Quan hệ Mỹ - ASEAN: hợp tác vì tương lai
TCCSĐT - Trong những năm đầu thế kỷ XXI, cùng với những biến chuyển sâu sắc trong quan hệ quốc tế, quan hệ Mỹ - ASEAN không ngừng được củng cố, phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất, phục vụ những mục tiêu, lợi ích của cả hai bên. Hội nghị Cấp cao đặc biệt tổ chức tại Xăn-ni-len, Ca-li-phóoc-ni-a (Mỹ) vào trung tuần tháng 02 vừa qua cho thấy những chuyển động mới trong mối quan hệ này.
Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được hình thành vào năm 1967. Năm 1977, quan hệ đối thoại Mỹ - ASEAN bắt đầu khởi động. Từ năm 2005 đến năm 2010, mối quan hệ hai bên nhìn chung ổn định. Năm 2005, hai bên thiết lập quan hệ đối tác tăng cường. Tháng 7-2009, Mỹ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC); đề xuất và tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và bốn nước hạ nguồn sông Mê Công (CLTV) lần đầu. Mỹ là một trong những nước đối thoại đầu tiên chính thức lập phái đoàn Mỹ tại ASEAN, cử Đại sứ Mỹ thường trú bên cạnh ASEAN năm 2010. Quan hệ Mỹ - ASEAN được thúc đẩy qua nhiều cơ chế, trong đó khuôn khổ Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN được thể chế hóa bằng các cuộc họp hằng năm, kể từ năm 2013.
Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN ở Ba-li (In-đô-nê-xi-a), hai bên đã thông qua “Kế hoạch hành động cho giai đoạn mới 2011 - 2015” nhằm triển khai quan hệ đối tác tăng cường vì “Hòa bình, bền vững và thịnh vượng”. Tuy nhiên, phải đến tháng 11-2015, Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 tại Cua-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), Mỹ và ASEAN mới nâng cấp quan hệ song phương thành quan hệ đối tác chiến lược và thông qua “Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016 - 2020”, triển khai đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận, khuôn khổ hợp tác quan trọng và xúc tiến hợp tác trong nhiều lĩnh vực cụ thể. Mỹ dành ưu tiên cao hỗ trợ ASEAN tăng cường năng lực bảo đảm an ninh, nhất là an ninh hàng hải trên cơ sở song phương cũng như thông qua diễn đàn khu vực. Hai bên tích cực hợp tác trong các lĩnh vực chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh mạng, chống tội phạm xuyên quốc gia,…
Thông qua cơ chế Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), TAC với các đối tác, vai trò của ASEAN trong các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực được thúc đẩy mạnh mẽ. Cùng với đó, Mỹ tích cực tham gia các diễn đàn/cơ chế do ASEAN dẫn dắt, như ARF, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), can dự sâu hơn vào các vấn đề trọng yếu tại khu vực, như Biển Đông và các vấn đề an ninh phi truyền thống,... tạo nhân tố cân bằng quan hệ với các cường quốc trong khu vực.
Hội nghị cấp cao đặc biệt lần này do đích thân Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma mời lãnh đạo các nước ASEAN, cho thấy Mỹ rất coi trọng vai trò của ASEAN để hiện thực hóa mục tiêu của mình. Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác ngay sau khi hình thành Cộng đồng ASEAN và cũng là hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN đầu tiên được tổ chức tại Mỹ. Mỹ muốn sử dụng Hội nghị này để nhấn mạnh sức mạnh của hiệp hội trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Kết quả Hội nghị là phương hướng và giải pháp triển khai quan hệ đối tác chiến lược, đưa quan hệ Mỹ - ASEAN đi vào thực chất hơn.
Hướng tới tương lai
Trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, việc mở cửa thị trường và tạo dựng sự kết nối cho các doanh nghiệp Mỹ - ASEAN mang ý nghĩa quan trọng. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và ASEAN kỳ vọng đưa tới những lợi ích cho cả đôi bên. Đối với Mỹ, đó là việc thâm nhập vào các nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao, tạo dựng ảnh hưởng tại khu vực. Với các nước ASEAN, điều này có nghĩa, các nước này sẽ vươn tới một thị trường tiêu thụ rộng lớn, có ý nghĩa lớn với hoạt động thương mại ASEAN.
Thực tế, ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ, ngược lại các công ty Mỹ là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất ở khu vực này. Các công ty Mỹ đầu tư vào Đông Nam Á nhiều hơn so với vào Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại. FDI của Mỹ vào ASEAN đạt 226 tỷ USD (năm 2014), đưa Mỹ vào nhóm các nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN. Để tiếp tục cải thiện quan hệ thương mại hai chiều giữa ASEAN và Mỹ thời gian tới, một yếu tố quan trọng không thể thiếu, đó chính là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện mới chỉ có 4 nước thuộc khối ASEAN (Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Bru-nây) tham gia TPP, nhưng chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma đang nỗ lực tìm kiếm những sáng kiến đặc biệt và mới mẻ, phù hợp với sự đa dạng của các nền kinh tế Đông Nam Á để làm sâu sắc hơn mối quan hệ Mỹ - ASEAN.
Khi các nỗ lực xây dựng năng lực như “Sáng kiến gắn kết kinh tế mở rộng” (E3) và các chương trình hỗ trợ kỹ thuật như “Kết nối ASEAN thông qua thương mại và đầu tư” đang đi đúng hướng, Mỹ và các nước ASEAN vẫn tích cực hành động nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, đổi mới và xây dựng năng lực kinh doanh. Đáng chú ý, sau Hội nghị cấp cao ở Xăn-ni-len, ngày 17-2-2016, tại Xan Đi-ê-gô, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đã tổ chức một hội nghị giao lưu kinh tế giữa các doanh nghiệp Mỹ và ASEAN nhằm tìm kiếm nhiều hơn các cơ hội hợp tác kinh doanh hai bên.
Không chỉ dừng lại ở các hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư, Mỹ và các nước ASEAN cũng đã quan tâm bàn thảo đến các thách thức an ninh phi truyền thống. Sau chuỗi vụ tấn công ở thủ đô Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), In-đô-nê-xi-a thời gian qua, có thể thấy, Đông Nam Á nổi lên như một trọng điểm mới của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là ở các quốc gia có nhiều người Hồi giáo. Tới đây, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp hành động cũng như hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật và phòng chống tội phạm để ngăn chặn tốt hơn các âm mưu khủng bố.
Ở khía cạnh khác, các quốc gia ASEAN gần đây luôn thu hút sự chú ý của các quốc gia khác trong khu vực, như Trung Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ và Hàn Quốc. Chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ hay “Quan tâm đến châu Á nhiều hơn” của Ô-xtrây-li-a gần đây chính là thể hiện tầm quan trọng đang lên của ASEAN. Đây cũng là khu vực quan trọng đối với Trung Quốc nhằm cân bằng với Mỹ.
Các nước ASEAN có lập trường và lợi ích khác nhau đối với tranh chấp ở Biển Đông. Và để phù hợp với lợi ích này của các nước ASEAN, kể cả các nước ASEAN không có tranh chấp với Trung Quốc, Mỹ luôn cố gắng tránh để khu vực này bùng phát xung đột hay “quân sự hóa”. Mỹ đã và đang hợp tác với các nước ASEAN trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
Có thể nói, quan hệ Mỹ - ASEAN đã chuyển sang giai đoạn mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn, vì lợi ích đôi bên, vì hòa bình, ổn định trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, điều này tạo ra những chuyển biến có lợi cho ASEAN, đưa ASEAN vào vị thế thuận lợi hơn trong giải quyết và cân bằng các mối quan hệ đối ngoại giữa các nước, hướng tới ổn định và phát triển./.
Giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước  (11/03/2016)
Đề nghị Trung Quốc phối hợp tìm kiếm tàu cá chìm ở Hoàng Sa  (10/03/2016)
Báo Nhân Dân đón nhận Huân chương Độc Lập hạng Nhất  (09/03/2016)
Kinh tế thế giới trong 24 giờ qua  (09/03/2016)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Tanzania  (09/03/2016)
Angola đang điều tra các vụ việc sát hại hai công dân Việt Nam  (09/03/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên