Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06-6 đến ngày 12-6-2016)
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Quốc - Mỹ: Ghi nhận những bất đồng và nhấn mạnh nỗ lực thúc đẩy quan hệ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình (ngoài cùng bên phải) tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack
Lew (ngoài cùng bên trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: AP
Ngày 07-6-2016, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên lần thứ tám giữa Trung Quốc và Mỹ đã kết thúc tại Bắc Kinh sau hai ngày thảo luận. Các quan chức ngoại giao, thương mại và các lĩnh vực khác của hai bên đã ghi nhận bất đồng trong một số vấn đề, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ song phương hữu nghị và mang lại lợi ích. Tại cuộc họp báo chung sau khi kết thúc Đối thoại, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho biết hai bên công nhận tình trạng sản xuất dư thừa trong một số ngành, trong đó có ngành thép, là một thách thức toàn cầu và cần nỗ lực chung để giải quyết vấn đề này. Theo hãng tin AP, phía Trung Quốc hứa kìm hãm sản xuất thép để giải quyết tình trạng dư thừa mặt hàng này trên các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, hai bên không nhất trí được về ngành sản xuất nhôm của Trung Quốc. Ngoài ra, ông Uông Dương cho biết một trong những ưu tiên hiện nay của hai bên là đàm phán về hiệp định đầu tư song phương.
Về tài chính, Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew cho biết phía Mỹ hứa theo đuổi “ổn định tài chính”, thu hẹp thâm hụt ngân sách, trong khi phía Trung Quốc cam kết tiếp tục cải cách tỷ giá hối đoái theo hướng thị trường tạo điều kiện cho việc lưu hành đồng nhân dân tệ hai chiều linh hoạt. Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhắc lại “sự ủng hộ cơ bản của Mỹ đối với việc đàm phán và các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp, cũng như quan ngại về bất cứ bước đi đơn phương của bất cứ bên nào”. Trong khi đó, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng Bắc Kinh muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, nhưng phải là đàm phán “giữa các bên liên quan”. Về tình hình Triều Tiên, hai bên nhất trí không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, đồng thời cam kết cùng nỗ lực ngăn chặn Bình Nhưỡng có thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào.
Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phòng chống HIV/AIDS: Cam kết thực hiện Mục tiêu 90 - 90 - 90
Tuyên bố chính trị của Hội nghị
khẳng định quyết tâm và cam kết của cộng đồng quốc tế đẩy nhanh nỗ lực
phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: un.org
Từ ngày 08-6 đến ngày 10-6-2016, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ đã diễn ra Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phòng, chống HIV/AIDS nhằm thúc đẩy cam kết chính trị và các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như mục tiêu đề ra tại Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chính trị, khẳng định quyết tâm và cam kết của cộng đồng quốc tế đẩy nhanh nỗ lực phòng chống HIV/AIDS, đề ra mục tiêu cụ thể cho tới năm 2020, đáng chú ý là cam kết thực hiện Mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp).
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 07-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Thái Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á loại trừ nguy cơ virus HIV lây từ mẹ sang con. Đánh giá sự kiện trên là “một thành tựu xuất sắc” đối với Thái Lan - quốc gia từng ghi nhận 100.000 trường hợp nhiễm HIV vào năm 1990 và tăng lên hơn một triệu vào 3 năm sau đó, chủ yếu lây qua hoạt động mua bán dâm - WHO khẳng định Thái Lan “đã chứng minh cho thế giới thấy HIV có thể bị đánh bại”. Trước đó, Cuba là quốc gia duy nhất loại trừ được nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con theo tiêu chuẩn của WHO. Theo WHO, việc Thái Lan tiến hành sàng lọc và điều trị miễn phí cho những thai phụ nhiễm HIV đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn nguy cơ virus này truyền sang những thế hệ mới. Cùng với Thái Lan, Belarus cũng được WHO ghi nhận loại trừ nguy cơ lây HIV và giang mai từ mẹ sang con. Trong khi đó, Amerinia và Moldova đã thành công trong việc ngăn chặn lây giang mai từ mẹ sang con.
