TCCS - Dân gian có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang” xem đó là điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn, buôn bán, sinh sống của người dân. Song đối với Minh Châu - một “xã đảo trong lòng Thủ đô”, điều này lại là trở ngại lớn cho cuộc sống mọi mặt của bà con nơi đây. Bởi Minh Châu “cận giang” bốn phía, cả xã là một hòn đảo cô lập giữa bốn bề sông nước...

Những khó khăn mà Trạm y tế Minh Châu đang phải đối mặt

Với chủ trương mở rộng Thủ đô, xã Minh Châu (huyện Ba Vì) trở thành một phần của Hà Nội, chỉ cách trung tâm chưa đầy 50km, song được xem là một địa bàn “vùng sâu, vùng xa”, bởi xã nằm cách biệt như hòn đảo giữa sông Hồng. Có người còn gọi đây là xã “bốn không”: không đường bộ nối với đất liền, không cầu, không phà và không chợ. Người dân “giao lưu” với các địa phương khác duy nhất qua một bến đò. Đặc biệt, xã bị cô lập trong suốt bốn tháng mùa nước, thường kéo từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch hằng năm. Điều kiện văn hóa, vật chất của người dân đã hết sức khó khăn, muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn khó khăn hơn bởi cái ải “bốn không” đó. Và, cũng cho đến năm 2000, Minh Châu mới có điện. Trong những khó khăn bộn bề mà Minh Châu đang phải đối mặt, thì lĩnh vực y tế có những khó khăn đặc biệt.

Điều kiện giao thông không thuận lợi, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhân lực mỏng

Sau mùa lụt, nước rút, người dân ốm đau, dịch bệnh triền miên, nhiều nhất là các bệnh viêm, nhiễm về da, về mắt và bệnh đường ruột. Bao quanh là sông nước, người dân chỉ có trạm y tế xã là nơi khám, chữa duy nhất. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn yếu kém, đội ngũ y, bác sĩ quá mỏng nhưng bệnh nhân vẫn phải tập trung hết về đây để khám bệnh. Do vậy, tình trạng bệnh nhân quá tải xảy ra thường xuyên hơn so với các tuyến y tế cơ sở khác.

Trạm y tế Minh Châu có 6 cán bộ, gồm một bác sĩ và hai người đang theo học bác sĩ. Đa số bệnh nhân các bệnh thông thường và phụ nữ đến kỳ sinh nở vẫn đến đó, song có những trường hợp phức tạp cần chuyển lên tuyến trên, phải đi đò qua sông rồi chở tiếp bằng xe máy, mất cả tiếng đồng hồ (nếu là ban ngày) và khoảng 3 tiếng đồng hồ (nếu là ban đêm), mới đến Bệnh viện Ba Vì hoặc Sơn Tây. Ở đây cũng rất khó gọi được ta-xi, vì xe phải chạy từ trên huyện về. Có những đợt nước lên, cán bộ y tế phải hộ tống bệnh nhân lên bệnh viện huyện ngay trong đêm. Trời mưa bão không sang sông được, phương tiện cấp cứu hết sức thô sơ, tính mạng con người bị đe dọa từng giây, từng phút.

Trước tình hình ấy, trong những tháng lụt, Trạm y tế phải phối hợp với cán bộ xã có kế hoạch phòng, chống lụt bão cho nhân dân. Thành phần được đưa đi tránh bão, di chuyển vào những xã đất liền lân cận như Chu Minh, Đông Quang là các cụ trên 70 tuổi, trẻ dưới 15 tuổi và phụ nữ dự sinh. Cách đây chưa xa, năm 2007, có trường hợp không kịp di chuyển sản phụ nên phải thực hiện... đỡ đẻ “dưới nước”. Nước ngập trên 1m, phải kê bàn đẻ lên giường. Bác sĩ, thay vì mặc blu trắng đã xắn quần quá đầu gối để đỡ đẻ cho sản phụ. Việc cán bộ y tế phải xắn quần, vừa lội bì bõm vừa khám bệnh hay đỡ đẻ, chuyện khám thai bằng tay, nghe tim thai bằng ống nghe gỗ..., tưởng như chỉ có ở mấy chục năm về trước, nay vẫn tồn tại ở Minh Châu.

