TCCSĐT - Kết thúc năm, các tổ chức tài chính - kinh tế thường đưa ra những nhận định, đánh giá về năm cũ và dự báo cho năm mới. Năm 2015, tình hình an ninh kinh tế diễn biến phức tạp, đan xen giữa các xu hướng thuận, nghịch; hợp tác, liên kết, cạnh tranh, đấu tranh, thậm chí “chiến tranh”; cơ hội và thách thức.
Cục diện đa cực hóa thế giới đang chuyển hóa từ định hướng sang định hình và những nhân tố tiền an ninh cũng xuất hiện trên lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, xu thế hợp tác phát triển vẫn là chủ đạo. Trên cơ sở nhận định, đánh giá năm 2015 giới chuyên gia phân tích đã đưa những dự báo an ninh kinh tế toàn cầu cho năm 2016 với một số nội dung chủ yếu sau:

Kinh tế phục hồi chậm nhưng vẫn có gam màu sáng

Trong bản báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu 2015-2016 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cơ quan này đã đưa ra dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2015 và đạt 3,6% trong năm 2016, cho dù những con số này thấp hơn so với những con số trong dự báo đưa ra trước đó. IMF còn dự báo cụ thể rằng tại Mỹ, kinh tế có khả năng sẽ tăng trưởng nhẹ 2,8%, làm cho tốc độ tăng trưởng hàng năm của nước này đạt mức cao nhất kể từ năm 2005; ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng tăng trưởng nhẹ, nhưng khiêm tốn hơn ở mức 1,6% so với năm 2015, và sẽ là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2010.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2016 xuống 1%. Các nền kinh tế bị IMF hạ thấp triển vọng tăng trưởng mạnh nhất là các nền kinh tế phát triển và mới nổi đang trong thời kỳ suy thoái như: Brazil, Nga, và Canada. Trong số này, chỉ có Canada được dự báo sẽ có tăng trưởng trở lại trong năm 2016.

IMF còn đưa ra dự báo về sự gia tăng lạm phát toàn cầu, từ 0,3% năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 1,2% vào năm 2016. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan dự báo, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hay Hãng thông tin Bloomberg đều có những nhìn nhận khá lạc quan về một nền kinh tế thế giới mạnh mẽ hơn trong năm 2016.

Trong những dự báo khác nhau thì dự báo của IMF được dư luận chú ý, nhất là những căn cứ về tăng trưởng và lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường thế giới hiện nay lại đang bị “ám ảnh” nặng nề bởi các quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về thời điểm công bố của Mỹ vì chỉ số MSCI World Index AC có tác động đến thị trường tài chính toàn cầu. Mặc dù vậy, các chuyên gia tài chính thế giới vẫn tin rằng, kinh tế toàn cầu sẽ có được sự cải thiện phần nào về tốc độ tăng trưởng trong năm 2016, sau hơn 4 năm suy thoái liên tục ở một số nền kinh tế lớn.

Các nước đang phát triển và mới nổi tiếp tục suy giảm kinh tế

Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn khu vực châu Á sẽ tiếp tục giảm xuống còn 5,4% năm 2016. Mức suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc có thể tạo ra nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm 2016, thấp hơn so với mức 7% trong năm 2015 và thấp hơn nhiều so với mức 14,2% năm 2007. Moody’s còn đưa ra cảnh báo: là quốc gia tiêu thụ hàng hóa khổng lồ, đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc khiến các sản phẩm năng lượng và kim loại đại hạ giá. Điều này đã tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng của các quốc gia chuyên sản xuất hàng hóa, khiến họ dễ bị tổn thương hơn, trước các cú sốc kinh tế hay tài chính khác - chẳng hạn như đà tăng trưởng đáng thất vọng của Trung Quốc.

Hiện tượng các đại gia trong ngành vận tải container là Maersk Line, đã thông báo kế hoạch cắt giảm 25% nhân viên của mình và rút khỏi các đơn đặt hàng bằng đường thủy vì giao thương giữa Trung Quốc và EU đang suy yếu; các công ty khai thác mỏ lớn như Glencore và Antofagasta cũng mới thông báo một đợt điều chỉnh và cắt giảm việc làm lớn, khiến mức lợi nhuận thường niên của các công ty kim loại và khai thác mỏ đã giảm gần 50%. Các nước khác tại khu vực như Indonesia sẽ giảm xuống 4,7%, nhưng xuất khẩu sẽ được phục hồi; Malaysia sẽ giảm xuống còn 4,7% do giá dầu thấp làm giảm đầu tư trong ngành dầu khí; Việt Nam tăng trưởng được dự báo là 6,2% năm 2016 và 6,5% năm 2017; Thái Lan sẽ tăng 3,5%, do xuất khẩu tăng nhẹ.

