Đề nghị Campuchia sớm hoàn tất ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
Sáng 22-6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng cao cấp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Prak Sokhonn.
Tại cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhiệt liệt chào mừng ông Prak Sokhonn sang thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng cao cấp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế.
Bộ trưởng Prak Sokhonn khẳng định sẽ nỗ lực góp phần vào việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước nói riêng, cũng như đóng góp cho quan hệ đoàn kết hữu nghị Campuchia -Việt Nam nói chung.
Hai Bộ trưởng Ngoại giao cũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm cấp Nhà nước Campuchia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt Nam - Campuchia lên một tầm cao mới; nhất trí cùng phối hợp tiếp tục chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp dưới nhiều hình thức khác nhau trong thời gian tới.
Hai bên nhấn mạnh năm 2017 là dấu mốc rất quan trọng kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24-6-1967 - 24-6-2017); nhất trí phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức các hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa nhằm làm sâu sắc thêm truyền thống quý báu đó.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị -ngoại giao, an ninh - quốc phòng; đến kinh tế, thương mại, đầu tư,… phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, trong đó có Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật.
Hai bên hoan nghênh những nỗ lực của cơ quan chức năng hai nước trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn và hoàn thành được khối lượng lớn công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và nhất trí đẩy nhanh tiến độ để công tác có ý nghĩa lịch sử này sớm được hoàn tất, nhằm xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị phía Campuchia tạo điều kiện để kiều dân Việt Nam ổn định cuộc sống, góp phần tăng cường tình láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao Campuchia phối hợp với các cơ quan chức năng Campuchia xem xét, tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia, trong đó có việc thúc đẩy cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư Việt Nam; sớm hoàn tất đàm phán ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước sớm đạt mục tiêu 5 tỷ USD.
Hai Bộ trưởng Ngoại giao cũng đánh giá cao và nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, phối hợp lập trường giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai nước cần tăng cường cùng các nước ASEAN khác củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS); thực hiện DOC và sớm tiến tới COC.
Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước thành viên khác của Ủy hội Mekong quốc tế nhằm bảo đảm việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, thúc đẩy hợp tác Mekong - Lan Thương./.
Chủ tịch Quốc hội: Bắc Kạn cần chú trọng phát triển du lịch  (22/06/2016)
Ban Dân vận gặp mặt các đại sứ, tổng lãnh sự mới được bổ nhiệm  (22/06/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên