Nhà ở cho công nhân ở tỉnh Bình Dương: Thực trạng và giải pháp
TCCSĐT - Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Bình Dương thành lập nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư, phát triển kinh tế. Hiện nay, một số khu công nghiệp đã hoàn thiện, bước đầu giải quyết việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tỉnh gặp không ít khó khăn, nổi bật là vấn đề nhà ở cho công nhân.
Từ khi tái thành lập (01-01-1997), Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu trong việc phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, nổi bật như Sóng Thần I, Sóng Thần II, VSIP I, VSIP II, Việt Hương, Mỹ Phước… Việc phát triển các khu công nghiệp giúp Bình Dương nhiều năm liền là điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đó, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nhưng đồng thời, cũng gia tăng dân số cơ học, từ 512.000 người (năm 2010), lên 1.300.000 người (năm 2013) và hơn 1.800.000 người (năm 2015), trong đó, gần 950.000 người là dân nhập cư(1). Những người này chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam của tỉnh như thị xã Dĩ An, Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một, phần lớn là công nhân ở các khu công nghiệp, có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng và không có xu hướng gắn bó với địa phương. Vì vậy, giải quyết nhà ở cho lao động nhập cư nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó và đóng góp cho địa phương là vấn đề nan giải đối với tỉnh Bình Dương trong thời gian dài.
Từ tình hình trên và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX (2010 - 2015) về xây dựng nhà ở cho công nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra Chương trình số 27-CT/TU, ngày 20-9-2011, về Phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015 nhằm “đáp ứng nhu cầu bức xúc về nhà ở của đa số tầng lớp nhân dân lao động tại các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(2) với mục tiêu đến năm 2015, xây dựng “khoảng 1.250.000m² sàn đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 125.000 công nhân lao động tại các khu công nghiệp”(3) nhưng “phải bảo đảm chất lượng sử dụng lâu dài”, “trên cơ sở tiết kiệm, sử dụng vật liệu trong nước, diện tích căn hộ vừa phải, không lớn hơn 70m², trung bình từ 30m² đến 50m² để các đối tượng được phục vụ có thể tiếp cận”(4). Về đối tượng thực hiện, Tỉnh ủy chủ trương “khuyến khích các thành phần kinh tế, các hộ dân tham gia đầu tư xây dựng nhà cho thuê”(5).
Trong quá trình cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành một số văn bản, như Kế hoạch số 1866/KH-UBND, ngày 05-7-2012, về Kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 - 2015; Chỉ thị số 01/2014/CT-UBND, ngày 3-1-2014, về Việc thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 4290/QĐ-UBND, ngày 24-12-2014, về Việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030… Đặc biệt, nhằm tạo sự đột phá, ngày 06-9-2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng nhà ở an sinh xã hội Becamex giai đoạn 1: 2011 - 2015, giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex - Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Công ty Becamex IDC) làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động. Việc Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy bằng những kế hoạch, đề án cho thấy sự thống nhất quan điểm, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đề ra, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Gần 4 năm triển khai, đến tháng 6-2015, tỉnh thực hiện được 82 dự án nhà ở xã hội, với gần 3.700.000m² diện tích sàn nhà ở, đáp ứng cho hơn 600.000 người. Trong đó, có hơn 3.000.000m² sàn nhà trọ (tương đương 182.289 căn), do các cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng, đáp ứng cho 543.777 công nhân và người thu nhập thấp thuê(6). Nhìn chung, loại nhà này đã phát huy tác dụng và giải quyết phần lớn nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, người lao động. Ngoài ra, có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, với tổng diện tích sàn là 269.982m², đáp ứng cho khoảng 46.974 người(7). Nổi bật, 22 dự án thuộc Đề án Nhà ở an sinh xã hội Becamex do Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư đã hoàn thành với tổng diện tích sàn nhà ở là 420.205m², đáp ứng nhu cầu cho 36.860 người(8). Những căn nhà này được xây dựng xung quanh các khu công nghiệp như Hòa Lợi (thành phố Thủ Dầu Một) - 2.435 căn, Việt - Sing (thị xã Thuận An) - 752 căn, Mỹ Phước (thị xã Bến Cát) - 1.388 căn, Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) - 320 căn. Những căn nhà do Công ty Becamex IDC xây dựng diện tích 30m2 (sàn 20m2, gác 10m2) có giá từ 100 - 150 triệu đồng, người lao động chỉ phải trả trước 20%, số tiền còn lại trả góp 1 - 2 triệu đồng/tháng (bằng với tiền thuê trọ mỗi tháng), sau 5 - 7 năm sẽ chính thức được sở hữu. Đây là cách làm hay, thể hiện sự cố gắng lớn của tỉnh, được nhiều bộ, ngành Trung ương ghi nhận và biểu dương.
Đạt được kết quả trên, trong quá trình thực hiện, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi. Trước hết, Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở phù hợp với điều kiện của tỉnh, tiêu biểu như Nghị quyết số 18/NQ-CP, ngày 20-4-2009, Về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, ngày 23-6-2010, “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở”, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP, ngày 20-11-2013, Về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngoài ra, những chỉ đạo của Chính phủ được các bộ, ngành hướng dẫn rõ ràng, chính xác thông qua hệ thống các văn bản định hướng mang tính cụ thể hóa. Nhìn chung, những chính sách về nhà ở xã hội của Nhà nước đã tạo được khung pháp lý và các điều kiện ưu đãi để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, về mặt địa lý, Bình Dương giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh là siêu đô thị và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên được hưởng nhiều thuận lợi về giao thông, nguồn cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc... để xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, thị trường bất động sản ở tỉnh từng bước phục hồi, do đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có điều kiện thuận lợi để phát triển.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, trong quá trình triển khai thực hiện nhà ở xã hội, Bình Dương gặp không ít khó khăn. Về mặt khách quan, tình hình suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, từ đó, việc triển khai các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, bị chậm tiến độ. Mặt khác, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với việc xây dựng nhà ở xã hội chưa thật sự thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia do lợi nhuận thấp (tối đa 10%), thời gian đầu tư kéo dài và thu hồi vốn chậm. Một nguyên nhân nữa, phần lớn công nhân chỉ có nhu cầu thuê nhà, chưa có khả năng mua nhà để ở. Về mặt chủ quan, khi xây dựng Chương trình, Tỉnh ủy chưa lường hết những khó khăn, phức tạp như tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, điều kiện đất đai, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… nên đã đề ra một số mục tiêu và chỉ tiêu khá cao, khó có thể hoàn thành trong thực tế. Ngoài ra, quá trình quản lý các dự án xây dựng nhà ở xã hội của tỉnh còn nhiều bất cập, một số dự án đã đăng ký nhưng chưa triển khai hoặc triển khai không đúng số lượng và tiến độ như Chương trình đề ra. Tình hình này có nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân doanh nghiệp chưa vay được vốn ưu đãi để triển khai dự án (hiện nay chưa có doanh nghiệp nào trong tỉnh tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ). Hơn nữa, một số chủ đầu tư khi thực hiện dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới chưa giành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội hoặc có giành quỹ đất nhưng thiếu vốn để triển khai, một số dự án bố trí xa nơi sinh sống của công nhân...
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, để thực hiện tốt hơn chương trình nhà ở xã hội cho công nhân, tỉnh Bình Dương cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện chương trình nhà ở xã hội với những chính sách đột phá, mang tính hỗ trợ thiết thực hơn. Đối với những nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tỉnh nên miễn, giảm thuế doanh nghiệp; giao đất không thu tiền sử dụng đất; tinh giản thủ tục hành chính theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho chủ đầu tư vay ưu đãi; tài trợ kinh phí để chủ nhà trọ cải thiện phòng trọ mà không cần tăng giá thuê… Mặt khác, quan tâm đến đối tượng thụ hưởng là người lao động. Bên cạnh việc hỗ trợ, tỉnh nên tập trung tuyên truyền, vận động công nhân tiết kiệm để đầu tư nhà ở, ổn định cuộc sống. Do thu nhập bình quân của công nhân ở các khu công nghiệp tương đối thấp (từ 3-4 triệu đồng/người/tháng), như vậy, để có thể mua được nhà ở xã hội thì bản thân người công nhân phải hết sức tiết kiệm, không tiêu xài phung phí. Tục ngữ có câu “tích tiểu thành đa” hay “kiến tha lâu đầy tổ”, trong cuộc sống không thiếu trường hợp có thể thoát khỏi tình cảnh nghèo đói nhờ biết chăm chỉ, siêng năng làm việc và chịu khó tiết kiệm từ những khoản tiền rất nhỏ ban đầu.
Hai là, xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích Công ty Becamex IDC tiếp tục thực hiện Chương trình với những cải tiến hơn trước. Theo dự báo, nhu cầu nhà ở xã hội ở Bình Dương còn rất lớn do số người nhập cư, sẽ tăng lên; số đối tượng là cán bộ, công chức trẻ, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp chưa đủ khả năng mua đất, cất nhà còn nhiều. Mặt khác, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng trong thực tế, chương trình nhà ở xã hội của tỉnh chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu đối tượng. Vì vậy, trước hết, tỉnh cần huy động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở xã hội với số lượng, chất lượng tốt hơn. Trong đó, cần xác định vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư, doanh nghiệp, nhất là vai trò của các doanh nghiệp nhà nước đối với vấn đề giải quyết nhà ở cho người lao động. Mặt khác, theo quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh, càng có nhiều nơi tạo ra hàng, thì hàng hóa đó tất yếu phải giảm giá và các chủ đầu tư phải làm cho hàng của mình ngày càng phù hợp hơn so với nhu cầu của người sử dụng.
Ba là, ưu tiên giành quỹ “đất sạch” cho xây dựng nhà ở xã hội ở những vị trí thuận lợi, phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp và đô thị. Khi thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã phải giành khoảng 200ha “đất sạch”, hạ tầng được xây dựng cơ bản trong các khu quy hoạch đô thị, công nghiệp để làm nhà ở xã hội. Vì vậy, nếu được địa phương tạo điều kiện giải phóng mặt bằng và bàn giao quỹ “đất sạch” đúng tiến độ... bảo đảm sẽ có rất nhiều nhà đầu tư tham gia tích cực vào lĩnh vực này. Ngoài ra, tỉnh cần đảm nhiệm phần đầu tư về mặt xã hội như khu thể thao, y tế, mẫu giáo, các cơ sở dạy văn hóa, dạy nghề… nhằm nâng cao trình độ nghề nghiệp, sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người lao động, bảo đảm việc làm ổn định, lâu dài. Hơn nữa, các khu nhà ở xã hội cần được bố trí hài hòa trong các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện hữu để người lao động được hưởng những tiện ích về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của toàn khu. Trên thực tế, các dự án nhà ở xã hội gần trung tâm mặc dù giá cao hơn nhưng vẫn được nhiều khách hàng chọn mua, còn những dự án ở ngoại thành, hạ tầng, giao thông không thuận lợi thì cho dù có bán giá thấp cũng ít người mua. Do đó, tỉnh cần ưu tiên làm nhà ở xã hội khi xây dựng tại những khu đất sau khi di dời các công sở.
Bốn là, đối với các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cần dành mọi tiện ích cho khách hàng và tính toán thật khoa học về mặt kỹ thuật. Nhà đầu tư là lực lượng không thể thiếu trong việc đưa chương trình nhà ở xã hội vào thực tế cuộc sống. Theo quy luật cạnh tranh, các nhà đầu tư cần tính toán sao cho sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của phân khúc thị trường. Vì vậy, để một dự án nhà ở xã hội thành công, trước hết phải đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như gần nơi làm việc, chợ (để thuận tiện mua sắm), nhà trẻ/trường học, công viên/khu vui chơi giải trí và bệnh viện; có các tiện nghi tối thiểu như chỗ giữ xe, điện/nước dự phòng, phương tiện phòng cháy chữa cháy, thang máy; phải tương đối nhất quán về đối tượng sử dụng để hạn chế tối đa những mâu thuẫn có thể xảy ra do khác biệt về trình độ văn hóa, mức sống, lối sống... Ngoài ra, về thiết kế kiến trúc, nhà đầu tư phải thật sự tiết kiệm, nghiên cứu, tính toán kỹ từng công năng, tận dụng từng cm2 xây dựng, áp dụng những cải tiến kỹ thuật nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và hạ giá thành sản phẩm.
Trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh Bình Dương thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, theo đó, một lượng lớn công nhân đã nhập cư vào tỉnh. Gần 4 năm qua, tỉnh thực hiện thành công chương trình nhà ở xã hội cho công nhân. Đây là một đột phá, có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, không những giải quyết nhu cầu về nhà ở mà còn bảo đảm nguồn nhân lực, góp phần thực hiện tốt chính sách phúc lợi và an sinh xã hội của Nhà nước./.
---------------------------------------------
(1): Hội đồng lý luận Trung ương - Tỉnh ủy Bình Dương: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Công nghiệp hóa, đô thị hóa qua thực tiễn ở tỉnh Bình Dương, 3-2015, tr. 92-94.
(2), (3), (4), (5): Tỉnh ủy Bình Dương: Chương trình Phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015, số 27-CT/TU, ngày 20-9-2011, tr. 3, 5, 3-4, 4.
(6), (7), (8): Tỉnh ủy Bình Dương: Báo cáo Tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015, số 369-BC/TU, ngày 17-8-2015, tr. 2.
Nhà nước hỗ trợ 125.000 đồng cho thí sinh thi THPT quốc gia  (01/06/2016)
Thúc đẩy hợp tác về giáo dục giữa Việt Nam và Vương quốc Anh  (01/06/2016)
Chiến lược nhân tài - Một đòi hỏi cấp bách của hiện đại hóa và phát triển bền vững ở nước ta hiện nay  (01/06/2016)
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thăm nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào  (01/06/2016)
Phân công Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ  (31/05/2016)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay