Kinh tế Việt Nam năm 2015 và một số định hướng cho năm 2016
TCCSĐT - Mặc dù kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn dự báo, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, kinh tế Việt Nam năm 2015 đã đạt được những kết quả nhất định. Đây là tiền đề quan trọng để vững bước phát triển trong năm 2016.
Những nét cơ bản của kinh tế Việt Nam năm 2015
Thứ nhất, về tốc độ tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng GDP năm 2015 đạt khoảng 6,68%, cao nhất trong 5 năm qua, bình quân 5 năm đạt khoảng 5,88%/năm. Quy mô của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 200 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.180 USD. Lạm phát ở mức xấp xỉ 2%. Đây quả là con số đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam. Mức tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi này đã giúp cho nền kinh tế vĩ mô có được sự ổn định - mục tiêu mà Việt Nam theo đuổi trong nhiều năm nay, đặc biệt là sau khi lạm phát lên tới trên 20% trong năm 2008 - năm đầu tiên Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt được những kết quả tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2015 ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,6% so với năm 2013). Tình hình tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt những kết quả tốt hơn so với cùng kỳ, đây là những dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển trong thời gian tới.
Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, giá trị gia tăng tăng khoảng 3%. Sản lượng lương thực tăng ổn định, sản lượng lúa năm 2015 đạt khoảng 44,8 triệu tấn. Các ngành khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản phát triển mạnh. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu có khối lượng đạt thứ hạng cao trên thế giới, như gạo, cà-phê, cao-su, hồ tiêu, hạt điều, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ chế biến...
Khu vực dịch vụ tăng khá. Tổng doanh thu từ khách du lịch tăng cao; khách quốc tế đạt khoảng 7,9 triệu lượt vào năm 2015, gấp gần 1,6 lần so với năm 2010.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra, chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành công nghiệp tuy có tăng nhưng còn chậm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế do sản xuất của một số ngành công nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, nhất là nông sản còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao. Dịch vụ tăng thấp hơn giai đoạn trước, du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ hai, về ổn định kinh tế vĩ mô
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 97% dự toán, cao hơn mục tiêu đề ra. Chi ngân sách nhà nước được điều hành theo hướng chặt chẽ, cắt giảm các khoản chi đã bố trí dự toán nhưng chưa triển khai hoặc chưa thực sự cần thiết; rà soát, sắp xếp lại và thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; hạn chế bổ sung ngoài dự toán và quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách,... Công tác thanh tra tài chính - ngân sách được đẩy mạnh, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm.
Dự kiến đến cuối năm 2015, dư nợ công ở mức 61,3% GDP, nằm trong ngưỡng đã được Quốc hội phê duyệt (1).
Nhưng sự ổn định của kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, thể hiện ở việc cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên tăng nhanh, bội chi còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, quản lý chi tiêu còn chưa chặt chẽ. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí ở một số công trình. Việc xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn. Chưa có tiến bộ đáng kể trong huy động nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư vào phát triển.
Thứ ba, về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội
Năm 2015, mặc dù nền kinh tế có nhiều khó khăn, đã tăng thêm ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội.
Mở rộng đối tượng và nâng mức hỗ trợ người có công. Đến nay, có khoảng 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 còn dưới 4,5%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng lên 12 triệu trong năm 2015.
Đã rà soát, điều chỉnh các chính sách, tiêu chí nông thôn mới phù hợp hơn với đặc thù từng vùng. Đến hết năm 2015, có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 16,8% tổng số xã.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với việc thực thi các chính sách an sinh xã hội khi khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp, hộ nghèo vẫn ở mức cao, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có mặt còn hạn chế... Trong khi chính sách chi ngân sách nhà nước, nhất là các chính sách về xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và một số chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia còn trùng lặp về đối tượng chính sách và nội dung chi.
Thứ tư, về xuất nhập khẩu
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 đạt xấp xỉ 10% so với năm 2014, mặc dù chưa đạt được mức tăng trưởng 10% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra nhưng đây là nỗ lực rất lớn, bởi thị trường thế giới diễn biến phức tạp do kinh tế thế giới chậm hồi phục, giá dầu thô liên tục suy giảm dẫn đến giá cả nhiều mặt hàng khác cũng suy giảm (nông sản, thủy sản...) đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến như: dệt may, giầy dép, đồ gỗ, máy vi tính và linh kiện điện tử... vẫn giữ mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành và chiếm 78,7% trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu chung. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong xuất khẩu đã đóng góp to lớn vào hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế chung của đất nước.
Nhập khẩu hàng hóa phục vụ tích cực cho hoạt động sản xuất, đồng thời, nhập khẩu máy móc thiết bị cũng góp phần tích cực đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng và tăng dần tỷ trọng nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất. Nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu và nhóm hàng cần kiểm soát tiếp tục được kiểm soát tốt. Nhập siêu ở dưới mức chỉ tiêu Quốc hội giao (chỉ tiêu Quốc hội giao là 5%).
Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn chủ yếu dựa trên chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên và gia công xuất khẩu dẫn đến chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là những khâu có giá trị gia tăng cao. Nhập khẩu máy móc thiết bị từ các thị trường công nghệ nguồn còn ít, nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất còn phụ thuộc vào một số thị trường.
Thứ năm, về hội nhập kinh tế quốc tế
Đây là năm mà Việt Nam đạt được kết quả hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện ở việc Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu, kết thúc đám phán thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng và đối tác chiến lược của nhiều quốc gia và khu vực, đặc biệt là những đối tác lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…. hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đứng ở vị trí cao trên thế giới, như: gạo, cà-phê, tiêu…
Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng bộc lộ những thiếu sót cần khắc phục, đặc biệt là sức cạnh tranh yếu trên cả 3 cấp độ: nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm, trong khi năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu về hội nhập.
Thứ sáu, về thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng
Quá trình này đã đạt được một số kết quả sau: Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, trong đó đầu tư công còn khoảng 30%. Nợ xấu đã giảm xuống còn 2,9% (tháng 9-2015); đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; dư nợ tín dụng năm 2015 tăng 17%. Năm 2015 cổ phần hóa được 200/289 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều đạt hiệu quả sản xuất - kinh doanh tốt hơn. Lĩnh vực nông nghiệp đã được tổ chức lại sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Nhưng bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đặt ra. Hệ thống tín dụng vẫn còn nghẽn. Cơ chế hoạt động của Công ty Quản lý của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thiếu minh bạch, thiếu nguồn lực dẫn đến hoạt động không hiệu quả. Cơ cấu lại đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãnh phí. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp chỉ cổ phần hóa hình thức do lượng cổ phần bán cho tư nhân rất nhỏ, hoặc không có nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp. Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm và kết quả đạt được chưa đồng đều, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Một số định hướng cho năm 2016
Thứ nhất, tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thông qua điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.
Thứ hai, thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Nâng cao vai trò quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, thực hiện cơ cấu chi ngân sách nhà nước vững chắc theo hướng điều chỉnh giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển với lộ trình phù hợp, kết hợp với điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thu hút mạnh mẽ sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Thứ tư, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, chú trọng phát triển chiều sâu. Tập trung nâng cao hiệu quả và tập trung nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu. Đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; bán hết phần vốn trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu.
Thứ năm, ưu tiên nguồn lực tài chính thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển, bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Trong nông nghiệp, cần tập trung vào nâng cao giá trị sản phẩm thay vì chạy theo số lượng. Sớm hình thành các vùng với những sản phẩm tiêu biểu, có thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển theo hướng sản xuất lớn./.
--------------------------------------
(1) Theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, ngày 08-11-2011 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015: “Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP”.
Bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ là nhiệm vụ thiêng liêng của người lính Biên phòng  (31/12/2015)
Thủ tướng Chính phủ công nhận Cô Tô đạt chuẩn huyện Nông thôn mới  (31/12/2015)
Thủ tướng Chính phủ công nhận Cô Tô đạt chuẩn huyện Nông thôn mới  (31/12/2015)
Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định hội nhập kinh tế toàn cầu  (31/12/2015)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay