Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21-12 đến ngày 27-12-2015)
EU và Trung Á chú trọng hợp tác kinh tế
Ngày 21-12-2015, cuộc gặp Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) - Trung Á lần thứ 11 đã được tổ chức ở thủ đô Astana của Kazakhstan nhằm thảo luận một loạt vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Trong phiên họp toàn thể, đại diện EU và các quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan) đã trao đổi quan điểm về việc cập nhật Chiến lược EU đối với Trung Á, hợp tác giữa EU và Trung Á trong quản lý biên giới, giáo dục, kinh tế, đầu tư và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các đại diện đặc biệt tập trung vào vấn đề hợp tác an ninh khu vực và những chủ đề như phối hợp các nỗ lực chống khủng bố, vấn đề di cư trái phép, buôn bán ma túy,...
Thông cáo chung được đưa ra sau Hội nghị nêu rõ vấn đề kinh tế vẫn là trọng tâm của các cuộc thảo luận. Theo đó, Ngoại trưởng các nước hoan nghênh mối quan hệ chặt chẽ giữa EU và Trung Á trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đồng thời nhất trí cần tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế hai bên cùng có lợi. EU và Trung Á cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “nguyên tắc minh bạch và quy định quản lý để thiết lập môi trường đầu tư hấp dẫn tại khu vực Trung Á”. Bên cạnh đó, các bên đều nhất trí ủng hộ hoạt động của EU tại Trung Á và quyết định tăng lên đến 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD) cho các chương trình hỗ trợ tài chính giai đoạn từ năm 2014 - 2020. Thông cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận mới của EU, trong đó không chỉ hỗ trợ tài chính đa phương, mà còn hỗ trợ từ phía các quốc gia thành viên riêng rẽ của EU và sự tham gia tích cực của các định chế tài chính châu Âu. Ngoài ra, các bên tham gia cuộc gặp cũng cam kết hợp tác giữa EU và Trung Á cần phải chú trọng hơn nữa vào kết quả khi kết hợp giữa tiêu chí đa phương với cách tiếp cận song phương, sao cho phản ánh được đặc thù của từng quốc gia Trung Á.
Hơn 1 triệu người di cư đến châu Âu trong năm 2015
Người tị nạn và di cư đợi để qua biên giới Hy lạp - Macedonia ngày 04-12. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22-12-2015, theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), sự bức hại, tình trạng nghèo đói, xung đột chính trị là yếu tố khiến hơn 1 triệu người di cư và tị nạn chạy trốn đến châu Âu. Tính đến ngày 21-12-2015, hơn 972.000 người đã phải trải qua hành trình nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải để đến những miền đất hứa, trong khi 34.000 người khác lựa chọn đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Bulgaria và Hy Lạp. Thống kê cho thấy Hy Lạp là một trong 6 nước tiếp nhận lượng người tị nạn lớn nhất, khoảng 821.000 người, chiếm 80%. Italy cũng là đích đến của 150.000 người di cư vượt biển. Bulgaria tiếp nhận gần 30.000 người, trong khi đó Tây Ban Nha đón tiếp hơn 3.800 người. UNHCR cho biết cuộc nội chiến tại Syria là nguyên nhân làm bùng phát cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu trầm trọng nhất kể từ những năm 90 của thế kỷ trước khi hơn một nửa số người di cư và tị nạn đến từ Syria.
Người đứng đầu IOM William Lacy Swing nhận định số người di cư và tị nạn trên chưa tính tới 4.000 người bị mất tích và chết đuối khi đang trên hành trình vượt biển. Theo ông, tình trạng này là khó tránh khỏi, đặt ra thách thức buộc các nước châu Âu phải hành động, bảo đảm sự an toàn cũng như thể hiện thiện chí sẵn sàng tiếp nhận người di cư. IOM cũng cho rằng rất khó để ước đoán số người tị nạn và di cư tới châu Âu vào năm 2016 khi mà các bên chưa tìm ra biện pháp giải quyết cuộc nội chiến Syria, trong khi nhiều nước châu Âu vẫn siết chặt an ninh tại biên giới.
