Đồng Tháp sau 2 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Lê Minh Hoan Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp
23:25, ngày 30-12-2015

TCCS - Là tỉnh thuần nông, muốn phát huy tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp, năm 2013 Đồng Tháp đã chọn cơ cấu lại ngành nông nghiệp làm một trong ba khâu đột phá cho phát triển kinh tế. Để thực hiện thành công khâu đột phá này, Đồng Tháp tiếp tục chọn những bước đi hợp lý, phù hợp với thực tiễn và cần sự hỗ trợ nhiều về cơ chế từ Trung ương.

Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Một sự lựa chọn tối ưu

Là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm qua ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã có bước phát triển khá nhanh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhưng sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, như quy mô sản xuất chạm ngưỡng; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản tương đối thấp; tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu theo chiều rộng nhờ vào tăng diện tích, tăng vụ, mức độ thâm dụng các vật tư cho sản xuất và chi phí lao động rẻ... Trước thực trạng trên, Đồng Tháp đã lựa chọn cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chủ động tổ chức lại sản xuất. Đây được xem là giải pháp khả thi nhất nhằm hướng đến mục tiêu chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp được tổ chức lại theo chuỗi ngành hàng gắn với vai trò dẫn dắt của thị trường.

Đồng Tháp đã và đang triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” bằng những mục tiêu đưa ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình sản xuất thực hành tốt (GAP), triển khai kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm góp phần tạo dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; hình thành vùng liên kết trong sản xuất để bảo đảm cân đối cung - cầu; nỗ lực thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn... dựa trên quan điểm “Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp” cùng với định hướng “Hợp tác - liên kết - thị trường” và yêu cầu “Giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đa dạng hóa nông sản chế biến”.

Thông qua hoạt động tuyên truyền của các cơ quan thông tấn báo chí, các sở, ban, ngành, các cơ quan đoàn thể và hội nghề nghiệp của tỉnh Đồng Tháp phổ biến sâu rộng nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cán bộ quản lý hợp tác xã và nông dân. Đến nay, tỉnh đã phát hành 5.000 sổ tay tuyên truyền về Đề án, mở 36 lớp tập huấn cho khoảng 3.300 cán bộ, viên chức ngành nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và nông dân; xây dựng 144 panô tuyên truyền, phát hành 5.000 tờ rơi, xây dựng chuyên mục trên Đài Truyền hình Đồng Tháp về “Tái cơ cấu nông nghiệp” với lịch phát sóng hằng tuần. Hiện tỉnh đang xây dựng “Sổ tay thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp” cho nông dân, trang tin điện tử về cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp khởi sắc sau 2 năm thực hiện cơ cấu lại

Đối với 5 ngành hàng có lợi thế, khả năng cạnh tranh và thị trường, tỉnh đã thực hiện tạo ra những vùng chuyên canh, nâng cao giá trị gia tăng của các ngành hàng. Về lúa gạo, 100% diện tích đất sản xuất được áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất, 22%: sử dụng công cụ sạ hàng, 78%: phun thuốc bằng máy, 83%: chủ động bơm tưới, đặc biệt có 99%: thu hoạch bằng máy, giúp tiết kiệm chi phí được 4,3 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, khâu phơi sấy tiết kiệm 90.000 đồng/tấn lúa, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ giảm 600 - 700đ/kg giá thành. Ngành hàng xoài đã hình thành mô hình canh tác an toàn, sản xuất rải vụ trên tổng diện tích 50ha, hỗ trợ 40% chi phí bao quả xoài cho 100ha, tiết kiệm 6 - 8 lần phun thuốc với giá trị 5,6 triệu đồng/ha. Ngành hàng hoa cảnh xây dựng được Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tổng vốn đầu tư 33,6 tỷ đồng, từng bước hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao và xây dựng kết cấu hạ tầng cho làng hoa cảnh Sa Đéc gắn với tham quan du lịch. Ngành hàng cá tra đã tổ chức đăng ký xác nhận vùng nuôi cho 249 hồ sơ nuôi cá thương phẩm trên tổng diện tích 812,7ha, sản lượng 308.503 tấn. Thực hành mô hình GAP trên 65,3% diện tích. Phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi vịt an toàn, thu hẹp vịt chạy đồng theo mô hình “2 lúa, 1 vịt”, đẩy mạnh củng cố mạng lưới thú y cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản lý, giám sát dịch bệnh tại địa phương.

