Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội

BTV (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
23:19, ngày 01-06-2016

TCCSĐT - Sáng 01-6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 5 để đánh giá, phân tích kỹ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Cũng tại Phiên họp này, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về một số dự án luật, Pháp lệnh như: Dự án Luật Thủy lợi, dự án Pháp lệnh giống, cây trồng sửa đổi; Đề án Lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam.

Điểm đặc biệt tại Phiên họp lần này là thay vì thảo luận ngay về tình hình kinh tế - xã hội, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong buổi sáng làm việc đầu tiên của Phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành thời gian đánh giá chi tiết về kết quả công tác xây dựng thể chế. Đây cũng là lần đầu tiên, phiên họp thường kỳ của Chính phủ thảo luận về vấn đề hoàn thiện thể chế trước khi thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội. Điều này khẳng định ý thức đề cao nhiệm vụ xây dựng thể chế của Chính phủ nhằm hoàn thiện khung pháp luật tốt nhất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong phát biểu đề dẫn Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại quan điểm đã được tập thể Chính phủ xác định từ Phiên họp tháng 4 đó là xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân để nhân dân có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, an toàn hơn; trong đó, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật.

“Một câu hỏi lớn đặt ra là vì sao chúng ta vẫn chưa phát triển mạnh? Một nguyên nhân rất quan trọng là vấn đề cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển, cái chính là pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch hạn chế, rồi vấn đề đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ công chức…”, Thủ tướng đặt vấn đề. Từ nhận định đó, Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên họp này, cần đề cao vai trò của công tác xây dựng thể chế để kiểm điểm xem Chính phủ còn nợ gì về thể chế, hướng khắc phục ra sao, còn vướng mắc gì cần tháo gỡ, đặc biệt là trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Đồng thời thảo luận thông qua các dự án luật, pháp lệnh cụ thể".

Báo cáo về vấn đề tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết “tình hình rất đáng lo ngại".

Tính đến ngày 31-5, theo thống kê, Chính phủ cần phải ban hành 51 văn bản hướng dẫn nhưng mới ban hành được 14 văn bản, còn 37 văn bản chưa được ban hành. Trong đó, 11 văn bản đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quy trình xử lý, số văn bản chưa trình là 26. Ngoài ra, còn 91 Thông tư và 13 Thông tư liên tịch chưa được ban hành. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề liên tịch thuộc thẩm quyền của nhiều bộ phải được ban hành trong Nghị định của Chính phủ, tức là tăng thêm 13 dự thảo Nghị định cần được xây dựng, ban hành.

Về các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cần ban hành tổng cộng 49 Nghị định. Trong đó, tới ngày 31-5, đã trình Chính phủ 35 Nghị định, chưa trình 14 Nghị định, trong đó đã thẩm định 10 dự thảo Nghị định và chưa thẩm định 4 dự thảo. Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ các bộ còn “nợ” và số lượng văn bản nợ.

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, 17 bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, về cơ bản đã xác định số lượng Nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các Thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều Thông tư vào một Nghị định như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích hợp 38 Thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp 23 Thông tư, Bộ Công Thương tích hợp 23 Thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 Thông tư.

Đáng lưu ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn nhưng nhiều bộ còn lúng túng trong phân biệt các điều kiện kinh doanh và quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, nên chậm xác định rõ các điều kiện phải nâng cấp từ Thông tư lên Nghị định.

Bản báo cáo này được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm đúng với định hướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Đặc biệt, báo cáo đã đánh giá cụ thể, thẳng thắn kết quả việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế và công khai hóa danh sách nợ văn bản của từng bộ, ngành để từ đó, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các bộ, ngành trong vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ còn nợ đọng văn bản chưa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, phải báo cáo giải trình nghiêm túc trước Chính phủ.

Kết luận về nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, từ Thủ tướng đến các Bộ trưởng, Vụ trưởng đều phải tập trung, làm tốt. Đây là nút thắt quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo thực hiện; không để những thiếu sót từ thể chế kìm hãm sự phát triển. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian hơn nữa, coi trọng hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ này.

Mặc dù đánh giá, vừa qua các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn cho rằng, tình trạng nợ đọng văn bản luật còn lớn trong bối cảnh từ ngày 01-7 tới, một loạt Luật có hiệu lực. Cho rằng, nếu có Luật mà không có Nghị định hướng dẫn thi hành sẽ khó đưa được Luật vào cuộc sống, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, đây là vấn đề vấp phải nhiều lần, nhiều năm mà chưa khắc phục được. Mặc dù Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản, đến 31 Nghị định, 35 Thông tư trong thời gian ngắn vừa qua nhưng vẫn chưa giải quyết hết số văn bản nợ đọng. Tình hình này đòi hỏi cần phải được nhanh chóng giải quyết.

Phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến chậm ban hành, hoàn thiện các văn bản pháp luật, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, nguyên nhân chính là do người đứng đầu các bộ, ngành chưa quan tâm để trực tiếp chỉ đạo. Dù đây là vấn đề khó, phức tạp nhưng nếu tập trung vẫn khắc phục được, Thủ tướng chỉ rõ. Nhận xét các Bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện quyết tâm hoàn thiện sớm các văn bản luật, Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn tất việc ban hành tất cả các văn bản hướng dẫn thi hành trước thời điểm 01-7 khi nhiều Luật bắt đầu có hiệu lực, tránh tạo khoảng trống pháp luật.

Thủ tướng lưu ý, trong công tác xây dựng pháp luật, việc bảo đảm số lượng đi liền chất lượng là cần thiết nhưng không thể vì chất lượng mà diễn ra tình trạng “ngâm” văn bản. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc làm việc liên ngành để thảo luận về nội dung này thay vì làm việc qua văn bản. Thủ tướng cũng lưu ý, việc rút gọn quy trình làm văn bản không được bỏ quy trình, đặc biệt là vấn đề công khai, minh bạch dự thảo lấy ý kiến nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, hoàn thiện các hồ sơ dự thảo Nghị định trình Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, đi liền với chất lượng, không để xảy ra tình trạng sai sót. Bộ Tư pháp cần có giải pháp rút ngắn thời gian thẩm định nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công tác này; sớm hoàn thiện các dự thảo Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 6-2016.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, trong cuộc giao ban của các bộ, ngành, nhiệm vụ đầu tiên là thảo luận về thể chế. Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra trực tiếp đến tận các bộ, cơ quan ngang bộ để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc. Thủ tướng chỉ đạo các bộ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư và Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp. Theo đó, kiên quyết cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh và bãi bỏ giấy phép con không hợp lý. Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm. Không dùng mệnh lệnh hành chính; tạo động lực cho phát triển. Thúc đẩy giao dịch qua môi trường mạng, thay vì giấy tờ, trực tiếp để tránh tiêu cực, tham nhũng.

"Chính phủ sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội"

Trước đó, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thảo luận về các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô vào chiều 30-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mặc dù tình hình kinh tế những tháng qua có khó khăn, song Chính phủ sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà sẽ phấn đấu hết sức mình để đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng năm tháng vừa qua tăng 1,88% so với chỉ tiêu 5% của cả năm. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng liên tục trong bốn tháng qua. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu, giá gas và giá lương thực phẩm tăng. Nguyên nhân của giá lương thực tăng là do xuất khẩu tăng và hạn hán. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng từ nay đến cuối năm còn có thể chịu thêm sức ép do điều chỉnh giá viện phí và học phí.

Trong khi đó, tổng thu ngân sách nhà nước chỉ đạt trên 34%, thấp hơn so với cùng kỳ là 37%. Còn sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi chậm. Xuất khẩu đạt gần 68 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 7% và gần bằng so với năm ngoái.

Điểm sáng nhất trong năm tháng qua là Việt Nam đã thu hút được trên 10 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải ngân được gần 6 tỷ USD từ nguồn vốn này. Theo lãnh đạo các bộ thì dư địa tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay còn lớn, điều quan trọng lúc này là tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ODA. Bởi có bảo đảm được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thì mới bảo đảm được thu ngân sách và không làm tăng nợ công.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mặc dù nền kinh tế đang gặp phải một số thách thức, nhưng Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức mình để bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã đề ra trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, nhất là các Bộ trưởng mới phải có ngay các chương trình hành động, để thúc đẩy những lĩnh vực do bộ, ngành mình đảm nhiệm. Trước hết, phải đẩy mạnh giải ngân đồng bộ mọi nguồn vốn cho các dự án xây dựng cơ bản, nhất là các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và ODA.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ phải tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm không để lạm phát tăng cao, cũng như bảo đảm thu ngân sách đạt chỉ tiêu. Bên cạnh đó, phải bảo đảm không tăng trần nợ công và bội chi ngân sách như mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Ngay tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng để rà soát và kịp thời báo cáo Thủ tướng quyết định những biện pháp tháo gỡ các vướng mắc đang cản trở việc giải ngân các nguồn vốn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới yêu cầu số 1 lúc này là không để có tiền mà không giải ngân được mà phải đưa nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách còn dư, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cũng sẽ thực hiện mọi biện pháp huy động nguồn lực kể cả huy động ngoại tệ trong dân để có thêm nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại các doanh nghiệp nhà nước hoạt động ở những lĩnh vực thiết yếu và kết cấu hạ tầng quan trọng để tăng nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm nay.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vừa phải bảo đảm số lượng và chất lượng tăng trưởng GDP nhưng cũng phải bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân, nhất là người dân ở những vùng thiên tai, lũ lụt, hạn hán và người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung.

Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện tốt công tác thông tin để người dân và cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng vào những giải pháp mạnh mẽ mà Chính phủ đang và sẽ thực hiện nhằm bảo đảm đất nước sẽ hoàn thành được những mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm nay./.