Tình trạng khói mù tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc
Khói mù bao phủ thủ đô Bắc Kinh ngày 22-12. Ảnh: AFP/TTXVN
Tính đến ngày 23-12-2015, khoảng 50 thành phố ở miền Bắc và Đông Trung Quốc đã ban bố báo động các mức khác nhau về ô nhiễm không khí trong đợt khói mù xảy ra gần đây.
Tại miền Đông Trung Quốc, tỉnh Sơn Đông đã ban bố báo động đỏ đầu tiên tại 4 thành phố, sau khi cảnh báo mật độ PM2.5 sẽ vượt quá 400 microgram/m³ trong hơn 24h. Báo động này có hiệu lực vào sáng 24-12, theo đó hạn chế các xe cộ trên đường, cấm đốt pháo hoa và nấu nướng ngoài trời. Tất cả các công trường xây dựng sẽ phải ngừng hoạt động, người dân được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời và dự kiến nhiều trường học phải tạm đóng cửa. Tại tỉnh An Huy cũng ở miền Đông, với 5 thành phố có chỉ số chất lượng không khí trên 200 kể từ ngày 22-12, đã ra cảnh báo màu xanh. Trong khi đó, 36 thành phố và quận huyện ở tỉnh này đã tự phát cảnh báo màu vàng. Trong khi đó, giới chức địa phương tỉnh miền Trung Hà Bắc cho biết các thành phố tại tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm phát tán từ khu vực phía Bắc nước này. Trước đó, trưa 22-12, khu vực Hà Bắc - nơi tập trung 6 trong 10 thành phố “ô nhiễm nhất” Trung Quốc trong tháng 11 - đã ban bố mức cảnh báo đỏ, trong khi Thiên Tân lần đầu tiên có động thái tương tự với lệnh báo động kéo dài đến sáng 24-12.
Không khí giáng sinh 2015 tại một số nước trên thế giới
Cuộc thi chạy của các ông già tuyết ở Moscow. Ảnh: AP
Các hoạt động chào đón Lễ Giáng sinh đang diễn ra rất nhộn nhịp ở nhiều thành phố trên thế giới. Tại Mỹ, hơn 3.000 người tại bang Kansas đã tập trung trong trận đấu bóng rổ để lập nên một kỷ lục Guinness khá thú vị - kỷ lục thế giới về số lượng người mặc áo len có chủ đề lễ Giáng sinh đông nhất. Còn ở Nga, hơn 1.000 ông già Noel đã tham gia vào cuộc chạy thi ở Thủ đô Moscow nhằm mục đích quyên góp tiền cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Giáng sinh ở Australia năm nay thời tiết rất nóng, nhiệt độ tăng cao ở nhiều bang, có khi lên tới 38°C. Tại châu Phi, trong mùa Giáng sinh năm nay, phần lớn người dân ở châu Phi đang phải đối diện với nhiều khó khăn như đói nghèo, xung đột vũ trang, khủng bố... Vì vậy, không khi Giáng Sinh ở châu Phi nói chung và đất nước Nam Phi nói riêng giản dị, ấm cúng và khiêm tốn, nhưng cũng mang cho đến du khách nhiều cảm xúc mới lạ và thú vị.
Trong khi đó, không khí Giáng sinh năm nay tại một số nước lại bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo ngại khủng bố. Kinh đô hoa lệ Paris (Pháp) trầm lắng hơn khi số khách du lịch giảm, nhiều hoạt động kiểm tra an ninh mới được áp dụng tại các địa điểm tập trung đông người như nhà thờ hay các trung tâm mua sắm. Ngay cả ở Trung Quốc, đại sứ quán Anh và Mỹ cảnh báo nguy cơ tấn công nhằm vào người nước ngoài tại đây. Tại Somalia, giới chức tôn giáo thậm chí còn hủy toàn bộ hoạt động mừng Giáng sinh do lo ngại nguy cơ khủng bố từ nhóm khủng bố Shebab có liên hệ với mạng lưới Al-Qaeda.
Nga và Ấn Độ ra tuyên bố chung về các vấn đề quốc tế
Tổng thống Nga Vladimir
Putin (phải) có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến
thăm Nga, ngày 23-12. Ảnh: AFP/TTXVN
Chiều 24-12-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra tuyên bố chung Nga - Ấn Độ: “Mối quan hệ tin tưởng hướng tới những chân trời hợp tác mới”. Tuyên bố chung nêu rõ Nga và Ấn Độ kiên quyết bày tỏ ủng hộ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Nga và Ấn Độ cũng bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ nhân dân và Chính phủ Iraq trong nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Về tình hình ở Ukraine, Nga và Ấn Độ hoan nghênh các tiến bộ đạt được trong lĩnh vực an ninh, bao gồm việc tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Đông Nam Ukraine, cũng như việc ký thỏa thuận rút vũ khí hạng nhẹ (cỡ nòng nhỏ hơn 100mm) khỏi đường giới tuyến giữa các bên.
Trước sự chứng kiến của lãnh đạo 2 nước, Nga và Ấn Độ đã ký 15 văn kiện, trong đó có 2 nghị định thư sửa đổi thỏa thuận về đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh. Hai bên cũng ký 4 hiệp định và 6 biên bản ghi nhớ. Tổng thống V. Putin cũng cho biết Nga và Ấn Độ đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Ông thông báo việc bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa đối hạm phục vụ cho Hải quân Ấn Độ. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận dự án phát triển tiêm kích đa năng và máy bay vận tải đa năng. Về phần mình, Thủ tướng N. Modi cho biết New Delhi và Moskva đã “đặt nền tảng cho đường hướng tương lai quan hệ đối tác chiến lược”.
Nhật Bản - Hàn Quốc đạt thỏa thuận về xử lý vấn đề “phụ nữ mua vui” trong chiến tranh
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun
Byung-Se (phải) và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc họp báo
sau hội đàm giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Ngày 28-12-2015, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận về vấn đề phụ nữ bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo đó, phía Nhật Bản đồng ý nhận trách nhiệm và cam kết đóng góp 1 tỷ yen (khoảng 8,3 triệu USD) vào một quỹ được lập để hỗ trợ các nạn nhân. Phía Hàn Quốc cam kết chấm dứt cuộc tranh cãi này nếu phía Nhật Bản hoàn tất các trách nhiệm của mình. Ước tính có hơn 200.000 phụ nữ, phần đông là phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên, đã bị ép buộc phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Việc giải quyết vấn đề này đang trở nên cấp bách do nhiều nạn nhân đã qua đời. Trong năm 2007, ở Hàn Quốc có hơn 120 nạn nhân còn sống nhưng đến nay đã giảm xuống chỉ còn 46 người với độ tuổi trung bình là 90.
Các lãnh đạo hai nước và Trung Quốc đã hoan nghênh kết quả này. Phát biểu với báo giới sau cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng thỏa thuận trên báo hiệu một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ song phương và cả hai nước sẽ hợp tác để mở ra kỷ nguyên này. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye bày tỏ hy vọng kết quả của các cuộc đàm phán có thể được thực thi và thỏa thuận vừa đạt được sẽ đánh dấu sự khởi đầu mới cho quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản. Về phía Trung Quốc, trong cuộc họp báo hằng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng bày tỏ hy vọng sự cải thiện trong quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đóng góp vào sự phát triển và ổn định trong khu vực. Cũng trong ngày 28-12, Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Susan Rice cho biết Mỹ hoan nghênh thỏa thuận trên; đồng thời tin tưởng rằng đây là động thái quan trọng của việc hàn gắn và hòa giải giữa hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc./.
Đồng Tháp sau 2 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp  (30/12/2015)
Đại biểu Quốc hội phải là người có uy tín, trách nhiệm cao  (29/12/2015)
Chủ tịch nước dự và chỉ đạo tại Hội nghị Công an toàn quốc  (29/12/2015)
Chính phủ chốt nợ văn bản pháp luật đến hết quý I năm 2016  (29/12/2015)
Một số chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 01-2016  (29/12/2015)
Chủ quyền đối với khu vực Bu Prăng: Vấn đề không cần tranh cãi  (29/12/2015)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay