Thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây Dương

Minh Tâm
23:41, ngày 25-05-2016

TCCSĐT - Trong bối cảnh Oa-sinh-tơn tập trung nỗ lực cho chiến lược “xoay trục” sang châu Á, chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma vào cuối tháng 4-2016 vừa qua là tín hiệu cho thấy, Mỹ không thờ ơ trước cuộc khủng hoảng bên kia bờ Đại Tây Dương.

Thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây Dương có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nó không chỉ củng cố mối quan hệ liên minh vốn đã bị lỏng lẻo trong một thời gian dài mà còn bảo đảm để các nước này luôn nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ.

Mỹ “không lãng quên” châu Âu

Châu Âu và Mỹ có mối quan hệ đặc biệt cả về lịch sử cũng như chính trị, kinh tế, an ninh. Trong lịch sử, Mỹ đã từng là thuộc địa của Anh vào thế kỷ XVII - XVIII. Tiếp đó, sự phát triển kinh tế ở Mỹ vào cuối thế kỷ XIX chủ yếu dựa trên nguồn lực tài chính từ các nước châu Âu. Sang thế kỷ XX, nguồn tài chính từ Mỹ lại “ngược dòng” trở lại kiến thiết châu Âu thông qua kế hoạch Mác-san, góp phần quan trọng khôi phục nền kinh tế các nước châu Âu bị tàn phá trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Quá trình nhất thể hóa châu Âu sau này cũng được sự hậu thuẫn rất lớn từ Mỹ và điều đó đã tạo ra sức mạnh vật chất và trở thành nhân tố có ý nghĩa quan trọng đối với sự ra đời của Liên minh châu Âu (EU).

Châu Âu là một trong những trung tâm của thế giới bởi trình độ phát triển cao và vai trò ảnh hưởng to lớn trên trường quốc tế. Mặt khác, xét về mặt địa chiến lược, châu Âu án ngữ vị trí trọng yếu trên thế giới. Nằm cạnh dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương, châu Âu có lợi thế trong việc sử dụng và kiểm soát các tuyến giao thông huyết mạch trên Đại Tây Dương, nối sang Bắc và Nam Mỹ. Nước Mỹ nằm ở Tây bán cầu, do vậy, với tham vọng bá chủ thế giới, Mỹ muốn giữ vai trò chủ đạo ở lục địa châu Âu. Cho đến nay, Mỹ vẫn coi châu Âu là bàn đạp địa - chiến lược chủ yếu của mình ở lục địa Âu - Á nhằm kiềm chế Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Năm 1989, Mỹ đưa ra “chủ nghĩa Đại Tây Dương mới”, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo đối với liên minh Đại Tây Dương.

Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã điều chỉnh một cách căn bản chiến lược của mình đối với châu Âu để phù hợp với các mục tiêu và nội dung trong chiến lược toàn cầu của mình. Chính phủ Mỹ coi châu Âu là trung tâm lợi ích, là “hạt nhân an ninh” của Mỹ và châu Âu là bạn hàng quan trọng nhất. Tháng 3-1995, Mỹ và EU đã ký kết “Đề cương vượt Đại Tây Dương mới”, xác định phương hướng của quan hệ Mỹ - EU là chuyển từ mô hình hợp tác an ninh phòng thủ sang hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, an ninh và kinh tế. Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ rất lâu nhưng Mỹ vẫn duy trì một lực lượng quân sự khá lớn làm nòng cốt cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thực hiện nhiệm vụ là lá chắn chống lại sự tấn công từ bên ngoài, đồng thời còn là để kiềm chế các nước châu Âu trong quỹ đạo của Mỹ.

Khi Tổng thống B. Ô-ba-ma lên nắm quyền, chính quyền của ông đã không ngừng đẩy mạnh chiến lược xoay trục sang châu Á, khiến mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương không được quan tâm thúc đẩy đúng mức. Những khó khăn về kinh tế của mỗi bên cũng như sự nghi kỵ từ vụ bê bối do thám của Mỹ ở châu Âu đã phần nào phủ bóng đen lên quan hệ hai bên. Ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở châu Âu bị giảm sút nghiêm trọng, quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Âu trọng yếu cũng bị rạn nứt. Oa-sinh-tơn tỏ ý không hài lòng về việc nhiều nước châu Âu cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự để đối phó với áp lực ngân sách trong nước, đẩy gánh nặng chi phí trong NATO về phía Mỹ. Châu Âu đôi khi còn bị lu mờ trước những ưu tiên khác trong chính sách đối ngoại của chính quyền Ô-ba-ma, như thỏa thuận hạt nhân I-ran hay thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc... Thập niên qua, Nhà Trắng dường như ít can dự vào những công việc của châu Âu với hy vọng rằng, các đồng minh tại đây bớt phụ thuộc hơn vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ, đồng thời có thể tự ứng phó được với các thách thức nảy sinh.

Khi “lục địa già” phải đương đầu và gần như bế tắc trước sự cực đoan của chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, khủng hoảng người di cư, sự hoài nghi về sự tồn tại của EU... Oa-sinh-tơn mới nhìn nhận lại những “lỗ hổng” trong chính sách đối ngoại của mình và có sự điều chỉnh phù hợp. Tổng thống B. Ô-ba-ma tận dụng thời gian cầm quyền còn lại để thúc đẩy chính sách tăng cường an ninh, đẩy mạnh hợp tác kinh tế và củng cố lại mối quan hệ liên minh này, đặt quan hệ xuyên Đại Tây Dương trên một nền tảng vững chắc hơn. Chuyến thăm của Tổng thống B. Ô-ba-ma đến các nước thuộc trung tâm châu Âu (Anh, Đức) vào cuối tháng 4 - 2016 vừa qua đã minh chứng điều này.

Sứ mệnh khó khăn

Hợp tác xuyên Đại Tây Dương có vai trò quan trọng đối với hàng loạt các vấn đề quốc tế. Nhân chuyến thăm EU của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma, lãnh đạo các nước Anh, Pháp, I-ta-li-a, Đức, Mỹ đã tham gia cuộc họp không chính thức về các vấn đề cấp bách toàn cầu tại thành phố Ha-nô-vơ (Đức). Tại đây, các nhà lãnh đạo đã nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nhằm giải quyết những thách thức lớn về chính trị và an ninh (vấn đề di cư bất hợp pháp, hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu), đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại chính trị tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) nhằm đạt được một giải pháp chính trị cho vấn về Xy-ri; hỗ trợ Chính phủ đoàn kết dân tộc hiện nay của Li-bi do Thủ tướng An-Xa-rai đứng đầu...

Thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) cũng được đánh giá là một trong những trọng tâm trong chuyến thăm Đức, Anh vừa qua của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma. Bản thân Bruých-xen cũng muốn hoàn tất ký kết TTIP trước khi ông B. Ô-ba-ma mãn nhiệm. Đây là hiệp định được trông đợi sẽ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với một thị trường khổng lồ có 850 triệu người tiêu dùng, chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ toàn cầu; 30% kim ngạch thương mại toàn cầu; 20% tổng đầu tư trực tiếp toàn cầu (1)… Hiệp định sẽ giúp hạ thấp rào cản về thuế quan và thương mại, có lợi cho tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm mới. Nếu hiệp định TTIP được ký kết, quan hệ đồng minh Mỹ - châu Âu sẽ càng thêm khăng khít.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các nhà lãnh đạo hai bên bờ Đại Tây Dương đều thừa nhận rằng, đạt được một thỏa thuận trước khi Tổng thống B. Ô-ba-ma hết nhiệm kỳ vào tháng 01-2017 là việc khó khăn. TTIP đang vấp phải “rào cản” tương đối lớn. Nhiều người dân châu Âu và Mỹ lo ngại thỏa thuận này có thể khiến họ mất việc làm, ảnh hưởng đến mức sống hiện nay. Đức, quốc gia đầu tàu châu Âu lo ngại TTIP có thể làm tổn hại môi trường cũng như nới rộng hố sâu ngăn cách giàu - nghèo. Theo Quỹ Bertelsmann Stiftung (Đức), chỉ có 17% người Đức tin rằng, TTIP là một tín hiệu tốt (2). Tại Han-ô-vơ (Đức), hàng ngàn người biểu tình đã “nói không” với TTIP và bày tỏ sự phản đối với thỏa thuận thương mại đang được Mỹ và EU đặt nhiều kỳ vọng. Tương tự, tại Mỹ, số người ủng hộ thỏa thuận là 18%, giảm đáng kể so với 53% trong năm 2014 (3). Gần một nửa số người được hỏi ở Mỹ nói rằng, họ không có thông tin đầy đủ về các thỏa thuận để góp ý kiến.

Bộ trưởng Kinh tế Đức S. Ga-bri-en cảnh báo, TTIP sẽ thất bại nếu Mỹ không chấp nhận nhượng bộ, nhất là về vấn đề cho các công ty châu Âu tiếp cận các hợp đồng mua sắm công của Mỹ. Những người phản đối TTIP ở châu Âu cũng không tán thành điều khoản giải quyết tranh chấp cho các nhà đầu tư, một điều khoản cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào EU đưa các vụ tranh chấp ra Ban trọng tài đặc biệt và Tòa án địa phương. Sau đó, để dung hòa, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một bản kế hoạch sửa đổi, bao gồm việc thành lập tòa án quốc tế giải quyết các vụ tranh chấp đầu tư và một cơ quan kháng cáo, nhưng Mỹ lại không đồng ý với những đề xuất này. Do vậy, việc đạt được một thỏa hiệp cho vấn đề đầu tư là rất khó khăn. Ngoài ra, còn các vấn đề còn đang gây tranh cãi lớn, như tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, lệnh cấm đối với thực phẩm biến đổi gen,... mà Mỹ muốn EU nới lỏng. Những yêu cầu về việc bảo vệ môi trường cũng bị lờ đi, các cam kết toàn cầu nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính được nêu ra tại Hội nghị Pa-ri năm 2015 cũng không được đề cập trong các cuộc đàm phán.

Đáng chú ý, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống B. Ô-ba-ma đến châu Âu, lại xuất hiện những thông tin rò rỉ liên quan tới một phần các cuộc đàm phán về TTIP (hay còn gọi là vụ bê bối TTIP - Leaks). Như vậy, khả năng đàm phán TTIP giữa EU và Mỹ đang có nguy cơ phải dừng lại do phản ứng dữ dội từ phía Pháp. Dù cho Đức, Anh hay I-ta-li-a muốn thúc đẩy nhanh các vòng đàm phán để sớm ký kết TTIP, tuy nhiên cần lưu ý rằng, không một nước thành viên EU nào có thẩm quyền quyết định vấn đề này bởi thẩm quyền đàm phán với Mỹ về TTIP thuộc về Ủy ban châu Âu. Chính vì thế, Ủy ban châu Âu sẽ phải dung hòa được tiếng nói của tất cả các nước thành viên trước khi đưa ra được một chiến lược đàm phán thống nhất với Mỹ

Đối với các nhà lãnh đạo Mỹ và EU, việc tập hợp sự ủng hộ của người dân cho các cuộc đàm phán về TTIP đã là quá khó khăn. Hiện giờ, họ lại còn phải đối mặt với nguy cơ Bre-xít - ám chỉ khả năng Anh sẽ rời khỏi EU. Là một trong các nền kinh tế lớn nhất EU, Anh đóng một vai trò quan trọng trong TTIP. Mặc dù Anh tuyên bố nếu Anh rời khỏi EU thì các cuộc đàm phán về TTIP vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng theo giới phân tích, việc Anh rời khỏi EU sẽ có tác động thảm khốc đến triển vọng của TTIP. Mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quyết định rời khỏi EU của Anh. Nhất là khi Mỹ cần đến vai trò của Anh trong EU nhằm cân bằng và gây ảnh hưởng lên chính sách của “lục địa già” (tức là chính sách của Đức và Pháp).

Hướng đi nào cho Mỹ?

Để củng cố và duy trì bền chặt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, trong tương lai, người Mỹ phải “học cách quan hệ” với nhiều quốc gia châu Âu khác nhau. Nguyên nhân là do những hậu quả chính trị của sự đình đồn kinh tế thời gian qua đã khiến sự chênh lệch về phát triển giữa miền Nam và miền Bắc cũng như giữa miền Tây và miền Trung của khu vực này ngày càng lớn. Suy thoái kinh tế kéo dài dẫn đến hệ quả các quốc gia châu Âu luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích của toàn khối. Khu vực đồng tiền chung ơ-rô hiện đã tạm tránh được thảm họa kinh tế nhờ chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và do giá cả hàng hóa thấp, song gánh nặng nợ nần quá lớn cộng với tỷ lệ thất nghiệp cao, khiến khoảng cách Bắc - Nam vẫn tiếp tục doãng rộng. Kinh tế khó khăn và dễ bị tổn thương, chính trị phải gánh thêm gánh nặng người nhập cư khiến chủ nghĩa hoài nghi châu Âu có thể tồn tại dưới nhiều hình thức. Cuộc trưng cầu dân ý của Anh sắp tới (ngày 23-6), dù cho kết quả thế nào đi nữa, cũng sẽ là cái cớ để các quốc gia thể hiện sự bất mãn đối với dự án “Ngôi nhà chung châu Âu”. Vì vậy, Mỹ nhìn nhận châu Âu như một tập thể các quốc gia có những lợi ích khác nhau để điều chỉnh cho phù hợp. Mỹ cũng cần thận trọng chú ý tới những căng thẳng chính trị và kinh tế trong quan hệ giữa Pháp và Đức, hai trụ cột của châu Âu sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào năm 2017, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang phát triển mạnh mẽ tại châu lục này.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu được cho là một trong những nguyên nhân khiến các quốc gia EU cắt giảm chi tiêu quốc phòng, song trong nội bộ khối này có những sự khác biệt ngày càng lớn xung quanh mục tiêu phòng thủ. Mỹ và Anh muốn mở rộng NATO để đối phó với những thách thức của thời đại mới (chẳng hạn chống khủng bố ở Trung Đông hoặc bảo đảm an ninh mạng). Pháp và Đức sẽ thận trọng hơn trong việc xử lý mâu thuẫn với Nga, nhưng họ cũng không thể né tránh trách nhiệm chống khủng bố ở nước ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ đang bị kéo vào các cuộc xung đột liên miên, chưa có lối thoát. Các quốc gia Ban-tích và Ba Lan quan tâm tới mối đe dọa từ Nga và sẽ tìm cách hướng liên minh này tập trung vào việc triển khai quân thường trực sang Đông Âu. Rõ ràng, NATO rất cần định hướng lại và Mỹ vẫn là quốc gia dẫn dắt chủ đạo cả về đường hướng và đầu tư kinh phí để củng cố lại liên minh này. Chuyến thăm của Tổng thống B. Ô-ba-ma đến Đức và Anh cuối tháng 4-2016 vừa qua, cùng với Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra tại Vác-xa-va (Ba Lan) vào tháng 7 tới, Tổng thống B. Ô-ba-ma muốn để lại di sản trong chính sách đối ngoại của mình, ông sẽ rời nhiệm sở trong tư thế là một người ủng hộ mạnh mẽ châu Âu, chứ không thể để lại một mối quan hệ “rạn nứt” xuyên Đại Tây Dương.

Rõ ràng, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Mỹ và châu Âu vẫn là những đối tác gần gũi nhau bởi sự gắn kết trong nhiều lĩnh vực. Việc Mỹ gần đây quay trở lại chú trọng tới châu Âu, củng cố lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương là một sự điều chỉnh chính sách đối ngoại quan trọng. Tương lai, Mỹ có thể sẽ cân bằng chính sách hơn giữa một châu Á mới nổi đầy năng động với một châu Âu truyền thống nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia và củng cố vị thế quốc tế của mình./.

-----------------------------

(1) The proposed transatlantic trade and investment partnership (TTIP): ISDS provisions reconciliation, and future trade implications, http://law.emory.edu, ngày 03-12-2014.

(2) Skepticism of TTIP Growing in the US, Germany, http://www.bfna.org, ngày 21-4-2016.

(3) The TTIP and TPP trade deals: enough of the secrecy, http://www.theguardian.com, ngày 04-5-2016.