Sự suy giảm kinh tế tại các quốc gia nêu trên là do 3 nguyên nhân chủ yếu: Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển giảm và triển vọng tăng trưởng kinh tế đang xấu đi; Hai là, khả năng FED tăng lãi suất sẽ làm cho vốn vay trở nên đắt đỏ hơn đối với các nền kinh tế mới nổi, khiến luồng vốn chảy vào các thị trường mới nổi bị suy giảm; Ba là, giá nguyên liệu trên thế giới giảm gây thiệt hại cho các nước xuất khẩu.

Chủ biên Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015, ông Franziska Ohnsorge cho rằng: “Sau 4 năm với thành tích tăng trưởng đáng thất vọng, các nước đang phát triển vẫn chưa lấy lại được đà cũ. Mặc dù điều kiện tài chính thuận lợi nhưng sự sụt giảm tăng trưởng vẫn kéo dài tại nhiều nước đang phát triển do thiếu hụt các dịch vụ trong nông nghiệp, điện, giao thông, kết cấu hạ tầng và các dịch vụ kinh tế cơ bản khác. Chính vì vậy mà tái cơ cấu càng trở nên cấp thiết”.

Chủ tịch WB, ông Jim Yong Kim cũng nói: “Các nước đang phát triển từng là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu sau thời kỳ khủng hoảng, nhưng nay đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế khó khăn hơn”. Giám đốc Viễn cảnh phát triển WB, ông Ayhan Kose: “nếu các thị trường mới nổi không thực hiện những chính sách cẩn trọng nhằm đối phó tốt với bất ổn tài chính và bất ổn từ bên ngoài thì họ sẽ gặp khó khăn đáng kể khi phải đối phó với cơn bão thắt chặt chính sách tài khóa của FED và các hệ quả đi kèm khác”.

Dòng vốn đầu tư chuyển động trái chiều


Sự bất ổn của dòng vốn đầu tư trên toàn thế giới có lẽ là rủi ro an ninh kinh tế lớn nhất trong năm tài chính 2016. Về bản chất, sự sụp đổ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc lẽ ra không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng toàn cầu, nhưng thực tế là nó khiến dòng vốn dịch chuyển mạnh mẽ. Theo đó, lượng vốn chảy khỏi Trung Quốc đã lên tới con số 500 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2015 và con sổ kỷ lục của tháng 8 là 200 tỷ USD, sau khi “bong bóng” chứng khoán nước này bị nổ, gây ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu toàn cầu và tiếp đó là việc Bắc Kinh thông báo từ bỏ chính sách “neo tỷ giá” đồng NDT với đồng USD.

Theo thống kê, trong khoảng một năm trở lại đây, lượng vốn rút khỏi 19 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới đã lên tới 940 tỷ USD. Đây là các rủi ro lớn đã gây bất ổn tài chính năm 2015 và có thể cho cả năm 2016. Theo Viện Tài chính Quốc tế (Mỹ), ước tính khoảng 1.000 tỷ USD vốn tư nhân đã thoái lui khỏi các nước đang phát triển từ đầu năm 2015 tới thời điểm này. Vì thế năm 2016, kinh tế Trung Quốc còn đối mặt với nhiều thách thức, từ tình trạng dân số già đi với tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay đến tình trạng đầu tư không hiệu quả. Với việc Trung Quốc chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước, thì tầm ảnh hưởng của nước này đối với các thị trường hàng hóa thế giới có thể cũng sẽ giảm sút đáng kể.

Công cụ tài chính kém hiệu lực


Lãi suất là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của các chính phủ, khi nền kinh tế lâm vào suy thoái hoặc tăng trưởng chậm chạp kéo dài. Mỹ là quốc gia sử dụng công cụ này triệt để nhất, mức lãi suất cơ bản thấp gần bằng 0% được FED áp dụng từ tháng 12-2008 tới nay. Nguyên nhân chủ yếu được cho là nền kinh tế Mỹ tuy có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng các chỉ số về lạm phát, thất nghiệp và tăng trưởng… vẫn chưa đạt mức dự kiến.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB), tiếp đó là Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan… cũng đã từng cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất (gần 0%, thậm chí là âm). Xu hướng trên làm xuất hiện một hiện tượng mới trên các thị trường trái phiếu là nhà đầu tư sẵn sàng cho một số chính phủ vay tiền nhưng không nhận lãi suất. Họ coi đây là kênh bảo toàn vốn ít rủi ro hơn là đầu tư, khiến cho các nhân tố việc làm, lạm phát và tăng trưởng cũng dễ bị triệt tiêu.

Khi công cụ lãi suất suy giảm hiệu lực, ngân hàng trung ương các nước thường sử dụng các gói kích thích kinh tế được gọi là kích cầu. Ngay từ cuối năm 2008 và tiếp sau đó, FED đã tung ra các gói kích thích kinh tế (QE) duy trì trong nhiều năm có giá trị hàng trăm tỷ USD để mua vào các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) và trái phiếu kho bạc. Năm 2012, Chính phủ Trung Quốc cũng tung ra gói QE hàng nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT) để kích thích các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kéo dài 4 năm. Tiếp đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng đưa ra gói QE hơn 80 nghìn tỷ yên để mua tài sản. Mới đây, ngày 03-12-2015, ECB cũng lại tuyên bố giữ nguyên mức lãi suất thấp và tung ra thị trường gói QE mới với 60 tỷ euro/tháng kéo dài cho đến tháng 3-2017. Tuy nhiên, cho đến nay giới quan sát cho rằng các gói QE đã không đạt hiệu quả như mong đợi, thậm chí có ý kiến còn cho rằng QE có thể là công cụ “lợi bất cập hại”.

Công cụ tỷ giá cũng được các nước sử dụng triệt để. Kể từ quý I-2015, đồng tiền của nhiều quốc gia châu Á đã giảm giá mạnh so với đồng USD. Ngày 11-8-2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã điều chỉnh hạ giá đồng NDT ở mức 1,9% và từ đó đến nay, Trung Quốc đã thực hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt. Việc điều chỉnh tỷ giá NDT đã gây ra hiệu ứng khá mạnh cho thị trường tài chính toàn cầu và kéo theo sự giảm giá của nhiều đồng tiền khác, khiến đồng Rupiah (Indonesia) và Ringgit (Malaysia) đã giảm xuống thấp nhất trong 17 năm qua, đồng Real (Brazil) giảm 9%, còn Nhật Bản buộc phải tuyên bố giảm giá đồng Yen và Kazakhstan phải thả nổi tỷ giá... Những biến động tài chính - tiền tệ quốc tế cùng với sự lo ngại suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khiến kinh tế thế giới trì trệ hơn đã tác động mạnh đến thị trường hàng hóa toàn cầu. Nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” trở nên thường trực hơn, nếu các quốc gia không chủ động kiềm chế trong năm 2016. Mặc dù sau khi IMF tuyên bố đưa đồng NDT vào “rổ tiền” có khả năng thanh toán toàn cầu (SDR) ngày 30-11, thì vị thế của đồng NDT được nâng cao và sự tác động tiêu cực của đồng tiền này cũng có phần giảm xuống.

Thắt lưng buộc bụng là chính sách của khu vực Eurozone nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng nợ đã quá kéo dài, nhưng họ đã không thành công như ý muốn, đến mức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barrosco cho rằng: “Tôi nghĩ rằng chính sách này về cơ bản là đúng. Tôi cũng nghĩ rằng nó đã đạt đến giới hạn của nó”. Theo ông M.Barrosco, một chính sách để thành công không chỉ phải được thiết kế đúng cách mà nó phải có điều kiện tối thiểu là hỗ trợ cho chính trị và xã hội. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình trạng phản tác dụng của biện pháp nêu trên chủ yếu là do những nhượng bộ quá mức của các nhà hoạch định chính sách đối với các nước trong những vấn đề như: thanh toán nợ và giảm thâm hụt ngân sách… Hy Lạp đã trở thành quốc gia điển hình về phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà IMF và ECB áp đặt, đến mức Chính phủ nước này phải tổ chức trưng cầu ý dân. Có thể thấy, các biện pháp thắt lưng buộc bụng không thể bị phá bỏ, nhưng chúng phải có liều lượng. Ở thời điểm hiện tại, không khó để chứng kiến cái vòng luẩn quẩn thắt lưng quá mức để rồi tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao ở những nước như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Ở một số nước, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới hơn 50%, doanh thu thuế thấp hơn, các cơ quan xếp hạng thì thi nhau đánh tụt xếp hạng các nước, kết quả một vòng luẩn quẩn nữa lại bắt đầu. Vì thế, các chuyên gia cho rằng sự cân bằng giữa “thắt lưng buộc bụng” với tăng trưởng kinh tế có thể là lời giải của thực tiễn. Vì thế, nhận định cho rằng sự suy giảm hiệu lực của các công cụ tài chính còn có thể tác động mạnh hơn trong năm 2016 là có cơ sở.

Sự bất ổn địa - chính trị gia tăng

Các chuyên gia cũng cảnh báo các rủi ro địa chính trị vẫn là mối đe dọa tiềm tàng đối với xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong năm 2016 như các “điểm nóng” ở Trung Đông, Ukraine, Biển Đông… nhất là ở Trung Đông và Hy Lạp. Khu vực Trung Đông đã trở nên bất ổn do sự nổi dậy của các nhóm khủng bố IS. Dòng người tị nạn đang đổ về châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, nhưng cho đến nay các nhà hoạch định chính sách EU vẫn chưa đưa ra được một giải pháp hữu hiệu nào cho cuộc khủng hoảng này. Khoảng 80% số người di cư đã đặt chân lên Hy Lạp, gây ra những áp lực không nhỏ về mặt kinh tế - xã hội cho một quốc gia vốn đang trong vòng suy thoái.

Điều quan trọng hơn là kinh tế toàn cầu hiện phải đối mặt với những nguy cơ được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ năm 2008. Tình trạng kinh tế “trì trệ trường kỳ” tại các nước phát triển trở nên xấu đi, trong khi các thị trường mới nổi lớn, đi đầu là Trung Quốc, lại đang suy giảm chưa có dấu hiệu chững lại. Tình trạng các nước công nghiệp hóa tăng trưởng ở mức không thỏa đáng khi họ đã áp dụng chính sách tiền tệ ở mức “siêu lỏng”, khiến cho vòng luẩn quẩn toàn cầu xuất hiện: nhịp độ tăng trưởng chậm lại ở các nước công nghiệp hóa tác động xấu tới các thị trường mới nổi và tăng trưởng ở các nước phát triển phương Tây lại càng chậm thêm.

Ngoài ra còn phải kể đến các cuộc cạnh tranh, thậm chí đấu tranh hay “chiến tranh” trên thị trường dầu mỏ thế giới của các “đại gia” dầu mỏ, các cuộc cấm vận lẫn nhau của các cường quốc, và các rào cản kỹ thuật - kinh tế cũng góp phần làm gia tăng các nhân tố tiền an ninh có thể gây bất ổn cho nền kinh tế các khối, các khu vực và toàn cầu năm 2016. Giới chuyên gia cho rằng, FED cần phải sẵn sàng để ngăn chặn khả năng đổ vỡ tài chính toàn cầu có thể dẫn tới suy thoái kinh tế, trong khi các ngân hàng ECB, BOJ cần nhận thức rõ hơn rằng nguy cơ lớn nhất hiện nay là kinh tế tăng trưởng chậm hơn nữa, đồng thời sẵn sàng tung ra các công cụ hữu hiệu để ngăn chặn nó, bởi vào thời điểm lãi suất trái phiếu ở dưới ngưỡng 1% như hiện nay, thì biện pháp nới lỏng định lượng (QE) mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng sẽ khó phát huy hiệu quả.

Cũng theo giới chuyên gia, nhìn tổng thể thì kinh tế toàn cầu vẫn ở giai đoạn cuối của sự “tiêu điều” và đang bước vào giai đoạn “phục hồi”. Vì thế, việc tăng trưởng chậm chạp, thiếu bền vững của nền kinh tế Mỹ, hay sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, và sự yếu ớt của kinh tế EU là điều có thể giải thích được, rằng kinh tế toàn cầu mới thoát khỏi giai đoạn 2 (tiêu điều) và đang bước vào giai đoạn 3 (phục hồi). Tính chất chu kỳ này đã diễn ra trong thực tiễn suốt hơn 50 năm qua và nó đã được dự báo trong học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác Lê-nin.

Như vậy, năm 2015 được đánh giá là năm có những yếu tố tiền an ninh kinh tế có thể làm gia tăng bất ổn kinh tế toàn cầu năm 2016. Tuy nhiên, các tổ chức dự báo kinh tế quốc tế vẫn lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, nhất là các gam mầu sáng đang xuất hiện ở một số nền kinh tế như Mỹ, Đông Nam Á. Tuy nhiên, những tham vọng toàn cầu của các nước lớn vẫn là nhân tố chủ yếu làm gia tăng các yếu tố tiền an ninh. Vì thế, sự kỳ vọng vào sự phục hồi vững chắc và bắt đầu phát triển của kinh tế toàn cầu trong năm 2016 của nhân loại vẫn còn đang ở phía trước./.