Cuba vững bước theo con đường đã lựa chọn
TCCSĐT - Hơn 50 năm qua, Cuba luôn kiên cường, bất khuất, vượt qua mọi khó khăn để đạt được những thành tựu phát triển đất nước. Tuy nhiên, những thành công về kinh tế - xã hội trong thời gian qua chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của đất nước. Do vậy, cùng với việc bảo vệ thành quả cách mạng, Cuba đã và đang từng bước điều chỉnh mô hình kinh tế để tiếp tục vươn lên.
Đổi mới ở Cuba: Sự lựa chọn tất yếu
Từ năm 2011, Cuba bắt đầu thực hiện công cuộc cải cách kinh tế từng bước, với những giải pháp thận trọng để mở cửa một phần nền kinh tế. Trên nguyên tắc, Cuba chỉ bị Mỹ cấm vận và vẫn hợp tác với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, với tốc độ đổi mới thận trọng, thêm vào đó là việc bị Mỹ bao vây, cấm vận, Cuba vẫn phải đối mặt với một số vấn đề khá nghiêm trọng về kinh tế. Năm 2012, sản xuất công nghiệp của nước này chỉ bằng 50% so với trước năm 1989. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, Cuba phải tiêu tốn rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ bên ngoài, trong khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng khác của Cuba ra nước ngoài lại không đáng kể.
Những yếu tố liên quan tới kinh tế đối ngoại của Cuba gặp nhiều khó khăn và bất lợi. Khả năng tiếp cận với nguồn tài chính bên ngoài của Cuba còn rất hạn chế do Cuba không phải là thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Phần lớn các khoản vay nợ mà Cuba nhận được đến từ Trung Quốc, Nga, Bra-xin và Vê-nê-xu-ê-la. Khi các nền kinh tế này gặp khó khăn, không trợ giúp được nhiều cho Cuba. Bên cạnh đó, nền kinh tế Cuba phụ thuộc rất nhiều với bên ngoài, cộng với hệ quả từ cuộc bao vây, cấm vận của Mỹ áp dụng với Cuba hơn 50 năm qua càng làm cho các khó khăn kinh tế Cuba trở nên chồng chất.
Báo cáo của Bộ Thương mại và Đầu tư Cuba, công bố tháng 11-2014 mang tên “Danh mục các cơ hội cho đầu tư nước ngoài” đã thẳng thắn nhìn nhận, tăng trưởng GDP của Cuba từ trước đến nay vẫn ở mức thấp và vừa, thấp hơn mức trung bình của khu vực. Cuba không thể tự mình giải quyết được “ván cờ” khó này và để thay đổi xu hướng trên, Chính phủ Cuba kêu gọi đầu tư nước ngoài. Trong số hơn danh mục 200 dự án đầu tư thì các lĩnh vực mà Cuba kêu gọi đầu tư, chủ yếu tập trung vào ngành năng lượng, du lịch - nghỉ dưỡng và ngành nông nghiệp - thực phẩm.
Đáng chú ý, sau hơn 50 năm chịu cảnh bao vây, cấm vận và phong tỏa từ Mỹ, ngày 17-12-2014, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và Chủ tịch Cuba Ra-un Ca-xtơ-rô đã chính thức tuyên bố khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Điều này rõ ràng có lợi cho cả hai bên. Riêng đối với Cuba, trước mắt, Cuba xác định tận dụng cơ hội bình thường hóa với Mỹ, tập trung cải thiện điều kiện kinh tế trong nước. Về trung và dài hạn, Cuba từng bước vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bằng nội lực, giảm sự phụ thuộc vào viện trợ và vay mượn từ bên ngoài.
Chính sách đổi mới ở Cuba, tuy còn khá thận trọng, nhưng đã phản ánh một xu thế cải cách ở đất nước này, một mặt là do đòi hỏi khách quan của lịch sử cùng với những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới; mặt khác là từ những bài học kinh nghiệm mà Cuba đã học hỏi, tiếp thu từ tiến trình cải cách ở Việt Nam, Trung Quốc thời gian qua. Những bài học đó đã và đang được các nhà lãnh đạo Cuba nghiên cứu, tiếp thu, áp dụng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình nhằm đưa công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên phía trước.
Cuba đang chuyển mình
Những bước đi cải cách dưới thời Chủ tịch Cuba Ra-un Ca-xtơ-rô đã bước đầu tạo những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế Cuba. Năm 2014, Luật đầu tư nước ngoài mới được ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, có khoảng 326 dự án có tổng giá trị 8,2 tỷ USD đã được Chính phủ Cuba lên danh sách để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi Mỹ tuyên bố khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, du lịch là ngành phát triển mạnh mẽ nhất. Theo các số liệu chính thức của chính quyền La Ha-ba-na, nếu như năm 2014, có khoảng 2,8 triệu khách du lịch tới Cuba và lượng du khách này đã đóng góp gần 3 tỷ USD vào GDP của nước này thì trong 6 tháng đầu năm 2015, lượng du khách đến Cuba đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng du khách Mỹ đến Cuba đã tăng hơn 50% trong năm 2015. Các quan chức Mỹ dự kiến trong những năm tới, mỗi năm sẽ có ít nhất một triệu lượt du khách Mỹ đến thăm Cuba. Người châu Âu, nhất là Tây Ban Nha sang Cuba, kết hợp vừa đi du lịch, vừa chữa bệnh ngày một tăng.
Đặc khu kinh tế Ma-ri-en nằm ở phía tây thủ đô La Ha-ba-na hy vọng sẽ trở thành đầu tàu thúc đẩy đầu tư và thương mại Cuba trong 20 - 25 năm tới. Hiện tại đã có khoảng 200 công ty từ hơn 30 quốc gia có ý định đầu tư vào đây. Đa số các công ty quan tâm tới đặc khu này đến từ châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, trong đó nổi bật là Toyota Motor Corp China và Geely Automotive Holdings của Trung Quốc và Hyundai Motor của Hàn Quốc. Tờ báo Le Figaro (Pháp) cũng lưu ý thêm rằng, tại những khu phố cổ của La Ha-ba-na bắt đầu thấy xuất hiện những sản phẩm cao cấp như đồng hồ Longine có đính đá quý, vợt tennis với nhãn mác của Mỹ, các pa-nô, áp phích quảng cáo “Cuộc sống tươi đẹp” của hãng mỹ phẩm Pháp nổi tiếng Lancôme...
Mặc dù ở Cuba vẫn còn tồn tại những nghịch lý về giá - lương - tiền, về chế độ lao động; mức sống của người dân Cuba vẫn chưa được cải thiện nhiều; năm 2015, ngành nông nghiệp Cuba dù đạt tỷ lệ tăng trưởng 3,1% nhưng vẫn thấp hơn 2% so với mục tiêu đề ra;… song, Chính phủ Cuba đã dồn mọi nguồn lực cho giáo dục và y tế nên tuổi thọ của người dân Cuba là tương đối cao, hệ thống giáo dục tốt, các cơ sở y tế chất lượng. Nền giáo dục Cuba được xếp ngang hàng Đan Mạch, y tế của Cuba cũng đứng ngang hàng với những nước phát triển nhất trên thế giới. Cuba là nước đi đầu trong việc chống bệnh ung thư, chống HIV. Trật tự xã hội cơ bản được giữ vững. Kết quả là, kinh tế Cuba đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 4%, trong đó lĩnh vực sản xuất chiếm tỷ trọng 61,1% nền kinh tế, cao hơn so với tỷ lệ 59,3% của năm 2014. Trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng ngày 21-12-2015, Bộ trưởng Kinh tế Cuba M. Mu-ri-lô nhận định, những yếu tố chính dẫn tới mức tăng trưởng vượt bậc này là do chính sách thanh toán và tín dụng nội địa linh hoạt hơn, trong khi nhiều mặt hàng nhập khẩu giảm giá.
Bình thường hóa quan hệ phương Tây - Cuba tiếp tục được đẩy mạnh. Các nước phương Tây gần đây quan tâm đặc biệt đến xu hướng củng cố và cải thiện quan hệ ngoại giao với Cuba, tạo tiền đề tốt đẹp cho những hợp tác kinh tế sau này. Ngày 12-12-2015, Câu lạc bộ Pa-ri thông báo xóa nợ 4 tỷ USD cho Cuba. Theo ước tính của Câu lạc bộ Pa-ri, trong gần 30 năm qua, La Ha-ba-na chậm trễ hoàn lại cho các chủ nợ hơn 6 tỷ USD. Nhưng sau 2 năm đàm phán, các chủ nợ quyết định xóa hẳn khoản nợ này cho Cuba, khoản nợ 2,7 tỷ USD còn lại sẽ được thanh toán trong thời hạn 18 năm. Đáng chú ý, kể từ sau khi Cuba và Mỹ khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 2014, hàng loạt phái đoàn ngoại giao, doanh nghiệp Mỹ đã đến quốc đảo Ca-ri-bê để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma dự kiến trong năm 2016, năm cuối cùng trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, sẽ đến thăm Cuba. Đây là một động thái cho thấy Mỹ quyết tâm đẩy nhanh tiến trình cải thiện quan hệ song phương với Cuba. Quan hệ hai nước được thúc đẩy sẽ tạo điều kiện cho Cuba tranh thủ nguồn lực vốn từ bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục vững bước
Thực tế, khó có thể nắm bắt được nhịp độ mở cửa hay cải cách mô hình kinh tế của Cuba thời gian tới. Nhưng rõ ràng tiến trình đổi mới, cải cách ở Cuba hiện nay là xu thế khách quan, không thể đảo ngược. Tương lai, nhiều nhà phân tích quốc tế cũng kỳ vọng Cuba sẽ là thị trường lớn của khu vực Mỹ La-tinh. Bản thân kinh tế Cuba cũng có nhiều thế mạnh, đó là lực lượng nhân công tay nghề cao, được quan tâm, đào tạo. Cuba có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, cảng nước sâu Ma-ri-en với vị trí đắc địa khi nằm ở trung tâm thương mại khu vực Ca-ri-bê và châu Mỹ, nằm giữa giao lộ của trục Đông - Tây/Bắc - Nam ở Tây bán cầu, thuận lợi cả về vận tải đường biển, hàng không, đang kỳ vọng trở thành trung tâm vận tải hậu cần quan trọng trong vùng Ca-ri- bê. Bên cạnh đó, các khu vực kinh tế trọng yếu của Cuba, như năng lượng, du lịch, chế biến nông sản, công nghệ sinh học đều đã và đang được chính phủ quan tâm phát triển.
Hội đồng Bộ trưởng Cuba cũng đã thông qua Kế hoạch Kinh tế năm 2016, trong đó các nhiệm vụ chính là nâng cao dự trữ trong nước, ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho các hoạt động bảo đảm xuất khẩu và thay thế nhập khẩu, ưu tiên đầu tư mang tính kế tiếp, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tạo ra thu nhập từ bên ngoài, các khu vực hạ tầng cơ sở trọng điểm và các lĩnh vực chiến lược. Năm 2016, Chính phủ Cuba đề ra mục tiêu bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản, chủ yếu là giáo dục và y tế ở mức tương tự như các năm trước và nâng cao tính ổn định của hệ thống cung cấp điện; dự kiến sẽ hoàn thành nhiệm vụ đưa điện tới mọi gia đình vào năm 2017.
Thực tế, đất nước Cuba còn nhiều thiếu thốn, cách quản lý, xây dựng phát triển kinh tế của quốc gia này cũng còn nhiều vấn đề tồn tại. Nhưng rõ ràng, chính quyền của Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô đã quan tâm chăm lo tốt cho đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em và người già, kinh tế đã bắt đầu có tín hiệu khởi sắc. Tháng 4-2016, tại Cuba sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VII. Đại hội sẽ đánh giá kết quả hoàn thành các nghị quyết đề ra trong Đại hội VI (tháng 4-2011), thông qua kế hoạch nhiệm vụ ở giai đoạn tiếp theo. Quan trọng hơn, Đại hội VII của Đảng Cộng sản Cuba sẽ xác định tiếp tục con đường hoàn thiện mô hình kinh tế và xã hội Cuba. Một cuộc thảo luận rộng rãi và dân chủ trong nội bộ Đảng và quần chúng nhân dân về tiến trình “cập nhật hóa mô hình kinh tế” sẽ được tiến hành; những quyết sách sau Đại hội sẽ “làm mới” trên cơ sở tiếp tục khẳng định lý tưởng chủ nghĩa cộng sản mà Đảng và Chính phủ Cuba đã tin tưởng lựa chọn trong hơn nửa thế kỷ qua.
Như vậy, cải cách xã hội, “cập nhật hóa mô hình kinh tế” ở Cuba là điều chỉnh, thay đổi những gì không còn phù hợp để tiếp tục hoàn thiện con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chính sách đổi mới mà chính quyền Cuba đang thực hiện mới ở chặng đường đầu, do vậy, sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là những thách thức trong quản lý, điều hành nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, nhất trí của người dân, với sự quyết tâm và thận trọng của Chính phủ Cuba, cùng sự cổ vũ, ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế, sự nghiệp cách mạng Cuba sẽ tiếp tục vững bước vươn lên./.
Vì sao thị trường chứng khoán toàn cầu rung lắc mạnh  (27/01/2016)
Một số ảnh hưởng của Công giáo đến đời sống văn hóa, tinh thần của giáo dân ở tỉnh Ninh Bình hiện nay  (27/01/2016)
Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ sáu của Đại hội XII  (26/01/2016)
Đại hội XII của Đảng: Hội tụ trí tuệ, sự đoàn kết thống nhất cao  (26/01/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 18-01 đến ngày 24-01-2016)  (26/01/2016)
Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới  (26/01/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển