TCCSĐT- Ngày 24-11-2015, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.


Tham dự hội nghị có hơn 120 đại biểu đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quỹ Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, thành phố Cần Thơ và các cán bộ Mặt trận Tổ quốc, cán bộ y tế cơ sở.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết: Hội nghị này nằm trong khuôn khổ Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2013 - 2016 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế. Hội nghị nhằm trang bị cho lãnh đạo, cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp những nội dung cơ bản về tác hại của việc sử dụng thuốc lá và các quy định về xây dựng môi trường không khói thuốc lá, giúp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong cộng đồng để thực thi tốt Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, ngăn ngừa và giảm tỷ lệ hút thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hội nghị cũng phổ biến những nội dung cơ bản trong Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-BYT, ngày 04-6-2015, của Bộ Y tế về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử thân thiện, nâng cao tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế các cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế Việt Nam.

Theo số liệu Quỹ Quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế, Việt Nam là một trong số 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Khoảng 50% số người thường xuyên hút thuốc lá bị chết ở độ tuổi trung niên. Năm 2012, người dân Việt Nam đã chi khoảng 22 nghìn tỷ đồng cho việc mua thuốc lá, tốn hơn 23 nghìn tỷ đồng cho chi phí điều trị và những tổn thất do ốm đau, mất khả năng lao động, tử vong sớm vì các bệnh ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do hút thuốc gây ra.

Hội nghị tập trung trao đổi các nội dung về những tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động; tổn thất kinh tế - xã hội của việc hút thuốc lá; tình hình sử dụng thuốc lá và công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam thời gian qua; các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại cơ quan, nơi công cộng, cộng đồng dân cư;…

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian phổ biến, trao đổi Kế hoạch của Bộ Y tế về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Nhằm đạt mục đích củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân đối với ngành y tế, Hội nghị thống nhất trong thời gian tới, các cơ sở y tế cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế theo tài liệu mẫu do Bộ Y tế biên soạn và kế hoạch cụ thể của từng đơn vị trong ngành y tế.

- Thành lập các đơn vị chăm sóc “khách hàng” trên cơ sở xây dựng các phòng công tác xã hội tại các bệnh viện. Các đơn vị chăm sóc “khách hàng” còn có nhiệm vụ truyền thông, giáo dục sức khỏe tập trung tại các khoa khám bệnh của các bệnh viện.

- Các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai trang phục y tế theo quy định của Bộ Y tế, giúp người dân dễ dàng nhận biết các chức danh chuyên môn nghề nghiệp của công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở và nghiêm túc thực hiện từ ngày 01-01-2016.

- Tiếp tục thực hiện và bảo đảm thông suốt 24/24 giờ đường dây “điện thoại nóng”, “hòm thư góp ý” ở các bệnh viện tuyến trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trong toàn ngành để tiếp nhận nhanh những thông tin, phản ánh của người dân; có biện pháp xử lý kịp thời; tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động của cán bộ, nhân viên công chức, viên chức trong ngành y tế.

- Triển khai Đề án “Tiếp sức người bệnh trong bệnh viện”, nhằm giúp người bệnh tiếp cận nhanh với các dịch vụ y tế, giảm tình trạng “cò” bệnh viện, từng bước xây dựng đội ngũ tình nguyện viên giúp đỡ người bệnh tại các bệnh viện.

- Xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực của cán bộ, nhân viên y tế theo phương châm: “Người bệnh đến đón tiếp niềm nở, người bệnh ở chăm sóc tận tình, người bệnh về dặn dò chu đáo”./.