Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Tin: Hà Bùi Ảnh: Mai Hương Giang
22:03, ngày 18-03-2016
TCCSĐT - Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, quý 4-2015, tốc độ tăng trưởng GDP tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 7,0%. Thị trường lao động tiếp tục có những dấu hiệu khả quan: tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng cao hơn (78,84%); số người có việc làm đạt 53,50 triệu người, tăng 332,64 nghìn người; tình hình thất nghiệp được cải thiện.

Về cơ cấu theo các cấp trình độ, quý 4-2015 có gần 4,84 triệu người có trình độ đại học trở lên (chiếm 43,88%), hơn 1,47 triệu người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (chiếm 13,34%), 180 nghìn người có trình độ cao đẳng nghề (chiếm 1,63%), gần 2,14 triệu người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp (chiếm 19,42%), 710 nghìn người có trình độ trung cấp nghề (chiếm 6,44%) và 1,68 triệu người có trình độ sơ cấp nghề (chiếm 12,25%).

So với quý 4-2014, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng ở 4 nhóm: đại học trở lên tăng 735 nghìn người (17,90%); cao đẳng chuyên nghiệp tăng 296 nghìn người (25,07%); trung cấp chuyên nghiệp tăng 132 nghìn người (6,6%) và sơ cấp nghề tăng 108 nghìn người (6,88%). Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật giảm ở hai nhóm: cao đẳng nghề giảm 105 nghìn người (-36,99%); trung cấp nghề giảm 155 nghìn người (-17,83%).

Về việc làm, quý 4-2015, cả nước có 53,50 triệu người có việc làm. Bốn ngành có lao động tăng nhiều nhất là: “bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác” (tăng 173 nghìn người); “giáo dục - đào tạo” (tăng 98 nghìn người); “công nghiệp chế biến, chế tạo” (tăng 62 nghìn người) và “nghệ thuật, vui chơi và giải trí” (tăng 42 nghìn người). Bốn ngành giảm lao động nhiều nhất là: “xây dựng” (giảm 46 nghìn người), “dịch vụ lưu trú và ăn uống” (giảm 45 nghìn người), “vận tải kho bãi” (giảm 33 nghìn người) và “hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” (giảm 32 nghìn người).

Trong quý 4-2015, số lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài là 25.422 người (giảm 8.963 người so với quý 3-2015), trong đó 9.746 lao động nữ (chiếm 38,34%). Cục Quản lý lao động người nước tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động và Dự án Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề. Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Trong quý 4-2015, 210 ứng viên đủ tiêu chuẩn (chiếm 46,56% tổng số ứng viên) đã được tuyển và được đào tạo tiếng Nhật tập trung 12 tháng.

Trong năm 2015, cả nước có 115.980 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nữ chiếm 33,31% (đạt 122% kế hoạch và tăng 8,5% so với năm 2014). Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đưa được trên 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đài Loan và Nhật Bản vẫn là hai thị trường có tỷ trọng lớn nhất (chiếm tương ứng 57,87% và 23,23% tổng số đi làm việc ở nước ngoài năm 2015).

Quý 4-2015, cả nước có 1.051,6 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. So với quý 3-2015, con số này giảm 77,1 nghìn người; so với quý 4-2014, tăng 76,4 nghìn người. Trong số này, có 417,3 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 39,7%), bao gồm: 155,5 nghìn đại học trở lên; 115,0 nghìn cao đẳng chuyên nghiệp; 6,1 nghìn cao đẳng nghề; 63,8 nghìn trung cấp chuyên nghiệp; 15,0 nghìn trung cấp nghề; 26,9 nghìn sơ cấp nghề và 35,2 nghìn có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng.

Nhờ các nỗ lực và cải cách trong nước và việc tiếp tục mở cửa tham gia các hiệp định tự do thương mại (ASEAN, TPP, FTA,..), theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, GDP của Việt Nam năm 2016 có khả năng đạt 6,6%. Tăng trưởng kinh tế phục hồi sẽ tác động tích cực tới thị trường lao động. Về cung lao động: trong vòng 12 tháng tới, lực lượng lao động ước đạt 55,3 triệu người, chiếm 77,8% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên. Lực lượng lao động có việc làm ước đạt 54,1 triệu người. Dự báo, năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sẽ giữ ở mức thấp, còn 2,2%./.