Tỷ lệ sinh con thứ ba còn cao

Dân số Minh Châu hiện nay là hơn 6.000 người, tỷ lệ sinh con thứ ba còn đông, xấp xỉ 7% mỗi năm. Điều thật trớ trêu là, đa số sản phụ lại “vượt cạn” vào các tháng 8 và 9, là những thời điểm xã thường bị cô lập trong mưa lũ. Vài năm trở lại đây, tỷ lệ sinh thô và sinh con thứ ba cao. Năm 2008, tỷ lệ sinh con thứ 3 là 10%.

Ở Minh Châu, nhiều cặp vợ chồng độ tuổi 40 trở lên có thể sinh đến 6 con, do nếp nghĩ của người dân còn lạc hậu, thích “con đàn cháu đống” và do chịu ảnh hưởng, tác động từ tập quán, tập tục của gia đình quá nặng nề. Những người sinh hai con gái muốn có thêm con trai để “chống gậy” đã đành, nhiều cặp vợ chồng đã sinh hai con trai vẫn thích sinh thêm con gái cho “có nếp có tẻ”. Với các cặp vợ chồng sinh hai con gái, những gia đình khá giả hoặc dân cư ở khu vực tôn giáo, tỷ lệ sinh con thứ ba cao hơn những đối tượng khác.

Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tăng nhanh

Thu nhập bình quân đầu người ở Minh Châu hiện nay là 3,8 triệu đồng/người/năm. Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, song Minh Châu không phát huy được những lợi thế này, bởi sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. Giao thông không thuận lợi đã kìm hãm đáng kể sự phát triển kinh tế, xã hội của xã đảo. Địa bàn thuần nông, lao động dư thừa, đàn ông, thanh niên trai tráng không cưỡng lại được sức hút từ các bãi đào vàng. Và, cũng có những nhà giàu lên từ vàng, song không nhiều. Phần đông còn lại, “ra đi trai tráng, khi về bủng beo”, bởi rơi vào bẫy của “nàng tiên nâu”.

Ma túy luôn là “bạn đồng hành” với HIV và AIDS. Hiện trong danh sách theo dõi của Trạm y tế xã có 44 người nghiện bị nhiễm HIV. Nhưng đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”, vì chưa kể đến con số mới phát sinh và con số chưa phát hiện được còn nhiều hơn nữa. Đây là một trách nhiệm nặng nề của đội ngũ cán bộ y tế xã, vì việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS khó khăn hơn rất nhiều so với bệnh nhân thường. Đặc biệt, với các ca sản phụ nhiễm HIV, tai biến rất dễ xảy ra.

Với muôn vàn khó khăn như vậy, nhưng cán bộ y tế Minh Châu vẫn cố gắng hết sức để làm tốt nhiệm vụ, công tác tiêm chủng được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đạt hiệu quả tốt; tổ chức khám bệnh định kỳ cho trẻ mầm non; tổ chức các đợt chăm sóc sức khỏe sinh sản hằng năm... Với điều kiện trang thiết bị hết sức thô sơ, nhưng Trạm đã phát hiện được nhiều trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh trong các đợt khám bệnh định kỳ cho các cháu mẫu giáo.

Để giải quyết những khó khăn của tình hình y tế Minh Châu

Chủ động tiếp cận và tuyên truyền cho những cặp vợ chồng có “nguy cơ” sinh con thứ ba

Những năm qua, cán bộ y tế xã đã chủ động tiếp cận những đối tượng có “nguy cơ” sinh con thứ 3 để tư vấn kịp thời, hiệu quả khá rõ rệt. Một số trường hợp chỉ có một hoặc hai con gái, nhưng không sinh tiếp con thứ 3. Cần tiếp tục duy trì công tác này, đặc biệt hướng đối tượng cần tuyên truyền là nam giới. Trên thực tế, đây là đối tượng tác động mạnh mẽ nhất và có tính quyết định đến việc sinh con thứ 3. Phụ nữ là người hiểu rõ hơn ai hết những hệ lụy từ việc sinh nhiều con, song trong nhiều trường hợp, đặc biệt ở những vùng dân trí thấp, họ phụ thuộc vào chồng cả về kinh tế và việc ra quyết định. Do vậy, mặc dù ý thức rõ những tác hại, họ vẫn sinh con theo... ý chồng.

Nâng cấp cơ sở vật chất cho Trạm y tế xã

Đối với Minh Châu, việc có một ngôi trạm y tế hai tầng đã trở thành một ước mơ, một nhu cầu thiết yếu và cần sớm được giải quyết. Như đã nói ở trên, một năm xã bị cô lập 3 - 4 tháng trong mùa mưa bão, phải khám bệnh và chữa bệnh trong nước ngập dâng cao, không thể bảo đảm vệ sinh, và dễ dẫn đến nhiều hậu quả khác.

Mặt khác, trong những tháng không mưa lũ, những bệnh đơn giản hơn có thể xử lý được ngay tại Trạm y tế xã, nếu như có những trang thiết bị thiết yếu của ngành y tế như tủ sấy khô, máy siêu âm, bình ô-xy, máy thử nước tiểu... Như vậy, vừa tránh được phiền phức, vất vả, tốn kém cho người dân, vừa tránh được nguy cơ quá tải cho tuyến trên.

Cổ phần hóa trạm y tế xã là một ý tưởng “táo bạo” của Trạm trưởng Trạm y tế Minh Châu Nguyễn Danh Hà. Theo ông, Trung ương còn phải lo nhiều việc, nhiều nơi nên địa phương cần có sự chủ động, tránh trông chờ hoàn toàn vào sự đầu tư của Nhà nước. Ý tưởng cổ phần hóa trang thiết bị của Trạm, được nhiều người ủng hộ. Việc này là khả thi, thông qua việc huy động vốn của cán bộ trạm và người dân. Vấn đề còn lại là xin một cơ chế, lựa chọn cách thức tổ chức sao cho hợp lý và chú ý đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho Trạm.

Có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ y tế xã

Hiện nay, xã chỉ có một cán bộ chuyên trách dân số, với mức trợ cấp 215.000 đồng/tháng và 8 cộng tác viên (trợ cấp 80.000 đồng/người/tháng). Mức trợ cấp như vậy chỉ mang tính khuyến khích và tạm thời. Phải có đội ngũ cán bộ chuyên trách và mức trợ cấp cao hơn, phần nào giúp họ bớt đi những khó khăn trong cuộc sống, như vậy mới tạo được gắn bó thực sự với công việc, việc vận động, tuyên truyền, giám sát mới có hiệu quả.

Theo ông Thiều Văn Bường, Chánh Văn phòng Huyện ủy Ba Vì, việc đầu tư một cây cầu là phương án không khả thi vì quá tốn kém. Nhưng đầu tư nâng cấp Trạm y tế xã, cả về nhân lực cũng như trang thiết bị y tế là việc cần thiết và có thể làm.

Sự quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, một phần do các trạm y tế xã, huyện chưa được đầu tư đầy đủ, đúng mức. Việc đầu tư trang thiết bị cho các Trạm y tế tuyến dưới rất quan trọng, có tính chất “chữa bệnh từ gốc”. Tuyến dưới cũng thường thiếu cán bộ y tế giỏi, mà nguyên do chính phải kể đến là lương bổng, thu nhập kém. Người học ngành y cũng như các ngành khác đều có xu hướng “chảy” về Thủ đô hoặc các thành phố lớn, nơi có điều kiện sinh sống và thu nhập cao hơn. Muốn khắc phục tình trạng này, cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho bác sĩ và cán bộ y tế ở tuyến dưới. Thậm chí, ngoài lương theo thang, bậc, phải có những khoản phụ cấp đáng kể mới bảo đảm cuộc sống và học tập nâng cao tay nghề.

Cần nâng cấp bến đò và bổ sung thêm những con phà

Minh Châu đã được phê duyệt dự án tu bổ bến đò, nhưng chưa được cấp vốn. Hiện tại chỉ có Dự án đường trục dọc bãi sông Minh Châu được thành phố đầu tư hơn 8 tỉ đồng, đã tiếp nhận được 6,3 tỉ đồng.

Ở địa phương khác, nếu Trạm y tế xã yếu thì bệnh nhân có thể chuyển lên tuyến trên, mà thường là bệnh nhân tự lựa chọn chuyển lên tuyến trên cho yên tâm. Song ở Minh Châu, người dân không có được sự lựa chọn ấy, bởi điều kiện giao thông khó khăn. Với những trường hợp đi cấp cứu, nếu có ô-tô và giao thông thuận lợi nhiều khi vẫn không kịp, huống chi ở Minh Châu, muốn chuyển bệnh nhân cấp cứu lên tuyến trên, vẫn chỉ có một cách duy nhất là đợi đò qua sông rồi đi tiếp bằng xe máy, hoặc chèo thuyền dọc bờ sông để lên Bệnh viện Ba Vì hay Bệnh viện Sơn Tây.../.