Thực hiện tổ chức lại sản xuất. Năm 2014 toàn tỉnh triển khai xây dựng nhiều cánh đồng liên kết trên tổng diện tích 86.630ha, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015 tỉnh đã triển khai xây dựng thêm 62.272ha. Hiệu quả sản xuất của mô hình này giảm được giá thành sản xuất lúa khoảng 700 đồng/kg, lợi nhuận thu về khoảng 23 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn từ 4 - 5 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất nhỏ lẻ). Tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi hợp tác xã, củng cố, phát triển 14 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp bồi dưỡng kiến thức cho 47 cán bộ hợp tác xã; tổ chức 47 lớp dạy nghề nông thôn cho 1.222 nông dân. Ngoài ra tỉnh còn cụ thể hóa các chính sách khuyến khích hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng liên kết trên địa bàn; tổ chức thí điểm các hình thức liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân, doanh nghiệp - trang trại nông nghiệp; xây dựng mô hình “Chi bộ đảng”, “Hội Nông dân” trong cánh đồng liên kết. Hỗ trợ xúc tiến thương mại và khuyến khích sản xuất các sản phẩn nông nghiệp chuyên sâu.

Trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, tính đến tháng 6-2015, tỉnh thực hiện hoàn thành 45 trạm bơm điện phục vụ cho 6.012ha đồng ruộng, nâng tổng số lên đến 989 trạm, diện tích phục vụ tưới, tiêu cho 178.360ha/216.868ha diện tích đất canh tác. Bằng nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí và vốn hỗ trợ đất trồng lúa, tỉnh đầu tư xây dựng 657 công trình thủy lợi với chiều dài 539,3km, khối lượng đào đắp 2,16 triệu m3.

Tỉnh thực hiện triển khai các chính sách hỗ trợ vốn phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp qua cho vay thí điểm 2 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cá tra và lúa gạo. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá đã được giải ngân trên 1.178 tỷ trong tổng vốn đầu tư 1.407 tỷ đồng và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại xuất nhập khẩu Lộc Anh đang triển khai thí điểm mô hình chuỗi sản xuất lúa gạo với nguồn vốn vay 102 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư 980 tỷ đồng tại 3 hợp tác xã Tân Tiến, Tân Cường và Phú Bình của huyện Tam Nông với diện tích 1.730ha. Việc thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân khi vay vốn thuê đất, tăng quy mô sản xuất nông nghiệp trên 3ha và san bằng mặt ruộng, đã được triển khai tại 3 hợp tác xã trên bước đầu có 28 hộ tham gia với tổng diện tích mở rộng 126,2 ha, mô hình trang trại sản xuất lớn 120ha ở xã Phú Cường (huyện Tam Nông) và mô hình hợp tác xã thuê đất mở rộng quy mô sản xuất 100ha ở xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười).

Công tác hợp tác phát triển và thu hút đầu tư rất được chú trọng trong thời gian qua. Tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Phát triển nông nghiệp, nông thôn Hàn Quốc cho thực hiện dự án “Hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn” có quy mô 28.000ha, hiện đang xúc tiến lập, đề xuất dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Chính Phủ; với Quỹ Thương mại bền vững IDH của Hà Lan về “Hỗ trợ hợp tác kỹ thuật, quy hoạch, chuỗi liên kết phát triển cá tra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”. Được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Tháp” trong phát triển lúa gạo bền vững và dự án “Phát triển nông thôn tổng hợp nhằm cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tỉnh đã tổ chức triển khai dự án hợp tác đầu tư nghiên cứu sản xuất hoa cảnh với Hà Lan; Chương trình hợp tác với FAO; đang xây dựng chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt...

Để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành công

Kết quả đạt được trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp vừa qua mới chỉ là những bước đi đầu tiên, còn rất nhiều việc phải làm, nhiều giai đoạn phải trải qua, kiên trì theo đuổi mục tiêu dài hạn nhưng phải linh hoạt trong từng giai đoạn ngắn hạn. Để tiếp tục thực hiện thành công Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Đồng Tháp cần thực hiện tốt 2 vấn đề cơ bản sau đây:

1- Phát triển hợp tác xã nông nghiệp là khâu đột phá cho cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong nông nghiệp, hợp tác xã phải được xem là cơ sở của nền sản xuất quy mô lớn, cầu nối tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp, động lực của cơ cấu lại. Một khi xác định đúng vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hợp tác xã trong tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp thì chúng ta mới có cách ứng xử phù hợp. Nếu chỉ xem hợp tác xã như một loại hình doanh nghiệp hoạt động đơn thuần theo quy luật thị trường thì sự hỗ trợ sẽ chỉ dừng lại ở chừng mực nhất định. Ngược lại, khi xem hợp tác xã hoạt động không chỉ theo đuổi mục đích lợi nhuận, mà chính là đem lại lợi ích cho người nông dân thì chúng ta mạnh dạn hơn trong việc hỗ trợ để giúp cho hợp tác xã hoạt động đủ mạnh, đủ kích thích tính tự nguyện hợp tác trong người nông dân. Từ hợp tác xã hoạt động đơn dịch vụ tưới tiêu phát triển thành đa dịch vụ, như cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, tồn trữ, bảo quản, chế biến..., rất cần những cơ chế, chính sách đủ mạnh để họ đầu tư “đường dài” ngoài những chính sách hỗ trợ theo mùa vụ cho từng hộ sản xuất.

2- Xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Để trở thành đội ngũ chuyên nghiệp, nông dân cần có trình độ, kỹ năng, tư duy nhất định. Mục tiêu này có thể được thực hiện thông qua định hướng phân bố lại lao động nông thôn bằng các chương trình đào tạo nghề, xúc tiến việc làm, hợp tác lao động trong và ngoài nước... Nhưng hơn hết, việc xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp rất cần đến môi trường hoạt động chuyên nghiệp do Nhà nước khởi xướng và hỗ trợ, mà mô hình “Liên kết bốn nhà” là một trong những cách thức để khởi tạo môi trường hoạt động chuyên nghiệp. Môi trường chuyên nghiệp cũng có thể được hình thành khi ruộng đất được tích tụ để phục vụ cho mục đích sản xuất trên quy mô lớn, khi thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể hơn, đây là một tiến trình xây dựng tinh thần nông dân. Đó là thái độ tự chủ, tính hợp tác làm ăn trong xã hội nông thôn. Hiện Đồng Tháp đang thí điểm mô hình “Tổ chức đảng, các đoàn thể trên cánh đồng liên kết”, nhất là tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho Hội Nông dân tiếp cận và sinh hoạt theo không gian của từng cánh đồng lớn.

Trước mắt, Đồng Tháp sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm tạo sự thông suốt và đồng thuận trong các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, nhất là đối với nông dân.

Hai là, tăng cường hỗ trợ phát triển 5 ngành hàng chủ lực. Trong đó, nhanh chóng tập trung hoàn thiện đề án chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và cá tra, triển khai xây dựng đề án chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng, xoài.

Ba là, củng cố, phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các hợp tác xã. Tập trung vào công tác đào tạo cán bộ hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng nông thôn mới, triển khai các mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại các huyện Châu Thành, Tam Nông và Tháp Mười. Thực hiện thí điểm các mô hình đổi mới thể chế, tổ chức sản xuất nông nghiệp và chính sách nông nghiệp, trong đó tập trung vào công tác nâng cao năng lực của cán bộ nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và nông dân, đồng thời triển khai mô hình thí điểm thành lập Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, các chính sách thí điểm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Bốn là, xây dựng các mô hình giảm giá thành nông sản, nhất là đối với lúa gạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp. Xác định các mô hình điểm hợp tác xã để tập trung triển khai thực hiện Đề án, làm cơ sở tổng kết, đánh giá để nhân rộng.

Năm là, đẩy mạnh công tác kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư, xúc tiến thương mại thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tập trung triển khai nhanh chóng các nội dung của chương trình hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, tổ chức FAO, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác.

Trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Đồng Tháp nói riêng, các tỉnh có lợi thế phát triển nông nghiệp nói chung rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ một số cơ chế, chính sách:

- Điều chỉnh chính sách trong đầu tư công theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm như vùng đồng bằng sông Cửu Long; ưu tiên đầu tư khoa học - công nghệ đối với các ngành hàng chủ lực, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản; ưu tiên cho đầu tư phát triển thị trường nông sản.

- Các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại nợ đối với những doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, thủy sản.

- Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15-12-2014, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020. /.