Thông qua dự thảo luật Dân sự sửa đổi và bầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc sáng 24-11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết Bộ luật dân sự (sửa đổi) |
Thông qua dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
Với gần 88% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) gồm 3 chương 56 điều.
Nội quy quy định: Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp giữa năm khai mạc vào ngày 20-5; kỳ họp cuối năm khai mạc vào ngày 20-10. Trường hợp ngày 20-5 và ngày 20-10 trùng vào ngày thứ Sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp là ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp vào các thời điểm nêu trên thì ngày khai mạc kỳ họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước quyết định chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội.
Ngày khai mạc kỳ họp cuối nhiệm kỳ và kỳ họp bất thường của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Chủ tịch Quốc hội khai mạc và bế mạc kỳ họp. Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa trước khai mạc kỳ họp.
Trước khi Chủ tịch Quốc hội khai mạc và sau khi Chủ tịch Quốc hội bế mạc kỳ họp, Quốc hội làm lễ chào cờ. Tại lễ chào cờ, quân nhạc cử Quốc thiều, đại biểu Quốc hội và những người tham dự hát Quốc ca.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cho biết, tuyên thệ là vấn đề mới được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, theo đó ngay sau khi được bầu thì Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải thực hiện việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung một điều mới (Điều 29) quy định về việc người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao, người tuyên thệ phải đứng tuyên thệ trước Quốc kỳ, thời gian tuyên thệ không quá ba phút như trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Về chất vấn tại phiên họp toàn thể, Nội quy quy định phiên họp chất vấn được tiến hành theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân. Mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá hai phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu không quá năm phút. Trường hợp cần thiết, Chủ tọa quyết định việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn. Chủ tọa có quyền nhắc trong trường hợp đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không đúng nội dung phiên chất vấn hoặc quá thời gian quy định, người bị chất vấn trả lời không đúng trọng tâm chất vấn của đại biểu Quốc hội hoặc quá thời gian quy định.
Hơn 88% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 07/2002/QH11 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 16-12-2002.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01-01-2016.
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2017
Trong phiên họp sáng 24-11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với 86,84% đại biểu Quốc hội tán thành.
Với 6 phần, 27 chương, 689 điều, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự: Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện quyền dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của mình một cách thiện chí, trung thực. Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Về chuyển đổi giới tính (Điều 37), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định trong Bộ luật Dân sự việc Nhà nước công nhận quyền chuyển đổi giới tính. Một số ý kiến tán thành với dự thảo theo hướng việc chuyển đổi giới tính sẽ được thực hiện theo quy định của luật; có ý kiến đề nghị việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cung cấp thêm thông tin về thực tiễn và nhu cầu chuyển đổi giới tính để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác. Pháp luật Việt Nam cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.
Với tinh thần đó, trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tách quy định về chuyển đổi giới tính thành một Điều và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".
Về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (các điều 23, 46, 57, 58, 59), dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bổ sung một điều mới (Điều 23) quy định về năng lực hành vi của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Qua thảo luận, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành cần quy định cơ chế bảo vệ người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 23). Tuy nhiên, cần chỉnh lý lại quy định về cơ chế giám hộ đối với đối tượng này cho khả thi và phù hợp với mức độ khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của họ. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định năng lực hành vi của đối tượng này vì cho rằng, việc quy định thêm đối tượng này nhưng chưa rõ về tiêu chí xác định, cơ chế giám hộ và mức độ hạn chế, sự tham gia của những người này trong các quan hệ dân sự sẽ làm phát sinh những phức tạp trong xã hội.
Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 203/366 phiếu tán thành loại ý kiến thứ nhất. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong Bộ luật Dân sự, đồng thời chỉnh sửa lại các quy định của dự thảo Bộ luật Dân sự về cơ chế giám hộ đối với người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho khả thi hơn, phù hợp với thực tiễn tại các điều 46, 57, 58, 59.
Về lãi suất (Điều 468), qua thảo luận có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. Loại ý kiến thứ hai tán thành sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của Bộ luật Dân sự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về mức lãi suất tối đa; kết quả 278/366 phiếu tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự tối đa là 20%/năm của khoản tiền vay.
Trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội và chỉnh lý nội dung này tại khoản 1 Điều 468 cho bảo đảm tính khái quát, khả thi như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".
Do khoản 1 Điều 468 đã được chỉnh lý như trên theo hướng không sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều 468 về mức lãi suất ấn định trong hợp đồng vay có lãi nhưng các bên không có thỏa thuận rõ về lãi suất dẫn đến tranh chấp như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2017, thay thế Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11.
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Với đa số đại biểu Quốc hội có mặt tại Hội trường tán thành, chiều 24-11, Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Trước đó, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia; bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia; nghe tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia; tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng Thư ký Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Báo cáo cho thấy, 63 đoàn đại biểu Quốc hội đều nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giới thiệu đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Có 1 ý kiến đề nghị báo cáo thêm những người tham gia Hội đồng Bầu cử Quốc gia có được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV hay không.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân không quy định thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia không được ứng cử đại biểu Quốc hội.
Chỉ có Điều 27 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân quy định “Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử”.
Như vậy thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia mà đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội thì vẫn được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Ngay sau đó, với 91,70% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua danh sách để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia là đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách thành viên Ban kiểm phiếu. Danh sách Ban kiểm phiếu gồm 21 thành viên do đồng chí Huỳnh Văn Tí (đoàn Bình Thuận) là trưởng ban. 100% đại biểu Quốc hội có mặt đã nhất trí thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu.
Trưởng Ban kiểm phiếu đã phổ biến thể lệ bỏ phiếu. Sau đó, Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Kết quả với đa số phiếu tán thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được bầu là Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Các Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia gồm các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia gồm 16 đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội; Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng; Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng thư ký Quốc hội.
Tờ trình nêu rõ: Căn cứ Điều 98 và 99 của Luật Tổ chức Quốc hội quy định Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Thực hiện các quy định nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp để Quốc hội bầu giữ chức vụ Tổng Thư ký Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Sau đó, các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận về: đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; dự kiến nhân sự Tổng Thư ký Quốc hội.
Ngày mai 25-11, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình./.
Chủ tịch nước gửi Điện chia buồn cựu Tổng thống Hàn Quốc qua đời  (24/11/2015)
Tập huấn phòng chống tác hại của thuốc lá và đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế  (24/11/2015)
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Hồng Thanh tiếp và làm việc với đoàn công tác Liên hiệp Công đoàn Belarus  (24/11/2015)
Hội thảo “Vai trò hợp tác xã trong Chương trình xây dựng nông thôn mới”  (24/11/2015)
Phó Chủ tịch nước tiếp Đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn Belarus  (24/11/2015)
Việt Nam trao quà cho trung tâm phụ nữ khuyết tật của Lào  (24/11/2015)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay