Hòa bình cho Syria

Tuấn Phương (tổng hợp)
22:31, ngày 23-03-2016

TCCSĐT - Một tuần sau khi các cuộc hòa đàm hòa bình cho Syria do Liên hợp quốc bảo trợ bắt đầu diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), khoảng cách giữa các bên dường như chưa thể thu hẹp. Song, người dân Syria cũng như cộng đồng quốc tế vẫn đặt hy vọng về những nỗ lực mới nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đang bước sang năm thứ 6 ở quốc gia Trung Đông này.

 

Đàm phán hòa bình cho Syria. Ảnh: eurasiadiary.com


Năm năm nội chiến

Syria là cuộc khủng hoảng người tị nạn và nhân đạo lớn nhất mọi thời đại là lời khẳng định của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn F. Grandi khi nhìn lại 5 năm cuộc nội chiến tại quốc gia này. Năm năm qua, cuộc xung đột tại Syria đã cướp đi sinh mạng của gần 300.000 người, khiến 7,6 triệu người mất nhà cửa và khoảng 4 triệu người khác phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn. Không chỉ có vậy, theo Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein, hiện có hơn 450.000 người Syria đang bị mắc kẹt trong các thành phố và ngôi làng - nơi nổ ra chiến sự và hàng chục nghìn người dân nước này đang đối mặt với nguy cơ bị chết đói.

Trước cảnh người dân Syria bị rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có, không thể tiếp cận với cơ hội cứu trợ của cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ nhân đạo hơn nữa để giảm nhẹ những đau thương mà người dân Syria đang phải hứng chịu. Muốn cứu quốc gia này khỏi cuộc xung đột đẫm máu, để những người dân tị nạn có nơi để sinh tồn, các chính phủ của các nước đã nhiều lần nỗ lực nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ, hòa giải giữa các bên khi đưa ra các quyết định liên quan đến vấn đề Syria, trong đó, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về người tị nạn và các luật cơ bản về quyền con người.

Tuy nhiên, câu chuyện Syria không thể kết thúc một sớm một chiều do chính sự không nhượng bộ giữa các bên liên quan trong nội bộ đất nước này, giữa các phe đối lập với Chính phủ Syria, giữa sự đe dọa “khát máu” của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoành hành, hay từ những yếu tố bên ngoài là những quốc gia tiếp nhận người dân tị nạn Syria chưa thể ngã ngũ về phương thức tiếp quản, thực thi kịp thời công tác cứu trợ nhân đạo do những cản trở về vấn đề an ninh quốc gia và khu vực.

Ngay cả khi các chính phủ của các nước đã đưa ra cam kết chi 5,9 tỷ USD cho viện trợ phát triển và nhân đạo trong năm 2016, đồng thời chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng này trước khi số người thương vong tiếp tục tăng lên thì tương lai của Syria vẫn còn “mịt mờ” chừng nào các bên liên quan chưa thể cùng ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt mọi mâu thuẫn vì một đất nước Syria thống nhất.

Cuộc đàm phán hòa bình lần này diễn ra đúng thời điểm tròn 5 năm xảy ra cuộc xung đột ở Syria được kỳ vọng sẽ là “cứu cánh” để giúp người dân Syria thoát khỏi cảnh chiến tranh, chết chóc, vô gia cư và đói nghèo.

Chất xúc tác cho đàm phán hòa bình

Ngay khi các bên xung đột tại Syria đang tiến hành đàm phán tại Geneve một ngày, Tổng thống Nga V. Putin đã đưa ra quyết định bất ngờ đối với phương Tây cũng như Mỹ khi ra lệnh lực lượng quân đội Nga đang chiến đấu tại Syria rút về nước.

Với một tuyên bố mà ngay cả các chỉ huy quân sự cấp cao của Nga không được biết trước, ông V. Putin đã ra lệnh cho phần lớn lực lượng khoảng 3.000-6.000 binh sĩ bắt đầu rút khỏi Syria từ ngày 15-3, một động thái làm dấy lên hy vọng về sự tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra. Và điều then chốt là, dù tiến trình đàm phán hòa bình có thể kéo dài, nhưng Nga đã xác lập được vị trí có ảnh hưởng rất lớn trên bàn đàm phán, do đó, có thể bảo vệ được các lợi ích quốc gia ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung trong thỏa thuận hòa bình cuối cùng này.

Giải thích lý do quyết định rút quân khỏi chiến trường Syria, Tổng thống V. Putin cho rằng, quân đội Nga “đã hoàn thành các mục tiêu đề ra”. Còn Ngoại trưởng Nga S. Lavrov nhấn mạnh, Tổng thống V. Putin quyết định rút các lực lượng chính của nước này ra khỏi Syria không phải “để ai đó hài lòng”, mà là nhằm đạt được tiến bộ trong việc giải quyết hòa bình cho vấn đề Syria. Quyết định trên bắt nguồn từ lợi ích của người dân Syria, của khu vực Trung Đông, từ mục tiêu huy động tối đa sự hỗ trợ quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.

Khi chính thức triển khai chiến dịch quân sự ở Syria từ cuối tháng 9-2015, Moscow từng nhiều lần khẳng định, Nga quyết tâm tiêu diệt IS và các tổ chức cực đoan khác tại Syria. Hiện tại, nhìn toàn cục, có thể thấy, Nga đã thực hiện được hai mục tiêu chủ yếu tại Syria, đó là: ngăn chặn nguy cơ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ trước các đợt tấn công của IS và phe nổi dậy; giành lợi thế về phía Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình về Syria. Do vậy, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga M. Zakharova, vị thế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ không suy yếu sau khi quân đội Nga rút khỏi nước này. Quân đội Nga tại Syria hành động hoàn toàn vì lợi ích của Nga và cuộc chiến chống khủng bố.

Thực tế đã minh chứng điều đó. Trước khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, chính quyền của ông al-Assad liên tục bị các nhóm nổi dậy và IS dồn ép, đánh mất quyền kiểm soát nhiều thành phố và thị trấn. Tuy nhiên, sau khi có sự can thiệp quân sự của Nga, quân đội của ông al-Assad đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế, phá vỡ thế kiềm tỏa của phe đối lập, giành lại nhiều vùng lãnh thổ ở miền Tây Syria. Chiến dịch quân sự của Nga cũng đã buộc các lực lượng đối lập tại Syria chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 27-02 và dành cho Nga một vị trí trong bàn đàm phán; đồng thời bảo đảm rằng, Mỹ không thể bỏ qua lợi ích của Nga. Washington cũng phải từ bỏ quan điểm cho rằng, đàm phán hòa bình không thể diễn ra nếu ông Bashar al-Assad không từ chức.

Theo nhận định của các nhà phân tích, động thái rút quân của Moscow sẽ là chất xúc tác cho các cuộc đàm phán chính trị về Syria. Thời điểm Nga bắt đầu rút quân diễn ra ngay sau khi các cuộc đàm phán hòa bình được nối lại, tạo cho ông V. Putin một thời cơ thích hợp để tuyên bố rằng, sự can thiệp của Nga hầu như đã hoàn tất.

Người phát ngôn của phe đối lập Syria là Salem Al Mislet cũng hoan nghênh quyết định rút quân của Nga, cho rằng động thái này sẽ giúp ích lâu dài cho các cuộc đàm phán. Trước đây, phương Tây luôn viện cớ do Nga hậu thuẫn cho quân chính phủ Syria bằng các đợt không kích, nên việc đàm phán hòa bình bị cản trở. Với quyết định rút quân của Moscow, sẽ không còn lý do để gây trở ngại cho tiến trình đàm phán. Một số nhà phân tích khẳng định rằng, Tổng thống V. Putin đã chiến thắng và đạt được mục tiêu tại Syria.

Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry nhận định, với việc Nga rút quân theo kế hoạch khỏi Syria cùng với việc nối lại các cuộc hòa đàm tại Geneva, thế giới có thể đã có cơ hội tốt nhất để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này. Ngoại trưởng J. Kerry nhấn mạnh “chúng ta đã tới một giai đoạn quan trọng trong tiến trình hòa bình” tại Syria sau khi Nga tuyên bố rút quân khỏi nước này, khẳng định đây là thời khắc cần nắm bắt và không thể bỏ lỡ. Tuy nhiên, điều Tổng thống Mỹ B. Obama quan tâm hiện giờ là liệu sự rút quân của Nga có dẫn đến sự ngừng chiến lâu dài tại Syria và trở thành điểm kết thúc cho cuộc chiến này. Nếu ngoại giao cuối cùng có tác dụng đối với vấn đề Syria thì có thể coi đây là một thành quả lớn, một chiến thắng cho tất cả các bên.

Hy vọng dung hòa quan điểm

Mọi sự chú ý đang dồn về Geneva - nơi các bên đang nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc xung đột ở Syria vừa bước sang năm thứ 6.

Đến tham dự hòa đàm lần này, đại diện phe đối lập HNC đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, coi đây là một phần “cam kết của HNC đối với các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt đổ máu và tìm ra một giải pháp chính trị”. HNC đã trao cho Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura một bản đề xuất về chính phủ chuyển tiếp, trong đó có yêu cầu chính phủ nước này cần nêu rõ chi tiết về lập trường của Damascus đối với tiến trình chuyển giao chính trị. Đồng thời, HNC thể hiện mong muốn kế hoạch chuyển tiếp chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ sẽ nhanh chóng được thực hiện theo đúng kế hoạch. HNC không đặt bất cứ điều kiện tiên quyết nào để tham gia đàm phán, song các bên cần phải cam kết với những thỏa thuận quốc tế về các vấn đề nhân đạo.

Phái đoàn Chính phủ Syria, do ông Bashar al Jaafari dẫn đầu đến tham dự cuộc hòa đàm khi trước đó Chính phủ Syria cũng đã trao một văn bản có tựa đề “Các yếu cố cơ bản cho một giải pháp chính trị” cho ông Staffan de Mistura. Theo đó, chính phủ Syria phản đối các cuộc đàm phán về khả năng liên bang hóa quốc gia Trung Đông này, đồng thời nhấn mạnh sự thống nhất đất nước.

Cuộc hòa đàm lần này dự kiến kéo dài 10 ngày. Và nếu đàm phán lần này thất bại thì sẽ chẳng có giải pháp thay thế nào để giải quyết xung đột tại Syria. Mặc dù các nhà phân tích đánh giá đã có nhiều thay đổi kể từ vòng đàm phán trực tiếp cuối cùng bị đổ vỡ hồi tháng 02 vừa qua, trong đó có việc các bên đang thực thi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, song vấn đề tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad được cho là rào cản lớn khiến cuộc hòa đàm khó đạt đột phá. Damacus tuyên bố sẽ không chấp nhận đối thoại về số phận của Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad, không ai “có quyền” bàn về các cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai của Syria, mà quyền này chỉ dành cho người dân Syria. Trong khi đó, HNC cho rằng, cuộc đàm phán lần này cần tập trung vào việc thành lập một chính phủ quá độ và ông al-Assad phải từ bỏ quyền lực để bắt đầu giai đoạn quá độ này.

Bên cạnh rào cản lớn nhất liên quan tới tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi HNC liên tục yêu cầu ông này phải rút lui trước khi đi đến thỏa thuận thành lập chính phủ chuyển tiếp, cuộc hòa đàm lại đang tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới khi cộng đồng người Kurd ở Syria tuyên bố liên kết thành lập “hệ thống liên bang” tại nhiều tỉnh của Syria. Tuyên bố này ngay lập tức bị chính quyền Damascus và liên minh đối lập bác bỏ. Đây thực sự là một thách thức mới khiến hy vọng xây dựng một chính phủ thống nhất và tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Syria trở nên mong manh, bởi người Kurd hiện kiểm soát hơn 10% lãnh thổ Syria và 3/4 biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thời gian diễn ra hòa đàm, tình hình an ninh của Syria tạm thời lắng xuống. Lệnh ngừng bắn tạm thời ở Syria có hiệu lực từ tháng 02 vừa qua đã ghi nhận được những diễn biến khá tích cực. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ J. Kirby, lệnh ngừng bắn giúp giảm đáng kể tình trạng bạo lực tại Syria (con số dân thường thiệt mạng vì bạo lực mỗi ngày giảm 90% kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, trong khi số binh lính và tay súng thiệt mạng mỗi ngày cũng giảm 80%); cho phép tiến hành hoạt động nhân đạo tại một số khu vực bị bao vây. Và mặc dù lệnh ngừng bắn vẫn xuất hiện một số vi phạm, trong đó cáo buộc một số cuộc tấn công nhằm vào dân thường và phe đối lập, tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức nhân quyền đóng tại Syria, những lần vi phạm chủ yếu là do các nhóm thánh chiến Hồi giáo, vốn không bao gồm trong lệnh ngừng bắn.

Từ đầu năm nay, Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ cũng đã trợ giúp cho hơn 230 nghìn người dân Syria đang sống trong các khu vực bị bao vây. Đây là kết quả đáng ghi nhận vì năm 2015, cứu trợ quốc tế không hề đến được với người dân khốn cùng. Từ nay đến cuối tháng 4, Liên hợp quốc đặt mục tiêu cứu trợ 870 nghìn người sống trong các vùng khó tiếp cận tại Syria. Ước tính có gần 500.000 người Syria đang sống tại những khu vực bị bao vây trong tổng số 4,6 triệu dân ở những vùng khó tiếp cận.

Ngoài ra, nhằm thúc đẩy cuộc đàm phán đạt kết quả, một loạt các động thái đã được các nước tích cực thực hiện. Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry đã tới Paris gặp những người đồng cấp Pháp, Anh, Đức, Italia cùng Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini, để bàn thảo việc thúc đẩy tiến trình hòa đàm. Phát biểu tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Pháp Jean Marc Ayrault thừa nhận, tiến trình hòa đàm hết sức khó khăn, tuy nhiên, các hoạt động cứu trợ nhân đạo sẽ cần tiếp tục được triển khai, cùng với các nỗ lực ngoại giao để tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại. Còn Moscow ủng hộ mọi cơ cấu chính phủ mà nhân dân Syria lựa chọn, bởi, quyền tự quyết thuộc về người dân Syria theo thỏa thuận được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua. Bên cạnh đó, Nga vẫn sẽ duy trì một căn cứ để hỗ trợ những chuyến bay giám sát lệnh ngừng bắn tại Syria.

Những tín hiệu mở ra hy vọng tiến trình đàm phán tại Geneva sẽ thực sự mang lại hòa bình và hồi kết cho cuộc xung đột khi HNC tuyên bố lực lượng này sẵn sàng đối thoại trực tiếp với chính quyền Damascus nếu các cuộc hòa đàm tại Geneva đạt tiến triển. Hai bên có thể đạt được thỏa thuận về cách thức đàm phán mới, phiên đàm phán tiếp theo dự kiến kéo dài trong 2 tuần sẽ được khởi động lại ngay sau đó với mô hình giống như tại “Geneva 2” diễn ra hồi năm 2014, khi đó hai bên cùng ngồi trong một phòng và tiến hành đối thoại với sự trung gian của Đặc phái viên Liên hợp quốc. Vòng đàm phán hiện nay được triển khai theo cách thức Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria tiếp xúc riêng rẽ với các phe phái đối lập tại Syria để tìm kiếm thỏa thuận.

Ngoài ra, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết, Syria sẽ tiến hành bầu cử tổng thống trong vòng 18 tháng tới. Điểm khởi đầu của cuộc bầu cử sẽ là vòng đàm phán hòa bình Syria mới nhất bởi vấn đề đầu tiên được đặt ra trong chương trình nghị sự đàm phán là phải có “một chính phủ mới hoàn toàn” tại Syria sau khi đã sửa đổi hiến pháp mới và tiến hành bầu cử. Như vậy, người dân Syria và dư luận quốc tế vẫn đang mong đợi kết quả khả quan từ Geneva./.