông người sẽ dễ dẫn đến các hành động khủng bố.

Người đứng đầu bộ phận An ninh Biên giới của ASPI, Tiến sĩ John Conyne khuyến cáo nhà chức trách nên có những biện pháp ứng phó sau vụ tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó tạo một lối đi để hành khách di chuyển nhanh chóng và an toàn hơn. Trong khi đó, theo chuyên gia Gavin Queit thuộc tập đoàn tư vấn an ninh GK Solutions, những sân bay đông đúc dễ trở thành mục tiêu tấn công và chính phủ các nước cũng như giới chức sân bay cần ưu tiên giảm đến mức tối thiểu ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra tấn công.

Trước đó, ngày 29-6, người phát ngôn của Chính phủ Australia cho biết ngay sau khi xảy ra vụ tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ, Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) đã tăng cường hiện diện tại các khu vực công cộng ở những sân bay lớn và chính phủ liên tục xem xét thực hiện các biện pháp an ninh mới tại các sân bay./.