Diễn đàn Kinh tế Brussels 2016 tập trung vấn đề cải cách cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng
Ngày 09-6-2016, Diễn đàn Kinh tế Brussels 2016 (BEF 2016) đã diễn ra tại Thủ đô Brussels của Bỉ. Chủ đề chính được thảo luận tại BEF 2016 là vấn đề cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, cách thức mà EU cần phải chuẩn bị để đối phó với đà tăng trưởng chậm trong toàn khối. Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tổn thất lâu dài về kinh tế do tăng trưởng thấp. Ông kêu gọi các quốc gia EU không dựa vào ECB để hỗ trợ tăng trưởng mà cần phải mau chóng tiến hành các cải cách cơ cấu nhằm tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Ông M. Draghi nhấn mạnh ECB có thể kéo lạm phát xuống mức 2% trong trung hạn và đã đưa ra một loạt giải pháp chưa từng có để đạt được mục tiêu này.
Chủ tịch M. Draghi hoan nghênh những nỗ lực cải cách của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, coi đó là những ví dụ mà các quốc gia khác cần làm theo. Theo ông M. Draghi, các biện pháp Bồ Đào Nha áp dụng trong khuôn khổ chương trình điều chỉnh đã giúp quốc gia này giảm 3 bậc tỷ lệ thất nghiệp trong giai đoạn 2011 -2014. Tương tự, việc cải tổ thị trường lao động Tây Ban Nha năm 2012 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng việc làm ở nước này.
Cần một hiệp ước quốc tế mới để chấm dứt tình trạng lạm dụng lao động trẻ em
Một em bé người Ấn Độ đang đập vỡ những mảnh đá hoa tại công trường xây dựng ở Mumbai. Ảnh: AFP/Getty Images
Nhân Ngày Thế giới về chống bóc lột lao động 12-6, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố báo cáo, cho biết khoảng 168 triệu trẻ em trên thế giới đã và đang có nguy cơ bị bóc lột sức lao động. Theo ILO, trong vòng một thập kỷ qua, các quy định quốc tế hiện hành về bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị cưỡng ép lao động đã giúp giảm hơn 30% số trẻ em bị bóc lột lao động. Hiện nay, nhiều chủ sử dụng lao động và các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ xóa bỏ thực trạng này trong chuỗi sản xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo và xây dựng. Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh đối với các doanh nghiệp, xã hội cần có một thông điệp rõ ràng rằng: không được dung túng cho việc bóc lột lao động trẻ em. Chủ doanh nghiệp cần biết điều gì đang xảy ra trong dây chuyển sản xuất và cung ứng sản phẩm của họ. ILO cho biết gần 21 triệu người trên toàn cầu là nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức, vốn tạo ra khoản lợi nhuận phi pháp trị giá 150 tỷ USD Mỹ mỗi năm.
Nhằm ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động trẻ em, Tổ chức Nhân đạo chống nô lệ của Anh đã công bố danh sách gồm 122 sản phẩm sử dụng lao động trẻ em tại 58 quốc gia từ Mỹ Latinh đến châu Á. Những đứa trẻ này có thể được thuê tại mắt xích đầu tiên trong chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, như bị ép làm việc trong các hầm mỏ để đãi vàng, kim cương...., hoặc làm việc quần quật trong các trang trại bông, đường, trà, cà phê và ca cao. Không những thế, trẻ em cũng bị ép lao động trong các khâu sau trong chuỗi cung ứng như khâu vá, sản xuất giầy dép, dệt thảm hoặc làm pháo hoa. Tuy nhiên, đối với dây chuyền sản xuất trong một số ngành khá phức tạp, như ngành mỹ phẩm, may mặc hay sản xuất điện thoại di động, thì khó có thể xác định các khâu có lạm dụng và bóc lột sức lao động trẻ em. Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho rằng cần có một hiệp ước quốc tế mới để buộc các công ty phải chấm dứt tình trạng lạm dụng lao động trẻ em và nô lệ thời hiện đại trong chuỗi dây chuyền sản xuất của mình./.
Nước Anh và “nỗi ám ảnh” EU  (13/06/2016)
Nước Anh và “nỗi ám ảnh” EU  (13/06/2016)
Đừng tự sụp đổ dưới chân mình!  (13/06/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm và làm việc tại thủ đô Vientiane  (13/06/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên