- Khái quát chung:

- Tên nước: Cộng hoà In-đô-nê-xi-a (The Republic of Indonesia)

- Thủ đô: Gia-các-ta (Jakarta)

- Ngày Quốc khánh: 17-8-1945

- Vị trí địa lý: In-đô-nê-xi-a là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, gồm trên 17.500 hòn đảo lớn nhỏ (5 đảo lớn: Ka-li-man-tan, Xu-mát-tờ-ra, Gia-va, Xu-la-uê-xi và Tây Pa-pua (trước là I-ri-an Jay-a) nằm giữa lục địa châu Á và châu Đại Dương, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.

- Địa hình: phần lớn là vùng đất thấp ven biển, gió mùa nóng và ẩm.

- Nhiệt độ trung bình là 26o C.

- Khí hậu: nhiệt đới gió mùa. Với 2 mùa mưa và khô. Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3.

- Tài nguyên thiên nhiên của In-đô-nê-xi-a vào loại phong phú bậc nhất khu vực Đông Nam Á bao gồm dầu mỏ, thiếc, ni-ken, khí tự nhiên, gỗ, bô-xít, đồng, than đá, vàng, bạc...

- Diện tích: phần đất rộng 1,9 triệu km2. Phần nước rộng 9,9 triệu km2 (gồm cả vùng đặc quyền kinh tế), chiếm khoảng 81% diện tích cả nước.

- Dân số: hơn 204,3 triệu người (số liệu 2009).

- Dân tộc: với khoảng 300 dân tộc và sắc tộc khác nhau trong đó, dân tộc Gia-va (45%), dân tộc Xun-đa (14%), dân tộc Mu-đu-ra (7,5%), dân tộc Mã-lai ven biển (7,5%), dân tộc khác (26%).

- Tôn giáo: đạo Hồi chiếm 86,1% (nhưng không phải là quốc đạo); đạo Tin lành: 5,7%; đạo Thiên chúa: 3%; đạo Hin-đu: 1,8%; và đạo Phật: 1% (số liệu 2007).

- Ngôn ngữ: tiếng In-đô-nê-xi-a, tiếng Mã Lai, tiếng Gia-va, tiếng Anh, tiếng Hà Lan là những ngôn ngữ chính, ngoài ra còn có 583 thổ ngữ.

- Tiền tệ: rupiah (IDR) (1USD = 10.399 Rp) (số liệu năm 2009)

- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP):

GDP tính theo sức mua (PPP): 968,5 tỉ USD (năm 2009)

GDP bình quân đầu người: 4000 USD (năm 2009)

- Tham gia các tổ chức quốc tế: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Nhóm các nước đang phát triển (G77), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Phong trào không liên kết (NAM), tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...

- Thể chế chính trị:

In-đô-nê-xi-a theo chế độ cộng hoà, lấy 5 nguyên tắc làm nền tảng tư tưởng quốc gia (Pancasila):

1- Tin vào một và chỉ một chúa trời;

2- Nhân đạo, công bằng và văn minh;

3- Sự thống nhất In-đô-nê-xi-a;

4- Nền dân chủ được lãnh đạo bởi sự sáng suốt trong sự nhất trí thông qua bàn bạc giữa những người đại diện

5- Công bằng xã hội cho toàn thể nhân dân In-đô-nê-xi-a)

- Thể chế Nhà nước:

Nguyên thủ quốc gia: Tổng thống Xu-xi-lô Bam-bang Y-u-đô-y-ô-nô (Susilo Bambang Yudhoyono - đồng thời là người đứng đầu Chính phủ từ ngày 20-10-2004; nhiệm kỳ II từ ngày 20-10-2009)

- Quốc hội gồm: Hội đồng Hiệp thương nhân dân (MPR) là cơ quan quyền lực cao nhất của Inđônêxia, có 688 đại biểu trong đó 560 là đại biểu Hội đồng Đại biểu Nhân dân (DPR, tức Hạ viện) và 128 đại biểu Hội đồng Đại biểu Địa phương (DPD, tức Thượng viện).

- Lãnh đạo Quốc hội gồm: Chủ tịch Quốc hội (MPR) Tau-phíc Kê-mát (Taufik Kiemas), Chủ tịch Hạ viện (DPR) Ma-du-ki A-li (Marzuki Alie), Chủ tịch Thượng viện (DPD) Ai-men Gớt-men (Irman Gusman).

- Cơ chế bầu cử: Các đại biểu MPR, Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu trực tiếp 5 năm một lần (bầu các thành viên MPR trước, sau đó bầu Tổng thống và Phó Tổng thống).

- Hệ thống tư pháp bao gồm: toà án, công tố, kiểm sát theo mô hình Nhà nước Cộng hoà.

- Địa giới hành chính và phân cấp quản lý: Quốc gia được phân chia thành 33 tỉnh và đặc khu, 243 huyện và 3481 tiểu khu.

- Các đảng phái lớn: Đảng Dân chủ đấu tranh In-đô-nê-xi-a (PDI-P); Đảng Golkar; Đảng thức tỉnh Dân tộc (PKB); Đảng Ủy nhiệm Dân tộc (PAN); Đảng Phát triển Thống nhất (PPP); Đảng Công lý và Thịnh vượng (PKS); Đảng Trăng lưỡi liềm và Sao (PBB).

- Kinh tế:

Từ năm 1970-1997, tốc độ phát triển kinh tế tăng 7% đến 8%/năm. Năm 1998, In-đô-nê-xi-a là nước phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính khu vực với mức tăng trưởng GDP (-18%). Năm 1999, kinh tế từng bước được phục hồi, tốc độ tăng trưởng đạt 0,48%.

Từ năm 2000-2008, kinh tế In-đô-nê-xi-a tiếp tục hồi phục. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,4%. Năm 2008, GDP đát 6,1%. Cuối năm 2008, đầu năm 2009, kinh tế In-đô-nê-xi-a gặp một số khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Do đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 chỉ đạt 4,3%.

- Về công nghiệp: tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 47,1% GDP. Sản phẩm công nghiệp chính là dầu mỏ và khí tự nhiên, hàng dệt, hàng thêu, giày dép, bít tất, sản phẩm mỏ, xi măng, phân bón, gỗ dán, cao su, thực phẩm, du lịch.

- Về nông nghiệp: tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 14,4% GDP. Sản phẩm nông nghiệp chính là gạo, sắn, lạc, cô-ca, cà phê, dầu cọ, cùi dừa khô, gia cầm, thịt bò, thịt lợn, trứng.

- Về dịch vụ: tổng giá trị lĩnh vực này chiếm 38,5% GDP. Đảo Ba-li là một trong những điểm du lịch đẹp bậc nhất Đông Nam Á, được mệnh danh là “Thiên đường của tình yêu”. Ngoài ra, In-đô-nê-xi-a còn có các điểm du lịch khác như Thủ đô Gia-các-ta, hồ Tô-ba, đảo Xu-ma-tra, đảo Nu-sa Teng-ga-ra, đền Bô-gô...

- Xuất khẩu của In-đô-nê-xi-a năm 2009 đạt 115,6 tỉ USD. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính là dầu và khí ga, thiết bị điện, gỗ dán, hàng dệt, cao su. Bạn hàng xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ, Xin-ga-po, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a.

- Nhập khẩu của In-đô-nê-xi-a năm 2009 đạt 86,8 tỉ USD với các mặt hàng chính là thiết bị, máy móc, hóa chất, chất đốt, thực phẩm. Các bạn hàng nhập khẩu chủ yếu là Xin-ga-po, Trung Quốc, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan./.