TCCS - Bước đầu khảo sát mô hình mới về công tác dân vận - Tổ Dân vận ấp ở một số địa phương trong tỉnh Kiên Giang cho thấy, gần hai năm triển khai và thực hiện thí điểm, Tổ Dân vận ấp đã thể hiện được tính hiệu quả trong tổ chức và hoạt động. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Tổ Dân vận ấp đã thực sự thể hiện rõ vai trò và sự đóng góp cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở làm công tác dân vận

Thực hiện chủ trương của Ban Dân vận Trung ương về công tác vận động quần chúng, trong hai năm qua, tỉnh Kiên Giang đã tích cực triển khai và thực hiện thí điểm mô hình mới “Tổ Dân vận ấp”. Đây là mô hình nhằm huy động lực lượng lớn mạnh, toàn diện của cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận. Điều này phù hợp với tình hình thực tiễn của Kiên Giang.

Sau khi có chủ trương của Ban Dân vận Trung ương về việc thành lập Tổ dân vận ấp, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện theo các Kế hoạch 41, 42, gần đây là Kế hoạch số 48 (ngày 5-2-2009). Ban Dân vận các huyện, thị, thành đã triển khai, xây dựng chương trình, kế hoạch thành lập Tổ Dân vận ấp và chọn một số xã thực hiện thí điểm đối với mô hình này. Tính đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy chọn thí điểm triển khai ở 7 huyện, thị, thành là Tân Hiệp, An Minh, Châu Thành, Gò Quao, Hà Tiên, Vĩnh Thuận và Rạch Giá với tổng số Tổ Dân vận ở 249 ấp, khu phố.

Thực hiện khảo sát ở 3 huyện, thị và 8 xã, phường cho thấy, qua gần hai năm hoạt động, kết quả hoạt động của Tổ Dân vận ấp rất đáng khích lệ, sự chuyển biến trong công tác vận động quần chúng có hướng tích cực. Mô hình này tỏ rõ tính hiệu quả và thiết thực trong công tác vận động quần chúng.

Về mặt tổ chức: Bí thư Chi bộ giữ chức Tổ trưởng Tổ Dân vận ấp, đối với những nơi Bí thư kiêm Trưởng ấp thì đồng chí Phó Bí thư, hoặc Chi ủy viên (nếu có) làm Tổ trưởng; Chủ tịch Mặt trận làm tổ phó, trường hợp Trưởng ban công tác mặt trận chưa là đảng viên, thì chọn một đồng chí là đảng viên trong số các thành viên lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội làm tổ phó. Các thành viên gồm: Trưởng hoặc Phó ấp là đảng viên, cơ cấu những đồng chí là đảng viên trong số các đồng chí Bí thư Chi đoàn Thanh niên, Chi hội trưởng Nông dân, Chi hội trưởng Phụ nữ, Chi hội trưởng Cựu chiến binh; chọn một hoặc hai cán bộ hưu trí có tâm huyết với sự nghiệp dân vận làm thành viên (nếu có), như vậy số lượng ít nhất là 5 - 7 thành viên, nhiều nhất là 9 thành viên.

Sau gần 2 năm triển khai và thực hiện thí điểm, Tổ Dân vận ấp đã thể hiện rõ vai trò và sự đóng góp cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở làm công tác dân vận.

Về chất lượng:
Nội dung công tác dân vận ngày càng có chiều sâu và toàn diện hơn. Hằng tháng, sau kỳ sinh hoạt chi bộ thì Tổ Dân vận tiến hành họp (từ ngày 7 đến ngày 10), nên sự chỉ đạo của cấp ủy đối với các thành viên trong Tổ nhanh chóng, thuận tiện, sâu sắc và toàn diện hơn. Cấp ủy nắm được tình hình địa bàn rất kịp thời. Đồng thời, trong cuộc họp này, những khó khăn, thuận lợi của người đứng đầu các tổ chức Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng cũng được các thành viên trong Tổ góp ý, bàn bạc để có hướng phối hợp hoạt động chặt chẽ với nhau, thể hiện được vai trò liên kết, hợp tác thống nhất của tập thể. Cách làm này đã góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận của toàn hệ thống chính trị.

Về sinh hoạt: Tổ Dân vận ấp đi vào hoạt động đã tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của quần chúng nhân dân. Do đó, quần chúng nhân dân tự nguyện tham gia vào các tổ chức hội có chiều hướng tăng lên. Mặt trận và các đoàn thể có nhiều mô hình và cách làm thiết thực để giúp đỡ hội viên vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Việc tham gia xây dựng Đảng cũng có nhiều tiến bộ, thành viên trong Tổ Dân vận ấp được kết nạp vào Đảng tăng hơn trước. Chẳng hạn, trước đây Hội Phụ nữ xã Thạnh Đông B không có đảng viên, nay 50% số Chi hội trưởng Phụ nữ được kết nạp vào Đảng, qua đó củng cố các Tổ Phụ nữ ấp.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổ Dân vận ấp còn một số mặt hạn chế, đặt ra những vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ:

Trước hết, một số thành viên của Tổ Dân vận ấp chưa nhận thức rõ về chức năng, nhiệm vụ của Tổ Dân vận ấp với chức năng, nhiệm vụ của Ban công tác mặt trận ấp. Có không ít cán bộ cho rằng, Tổ Dân vận ấp cũng như Mặt trận đều làm công tác vận động quần chúng, cho nên không nhất thiết phải thành lập Tổ Dân vận ấp, nếu thành lập sẽ dẫn đến sự chồng chéo lẫn nhau giữa Tổ Dân vận ấp và Ban công tác mặt trận.

Hai là, ở một số địa phương, không ít người lo ngại khi có Tổ Dân vận thì vai trò của Mặt trận và một số đoàn thể bị “lu mờ”. Bởi lẽ, trong Tổ Dân vận, Bí thư Chi bộ làm Tổ trưởng, Chủ tịch Mặt trận làm tổ phó, nên chắc chắn sự chỉ đạo, uy tín của Tổ sẽ vượt trội. Do đó, việc phân định chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, nên vai trò của Mặt trận có phần bị “lép vế” hơn so với Tổ Dân vận ấp. Nhưng, thực tế cho thấy, Tổ Dân vận ấp ra đời, một phần nhằm chấn chỉnh lại công tác dân vận, làm tham mưu, phối hợp để Mặt trận và các đoàn thể làm công tác dân vận được mạnh hơn chứ không phải là làm cho Mặt trận yếu đi.

Ba là, Tổ Dân vận ấp là một mô hình mới. Trong hoạt động, nếu không rõ chức năng, nhiệm vụ rất dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo chức trách, nhiệm vụ, đặc biệt là việc hội họp nhiều. Khảo sát cho thấy, có quá nhiều cuộc họp đối với một cán bộ cơ sở. Ví dụ: một Chi hội trưởng Phụ nữ ấp trong độ tuổi Đoàn sẽ họp không dưới 8 cuộc/tháng; nội dung các cuộc họp dễ trùng lặp, chất lượng cuộc họp như thế nào? Khi nhiều cuộc họp chỉ gồm một số thành viên ấy.

Sự hạn chế, có mặt bất cập trên do những nguyên nhân sau đây:

+ Tổ Dân vận là một mô hình còn rất mới mẻ, ra đời gần hai năm, trong khi công tác tập huấn cán bộ chưa kịp thời và tương xứng. Do đó, phần lớn thành viên trong Tổ Dân vận chỉ làm theo kinh nghiệm. Trình độ của cán bộ ấp còn nhiều hạn chế, nên việc nhận thức một mô hình mới càng khó khăn.

Tổ Dân vận ấp là một mô hình còn rất mới mẻ, cho nên cần tiến hành các cuộc khảo sát, nghiên cứu thực tế, tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm để hoạt động của Tổ Dân vận đi vào chiều rộng và chiều sâu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

+ Tổ Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể chủ yếu làm theo “công tác món”; chưa sâu về mặt tổ chức, chưa có kế hoạch dài hơi, một bộ phận cán bộ chưa thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân; còn lúng túng, bị động khi gặp khó khăn, tình huống phức tạp. Một số đáng kể cán bộ hạn chế về chuyên môn và kỹ năng vận động quần chúng, còn trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên.

+ Kinh phí dành cho hoạt động của Tổ Dân vận thì gần như không có, kể cả chi phí để mua sổ sách phục vụ hợp lệ.

Để Tổ Dân vận ấp hoạt động hiệu quả, tiếp tục thực hiện những giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về công tác của Tổ Dân vận ấp nhằm làm chuyển biến nhận thức của cán bộ về hoạt động của Tổ Dân vận, nhất là nắm vững chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, mối quan hệ... theo tinh thần Kế hoạch số 48 của Ban Dân vận Tỉnh ủy. Ban Dân vận Tỉnh ủy nên biên soạn tài liệu hướng dẫn hoạt động cho Tổ Dân vận ấp. Riêng Tân Hiệp nên có quy chế phối hợp hoạt động giữa Tổ Dân vận ấp và hợp tác xã.

Thứ hai, quán triệt về công tác dân vận cho các thành viên Tổ Dân vận ấp là không phải làm thay Mặt trận và các đoàn thể, mà là phối hợp nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện các chủ trương của cấp ủy chi bộ; góp phần triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đoàn viên, hội viên, nhân dân...

Thứ ba, tiến hành các cuộc khảo sát, nghiên cứu thực tế; thực hiện việc sơ kết, tổng kết kịp thời nhằm đánh giá đúng tình hình thực tiễn để có những điều chỉnh hợp lý về việc thành lập và hoạt động của Tổ Dân vận ấp.

Thứ tư, xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ phù hợp, kiện toàn tổ chức Tổ Dân vận ấp. Xây dựng chính sách, chế độ cụ thể đối với Tổ Dân vận ấp, để các thành viên trong Tổ yên tâm, nhiệt tình hơn đối với công tác./.